Hành trình hóa giải lời nguyền hồn ma địa chủ bắt mấy chục mạng người ở Thái Nguyên (Kỳ 2)

“Nó” là chỉ vong hồn của địa chủ chết oan khốc hay hồn ma cô trinh nữ trấn giữ kho báu của bọn Tàu trên đồi Chè…

Nghe ông thầy bói nói như vậy, lại từ chối giúp đỡ gia đình, chị V chỉ biết khóc lóc rồi bỏ về. Chị nghĩ rằng có lẽ cái hạn sẽ không tha cho chị. Chị đành phải chấp nhận mọi chuyện.

Nhưng lời nguyền chết chóc ấy lại không đánh vào chị mà là người chồng tốt bụng và yêu thương vợ con của chị. Năm 2010, anh Đường liên tục kêu mệt, da mặt thì vàng vọt, người gầy rộc cả đi. Khi đi bệnh viện, thì anh Đường bị chẩn đoán là mắc bệnh viêm gan. Anh uống thuốc, gia đình chạy chữa đủ kiểu cũng không khỏi. Gia đình cũng tìm cách cúng bái, trừ tà, đuổi quỷ nhưng cuối cùng, anh Đường vẫn chết.

Sau cái chết của anh Đường, chị V như muốn gục ngã. Tới giờ, không ai là còn nghi ngờ chuyện quả đồi bị yểm bùa, và gia đình của chị bị nguyền rủa. Gia đình chỉ còn 1 bà cụ tuổi già sức yếu, hai đứa cháu nhỏ, người chị dâu chưa vượt qua được cú sốc, chị Vũ Thị Dần phải đứng ra gánh vác việc này. Chị đã phải mời 5 ông thầy cúng, thầy pháp và thầy bùa giỏi nhất của huyện Đại Từ đến giải hạn cho gia đình. Mặc dù sợ hãi, nhưng nghe lời năn nỉ của chị Dần, và thương cảm cho số phận gia đình chị, các thầy pháp đều quyết tâm giúp gia đình hóa giải lời nguyền.

Một ông thầy pháp cứ đi đi lại lại trong nhà, bảo rằng ngày xưa ở làng có cái đình, không ai tu sửa, mới phá đi, người làng lấy cột lấy đá, và đốn hạ những cây thông trồng trước đình và hỏi rằng gia đình chị có lấy gì hay không. Chị Dần nhớ lại rằng ngày trước đúng là hợp tác xã có chặt 17 cây thông ở đình làng để đóng đồ, bố chị cũng đã dùng một khúc gỗ thông để đóng chạn bát. Mấy ông thầy pháp nghe vậy thì phán rằng đó là tai họa. Nhà chị Dần sợ hãi, muốn đem chạn bát đi trả nhưng họ đều bảo đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa rồi.

5 ông thầy pháp lập bàn cúng giữa sân, cúng theo 5 bài khác nhau, chỉ hi vọng có thể giúp gia đình chị hóa giải đại hạn. Cúng vội cúng vàng, cả 5 ông thầy pháp đều bỏ đi mất, không lấy chút công xá gì từ gia định chị. Có lẽ các ông thầy pháp cũng sợ không dám ở lâu. Gia đình chị Dần cũng quyết định đóng cửa ngôi nhà, rời bỏ mảnh đất nhiều tai ương này.

Thế nhưng cho dù gia đình chị Dần chuyển đi, đại họa vẫn chẳng tha cho họ. Đúng 1 năm sau ngày anh Đường chết, chị V, vợ anh Đường cũng qua đời vì ung thư vú.

Tài sản gia đình chẳng còn gì. Lúc nào ngôi nhà nhỏ của bà cụ Đính cũng ảm đạm mang theo hương khói nghi ngút trên bàn thờ nơi có di ảnh của chồng, con gái, con trai và cả hai người con dâu. Bà Đính ngày nào cũng cầu khấn Phật cho gia đình thoát khỏi tai ương.

Ngôi nhà gia đình bà Đính chuyển đến sống nhưng không thoát khỏi đại họa. Ảnh Phạm Dương Ngọc (facebook)

Lời giải cho bí ẩn “oan hồn địa chủ” và ngôi đình bị đốt

Nhà tâm linh Lê Thái Bình đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu về địa thế, và những câu chuyện liên quan đến thế giới tâm linh ở vùng đất này. Nhà tâm linh đã tới gặp những cụ già trong làng và được nghe họ kể về một cái chết oan ức của nhà địa chủ giàu có cách đây đã mấy trăm năm.

Ngày đó, ở vùng đất này, có một địa chủ giàu có và rất quyền lực. Ông ta sống trong một ngôi nhà lớn, với nhiều vợ, con và có nhiều kẻ hầu người hạ. Trong một chuyến đi xa, lúc ông trở về, toàn bộ làng xã, gia sản của ông chỉ còn là một đống tro tàn. Đó là vì nhóm giặc Tàu tràn sang đã cướp bóc, hãm hiếp vợ con và giết cả nhà của địa chủ. Nhà địa chủ nọ trắng tay, chỉ biết khóc trong oan ức và đau đớn, rồi không chịu nổi mà lăn ra chết. Ông chết mà không siêu thoát, vong hồn cứ luẩn quẩn ở quanh làng để hãm hại người khác.

Chẳng biết cái chết của nhà địa chủ nọ có liên quan gì tới ngôi đình lớn ở giữa cánh đồng. Theo lời đồn, các cụ làng ngày xưa đã dựng một ngôi đình lớn để làng xã được yên bình. Các cụ đã tìm đúng long mạch của làng nhưng sau này, khi thực dân Pháp phát hiện ngôi đình cũng là chỗ các cán bộ Việt Minh tụ họp đã nã pháo vào đình và đốt trụi vào năm 1940. Người dân cũng lập một ngôi đình nhỏ nhưng không ai trông coi nên đã đổ sập lúc nào không hay. Năm 1959, hợp tác xã cưa đổ 17 cây thông quanh ngôi đình và chia cho mỗi nhà một đoạn để đóng đồ.

