Lạ lùng cách chữa bệnh của “thần y công chúa thuốc lào“ gây xôn xao dư luận

Khoảng 1 tháng nay trên mạng xã hội, các clip về “Công chúa thuốc lào” chữa bệnh nhận được sự theo dõi của hàng nghìn lượt người xem. Thông tin về “thần y” này cũng được lan rộng nhanh chóng…

Kỳ 1: Mục sở thị “công chúa thuốc lào” chữa bệnh

Theo clip, người bệnh lần đến…

Theo clip phát trực tiếp buổi chữa bệnh của người xưng “cô” Nhung, bệnh nhân hầu hết là người liệt nửa người sau tai biến, tai nạn hoặc trẻ bại liệt, câm điếc bẩm sinh. Theo hình ảnh các clip này, bệnh nhân phục hồi “thần kỳ” có thể tự đứng, đi được vài bước hoặc với sự trợ giúp của người nhà sau khi được bẻ, kéo, vặn… thậm chí dùng tay rút lưỡi đối với người câm.

Clip về “Công chúa thuốc lào” chữa bệnh thu hút hàng nghìn lượt xem

Hàng dài bệnh nhân chờ công chúa thuốc lào chữa bệnh

Ngay sau khi xem clip chữa bệnh quay tại thôn Cán Khê, Nguyên Khê, Đông Anh, không ít người đã tìm về đây với hi vọng được “cô” Nhung chữa trị. Bên cạnh một số ý kiến nghi ngờ về hiệu quả kỳ diệu của phương thức chữa bệnh này, không ít người lại đặt nhiều kỳ vọng, coi “cô” Nhung như thánh xuống trần “cứu nhân độ thế”.

Trưa 30/11, PV Báo Giao thông có mặt tại thôn Cán Khê. Chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã chứng kiến gần chục gia đình từ Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… tìm đến đây sau khi theo dõi clip chữa bệnh của “cô” Nhung. Do chỉ được xem qua clip, không thể liên lạc được với “cô” Nhung cũng như địa chỉ liên lạc nên hầu hết đành chấp nhận vượt đường xá xa xôi đến với hi vọng sẽ gặp… Tuy nhiên, tất cả đều thất vọng ra về bởi hay tin “cô” Nhung chỉ tổ chức khám chữa bệnh vào ngày cuối tuần.

Cô Liên (Sóc Sơn) có con gái gần 20 tuổi câm điếc bẩm sinh cho biết: Không biết bao lần đưa con đi chữa trị, đông tây y đủ cả, thậm chí cả đi thầy cúng… thế nhưng bệnh của con vẫn không suy chuyển. “Cháu gái cô xem clip trên mạng nên gọi điện về bảo có người chữa được cả câm điếc, nên cô đưa con sang đây, nếu hợp thầy hợp thuốc thì tốt quá”, cô Liên cho hay.

Còn mẹ con anh Hùng (xã Liên Hà, Đông Anh) cũng vì theo dõi thấy clip “trực tiếp” nên bỏ cả ngủ trưa để tìm đến. Mẹ anh Hùng đi khám được bác sĩ chẩn đoán do bị chèn ép dây thần kinh nên nửa người bại, đau. Mặc dù tỏ ý nghi ngại cách thức chữa bệnh của “cô” Nhung nhưng mẹ anh Hùng vẫn nằng nặc đòi anh đưa sang vì cho rằng “người nặng thế còn khỏi”.

Khá thất vọng vì đến không đúng ngày “cô” Nhung khám bệnh, anh Nam (Phủ Lý, Hà Nam) bế con lên taxi, chia sẻ: “Sau vụ tai nạn giao thông, con tôi nằm liệt một chỗ. Chạy chữa gần năm rồi, đủ cách mà không đỡ. Khi được chia sẻ clip là gia đình ngay lập tức thuê xe đưa con lên đây chữa bệnh. Ai ngờ không đúng ngày, nhưng chắc chắn cuối tuần sẽ quay lại”. Chiếc xe taxi chở gia đình anh Nam lại vội vã lăn bánh quay về Hà Nam cho kịp trước khi trời tối.

Công chúa thuốc lào chữa bệnh ngày 2/12 (ảnh nhỏ cắt từ clip)

Vặn, kéo, bẻ, rút… chữa liệt, câm (?)

