Giải mã 6 cái chết bí ẩn trong một gia đình ở Thái Bình – Kỳ 1: Những lời đồn rùng rợn khiến ai cũng hoang mang

Những cái chết bất đắc kỳ tử diễn ra liên tiếp với 6 người trong một gia đình, mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến người dân trong làng càng trở nên hoang mang…

Mặc dù sự việc đại gia đình ông Trần Văn Rạng có tới 6 người bỏ mạng bất đắc kỳ tử liên tiếp vì căn bệnh lạ, xảy ra đã chục năm nay, nhưng mỗi khi nhắc lại,người dân quanh xã Vũ Tây (Kiến Xương, Thái Bình), đặc biệt là những người dân ở xóm 9 vẫn không hết sợ hãi.

Vụ việc chết chóc bí ẩn đó, đến nay, vẫn chưa tìm ra lời giải. Và do vậy, mảnh đất rìa làng, cạnh sông Trà Lý lộng gió, một thời nên thơ, giờ cỏ bò hoang dại,tre mọc um tùm, cây cối rậm rạp đổ ngả nghiêng, chẳng có bóng người qua lại.

Những ngôi nhà đổ nát, âm u, rêu mốc, từ lâu không có hơi người. Những người đã chết thì mang bí ẩn về căn bệnh lạ, những người còn sống trong đại gia đình ấy thì tứ tán đi khắp nơi, thậm chí trốn tịt vào Nam, không dám về quê cha đất tổ ở xã Vũ Tây nữa.

Ban thờ lạnh lẽo khói hương, hết sức đau lòng nhà ông Rạng
Câu chuyện khủng khiếp về những cái chết vẫn chìm trong bức màn bí ẩn rùng rợn. Chính quyền bó tay, mấy chục nhà khoa học nổi danh thiên hạ không tìm được lời giải, các bác sĩ đầu ngành thần kinh,chống độc cũng không tìm ra thứ gì có thể giết người nhanh chóng, khủng khiếp như thế.

10 năm trôi qua, phóng viên  đã tìm về xã Vũ Tây, đi tìm lời giải cho câu chuyện bí ẩn và hết sức đau lòng này, những mong làm sáng tỏ phần nào câu chuyện, giúp người dân trong vùng, đặc biệt là đại gia đình ông Rạng không phải sống trong cảnh hoang mang, sợ hãi.

Nỗi sợ vô hình

Từ thành phố Thái Bình, tôi cứ đi dọc bờ hữu con đê sông Trà Lý, thì đến xã Vũ Tây. Sông nước mênh mang, tre pheo rậm rạp, đu đưa trong gió. Điều tôi nhận thấy, là đình đền miếu mạo trải dọc cả trong và ngoài đê con sông. Đây quả thực là vùng đất cổ, với bề dày văn hóa sâu.

Gặp mấy bà, mấy chị gánh gồng thõng thẹo trên đê, tôi dừng xe hỏi đường. Mấy chị chỉ nhiệt tình, rằng đi qua con điếm, có con dốc bên trái thì đi xuyên qua cánh đồng, là đến xóm 9. Mấy chị còn kéo tôi qua rặng tre, chỉ cái xóm nhỏ rậm rì cây cối nằm thoi loi giữa cánh đồng thẳng cánh cò bay.

Khu vườn nhà ông Rạng cỏ mọc hoang dại

Một chị hỏi: “Nhìn chú biết người ở xa rồi. Thế chú hỏi đường về nhà ai? Xóm ấy nhỏ tẹo, nhà ai cũng biết cả”. Tôi bảo: “Em tìm đường về nhà ông Trần Văn Rạng. Nhưng hỏi về nhà ông ấy thôi, chứ thực ra cả nhà ông ấy chết chục năm nay rồi”.

Nghe đến tên ông Trần Văn Rạng, cả mấy người phụ nữ đổi sắc mặt. Vẻ sợ hãi lộ rõ trong đôi mắt họ. Một chị bảo: “Chúng tôi không biết ông ấy là ông nào đâu.Anh vào xóm đấy rồi hỏi nhé!”.

Nhìn ánh mắt họ, tôi biết họ đang sợ hãi, chứ không phải họ không biết ông Trần Văn Rạng. Câu chuyện của đại gia đình này đã từng khiến nhân dân trong vùng náo loạn, chính quyền cả tỉnh, rồi bộ ngành trung ương phải quan tâm sát sao, nên không thể có chuyện cư dân ở gần đó mà không biết.

