Người mẹ của hàng trăm trẻ tật nguyền ở Hải Phòng đã yên nghỉ mãi mãi khiến bao người nghẹn ngào khóc thương

‘Mẹ mất rồi chị ạ!’. Đó là câu đầu tiên tôi nghe được từ đầu dây bên kia. Phút giây mừng rỡ khi thấy số điện thoại của cô sau bao ngày xa cách bỗng chốc thay bằng cảm giác hụt hẫng. Vẫn biết ngày này sẽ tới nhưng vẫn khó chấp nhận vì một người tốt đã ra đi vì bạo bệnh và càng khó chấp nhận hơn bởi gánh nặng vừa tuột khỏi vai cô quá lớn, biết ai gồng gánh, tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ tật nguyền tại mái ấm Thiện Giao.

Biết đến bà lần đầu tiên vào những ngày hè năm 2013, khi chúng tôi – những phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện phóng sự cho Chương trình “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Tìm về Đồ Sơn (Hải Phòng), chỉ cần hỏi bà Trần Thị Thanh Hương, mẹ của những đứa con tật nguyền, chúng tôi dễ dàng tìm ra cơ sở nuôi trẻ khuyết tật Thiện Giao.

Kéo cánh cửa bằng tre nứa xiêu vẹo chưa kịp sửa sau cơn bão vừa qua, đón chúng tôi là một người đàn bà với gương mặt ướt sũng mồ hôi, đầu đội chiếc khăn mặt, quần xắn, chân đi đất. Đằng sau bà là cả chục ánh mắt ngây dại, tò mò nhìn những vị khách lạ.

Ấn tượng ban đầu về bà là giọng nói ồm ồm, tiếng cười vang như đàn ông và bà hút thuốc. Cái cách hút còn nghề hơn cả đàn ông nhưng lại mang một trái tim của người mẹ vĩ đại. Vì bà đã tự nguyện nuôi nấng hàng trăm đứa con tật nguyền, nhiễm chất độc da cam không phải do mình đẻ ra.

Cô Trần Thị Thanh Hương (thứ hai từ trái sang) cùng các con đi làm thiện nguyện. Ảnh: Thu Phương.

“Đứa trẻ” lớn nhất của bà giờ cũng gần 40 tuổi đầu, ấy vậy mà khi kể về chúng, bằng giọng kể đầy lạc quan, yêu đời, bà chỉ thấy ở chúng những nét đáng yêu, ngây thơ. Ánh mắt bà cười khi thấy chúng đã “lớn”, khác hẳn hồi mới về với bà.

Tôi hỏi vì sao đặt tên mái ấm là Thiện Giao, bà cười nói Thiện Giao chính là Dạo Thiên. Bà muốn xây dựng thiên đường ngay tại hạ giới. Ở đây mọi người đều có quyền sống, bình đẳng và vươn lên bằng chính nghị lực, sức lao động của mình.

Dường như bà sinh ra để gánh lấy gánh nặng của bao gia đình, bao người mẹ. Lũ trẻ lớn lên nhờ những đàn lợn, nhờ những vụ nấm mà bà sớm hôm tần tảo… Bắt đầu từ năm 1972, khi bà còn là một cô chiến sĩ gốc Huế xinh đẹp, một lần về phép đến Quảng Trị, thấy hai người con của đồng đội bị thương nặng không ai chăm sóc, bà đã tình nguyện mang về nuôi. Cứ thế, tình yêu với trẻ thơ hay nghiệp số của bà bắt đầu từ đó.

Thấy bà Hương mát tay, nhiều đồng đội là thương binh, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn đã tìm đến gửi gắm những đứa con không lành lặn của họ. Bà hy sinh hạnh phúc riêng, hy sinh tuổi thanh xuân để chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ. Người đàn bà chưa một lần làm mẹ ấy đã có thời điểm làm mẹ của gần 200 đứa con. Những mảnh đời bất hạnh ấy phần lớn mang trong mình mầm bệnh của chiến tranh, đứa thiểu năng, đứa què, liệt… đều được bà nuôi miễn phí và hết lòng chăm sóc như con đẻ. Bởi vậy mà bà bị miệng lưỡi thế gian gọi “Hương dở hơi”.

Cô Trần Thị Thanh Hương (thứ ba từ phải sang) bên các con và khách thăm cơ sở nuôi trẻ khuyết tật Thiện Giao. Ảnh: Thu Phương.

Chẳng màng thiên hạ nghĩ gì, chỉ miễn sao không làm tổn thương các con, miễn sao chúng có một mái nhà, được đối xử và chăm sóc như một con người, là bà thấy hạnh phúc.