9h ngày 2/12, tại thôn Cán Khê, hơn trăm bệnh nhân cùng người nhà đứng, ngồi la liệt khắp con ngõ gần nhà văn hóa thôn chờ đến lượt được “cô” Nhung chữa bệnh. Bệnh nhân tìm đến đây đủ lứa tuổi từ trẻ còn ẵm ngửa đến cụ già, với các bệnh câm, điếc, khoèo, liệt vận động chân tay, down, tự kỷ… ai cùng hi vọng “hợp duyên” được “cô” Nhung chữa cho.

Cả con ngõ dài chừng 20m, rộng hơn 3m ken cứng người nằm ngồi nhốn nháo chờ đợi được “cô” Nhung lựa chọn “ra tay” chữa bệnh. Có những đứa trẻ còn ẵm ngửa, có thanh niên liệt cả người ngồi trên xe lăn, miệng ú ớ mếu máo vì ngột ngạt… Tất cả bệnh nhân được người nhà đưa đến từ nhiều nơi, gần thì Sóc Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, xa hơn là Phú Thọ, Thanh Hóa, thậm chí tận Nghệ An ra thuê trọ, ăn trực nằm chờ gần cả tuần để được chữa bệnh.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh (Sóc Sơn) và cậu con trai lên 4 có mặt ở đây từ tờ mờ sáng. Anh Minh cho hay, con trai anh mắc bệnh chậm nói. Lên 4 cháu thi thoảng mới bập bẹ vài từ bà bà, mệ mệ… cho dù hầu như mọi việc cha mẹ nói bé đều hiểu và làm theo. Anh Minh cho con đi khám khắp nơi, hiện cũng đang theo điều trị tại BV Nhi T.Ư với chẩn đoán điều trị “chậm phát triển”.

“Tôi xem trên mạng trực tiếp cảnh “cô” Nhung chữa bệnh, nhiều trẻ câm mà nói được nên tôi cho cháu đến đây. Biết đâu cháu lại nói được”, anh Minh cho biết. Còn bà Khang (65 tuổi, Sơn Động, Bắc Giang) trở lại lần thứ 2 với mong muốn được chữa hết liệt, hậu quả sau tai biến cách đây chừng 2 tuần. Con gái bà Khang cho hay, hiện bà vẫn đang điều trị vật lý trị liệu phục hồi sau tai biến. Thế nhưng khi được xem clip chữa liệt của “cô” Nhung, bà nằng nặc đòi chồng con đưa đến đây.

Theo quan sát, với người bệnh bị liệt, khoèo phải ngồi xe lăn hay đi lại bằng nạng, dù người lớn hay trẻ nhỏ, “cô” Nhung cũng có cùng cách chữa trị là kéo, nắn, bẻ chân hoặc tay. Mỗi bệnh nhân được “cô” kéo, bẻ chừng vài phút. Không chỉ dùng tay, “cô” còn tỳ cả người, cả gối để bẻ. Nhiều trẻ nhỏ đau không chịu nổi sau mỗi động tác kéo, vặn của “cô” Nhung lại oằn mình khóc thét, rồi được mẹ bế thốc lên vai. Còn người lớn thì nghiến răng chịu đựng. Sau khi bẻ, kéo giãn… có bệnh nhân được dìu đứng lên, có người tự bước đi được vài bước chân.

Với bệnh nhân câm hay chậm nói, “cô” Nhung và cộng sự có cùng một cách chữa: Vuốt dọc hầu họng và dùng tay lót khăn kéo, lắc phải, lắc trái lưỡi của bệnh nhân câm. Còn với bệnh nhân điếc, liên tục được cô vỗ “ù” tai, và vuốt dọc từ cổ lên sát dái tai. Sau bài chữa này, có người bập bẹ thốt ra vài từ không rõ tiếng như “chị ơi, mẹ ơi”, có người không nói tiếng nào.

Như trường hợp con trai anh Minh, cũng được 1 cộng sự của “cô” Nhung khám chữa, sau mỗi lần vuốt dọc hầu họng, hay nhấn huyệt ở sát dái tai, cả cơ thể cậu bé lại co dúm, gào khóc khản tiếng vì… đau nhưng trẻ không bật được tiếng nào. Sau một hồi điều trị, anh Minh được “thầy thuốc” cho hay, tai con anh có vấn đề, “khả năng điếc nên cháu không thể nghe được dẫn đến không thể bắt chước để nói được”(?). Tuy nhiên, anh Minh cho hay, cách đây không lâu, đưa con đi khám tại BV Nhi T.Ư, con anh được đo thính lực và được khẳng định không có vấn đề gì về thính lực và chỉ định điều trị chậm phát triển.