Nhà tâm linh Lê Thái Bình đã tìm đến nơi ngôi đình ngày xưa tồn tại ở giữa cánh đồng. Giờ đây ngôi đình đã chỉ còn là những tảng đá, cột gỗ, đồ gia dụng bằng gỗ mục nát, chất thành đống nằm dưới lớp cỏ mọc um tùm. Rải rác trên gò đất là những gốc cây thông đen sì đã bị người làng chặt đi.

Không chỉ có đại gia đình dưới chân ngọn đồi Chè, mà còn rất nhiều gia đình bị “ám” ở làng Kim Tiến

Không chỉ có gia đình nhà chị Dần, bà Đính là làm chạn bát bằng cây thông mà còn nhiều gia đình cũng lấy cây thông ở đình làm đồ dùng trong nhà. Sau khi từ gia đình chị Dần đi ra, nhà tâm linh Lê Thái Bình đã bắt gặp rất nhiều những người dân làng Kim Tiến với dáng vẻ khắc khổ tìm đến.

Họ đều cũng không biết tại sao từ sau khi ngôi đình bị đốt, và cưa đổ những cây thông, thì cuộc sống của người dân trong làng Kim Tiến bị đảo lộn. Rất nhiều người chết không có nguyên do. Có nhà vợ chồng còn thay nhau nay ốm mai đau, con cái còi cọc, bé tí, không lớn lên được. Có người thì lúc nào cũng lờ đờ như người say rượu.

Nhà ông K ở gần ngôi đình cũng gặp chuyện chẳng lành. Con cái đều chết rải rác. Có người đang dựng nhà thì cây gỗ nhọn từ mái nhà rơi xuống làm chết tại chỗ.

Chuyện kinh dị nhất có lẽ là câu chuyện xảy ra với gia đình ông Y ở phía bắc gò đất. Ông không sợ ma, sợ quỷ nên sau khi làm nhà xong, ông còn dựng cả nhà vệ sinh ở trên đồi. Nhưng chẳng hiểu có chuyện gì mà xong khi làm nhà vệ sinh xong, ông tìm dây thừng buộc lên xà nhà, thả xuống và ghé đầu vào. Rất may cho ông là hàng xóm phát hiện và cứu kịp thời. Ông Y không hề biết mình tại sao lại làm như vậy. Chuyện này chưa qua thì tới hôm sau, ông đã tìm một đoạn cây bằng chiếc điếu cày rồi tự đập vào chân mình. Khi mọi người phát hiện ra thì ông đã đập gãy một chân rồi. Người nhà ông Y đều sợ, phải cho phá cái nhà vệ sinh trên đồi đi, cuộc sống của gia đình ông Y mới trở lại bình thường.

Cũng theo lời kể của người dân làng Kim Tiến, ở gò đất nơi có ngôi đình khoảng 20 năm trước là nơi trú ngụ của con rắn khổng lồ. Con dài phải dài tới 7 m, thân to bằng cái phích, có màu trắng và cái mào đỏ trên đầu. Con rắn thường bò xuống ao hoặc bụi rậm. Nhưng điều kì lạ là con rắn luôn mất tích mỗi khi người dân làng tìm cách đuổi theo hay xục xạo tìm kiếm.

Lời nguyền của “hồn ma địa chủ” bao giờ mới chấm dứt

Nhà tâm linh Lê Thái Bình trao đổi với người dân làng Kim Tiến. Ảnh Phạm Dương Ngọc (facebook)

Câu chuyện phá đình rồi vận đen kéo đến thì làng quê nào cũng có. Nhưng những câu chuyện kinh dị, khó hiểu ở làng Kim Tiến lại khiến người dân hoang mang, sợ hãi tột độ.

Theo anh Nguyễn Thiên Sóng thống kê, ở làng Kim Tiến, nhà nào, xóm nào cũng có người chết trẻ, chết bệnh, chết tai nạn, đột tử, không rõ nguyên nhân. Có người chết chợ, chết tai nạn giao thông, có vụ uống rượu giữa đường thì chết, ngủ bờ ngủ bụi cũng chết tại chỗ. Chuyện chết chóc vẫn xảy ra như cơm bữa, khiến mọi người không biết phải xoay xở ra sao.

Người dân làng Kim Tiến thường dùng “Nó” để ám chỉ vong hồn của địa chủ không siêu thoát đi bắt người sống. Cũng có người bảo “Nó” là hồn của người trinh nữ trông giữ kho báu của người Tàu trên đồi Chè.

Có gia đình nhiều người chết quá cũng tìm thấy thầy pháp để trừ tà ma. Nhưng thầy thì sợ quá mà không dám làm, thầy thì vừa cúng bái xong đã chết bất đắc kỳ tử vào ngày hôm sau. Cũng có chuyện “vong hồn địa chủ” nhập vào người nhà vừa đánh vừa chửi bới thầy pháp.

Ảnh Phạm Dương Ngọc (facebook)

Gia đình anh Nguyễn Thiên Sóng cũng không thoát khỏi tai ương và phải nhờ nhà tâm linh Lê Thái Bình trấn yểm. Sau đó, đã không còn chết chóc kì lạ diễn ra ở khóm dân cư nơi anh Sóng sống, nhưng những khu dân cư bên cạnh, cách khu nhà anh Sóng vài trăm mét, vẫn có người chết liên tục.

Theo Facebook Phạm Dương Ngọc