Nhiều người đeo tượng Phật trên người mà không biết mình đang bất kính với Phật

Ngày nay, có không ít người dùng tượng Phật như một món đồ trang sức, ví như làm dây chuyền, đeo cổ tay, hoặc dùng tượng Phật để trang trí, hoặc đeo tượng Phật lên người với mong muốn được Phật phù hộ độ trì.

Tuy nhiên, việc làm đó là bất kính với Thần Phật. Thân thể con người vốn bất tịnh, vậy nên vốn dĩ đã không nên mang Thánh Tượng bên mình. Còn việc mang vào nhà vệ sinh hay khi đi ngủ thì càng không nên.

Người xưa có nói ”Kính thầy mới được làm thầy”. Chúng ta có tôn kính Phật thì chúng ta mới dần dần tu dưỡng được những đức tính của Phật nơi tâm của mình. Chúng ta có tôn kính một bậc Thánh nào đó thì chúng ta mới thành tựu một phần các tính chất của bậc Thánh đó. Ngược lại, việc bất kính với bậc thánh thì quả báo lại rất nặng nề. Đó là Nhân quả.

 

Tượng Phật là tôn nghiêm chỉ để con người thờ cúng

Tượng Phật là tôn nghiêm chỉ để con người thờ cúng, lễ bái tỏ lòng tôn kính của mình đối với Thần Phật, chứ tuyệt đối không được làm trang sức hay trang trí, đó là một hành động thiếu hiểu biết và gieo nhân không tốt, sẽ nhận quả xấu.

Ngày xưa có vị tỳ kheo đạo hạnh, vô tình dựng cây gậy tựa vào mặt Phật ở vách tường, bị sư phụ quở mất đạo quả sắp sửa chứng. Hoặc bây giờ, có người cầm cuốn sách in ảnh Phật để nơi không trang nghiêm… sẽ bị tổn phước rất nhiều. Đối với người tu luyện càng thận trọng điều này.

Cách đây không lâu, các tín đồ phật giáo Myanmar lên tiếng chỉ trích việc tà áo dài Việt Nam in hình tháp xá lợi Phật chùa Shwedagon (chùa Vàng) một ngôi chùa linh thiêng của đất nước Myanmar. Sự phản ứng gay gắt của số đông khiến Vietnam Airlines phải lên tiếng xin lỗi và rút kinh nghiệm về việc chọn mẫu thiết kế của mình.

Đeo hình tượng Phật bên người là bất kính với Phật

Một em gái đi chùa lễ Phật, lễ xong em vừa ra đến sân chùa, gặp một quân nhân đứng ngắm cảnh. Thấy em, quân nhân liền hỏi: “Em đi đâu thế?”. Bé gái đáp: “Em đi chùa lễ Phật”. Quân nhân hỏi: “Tượng Phật bằng gỗ bằng xi măng, em lễ cái gì?”. Bé gái hỏi lại: “Ở doanh trại anh mỗi sáng có chào cờ không?”. Quân nhân đáp: “Sáng nào cũng chào cờ”. Bé gái hỏi: “Cờ bằng vải bằng màu, tại sao phải nghiêm trang chào?”.

Quân nhân đáp: “Chào tinh thần tổ quốc được tượng trưng qua lá cờ, chứ không phải chào vải màu”. Bé gái nói: “Cũng thế, em lạy tinh thần từ bi giác ngộ của Phật được tượng trưng qua hình tượng chứ không phải lạy gỗ lạy xi măng”. Vị quân nhân đành thôi.

Nhiều người cho rằng Phật chỉ là khối đá xi măng, không nên chấp vào là do chưa hiểu rõ nhân quả. Phật tuy không chấp không giận, nhưng luật Nhân quả thì nghiêm khắc không lệ thuộc ý muốn của chúng ta.