Cũng không ít người bệnh được người nhà cõng vội quay về vì cơ thể vốn đau yếu vì bệnh tật, sau khi được “cô” Nhung kéo, bẻ chịu không nổi.

Kỳ 2: Hoảng hồn chiêu chữa bệnh rút lưỡi chảy máu của “công chúa thuốc lào”

Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, dù “bán tín, bán nghi” với cách chữa bệnh của “công chúa thuốc lào” tên Nhung nhưng lượng người đổ về chờ được chữa bệnh mỗi ngày một đông.

“Rút lưỡi xong máu chảy 5 ngày, vẫn hoàn câm”

Chỉ với các động tác vặn, kéo, bẻ, rút… bằng tay, “công chúa thuốc lào” tên Nhung cùng các “cộng sự” đã khám, chữa bệnh cho hàng trăm bệnh nhân từ khắp nơi đến thôn Cán Khê, Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, không ít trường hợp sau khi được “cô” Nhung chữa trị đã “hồn xiêu phách lạc”.

Đó là trường hợp bà Ngô Thị Hương (thôn Cán Khê, Nguyên Khê). Tiếp chuyện chúng tôi bằng giọng nói “méo tiếng” vô cùng khó nghe kết hợp với cử chỉ diễn đạt, bà Hương khó nhọc kể lại việc “tuần trước ra “cô” Nhung điều trị. “Cô” dùng khăn quấn qua lưỡi và rút mạnh nhiều lần, dẫn tới chảy máu phần dưới lưỡi khiến bà vô cùng đau đớn. 5 ngày sau mới hết chảy máu, suốt mấy ngày bà chỉ húp nước cháo. Bà Hương lia lịa lắc đầu khi được hỏi sau khi “cô” Nhung điều trị bệnh của bà có cải thiện; đồng thời, diễn đạt rất đau, rất sợ không dám làm lần nữa. Bà Hương bị “méo tiếng” từ hơn chục năm nay, đã chữa chạy nhiều nơi nhưng không cải thiện được.

Cũng tại thôn Cán Khê, bà Nguyễn Thị Đảm từng là bệnh nhân được “cô” Nhung kéo lưỡi chữa cho hết câm. Tuy nhiên, khi được hỏi, bà Đảm cho hay (em dâu bà Đảm diễn đạt lại): “Tôi bị kéo lưỡi, đau lắm, lại chảy cả máu nữa. Cả tuần sau đó chỉ ăn được ít một vì còn đau”. Bà Đảm mặc dù câm điếc bẩm sinh nhưng hoàn toàn có thể “nghe” được thông qua việc nhìn khẩu hình và biểu đạt bằng tay của người đối diện; thậm chí, bà có thể “nói” không rõ tiếng nhưng người nghe vẫn hiểu được phần nào. Em dâu bà Đảm cho hay, nơi nào giới thiệu chữa trị được bà cũng đến nhưng đâu vẫn hoàn đấy.

Theo chia sẻ của một người dân thôn Cán Khê, vài trường hợp trong thôn cũng đã đến “cô” Nhung chữa nhưng không khỏi. Có bà cụ lưng còng, sau một hồi kéo, nắn thẳng được lưng hơn nhưng ngày hôm sau lại còng gập như cũ. Còn mấy ca câm, sau khi rút lưỡi u ơ được vài tiếng rồi về đến nhà cũng vẫn vậy. Thế nhưng, bà con khắp nơi cứ kéo về đây rất đông với hy vọng được chữa lành bệnh.

Tùy tiện kéo, vặn… có thể gây tổn hại đến người bệnh

Trao đổi với Báo Giao thông, Thầy thuốc nhân dân, BS. Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: “Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp của đông y, trong đó có hình thức kéo, vặn… Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đòi hỏi người thầy thuốc phải có kiến thức nhất định, để không gây tổn thương đến xương khớp của người bệnh. Nếu không phải là một thầy thuốc chuyên sâu thực hiện thì rất nguy hiểm. Việc kéo giãn, bẻ, vặn nếu không được thực hiện bởi người có kiến thức chuyên sâu dễ gây mẻ, vỡ, thậm chí gãy xương, tổn thương bao dịch ổ khớp… hoặc mất đi tư thế giải phẫu, sẽ gây tổn hại trầm trọng hơn đến người bệnh”.