Quả thực, nỗi sợ hãi ấy ám ảnh cả những người dân xa lạ, thì tôi đã phần nào hiểu rằng, vì sao những người ở đại gia đình ấy liên tiếp lăn ra chết, rồi vô số những người hàng xóm, người thân liên tiếp rơi vào trạng thái thập tử nhất sinh, không kiểm soát được mình nữa.

Tìm vào đầu xóm 9, tôi tiếp tục hỏi thăm một vài người về gia cảnh nhà ông Trần Văn Rạng, tuy nhiên, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Tôi mới chỉ nhắc đến tên ông Rạng, người ta đã không muốn trả lời.

Dường như người dân ở đây muốn quên đi cái quá khứ hãi hùng ấy, hoặc cũng có thể họ sợ câu chuyện khơi gợi lại, ám vào gia đình họ. Thế nên, tốt nhất là chẳng nói gì, chẳng nghĩ gì đến chuyện ấy nữa. Không biết làm cách nào, tôi đành hỏi đường vào nhà ông trưởng thôn.

Ngõ nhà ông Rạng ít người dám đi qua

Nhà ông Thành, trưởng thôn, ở sát cánh đồng. Tôi đến, nhưng trong nhà chỉ có vợ ông đang chăm sóc đàn gà. Bà cung cấp cho tôimột thông tin quan trọng: “Người nắm được rõ nhất chuyện về gia đình ông Rạng chỉ có ông Nguyễn Văn Thung. Chồng tôi không nắm được chuyện gì đâu, nên nhà báo có hỏi cũng không có tác dụng.
Nhà ông Rạng người thì chết, người bỏ đi chưa dám về. Tôi nghe nói họ phải bỏ nhà trốn miết để tránh thánh thần quở phạt. Tôi sẽ dẫn nhà báo đến nhà ông Thung để nhà báo hỏi chuyện”.

Nói rồi, bà vợ ông trưởng xóm dẫn tôi đi vòng vèo mấy ngõ ngách. Đến cuối con ngõ, dừng lại trước cái cổng sắt khép hờ, bà bảo: “Đây là nhà ông Thung. Nhà báo vào hỏi chuyện nhé. Tôi về luôn đây”.

Vác dao nói chuyện

Tôi gọi cổng một lát, thì thấy một cụ ông đi ra. Cụ ông dáng người đạo mạo, mái tóc trắng phau, cặp lông mày cũng trắng như cước. Ông mời tôi vào nhà uống nước. Tôi trình bày chuyện khó hiểu ở ngôi làng này, vì sao mọi người sợ nhắc đến gia đình ông Rạng như vậy?

Ông Thung bảo: “Không chỉ dân làng sợ, mà ngay cả tôi đây, sắp xuống lỗ rồi cũng vẫn còn sợ. Người ta sợ nhắc đến gia đình ông Rạng, nhỡ có mạo phạm gì, ám vào gia đình họ, nên tốt nhất là tránh”.

Uống mấy ngụm trà nóng, hít mấy hơi dài, ông Thung mới chợt nhớ ra gì đó. Ông lật đật chạy đến giường, lật đệm lên, lôi ra con dao dài ngoằng. Đó là con dao sắc, đẹp, giống dao của đồng bào miền núi hay dùng.

Một trong số những ngôi nhà bỏ hoang của đại gia đình ông Rạng
Con dao luôn bên mình ông Thung suốt 10 năm nay

Ông Thung bảo: “Nói thật với anh, cứ làm gì, nói gì liên quan đến chuyện đó, là tôi kè kè con dao này bên cạnh. Mang theo nó,tôi mới cảm thấy vững tâm. Anh nhắc lại chuyện này, tự dưng tôi lạnh cả sống lưng nên mới nhớ ra con dao. Tôi cứ thủ con dao ở cạnh, cho an tâm”.

Người Việt ở nhiều nơi khi đi đâu xa, đều mang theo con dao và củ tỏi, với niềm tin sẽ xua đuổi ma quỷ, tà khí. Nhiều người còn đánh dấu bằng than, vết son lên trán trẻ con khi ra đường để ma quỷ không bắt đi.

Sau khi đặt con dao bên cạnh, thắp mấy nén nhang trên bàn thờ, khấn vái lầm rầm vài tiếng, lấy lại bình tĩnh, ông Nguyễn Văn Thung mới bắt đầu sắp xếp lại câu chuyện kinh dị, mà ông chứng kiến từ đầu đến đuôi.