Nỗi đau chưa phút nào nguôi ở vùng “rốn” lũ Đà Bắc

Ngày 20-10, từ TP Hòa Bình (Hòa Bình), chúng tôi mất hơn 7 giờ đồng hồ mới đặt chân lên được khu vực ở tạm của 25 hộ dân ở xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc – Hòa Bình) trước đó bị mưa lũ cuốn phăng nhà. Đã hơn 10 ngày trôi qua, kể từ thời điểm đỉnh lũ, nhưng nhìn những gì còn lại sau lũ dữ ở đây cũng như các địa bàn lân cận, chúng tôi thấy xót xa lòng. Sức tàn phá của mưa lũ thật đáng sợ.

Vẫn tan hoang sau lũ dữ

Con đường tỉnh lộ 433 nối TP Hòa Bình với thị trấn Đà Bắc thật khó đi. Nhiều vị trí bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá vẫn ngổn ngang. Dấu tích của trận lũ lịch sử vào đêm 9, rạng sáng 10-10 vừa qua còn đó. Chúng tôi không tin vào mắt mình khi chứng kiến ngôi Trường Mầm non Đoàn Kết ở xóm Cang, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) nằm nép mình bên tỉnh lộ 433 bị đất, đá chất cao đến cả mét. Nước lũ “ngoạm” nham nhở các phòng học.

Thiếu tá Bàn Văn Luân, Đội trưởng Đội An ninh – Công an huyện Đà Bắc, người dẫn đường cho chúng tôi, không khỏi xót xa: “Chỉ trong một đêm, mưa lũ đã khiến nhiều ngôi nhà, trường học trên địa bàn ngập trong đất, đá. Cuộc sống của bà con vốn khó khăn nay càng chất chồng khó khăn hơn”.

Do nhiều vị trí đất, đá còn nằm chình ình giữa đường nên chúng tôi “lượn vòng” qua nhiều tuyến đường liên thôn, xóm. Thiên tai đang đè nặng lên đôi vai bà con Đà Bắc. Nó xuất hiện và cướp đi nhiều thứ của bà con nơi đây.

12h30 ngày 20-10, chúng tôi dừng chân tại xã Yên Hòa. Toàn bộ con đường trung tâm – xóm Kìa (Yên Hòa) giờ bị hở hàm ếch nghiêm trọng. Con đường trải thảm nhựa đã nhường chỗ cho hàng loạt “ổ trâu”, “ổ voi” sâu từ 1-2 mét. Cảnh tan hoang hiện hữu nơi xóm Kìa.

Chị Lường Thị Định sinh sống ở đây đã được 43 năm. Với chị cũng như nhiều người dân ở xã chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào có sức tàn phá nặng nề như vậy. Chị Định nhớ như in khoảnh khắc kinh hoàng: “Nước lũ xuất hiện từ chiều 9-10, song khoảng 2h ngày 10-10, bất chợt nước lũ kéo theo đất đá cứ thế giội về xóm. Trong chốc lát ngôi nhà, cửa hàng tạp hóa vốn cao hơn mặt đường 70cm của mình nhanh chóng ngập trong nước và bùn đất…!”.

Bà con xóm Nhạp xuống bến đò nhận hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm.

Nước lũ kéo theo đất, đá nhanh chóng chia cắt tuyến đường liên xóm Kìa, xóm Hạt. Bà con Yên Hòa lúc này chỉ còn biết tìm cho mình vị trí cao nhất trong nhà để tránh lũ. Ông Lương Ngọc Quyết, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, Yên Hòa là xã vùng 2 của huyện Đà Bắc, nằm cách trung tâm huyện 60km.

Xã gồm có 4 dân tộc: Tày, Mường, Dao, Kinh với 452 hộ (1.700 nhân khẩu). Ngày 10-10, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 10, trên địa bàn đã xảy ra lũ quét, lũ ống gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mưa lũ đã cuối trôi 1 người, 4km đường bị hư hỏng, trên 50 ngôi nhà bị cuốn trôi tài sản, vật dụng sinh hoạt cùng nhiều đàn gia súc, diện tích hoa màu…

Đáng chú ý, hiện Trạm y tế của xã bị khoảng 400m3 đất đá vùi lấp sân, bờ tường bao quanh khoảng 300m bị sập hoàn toàn.

Bà con Đà Bắc rất cần sự sẻ chia

Thời điểm chúng tôi về Đà Bắc đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ thời điểm đỉnh lũ. Ngay sau khi lũ dữ qua, các cấp ủy, chính quyền cùng đơn vị chức năng đã sát cánh cùng bà con gượng dậy sau cơn lũ. Hàng loạt phương tiện, trang thiết bị như: mày xúc, máy ủi… được huy động để thông các tuyến đường, song do mưa lớn kéo dài, các điểm sạt lở xuất hiện nhiều nên hiện còn không ít thôn, xóm bị chia cắt địa hình, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.

