Ngậm ngùi hình ảnh những đứa trẻ phải bán tuổi thơ để mưu sinh
Đáng lẽ ở tuổi này các em sẽ được đi chơi, được học hành tử tế, nhưng các em lại phải bán đi tuổi thơ lang thang đi mưu sinh kiếm sống bỏ xa giấc mơ đèn sách. Nhìn những bức ảnh sau này, sẽ khó có ai có thể kìm được nước mắt
Tiếng gọi mời trong trẻo giữa âm thanh náo nhiệt nơi phố thị
Giữa cái nóng oi ả của mùa hè, trong dòng người đang hối hả ngược xuôi, người ta dễ dàng bắt gặp những đôi chân nhỏ bé, gầy guộc lê bước khắp các hang cùng ngõ hẻm bán từng tờ vé số, từng ổ bánh mì, từng cục kẹo mút… Đó là những đứa trẻ tranh thủ những ngày nghỉ hè, rời quê theo cha mẹ ra thành phố kiếm thêm tiền mua tập vở cho năm học mới…
“Cô ơi mua giùm con tờ vé số”
“Chú ơi mua giúp con ổ bánh mì”
Tiếng gọi mời trong trẻo của các em giữa những âm thanh xô bồ náo nhiệt nơi phố thị như tiếng gọi tha thiết của niềm hy vọng về tương lai. Đằng sau cuộc sống mưu sinh lầm lũi kia là mong ước cháy bỏng được đến trường như bao bạn nhỏ khác…
Những ánh mắt ngây thơ tội nghiệp ám ảnh biết bao du khách
Nhìn dáng người loắt choắt của những cô bé, cậu bé Người Mông, Dao, Tày độ tuổi 6, 7, trên lưng cõng theo nhưng những em nhỏ 2, 3 tháng tuổi mưu sinh ở khu du lịch Sapa khiến không ít người chạnh lòng.
Có em phải đi bộ từ sáng sớm nửa ngày đường mới đến nơi, và khi màn sương đêm bao phủ, nhiều em lại ngủ lại bên vệ đường, dưới gốc cây…
Khó khăn khổ cực là vậy nhưng khao khát được đến trường của những đứa trẻ vùng núi Sapa vẫn chưa bao giờ vơi bớt. Mỗi khi vãng khách, các em lại tranh thủ đem tập vở, cây bút ra luyện viết và ôn bài. Mong ước biết cái chữ để thoát nghèo, tưởng chừng như đơn giản nhưng đối với những cô bé, cậu bé vùng cao này thì thật là xa vời…
Khi cái Tết cũng không trọn vẹn…
Những ngày cận kề Tết, trong cái lạnh rét đậm rét hại những ngày cuối đông, khi các bạn xúng xính theo chân bố mẹ đi sắm Tết, có những em nhỏ, tranh thủ được mấy ngày nghỉ học, ra thành phố đánh giầy kiếm thêm chút tiền mua quần áo đi chơi Tết. Đôi chân trần và manh áo mỏng, môi cũng thâm đen tím tái vì lạnh, nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ mỗi khi có một vị khách gật đầu đồng ý đánh giầy.
Vì miếng cơm manh áo và những ước mơ giản dị, các em vẫn ngày đêm lặn lội tìm kế sinh nhai mà quên đi cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông để tự nuôi sống bản thân, đỡ đần gánh nặng cho gia đình. Dù cuộc sống còn đầy rẫy những khó khăn nhưng niềm tin về tương lai vẫn chưa bao giờ nguội tắt trong tâm trí trẻ thơ.
Hoàng hôn buông xuống, các em trở thành những cô, cậu chủ nhỏ
Hoa đăng từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa ở Hội An, đặc biệt vào những ngày rằm hay lễ Tết. Điều đặc biệt ở đây, “chủ hàng” ở đây đa số là những cô bé, cậu bé chỉ tầm 10 tuổi đổ lại.
“Mua hoa đăng đi chú ơi!”
“Hello, you buy candle!” (Chào chú, mua nến đi chú!)
“One dollar, thank you!” (1 đô-la, cảm ơn chú!)
Những tiếng chào mời, nụ cười hồn nhiên và sự thân thiện của những “chủ hàng nhí” khiến không khí mua bán hai bên bờ sông Hoài lúc nào thêm phần náo nhiệt, và cũng khiến nhiều người lớn xót xa…
Những mảnh đời éo le bên cạnh bãi rác…
Có những đứa trẻ, không được đến trường, không được vui đùa cùng bạn bè mà hằng ngày phải nhặt rác để mưu sinh. Cuộc sống của các em chỉ xoay quanh đống phế liệu và mùi hôi thối của những bãi rác.
Có một sự thật rằng, những đứa trẻ tội nghiệp kia, đang có nguy cơ đối mặt với những căn bệnh về da liễu, bệnh hô hấp và các bệnh về đường tiêu hóa khi tiếp xúc với những loại rác này mà chúng vẫn không hề hay biết.
Tuổi thơ của các em cần lắm được bình yên…
Nhìn những bức ảnh này, sẽ chẳng còn ai muốn phàn nàn với bố mẹ vì không được mua món đồ mà mình yêu thích, hay trách móc cuộc đời thật bất công khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống. Với các em nhỏ ấy, nỗi lo lắng, tuyệt vọng có lẽ là cảm xúc thường trực nhất trong tâm hồn, khi mà việc có cơm ăn áo mặc mỗi ngày cũng là một thử thách. Vì vậy, mỗi khi nghĩ đến những điều không may trong cuộc sống, mỗi khi buồn tủi về số phận mình, hãy nhớ đến những ánh mắt thơ trẻ giữa dòng đời xô bồ này, để thấy rằng có những mảnh đời bất hạnh hơn chúng ta, dù bị đẩy vào nơi cùng cực nhất của sự sống vẫn mỉm cười, kiên cường với ước mơ được đi học nhỏ nhoi…