Không chỉ bươn chải, chống lại cái nghèo, mang miếng cơm manh áo về cho các con, chống chọi lại những cơn điên bất chợt như đốt cháy cả dãy nhà của thằng Trầm, những lần lấy phân bôi khắp nhà, khắp người của thằng Hạnh… mà bà còn phải chống chọi lại với căn bệnh ung thư quái ác đã đeo đẳng gần nửa đời người.

Cơ duyên từ đó, tôi có dịp gặp bà nhiều hơn, mỗi lần lễ Tết hay Ngày Báo chí Việt Nam bà đều lên thăm và tặng báo những sản phẩm “cây nhà lá vườn” như tượng thạch cao Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tranh thêu tay về Đại tướng. Bà bảo đó là phút thảnh thơi nhất sau những giờ vất vả chăm sóc các con, một mình ngồi cặm cụi thêu tranh, thêu cho qua thời gian, thêu cho quên cơn đau đang hành hạ mỗi đêm.

Coi tôi là người nhà, lần nào lên Hà Nội tham gia chương trình Chuyện đương thời của VTV hay đi thăm hỏi đồng đội, bà đều gọi tôi. Gặp nhau lần nào cũng vội, chả kịp mời bà một bữa ăn cho tươm tất bởi bà phải về với các con không chúng mong. Chúng nó sẽ không chịu ngủ nếu đêm đó mẹ không về.

Lần nào bão đổ về Hải Phòng bà cũng gọi điện thông báo cả nhà an toàn. Chẳng tiếc gia sản, bà bỏ lại hết, chỉ kéo hàng chục đứa con đi trú nhờ. Bọn trẻ thì vui lắm vì cứ nghĩ được đi chơi. Một lần gọi điện hỏi thăm, bà hỏi tôi làm thế nào để xin tham gia chương trình Lục lạc vàng, mượn 10 con bò giống, sau khi chúng đẻ bà sẽ trả lại. Tìm hiểu thấy nhiều thủ tục rườm rà, tôi và mấy người bạn đã góp tiền tặng bà 2 con bò. Ngày mang bò xuống, tôi thấy bà và các con vui lắm, tôi cũng vậy!

Xuống thăm bà vài lần, tôi mừng vì cộng với sự giúp đỡ của nhiều người khác, giờ đàn bò đã lên tới con số mà bà mơ ước ban đầu. Cứ thế tin qua tin lại, câu chuyện lúc nào cũng rôm rả quanh chủ đề các con của bà, nụ cười bà lúc nào cũng giòn tan và tràn đầy tình yêu đời, yêu người. Tôi mừng hơn vì dưới bàn tay vun vén của bà, mái ấm Thiện Giao ngày càng khang trang nhưng cũng buồn hơn vì sức khỏe bà ngày càng kém.

Mẹ ơi, đừng chết! Lần nào bà nằm viện, bọn trẻ lại sợ hãi kêu như vậy dù chúng chẳng hiểu cái chết là gì, chỉ biết không được nhìn thấy bà hằng ngày.

Biết bệnh ngày càng khó qua, thời gian gần đây, mọi công việc trong gia đình bà đã giao cho 3 người con là Phương, Thanh và Việt, nhưng tôi biết nếu bà về trời vẫn canh cánh trong lòng: Ai sẽ lo cho bọn trẻ, và chúng sẽ sống ra sao?

Những năm gần cuối đời, bà lên Hà Nội nhiều hơn. Thật, tôi chưa thấy bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nào như bà mà lạc quan đến vậy. Nhìn khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi vì đau nhưng vẫn cố nở nụ cười, bà tâm niệm đau là việc của bệnh, sống là việc của mình. Bà từ chối những phác đồ điều trị. Bà bảo, ung thư sống được từng ấy năm đã là may mắn hơn bao người. Nên dùng tiền vào việc có ích hơn, như vậy các con bà sẽ không mất đi những khẩu phần ăn.

Chỉ thương những đứa trẻ, lần nào gọi điện lên cũng hỏi mẹ đi đâu, bao giờ mẹ về?

Cuộc đời của người đàn bà gần 62 tuổi cứ thế lặng lẽ bên những đứa con mà bà coi như máu mủ của mình và chúng cũng yêu thương gọi bà là mẹ, tiếng mẹ mê dại, ngọng nghịu khiến bà đi đâu cũng nhớ đứt ruột.

Bà về trời, nhưng nhiều đứa con chưa đủ “lớn”, đủ khôn để hiểu chúng vừa mất đi một người mẹ. Hẳn nhiều đứa vẫn đang thấp thỏm mang trong mình câu hỏi không lời đáp, bao giờ thì mẹ trở về…

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày nắng ấm, nhưng lòng tôi bỗng tê tái lạnh bởi sự ra đi của một người mà tôi yêu quý. Tự đáy lòng mình, tôi thành kính thắp lên nén tâm hương, dâng lên bà, người đã cho tôi hiểu hơn về cuộc đời, về tình người, tình mẹ bao la…

Theo qdnd.vn