Lý giải việc những người liệt, đi lại bằng nạng có thể tự đứng lên, hoặc tự bước chân đi, ông Bản cho biết: “Khi khớp cứng, dây chằng gân cơ co. Khi kéo giãn, khớp được thả ra, dây chằng giãn ra, do vậy, có thể hoạt động được ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, nếu không chữa cơ bản thì cơ khớp sẽ lại co vào giống như dây cao su kéo giãn ra nhưng khi bỏ tay ra lại co vào bình thường. Do đó, thầy thuốc phải có kinh nghiệm, kéo giãn theo đúng tư thế giải phẫu lúc đó mới đạt yêu cầu”.

Còn với trường hợp kéo lưỡi, do co cứng kéo ra có thể vận động được nhưng chỉ với người có bộ não hoạt động bình thường, bệnh do cơ lưỡi bị co lại… nên vẫn có thể nói ú ơ. Nhưng chỉ với trường hợp co cơ, não vẫn hoạt động tốt, còn với người não có vấn đề cộng thêm lưỡi co cơ thì không thể giải quyết được. “Tất cả những người muốn đi khám chữa bệnh nên đến các cơ sở hợp pháp, thày thuốc có chuyên môn sâu. Những trường hợp chỉ xem thông tin quảng bá qua mạng, người bệnh cần cân nhắc, tốt nhất không nên chữa trị”, ông Bản khuyến cáo.

Cũng trong ngày 2/12, UBND xã Nguyên Khê đã yêu cầu giải tán tụ điểm chữa bệnh không đủ cơ sở pháp lý do “cô” Nhung thực hiện. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội cho biết: Sau khi nhận được thông tin về việc tổ chức khám chữa bệnh trái phép (dù không thu tiền), chính quyền đã can thiệp, giải tán, không cho chữa bệnh.

Ông Hồng cho hay, khi được chính quyền yêu cầu ngừng hoạt động khám chữa bệnh vì không đủ giấy tờ pháp lý, “cô” Nhung chấp nhận giải tán. Hiện chính quyền xã cũng chưa rõ lai lịch cụ thể của “cô” Nhung, chỉ biết người này ở Yên Viên, Gia Lâm, chữa bệnh không lấy tiền.

“Dù là chữa bệnh không lấy tiền, nhưng việc khám chữa bệnh tùy tiện, không có giấy phép hành nghề, không chính thống dễ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, xã hội. Một số người trong làng đã chữa nhưng khẳng định không giải quyết được việc gì. Dù là chữa bệnh không mất tiền nhưng chi phí đi lại của một người bệnh kéo theo 3-4 người phục vụ cũng vô cùng tốn kém. Do vậy, chúng tôi kiên quyết ngăn chặn kịp thời”, ông Hồng cho hay.

Chiều qua (4/12), phóng viên Báo Giao thông lần tìm về địa chỉ ở Dốc Lã, Yên Thường, Gia Lâm với hi vọng tìm hiểu thêm về nhân thân của “cô” Nhung. Sau nhiều lần hỏi thăm, đã tìm được đến nhà “cô” Nhung nhưng cả hai vợ chồng “cô” Nhung đều không có nhà. Một người thân (gia đình chồng “cô” Nhung) cho hay, trước đây, “cô” Nhung có hành nghề bói toán, lập điện thờ tại gia, khoảng gần tháng nay nghe nói còn khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, người này cũng cho biết chỉ nghe nói thế, chứ chưa từng chứng kiến “cô” Nhung khám, chữa bệnh cho ai. Và “cô” Nhung đã chuyển đi nơi khác sinh sống, thi thoảng mới về đây. Gần 1 tháng nay không có mặt tại nhà (ở Dốc Lã, Yên Thường, Gia Lâm). Khi được hỏi về việc “cô” Nhung chữa được bệnh cho người liệt, câm điếc… nhiều người hàng xóm khá ngỡ ngàng. Mọi người vẫn chỉ biết đến “cô” Nhung thường hay lên đồng, ca hát rất hay.

Theo baogiaothong.vn