Trở về trụ sở sau nhiều ngày cùng đồng đội “bám” vùng lũ, Thượng tá Đỗ Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Đà Bắc cho biết, đến thời điểm hiện tại, do lượng đất, đá, vị trí sạt lở, các điểm hở hàm ếch “bủa vây” đường liên xã, liên thôn còn nhiều, một số xã bị tắc cục bộ.

Điển hình như, tuyến từ thị trấn Đà Bắc đi Đồng Nghê mới thông xe đến km78 (tại xã Suối Nánh) và mới thông tuyến từ thị trấn Đà Bắc đi xã Yên Hòa. Còn một số địa bàn khác phải tiếp cận bằng đường thủy như: xóm Nhạp (Đồng Ruộng), xóm Kế (Mường Chiềng), xã Đồng Chum, xã Suối Nánh…

Đúng như lời đồng chí Phó trưởng Công an huyện chia sẻ, đi trên con đường tỉnh lộ nối từ thị trấn Đà Bắc dẫn sang xã Đồng Ruộng, chúng tôi nhiều lần phải “đếm” từng mét đường khi nhiều vị trị bị sạt lở nghiêm trọng. Bến Hạt hiện lên trước mắt chúng tôi trong vẻ tiêu điều.

Chúng tôi “tăng bo” đến xóm Nhạp (Đồng Ruộng) bằng con đò của anh Lường Văn Tuyên ở xóm Hổm (xã Đồng Ruộng). Sau gần 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên dòng sông Đà cuộn chảy, chúng tôi có mặt tại chân đồi Tân Hương. Quả đồi này hiện đang là nơi cư trú của 25 hộ dân xóm Nhạp sau một đêm đã bị mưa lũ cuốn phăng nhà.

Phóng viên Báo CAND và cán bộ Công an huyện Đà Bắc thăm hỏi gia đình bà Vì Thị Lon, ở xóm Nhạp.

Dưới ánh nắng chiều đang sẫm lại, màu xanh của những lán trại dã chiến do lực lượng Công an, Bộ đội dựng cách đây không lâu hiện ra trước mắt chúng tôi. Bà con xóm Nhạp chưa hết bàng hoàng trước những gì mới xảy ra với mình.

Bà Vì Thị Lon, người dân tộc Thái năm nay 64 tuổi vừa nhận quà cứu trợ trở về lán trại. Bà ngước đôi mắt thất thần nhìn về phía xa rồi tâm sự, cuộc sống gia đình bà vốn khó khăn nay càng vất vả hơn khi ngôi nhà của bà giờ đã ngập sâu trong đất, đá. Vợ chồng bà ở với cậu con trai út. Nhà mất rồi, ruộng nương cũng không còn. Bà Lon mong muốn: “Trời đừng mưa nữa. Mong sao, gia đình tôi sớm có chỗ ở ổn định”.

Bác Quách Công Hung, Bí thư Chi bộ xóm Nhạp tất tả đến từng lán trại để động viên bà con sớm vượt qua khó khăn trước mắt. Thấy chúng tôi đến, bác Hung nắm chặt tay rồi nói, bữa cơm, giấc ngủ của bà con… giờ cũng nhờ chính quyền địa phương và những nhà hảo tâm. Hy vọng rằng, tới đây, khó khăn sẽ sớm vơi đi. Bà con sẽ ổn định cuộc sống.

“Giờ khó khăn nhất đối với bà con xóm Nhạp chính là điện lưới và nước sạch các chú ạ”, bác Hung tiếp lời.

Theo báo cáo của Công an huyện Đà Bắc, trận lũ lịch sử trên địa bàn vừa qua đã khiến 6 người chết, 8 người bị thương và 5 người mất tích. Để đảm bảo an toàn, tạo điều kiện cho các hộ dân bị mất nhà do mưa lũ, lực lượng Công an, Quân đội đã chủ động dựng 50 lều bạt cho các hộ gia đình ở tạm.

Cùng với đó, Công an huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông…; lên phương án đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân.

Cũng theo đại diện Công an huyện Đà Bắc, đến nay, trên địa bàn có khoảng 345 hộ dân cần di dời khẩn cấp do hiện tượng đồi trên phía sau nhà bị nứt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây mất an toàn, cuộc sống của bà con rất cần sự chung tay sẻ chia của các nhà hảo tâm.

Theo báo công an nhân dân