Cuộc sống hiện tại của bé Bích, nạn nhân bị Lê Văn Luyện bỏ sót: “9 năm nữa con sẽ…”
Nhớ lại vụ thảm án Lê Văn Luyện gây ra hơn 6 năm trước mà em vẫn vô cùng phẫn nộ. Chỉ có cầm thú không còn tính người mới nhẫn tâm giết cả gia đình người ta để cướp của.
Dù hắn đã bị pháp luật trừng trị nhưng không thể nào bù đắp nỗi đau quá lớn của bé Bích, nạn nhân duy nhất được hắn “bỏ sót”. Bên cạnh đó, gia đình Lê Văn Luyện cũng rơi vào bi kịch vì tội ác của hắn.
Ngày xưa, chỉ vì không có tiền chơi điện tử, Luyện đã cầm xe máy của chú lấy 5 triệu đồng ăn chơi trác táng. Được mấy ngày, toàn bộ số tiền đặt xe hết sạch sành sanh. Để có tiền chuộc xe máy của chú, Luyện tính kế đêm đến trèo qua cửa sổ vào nhà tiệm vàng Ngọc Bích của vợ chồng anh Ngọc để ăn trộm vàng bạc, bán lấy tiền tiêu xài và trả nợ.
Bị phát hiện, hắn ta đã giết chết vợ chồng anh Ngọc cùng con gái mới 18 tháng tuổi, chém lìa tay bé Bích gây thương tật 76%.
Tính đến thời điểm này, đã hơn 6 năm trôi qua nhưng tội ác Lê Văn Luyện vẫn là ký ức hãi hùng đối với người thân của Luyện. Nhất là cô bé Bích tội nghiệp, em còn quá nhỏ để đối diện với nỗi mất mát người thân.
Gia đình Luyện tan nát
Biến cố này khiến gia đình Luyện tan nát. Ông Lê Văn Miên (bố Luyện) vướng vòng lao lý vì hành vi che giấu và không tố giác tội phạm, em trai phải bỏ học. Trong khi đó, bà Trương Thị Thơm (mẹ Luyện) – người phụ nữ duy nhất trong nhà đã phải chịu rất nhiều đau đớn từ tội ác oan nghiệt của con trai. Bà từng bỏ đi khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để tránh lời đàm tiếu của thiên hạ, cũng không dám bán buôn kiếm sống như ngày xưa.
Lúc đó, bà Thơm cùng hai con trai lui về gia đình bên ngoại sống tạm. Có thời điểm, bà rơi vào cảnh thần kinh không ổn định, nếu là người ngoài thì không ai có thể tiếp xúc hay gặp gỡ.
Mãi đến khi ông Miên ra tù một thời gian thì gia đình bà Thơm mới dám trở về quê. Bà Thơm bần thần nhớ lại: “Nhà mấy năm bỏ không ở nên ẩm mốc hết cả. Thôi thì chỉ nghĩ là cứ về ở cho nó ấm cúng, có hơi người. Giờ còn nợ nhà người ta mấy trăm triệu, biết bao giờ mới bồi thường nổi. Nhiều lúc túng quẫn cũng nghĩ hay bán đi nhưng lại thôi. Giờ nhà tôi có còn gì nữa. Cũng nguôi ngoai và không nghĩ nhiều nữa rồi, phải để vững tâm mà làm ăn. Chỉ mong có sức khỏe, làm ăn rồi còn đền nợ và nuôi thằng bé này.” (con trai út bà Thơm đang học lớp 3)
Long, con trai thứ hai của bà đang làm cho một nhà máy ở Bắc Ninh, thu nhập khoảng 5 – 6 triệu/tháng. Còn ông Miên sau khi trở về thì đã đi làm thuê cho các công trình xây dựng, thu nhập cũng không ổn định.
Từ sau Tết Nguyên đán 2017, bà Thơm quyết định tự làm đồ vàng mã để bán tại nhà để có đồng dư mà trả nợ.
Bé Bích phải chuyển nơi ở để quên nỗi đau
Gần hai năm trôi qua sau bi kịch của gia đình, em Trịnh Thị Ngọc Bích đã có cuộc sống mới ở mảnh đất Ninh Thuận xa xôi. Gia đình cho cô bé đi xa vì sợ Bích không trụ được mỗi khi nhìn thấy ngôi nhà. Cô bé đã lớn hơn những năm trước rất nhiều nhưng không dám trở về quê, dù nhớ bà nội đã già yếu, nhớ các bác, cô, chú, anh chị…
Nhắc đến tên em Bích, những người dân ở phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang ai cũng cảm thương và mến phục. Những người hàng xóm nói rằng, Bích là cô bé thông minh, nhanh nhẹn và giàu nghị lực. Trong gang tấc mong manh giữa sự sống và cái chết, em đã nén chịu đau đớn, nhanh trí trốn thoát được lưỡi dao hung hãn của kẻ thủ ác. Đáng khâm phục hơn, dù chỉ là một cô bé 8 tuổi nhưng Bích đã và đang học cách đối diện với số phận, vượt lên nỗi đau và sự mất mát quá lớn của bản thân, gia đình để hoà nhập cuộc sống và học tập thật tốt, nhằm thực hiện ước mơ của mình.
