Nhói lòng nghe tiếng khóc của cô gái trẻ: “Xin hãy giúp em cháu với, cứu lấy em cháu với…”
Bố mắc bệnh tâm thần, mẹ bỏ nhà ra đi không một tin tức. Hai đứa trẻ nương tựa vào nhau mưu sinh kiếm sống với mong muốn có tiền chữa trị cho bố và tìm được mẹ. Nhưng nỗi đau lại ập đến khi cậu em trai bị tai nạn lao động, có nguy cơ liệt toàn thân.
“Xin hãy giúp em cháu với, cứu lấy em cháu với”, đó là những lời cầu cứu cho cậu em mình của một người chị gái bằng giọng nghẹn ngào, run run. Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm về gia đình em Lê Văn Trọng (SN 1994), thôn 2, xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Đó là một căn nhà cấp bốn cũ nát, phía trước nhà rau cỏ mọc um tùm. Trong căn nhà ấy là hai phận người quá bi đát. Khi chúng tôi đến nơi cũng là lúc em Lê Thị Long (SN 1989, chị gái của Trọng) vừa tranh thủ từ nhà chồng về thăm bố và em.
Bước chân vào nhà, trước mắt chúng tôi là một người đàn ông chừng 50 tuổi nằm ở góc giường, thấy khách vào, ông vẫn thản nhiên như không, miệng nói lẩm bẩm không ngừng. Để giải đáp thắc mắc của chúng tôi, Long cho biết, đó là ông Lê Văn Trung, bố em vốn bị bệnh tâm thần đã mấy chục năm nay.
Trên khuôn mặt còn lấm tấm những giọt mồ hôi, chưa kịp cởi chiếc áo chống nắng, thấy em trai đang nằm trên chiếc ghế xếp sát tường đang cố nhoài người dậy nhưng không thể, Long vội chạy lại đỡ cậu em trai ngồi dậy.
Người chị gái thân hình nhỏ nhắn, cố gắng dùng sức để đỡ cậu em trai, phía sau là người bố vẫn thản nhiên lẩm bẩm trong mồm như chẳng có chuyện gì khiến chúng tôi thấy cay cay sống mũi.
Với Long, đã bao năm qua em chứng kiến cái cảnh bi đát của bố và em trai, nhưng khi nhìn thấy em trai không tự ngồi dậy được, Long như đang cố kìm nén những giọt nước mắt tủi thân, Long chẳng còn biết làm gì hơn để giúp em trai mình.
Hai chị em Long sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh kém may mắn, bố thì mắc bệnh tâm thần, mẹ thì bỏ đi khi các em còn nhỏ. Hai đứa trẻ dựa vào nhau mà sống cùng với sự giúp đỡ của anh em và bà con lối xóm.
Phải vất vả lao động kiếm sống từ bé, còn phải chăm sóc người cha tâm thần nên cả hai chị em phải bỏ dở việc học hành đi làm thuê. Đến khi trưởng thành, theo bạn bè ngược xuôi làm ăn với hi vọng chữa được bệnh cho bố, tìm được mẹ. Cuộc sống của chị em tưởng sẽ thay đổi. Nhưng tai họa lại bất ngờ đổ ập xuống khiến giờ đây Trọng trở thành một thanh niên tàn tật.
Thương chị, nhưng biết làm gì khi mà đến bản thân em cũng không lo nổi. Vốn là lao động tự do bằng nhiều nghề như phụ hồ, bê tông, làm cốt pha… nặng nhẹ gì Trọng cũng đã trải qua.
Năm 2010, trong một lần lao động, không may bị ngã giàn giáo, chủ sử dụng lao động có đưa Trọng đi kiểm tra và bảo không vấn đề gì. Tuy nhiên, một thời gian sau, em thấy cơ thể mình có thay đổi, những cơn đau buốt từ xương háng, xương sống lưng, càng ngày đi lại càng khó khăn.
Đã nhiều năm qua, Long đưa em đến nhiều nơi để thăm khám, uống thuốc và điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn. Hiện tại Trọng không thể đi lại được, phải nằm một chỗ, muốn di chuyển phải lết dần hoặc phải có người nâng đỡ.
Mới đây, qua chẩn đoán của bác sĩ thì tình trạng của Trọng cần phải nhập viện điều trị, phải được phẫu thuật ngay nếu như không muốn tàn tật, liệt vĩnh viễn. Bởi hai khớp háng đã bị thoái hóa và các đốt sống lưng đã dính vào với nhau gần hết.
Tuy nhiên, để điều trị và tiến hành phẫu thuật, chi phí ca mổ đã 100 triệu đồng. Thương em, Long cũng đã lo nhiều cách, nhưng với khoản kinh phí quá lớn nên Long đành chấp nhận đưa em về nhà.
Long làm được gì với mức lương của công nhân giày da, còn phải lo cho gia đình nhỏ của mình. Chắt chiu lắm, hàng tháng em cũng chỉ giúp bố và em trai ít tiền mua gạo, thức ăn mà thôi.
Bà Trịnh Thị Khuyên, hàng xóm, chia sẻ: “Hoàn cảnh cháu quá khổ, mẹ bỏ đi không biết còn hay chết, chị gái lấy chồng xa, bố lại thần kinh quá nặng. Anh em, hàng xóm cũng chạy đi chạy lại, thi thoảng cho được ít gạo, ít rau. Mặc dù anh em, hàng xóm và các cấp chính quyền quan tâm nhưng thấm vào đâu được, nhìn cái cảnh thấy quá khổ”.
Còn ông Lê Đình Toán, Trưởng thôn 2, cho biết: “Gia đình cháu Trọng hiện nay rất khó khăn, bữa cơm hàng ngày chưa đủ no, mà trong nhà lại không có người lao động. Ngay cả sinh hoạt cá nhân của hai bố con còn phải nhờ đến hàng xóm thì lấy đâu ra tiền chữa bệnh. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm tới hoàn cảnh gia đình cháu, nhưng số tiền điều trị rất lớn rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm”.
Bố tâm thần, không có mẹ bên cạnh, chị giá thì đi lấy chồng nên mỗi ngày một mình Trọng vật lộn với nỗi đau thể xác. 23 tuổi, lẽ ra là cái tuổi đang tràn đầy sức sống với bao ước mơ, nhưng giờ đây, Trọng lại phải nằm một chỗ.
Lời cầu cứu của người chị gái cũng là mong muốn của chúng tôi và những người hàng xóm cũng như chính quyền địa phương để em Lê Văn Trọng có cơ hội được sống…
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Lê Thị Long: Thôn 2, xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. ĐT: 0163 950 4955.
Nguồn: Dân trí