Gia đình kỳ quặc ở Hà Nội: Bố mẹ không biết chữ nhưng cấm 5 con cắp sách tới trường

Nhà ấy có 5 con, bố mẹ một chữ cắn đôi không biết. Thế nhưng, 5 đứa con cũng không được cắp sách đến trường bởi nghèo, bởi “lệnh cấm” khó hiểu của ông bố kỳ quặc.

Bố mẹ cấm 5 con cắp sách tới trường ở nhà bắt ốc mưu sinh

Cảnh tượng xót lòng: Bố mẹ cùng 2 con nhỏ lội mương bắt ốc mưu sinh

Ở Hà Nội vốn là nơi đất học, người giàu. Thế nên, cảnh sống kỳ quặc và cơ khổ như gia đình anh Đỗ Hữu Thêm ở thôn Võ Lao, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ thì thật “hiếm có khó tìm”.

Căn nhà của gia đình kỳ quặc ở Chương Mỹ

Đại gia đình anh Thêm sống trong căn nhà cấp 4 tồi tàn ở giữa thôn. Nói là đại gia đình bởi trong ngôi nhà không có bất cứ vật dụng gì đáng giá ấy có tới 9 con người đang quây quần, vật vã sinh sống. Họ gồm vợ chồng anh Thêm, 5 người con lốc nhốc cùng mẹ già và em gái anh Thêm.

Hai đứa con thứ 3 và thứ 4 nhà anh Thêm cũng không được đến trường vì “lệnh cấm” của bố

Chúng tôi đến thăm “ngôi nhà đặc biệt” này vào giữa chiều, anh Thêm đang ngủ lăn lóc trên chiếc giường cáu bẩn trong buồng. Vợ và mẹ anh Thêm đang ngồi chuốt lá đan nón, mỗi người ngồi một góc nhà. Cạnh nơi mẹ anh Thêm ngồi cũng là một chiếc giường được ghép tạm bằng mấy miếng ván.

Căn buồng nhỏ của gia đình anh Thêm, không đủ chỗ nằm tối đến phải dải chiếu xuống đất để nằm

Trên giường là một phụ nữ còn trẻ, nhưng ăn mặc nhếch nhác, thỉnh thoảng lại ôm mặt cười giàn giụa. Người phụ nữ ấy là chị Đỗ Thị Đượm, em gái anh Thêm. Mỗi khi thấy con mình cười mẹ anh Thêm lại dừng tay ngoảnh lại nhìn con rồi buông tiếng thở dài thối ruột.

 Video Cả gia đình mò cua bắt ốc

“Chẳng biết sao mấy tháng nay nó lại phát điên phát dại như thế nữa. Có lẽ là do ông nhà tôi đi bộ đội bị nhiễm chất độc hóa học nên giờ các con tôi mới thế. Ngay cả thằng Thêm ấy, nó cũng không được khôn đâu. Các con nó cũng vậy, cứ khó bảo, khùng khùng chứ chả giống con nhà người ta”, mẹ anh Thêm chép miệng chia sẻ.

Mẹ anh Thêm ngồi đan nón kiếm đồng ra đồng vào

Đang vắt mình trên giường thì anh Thêm bị vợ vào lay dậy. Có vẻ như khi trưa có làm tí hơi men nên thấy vợ quấy rầy, anh Thêm xù đầu gắt gỏng. Lổm ngổm bò dậy, thấy khách lạ ghé thăm, bỏ qua cơn cáu bẳn, anh nhoẻn miệng cười.

“Muộn rồi, bố con anh còn ngủ đến bao giờ nữa, không ra đồng mà kiếm cái gì cho bữa tối đi. Thằng hai, thằng ba đâu rồi, đi thôi!”, chị vợ anh Thêm lớn tiếng gọi con. Thấy mẹ gọi, hai đứa con thứ hai và thứ ba của anh Thêm lấp ló sau cánh cửa, ngại ngần chẳng dám lộ diện.

Hai con trai đi bắt ốc cùng bố mẹ

“Chắc thấy nhà có khách nên chúng nó ngại đấy! Hai thằng đấy thì ngày nào cũng phải đi bắt ốc cùng bố mẹ. Chúng nó cũng chịu khó lắm! Thằng thứ tư thì bỏ đi rồi, chẳng làm được gì, nó ở nhà và em nó phải trông. Giờ xe cộ nhiều, nó phi ra đường xe đâm thì khổ!”, cầm hai chiếc chậu nhôm méo mó, đồ nghề mưu sinh của cả gia đình trên tay vợ anh Thêm hồn nhiên chia sẻ.

Phì phèo thuốc lá, gọi con ông ổng một hồi thì vợ chồng anh Thêm cùng hai đứa con trai cũng lũ lượt dắt nhau ra khỏi nhà. Hai đứa con vù chạy đằng trước, chị Thêm tất tả bước theo, phía sau là anh Thêm, áo quần xộc xệch, chân thấp chân cao liêu xiêu trong nắng chiều u uất.

