“Nghiệp phi nghiệp, chân phi chân, Phật phi Phật” nghĩa là như thế nào?

Để đối trị bệnh chấp cố định đó, Phật nói “Nghiệp phi nghiệp”. Nghiệp phi nghiệp nghĩa là sao? Trong kinh thường dạy: Do nghiệp dẫn mà chúng sinh luân hồi trong lục đạo. Vậy nghiệp từ đâu mà có?

HỎI

Thưa thầy, câu “Nghiệp phi nghiệp, chân phi chân, Phật phi Phật”. Nghĩa như thế nào?

ĐÁP

Thông thường khi thấy, hay nói điều gì chúng ta có thói quen là khẳng định. Ví dụ như nói về nghiệp thì khẳng định là nghiệp không thể chuyển, nghiệp đã tạo rồi thì phải chịu. Thế nên tu mới gặp chướng duyên thử thách thì thối tâm, cho rằng nghiệp của mình như thế không tránh khỏi.

Đó là khẳng định nghiệp cố định không thể chuyển. Để đối trị bệnh chấp cố định đó, Phật nói “Nghiệp phi nghiệp”. Nghiệp phi nghiệp nghĩa là sao?

Trong kinh thường dạy: Do nghiệp dẫn mà chúng sinh luân hồi trong lục đạo. Vậy nghiệp từ đâu mà có? Nghiệp được xuất phát từ thân, khẩu, ý, gọi là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân làm lành hoặc làm ác, miệng nói hiền hoặc nói dữ, ý nghĩ tốt hoặc nghĩ xấu. Tuy chia ra ba nghiệp, nhưng chủ là ý. Song, ý có thật không?

Ảnh internet

Thiền sư Khuê Phong có nói rằng: “Thể không mà thành sự”. Thể của ý nghiệp là không, nhưng nếu tạo tác thì thành sự.

Người tu làm được những việc như thế này thì mới mong chuyển nghiệp

Ví dụ quý vị đang sống bình thường vui vẻ, bỗng dưng có người đến xúc phạm quý vị, lúc đó ý quý vị nổi giận, tiếp theo là miệng nói bậy, thân làm bậy tạo thành nghiệp bất thiện. Bấy giờ nếu quý vị vừa nổi giận, liền biết mình giận, nhìn kỹ cơn giận xem nó từ đâu mà ra? Khi nhìn nó thì nó lặng mất.

Lúc cơn giận lặng, quý vị có biết nó trốn ở đâu không? Nó không có chỗ nơi. Khi cơn giận dấy lên, không biết từ đâu khởi và khi lặng xuống cũng không biết về chỗ nào? Vậy cơn giận có thật không? Không. Thế nên nói thể nó là không.

Nếu cơn giận nổi lên, miệng chửi, tay đánh gây khổ cho người thì thành sự. Nghiệp có là do ý, mà ý đã không thật thì nghiệp có thật không? Nghiệp không có thật nên nói “Nghiệp mà phi nghiệp”. Như vậy, khẳng định nghiệp không thể chuyển là sai lầm.

Tại sao? Vì nó không thật nên nó có thể chuyển. Để phá chấp “nghiệp cố định” nên trong kinh nói “nghiệp phi nghiệp”.

Ảnh internet

“Chân phi chân“. Thông thường chúng ta nhìn sự vật với cái thấy hai bên đây là vọng, kia là chân, đây là giả, kia là thật. Khi thấy giả thấy thật, thấy vọng thấy chân, chúng ta cũng cho là cố định, giả cố định, thật cố định, vọng cố định, chân cố định… Nhưng với người đạt đạo thì không thấy như vậy. Cái chân không tự có, nhờ cái giả nên đối đãi lập ra cái chân. Do có ác nên đối đãi lập ra thiện.

Nghiệp ác

Ngược với vọng thì gọi là chân, nếu không có vọng thì đâu có nói chân! Vậy, chân là giả danh đối với vọng lập ra, nó không có thật. Không thật, nhưng lúc mê thấy có vọng và chân. Để phá chấp chân là thật nên nói “chân phi chân”.

“Phật phi Phật” cũng vậy. Phật là giác, giác là đối với mê. Bởi có chúng sinh mê nên nói Phật giác. Nếu hết chúng sinh rồi, thì danh từ Phật không còn nữa. Nếu tất cả chúng sinh đều giác hết thì có còn nói Phật và chúng sinh nữa không? Lúc đó không còn nói Phật. Vì ai cũng như ai, song người giác ngộ vẫn có.

Phật là danh từ đối đãi giả lập không thật. Vì vậy mà nói “Phật phi Phật”. Nghĩa phi Phật là như vậy, chứ không phải không có Phật. Còn có chúng sinh thì danh từ Phật còn, hết chúng sinh thì danh từ Phật cũng bỏ.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