Lời cầu nguyện trước cổng chùa của cụ bà đẩy xe lăn chở chồng đi bán vé số khiến nhiều người suy ngẫm

Mới đây, một sinh viên đã chia sẻ câu chuyện về bà lão hằng ngày đẩy xe lăn chở chồng bại liệt đi bán vé số mưu sinh trên Facebook khiến nhiều người xúc động.

Trong lần ghé thăm chùa Vĩnh Nghiêm ở quận 3 (TP.HCM), chàng trai Hồ Huy Hậu, sinh viên ngành ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã tình cờ bắt gặp hình ảnh đôi vợ chồng bà cụ bán vé số đang cầu nguyện trước cổng chùa. Sau đó, Huy Hậu đã chia sẻ câu chuyện lên Facebook cá nhân:

“Lúc đó tầm 5 giờ rưỡi sáng, kịp cho mấy bà hàng buôn bày hoa sen bán dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Một bà lão tóc bạc trắng, nay ước chừng 70 tuổi, tay này đẩy chiếc xe lăn chở một người đàn ông đầu trọc, tay kia cầm xấp vé số dày cộm, đi ngang chùa, bỗng bà đứng lại trước cổng, mắt dáo dác dõi vào trong chăm chăm, rồi tần ngần thật lâu.

Hỏi ra mới biết, bà cũng muốn vào lễ Phật nhưng nghẹt cái chiếc áo thun mặc trên người rách rưới, không đủ tươm tất nên bà e dè không dám bước qua cổng chính.

Và cũng bởi lẽ, nay là ngày Vu Lan hiếu hạnh, phận đời mồ côi như bà cũng muốn thắp nén hương, cũng muốn cài lên ngực áo đóa hoa hồng trắng nhớ mẹ, nhớ cha nhưng vì sáng nay buôn bán ế không dám mua hoa, hương lễ Phật, bà bảo nếu mua thì trưa nay nhịn đói mất.

Hình ảnh người phụ nữ tóc bạc trắng đẩy xe lăn chở chồng bại liệt đi bán vé số khiến nhiều người xúc động – Ảnh: Internet

Bà Thành khoe hồi xưa, bà cũng thuộc con nhà quyền quý, lại đẹp gái nên lắm người theo. Thế mà cái duyên cái nợ, qua nhà cô bạn chơi vài lần lại phải lòng anh Út.

“Anh Út què quặt vậy, chứ tâm hồn thơ ca lắm. Ngồi cửa sổ, đọc thơ, thổi sáo làm cô thơ thẩn không biết bao lần”- bà Thành vừa kể vừa tủm tỉm cười.

Rồi kết tóc xe duyên nhưng ngặt nỗi do sức khỏe của ông nên họ không thể sinh con. Nhiều lúc nằm nghĩ bà cũng buồn vu vơ vì gần cái tuổi 30, hai người vẫn chưa có mụn con nào cả.

Nhiều lần ông đuổi bà đi, nói rằng làm bà khổ quá nên muốn bà tìm người khác. Nghe chạnh lòng, bà mới khóc lóc mấy ngày trời. Ông đứt ruột lại thôi, hai vợ chồng cứ lặng lẽ sống vậy, bà cũng thôi lo nghĩ, cứ mặc kệ, không con chớ không có ông Út bà sống không được”.

Chàng trai trẻ kể tiếp, sau đó, bà đứng nép mình vào một góc bên cổng chùa rồi nhắm mắt, miệng lẩm bẩm: “Phận không con, không cha mẹ, chỉ có ảnh làm bạn đời nên Vu Lan con chỉ biết cầu cho ảnh (người chồng đang ngồi trên xe lăn) sức khỏe, sống hết kiếp này cùng con, kiếp sau còn nợ con vẫn muốn theo ảnh”.

Dịp Vu Lan, không có tiền mua hoa cài lên ngực, chẳng có quần áo tươm tất đi lễ chùa, bà Thành chỉ đứng lặng lẽ ở một góc trước cổng chùa cầu cho người chồng bại liệt sống cùng mình đến cuối đời – Ảnh: Internet

Kế đó, bà cúi xuống cầm lấy hai bàn tay run rẩy của chồng đan vào nhau rồi nói: “Anh Út cũng phải lạy thì Phật mới chứng lòng thành cho được sống lâu với tui nghen!”. Nghe vậy, ông Út cũng cúi đầu làm theo lời vợ rồi cứ cười khúc khích.

Bà Thành kể, 3 năm trước ông Út bị ngã, lên cơn tai biến, dù được cứu chữa kịp thời nhưng đầu óc hiện giờ không được tĩnh táo lắm, trí tuệ giống đứa trẻ 3 tuổi, chỉ biết tu tu khóc suốt ngày.

Cứ thế, mỗi ngày bà Thành vừa làm bổn phận một người vợ vừa tròn trách nhiệm làm mẹ chăm sóc chồng như đứa trẻ lên ba.

Chàng sinh viên trẻ hỏi bà có hối hận không, bà vô tư đáp lại: “Gì chứ cũng duyên nợ hết rồi con, còn duyên còn nợ nên mới sống cập kề nhau ở cái tuổi 70 này chứ!”.

Bà Thành và ông Út hiện đang sống với nhau tại căn nhà nhỏ thuộc quận Gò Vấp (TP.HCM) – Ảnh: Internet

Câu chuyện tình yêu gần 50 năm đầy biến cố của ông bà một lần nữa chứng minh, yêu thương là sức mạnh giúp con người vượt qua mọi khó khăn.

Theo Phụ nữ sức khỏe