Chị Đượm quanh năm chỉ nằm một chỗ

Hôm nay vợ chồng anh Thêm cùng hai đứa con sẽ bắt ốc ở cánh đồng ngay gần nhà. “Sáng tôi đi bán thang, chõng thuê cho người ta rồi nên chiều bắt ở gần nhà thôi. Lặn ngụp cả buổi thì cũng chỉ kiếm được vài chục ấy mà”, anh Thêm thật thà cho biết.

Cũng theo người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ này thì gia đình “chung thủy” với nghề “mò cua bắt ốc” đã được cả chục năm. “Ở đâu có ốc là ở đó có vợ chồng tôi. Có khi còn sang cả tỉnh khác nữa cơ”, anh Thêm chia sẻ.

Cả gia đình lội mương bắt ốc không cho con đi học

Hai vợ chồng anh Thêm cùng con trai lội mương bắt cốc mưu sinh qua ngày

Đến giữa đồng, nơi có mương nước vắt qua, chẳng ai bảo ai, vợ chồng anh Thêm bì bõm ngụp lặn. Thằng con thứ hai vẻ như xấu hổ, sau một hồi nhấm nhẳng cũng nhảy tõm xuống mương ngụp lặn theo bố mẹ. Thằng thứ ba thì tay bị thương do nô nghịch rón rén lội ở ven bờ. Những con ốc đen xì vứt vào chậu phát ra những âm thanh khô khốc.

Chiều ấy mương xả nước nên công việc của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nước mới về nên lạnh, chỉ hơn chục phút ngụp lặn nhưng ai nấy đều mặt môi tím tái.

Như đất nuôi cỏ dại

Sinh năm 1976, năm 1998, anh Thêm lấy vợ. Vợ anh, chị Đỗ Thị Phượng là người cùng xã, hơn anh những 5 tuổi. Như chồng, chị Phượng cũng ù ì, chẳng được khôn ngoan, tháo vát như người ta.

Nên duyên, hai vợ chồng cứ đẻ sòn sòn. Chục năm ngoảnh lại đã có với nhau 5 mặt con, trung bình cứ 2 năm thì một đứa chào đời. Trong số 5 đứa con ấy thì anh con cả xem chừng khôn ngoan nhất, những đứa còn lại thì trái tính trái nết khi thì rất ngoan, khi thì ương ngạch, khó bảo.

Thương nhất là đứa thứ tư. Thằng bé ngờ nghệch, câm điếc bẩm sinh. Năm nay, tuổi đã lên 10 nhưng suốt ngày cởi trần truồng chạy nhông nhông khắp xóm. “Nó lúc nào cũng phải có người giám sát, sểnh ra cái là đi mất ngay”, mẹ anh Thêm cho biết.

Hai vợ chồng anh Thêm tranh thủ ra đồng mò cua bắt ốc

Các con anh Thêm lớn lên như cỏ cây hoang dại. Bố mẹ khỏe, nhà còn gạo thì còn có cơm ăn, không thì… tùy. Ai kiếm được gì thì bỏ vào miệng thứ đó không thì nhịn. Hôm chúng tôi đến, đang ngồi trò chuyện với hai vợ chồng anh Thêm ngoài sân, khát nước đứa con gái út của anh Thêm phóng vèo ra bể nước cạnh vườn múc uống ngon lành. Bể nước ấy ai ngó vào cũng nổi da gà. Nước đọng lâu ngày váng, rêu lóng lánh.

Lúc ra đồng, anh Thêm khoe nhà mình cũng có ruộng. Nhưng lúa làm ra họa may cũng chỉ đủ gạo để ăn. Muốn bữa cơm của các con có thêm miếng thịt thì hai vợ chồng chỉ biết ra đồng bắt ốc. Cả buổi lặn ngụp, hôm trúng lớn bán cũng chỉ được vài chục nghìn đồng. Chợ làng èo uột, người làng mua ốc bởi thương là nhiều.

Số cửa ốc bắt được hàng ngày sẽ đem ra chợ bán lấy tiền sinh hoạt cho cả gia đình

Tuổi thơ của mấy đứa con anh Thêm là ở ngoài đồng, là những ngày bầm môi tím má cùng bố mẹ lặn ngụp mò ốc. “Cứ 6-7 tuổi là chúng nó theo bố mẹ đi bắt ốc rồi, không làm thì không có gì ăn đâu”, vợ anh Thêm bảo vậy.

Cậu bé vui vẻ khi bắt được chậu ốc

Anh Thêm không biết chữ, vợ anh cũng vậy. Những phép tính đơn giản hai vợ chồng cũng lắc đầu chào thua. Hàng xóm anh Thêm nói vui, nếu đố phép cộng nào đấy thì phải thêm chữ “nghìn” phía sau thì may ra hai vợ chồng mới có câu trả lời đúng. Đi làm thuê cho người ta, rồi chợ búa hai vợ chồng đã quen cách tính tiền. Không có chữ “nghìn” (nghìn đồng) thì đố mà tính đúng được.

Cấm con đi học!

