Đôi vợ chồng trẻ có 8 người con ở Hà Nội: “Tết chỉ khác ngày thường là không ai thuê mướn vợ chồng tôi”

“Tết đến nhà tôi không dám mua cành đào, cây quất, bởi kinh tế gia đình khó khăn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Tiền mua đào, quất để lo cho các con ăn học”, ông bố sinh 8 người con chia sẻ.

Đôi vợ chồng 29 tuổi sinh 8 người con Tết chưa bao giờ mua cành đào, cây quất

“Cháu muốn có đôi dép mới cho mình và em”

Ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thăm gia đình “bất đắc dĩ nổi tiếng” của anh Đỗ Công Trường (SN 1985) và chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1988) ở thôn Phú Hạng, xã Tân Phú, Quốc Oai, Hà Nội. Hỏi nhà anh Hồng thì từ cụ già đến đứa trẻ đều chỉ đường vanh vách bởi đôi vợ chồng trẻ với “kỷ lục” lấy nhau 12 năm sinh liền 8 đứa con nay đã quá nổi tiếng.

Trong ngôi nhà cấp 4 lọt thỏm sâu trong ngõ, những tiếng cười nói vô tư của những đứa trẻ xóa tan bầu không khí tĩnh lặng. Dù cận tết Nguyên đán nhưng ngôi nhà anh Trường vẫn chưa có không khí chuẩn bị đón năm mới.

Tâm sự với chúng tôi anh Trường kể: “Nhà tôi năm nào cũng vây, cứ Tết đến gói gần 20 cái bánh chưng, mấy cân thịt, ít kẹo bánh là xong. Năm nào đi làm việc nhiều thì mua cho mỗi con bộ quần áo mới, có năm cũng không mua được hết”.

Anh Trường cho biết Tết đối với gia đình anh cũng như ngày bình thường

Anh Trường nói rằng, gia đình có đến tận 8 người con bởi đa phần sát ngày sinh thì vợ anh mới biết… mình mang bầu. Cứ “nhỡ” liên tục và 12 năm vợ chồng anh Trường đã có đến 8 người con. Đông con, vợ chồng lại không có công ăn việc làm ổn định nên gia đình anh Trường quanh năm khốn khó.

“Vợ tôi sinh nở được một thời gian ngắn là đi làm luôn, lúc thì bán hàng thuê, lúc xách vữa. Còn tôi quanh năm làm nghề thợ xây, công việc không ổn định nên tiền bạc cũng chỉ đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình”, anh Trường nói.

Ngồi ngay cạnh bố, cháu Nguyễn Thị Dung (con gái cả anh Trường) tâm sự: “Chị em cháu mới có 2 đứa được mua quần áo mới, vì mẹ đi làm cũng không có nhiều tiền. Còn bố phải lo ăn uống và đóng học cho chúng cháu”.

Các con của anh Trường chỉ thích mua quần áo mới đón năm mới

Khi hỏi Tết đến các cháu muốn gì nhất? Những đứa con anh Trường đều chung câu trả lời là quần áo mới.

Những ước mơ đầu năm mới ấy tưởng chừng là giản dị nhưng với các con anh Trường đó là điều xa xỉ. Anh Trường bảo, không phải là hai vợ chồng không muốn lo cho con, mà vì họ quá khó khăn.

“Không có khái niệm quất, đào ngày Tết”

Nhưng vì hoàn cảnh gia đình đông con kinh tế khó khăn nên không ai đòi bố mẹ mua đồ

Nhìn các con đang nô đùa, anh Trường khẽ nói, đã gần 13 năm nay kể từ sau khi vợ chồng anh về sống chung một nhà, ngày Tết cũng như ngày thường, không có gì khác biệt. Duy chỉ có chút khác lạ cả hai vợ chồng được ở nhà với các con khoảng mấy ngày vì không ai thuê mướn.

“Tết đến nhà tôi không dám mua cành đào, cây quất, bởi kinh tế gia đình khó khăn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Tiền mua đào, quất để lo cho các con ăn học. Chưa bao giờ có khái niệm quất, đào ngày Tết”, anh Trường chia sẻ.

Trời rét nhưng các con anh Trường toàn đi chân trần

Khi nhà nhà đều nô nức chuẩn bị đón Tết, gia đình anh Trường thì Tết vẫn như ngày thường. Cả hai vợ chồng tự động viên nhau: “Tài sản lớn nhất của chúng tôi chính là các con, Tết đến các con hò hét, nô đùa vui lắm, thế là mọi thứ cứ thế trôi qua”.

Thậm chí đôi tất đeo cũng cọc cạch, chiếc nọ chiếc kia

Dù kinh tế gia đình khó khăn, các con thiếu thốn nhiều nhưng đổi lại các con của anh Trường rất ngoan ngoãn, nghe lời. Biết bố mẹ khó khăn vất vả nên từ đứa lớn tới đứa bé không bao giờ nũng nịu đòi bố mẹ mua tấm quà bánh hay đồ chơi.

Tết đang về sập sập từ ngoài đường đến đầu ngõ, từng nhà. Thế nhưng, trong ngôi nhà nghèo khó của vợ chồng anh Trường mọi thứ vẫn vậy. Nhìn những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa khiến chúng tôi thấy chạnh lòng.

Theo Đời sống Việt Nam