Bản thân không được học hành nhưng vợ chồng anh Thêm cũng chẳng thiết tha việc cho con cái chữ. “Con nhà em chả cần học, mà em nói thật, em cấm chúng nó đi học luôn!”, anh Thêm thể hiện quan điểm rõ ràng. Lý do cấm các con đến lớp, theo anh Thêm, vì anh giận một giáo viên đã nói đứa con cả của anh lấy trộm đồ của bạn từ hồi còn… đi mẫu giáo!

“Không cho bọn trẻ đi học vợ chồng anh không sợ chúng nó sẽ khổ như mình à?”. Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, anh Thêm buông một câu cụt ngủn: “Thì kệ chúng nó thôi!”.

Người con trai thứ 4 bị ngờ nghệch câm điếc bẩm sinh và em gái út sinh năm 2010 phải ở nhà trông anh cho bố mẹ đi làm

Theo vợ chồng anh Thêm, 5 đứa con, đứa đầu sinh năm 2000, đứa út sinh năm 2010 bởi không đến lớp nên chỉ quanh quẩn ở nhà, khi có việc thì phụ giúp bố mẹ, không thì cứ nhong nhóng rong chơi.

“Nói thật, vợ chồng tôi cũng chẳng biết kiếm tiền đâu mà cho chúng ăn học nữa cơ. Bây giờ kiếm cho chúng miếng ăn đã khó lắm rồi!”, anh Thêm thật thà.

Vài tháng nay, nhờ người quen mối lái, anh Thêm có thêm nghề kéo xe chở thang, chõng đi bán rong. Nghề này đòi hỏi sức khỏe, kiên trì bởi đi rạc cẳng. Hôm thì sang tận Hưng Yên, hôm thì lên Hòa Bình, ngày nào cũng đi cả trăm cây số.

Những đứa trẻ nhà anh Thêm chúng toàn uống nước lã

Mỗi lần “đi hàng”, anh Thêm được trả công 120 nghìn đồng. “Cũng phải kiếm chút tiền mà mua cho bọn trẻ manh áo mới chứ. Trước đây chúng nó toàn mặc quần áo xin của người ta”, anh Thêm chia sẻ.

Đời là những tiếng thở dài

Anh Thêm là con thứ hai nhưng mới đây, người anh cả qua đời vì bệnh hiểm nghèo nên anh được khoác thêm trọng trách phụng dưỡng mẹ già. Năm nay, mẹ anh đã tuổi xưa nay hiểm, hai chân đau nhức đi lại khó khăn. Ở với anh nhưng thương con bần hàn, bà cũng cố sức chuốt lá đan nón để kiếm đồng ra đồng vào tự nuôi mình.

Thêm gánh nặng nữa là cô em thứ tư, chị Đỗ Thị Đượm vốn theo chồng mãi trong Nam và đã có một đứa con trai. Chừng 4-5 tháng trước không biết có phải do ảnh hưởng chất độc hóa học từ bố hay vì lý do gì mà bỗng dưng phát điên phát dại.

Sinh năm 2002 mà bây giờ Hòa mới đang tập viết chữ và học phép tính cộng trừ nhờ các anh chị trong xóm dậy

Bởi chẳng cưới xin gì nên chị Đượm bị “người ta” trả về “nơi sản xuất”. Về ở với mẹ, với anh, chị Đượm cả ngày chỉ nằm trên giường rồi thình lình chợt cười, chợt khóc.

Tối hôm trước, cả nhà anh Thêm được phen hú vía bởi chị Đượm bỏ nhà đi. Gần nửa đêm không thấy con đâu, mẹ anh Thêm ôm mặt gào khóc gọi tên con còn vợ chồng anh Thêm thì tất tả kiếm tìm.

Bé gái và người anh bị câm điếc bẩm sinh thường xuyên bốc cơm nguội như thế này mỗi khi bố mẹ đi làm xa

“Quá nửa đêm tôi mới tìm thấy nó đấy. Nó đi cách nhà cả chục cây số rồi. Chắc nhớ con nên nó đi tìm”, anh Thêm kể lại.

Ban ngày mỗi người một việc nhưng tối đến, nhà anh Thêm chật cứng người. Đám trẻ con nô đùa, hò hét như ong vỡ tổ. Nô chán thì bạ góc nào là chúng nằm co quắc đánh giấc. Anh Thêm cũng vậy, tối đến, có tí men thường anh nằm vật luôn ngoài hè cho mát.

“Nhà có hai chiếc giường, cái ở ngoài thì dành cho mẹ, em gái. Cái trong buồng thì vợ và đứa út nằm. Em thì cứ tiện đâu ngủ đấy, chả sao cả!”, anh Thêm hồn nhiên.

Mấy tháng hè, nhờ một tổ chức thiện nguyện, mấy đứa con anh Thêm được vận động đến nhà văn hóa thôn học chữ. “Mấy đứa thích đi học lắm! Học không mất tiền nên vợ chồng tôi cũng chẳng cấm!”, chị Phượng, vợ anh Thêm cho biết.PV

Theo Đời sống Plus/GĐVN