Họ hàng bên nội sợ em Bích không thể quên nỗi ám ảnh kinh hoàng về thảm án của cả gia đình năm xưa nên phải cho em vào nhà người bác bên ngoại ở Ninh Thuận xa xôi để sinh sống, học tập. Hy vọng thời gian sẽ giúp em xóa dần ký ức đau buồn.
Ông Sinh, bác ruột của cháu Bích tâm sự: “Gia đình bên nội tôi tập trung sinh sống, làm ăn hết ở đây. Ngày xưa tôi lấy vợ, cha mẹ cũng không cho lấy xa để tiện bề đi lại. Anh em họ hàng ở gần nhau vẫn là nhất. Thế nhưng tai hoạ bỗng đâu giáng xuống đầu, cả họ có mình cháu nó phải xa quê hương vào tận Ninh Thuận để sinh sống, học tập. Hiện Bích đang ở cùng một người bác bên ngoại. Gia đình người bác này con cái đã lớn cả, chỉ còn một cháu chưa lập gia đình nên có điều kiện chăm sóc, nuôi nấng Bích. Một điểm thuận lợi nữa là, hầu hết họ hàng bên ngoại nhà cháu ở trong đó nên cũng đùm bọc, đỡ đần cho cháu. Gia đình chúng tôi ngoài này cũng đủ sức lo cho cháu, nhưng sau mọi chuyện, chúng tôi buộc phải cho cháu vào Nam để thay đổi môi trường sống”.
Ông Sinh cũng cho biết, hiện tại Bích đang theo học một trường quốc tế. Trường này có cả ba cấp học (cấp I-II-III), Bích sẽ học xuyên suốt ở đó. Trường này có chế độ chăm sóc học sinh khá tốt, còn thường xuyên tổ chức cho các cháu tham gia các hoạt động ngoại khoá.
Bà nội của Bích tâm sự: “Bích là con bé rất giàu tình cảm. Cháu thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khoẻ ông bà, các em và các bác ngoài này. Lần nào cháu gọi điện về cũng nói nhớ nhà, nhớ ông bà và các bác ngoài này. Nói xong con bé lại khóc. Vì cháu nó hay khóc như thế nên nhiều khi muốn hỏi thăm tình hình của nó, người nhà tôi lại phải hỏi qua các bác của cháu”.
Nhớ nhà là vậy, nhưng Bích không dám về thường xuyên vì sợ những ký ức đau buồn trỗi dậy. Ông Sinh kể lại “Từ ngày cháu vào miền Nam học tập mới chỉ về quê duy nhất một lần. Đó là dịp giỗ đầu bố mẹ và em cháu. Lần đó, hai bác bên ngoại ép mãi cháu mới về và cũng chỉ dám ở nhà chớp nhoáng vài ba tiếng rồi đi ngay. Lúc Bích về nhà, nhìn thấy cháu, không ai cầm nổi nước mắt nhưng cố phải kìm nén cảm xúc vì sợ cháu nhìn thấy lại buồn hơn.”
Dù tuổi còn rất nhỏ nhưng Bích đã có những suy nghĩ rất người lớn. Có lẽ do số phận kém may mắn đã khiến cô bé có những tâm tư già trước tuổi. Em luôn cố gắng vượt qua nỗi đau của mình và sống lạc quan để những người thân của em an lòng.
Em Bích học giỏi, vẽ đẹp và hát hay
Được gia đình ngoại hết mực yêu thương, tâm lý của em Bích đã ổn định hơn rất nhiều. Để Bích không bị gợi lại những ký ức cũ, trong gia đình không ai được bàn bạc gì về những chuyện cướp của, giết người… Tất cả người thân của em Bích đang nỗ lực từng giây phút để bù đắp và xoa dịu phần nào nỗi đau của em.
Tuy vậy, thi thoảng Bích vẫn khóc, vẫn tủi thân khi nhớ về cha mẹ và em nhỏ. Có lần, nửa đêm Bích nằm mơ rồi giật mình tỉnh giấc. Giữa màn đêm, con bé khóc oà lên. Khi đó, bác của Bích lại ôm em vào lòng rồi 2 bác cháu lại khóc nức nở.
Những cố gắng của gia đình ngoại cũng được đền đáp phần nào khi bây giờ em đã sống vui vẻ hơn và rất hoà đồng cùng bạn bè.
Bàn tay phải của Bích giờ không thể hồi phục được nữa nên em chuyển sang viết tay trái. Điều kỳ diệu là em rất chịu khó và viết chữ rất đẹp. Bích cũng đã sinh hoạt thuận tiện và không cần nhiều đến sự giúp đỡ của người khác như thời điểm tay vẫn còn bị ảnh hưởng bởi các cơn đau.
Ngoài học tập, Bích còn tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ của trường. Cô bé rất thích hát, thích vẽ nên gia đình còn cho Bích đi học thêm các lớp năng khiếu. Vì Bích sớm phải chịu thiệt thòi và tổn thương nên gia đình mong muốn ít nhiều bù đắp cho cháu.
“9 năm nữa con mới về quê”
Ông Sinh cho biết: “Trong cuộc điện thoại gần nhất với tôi cách đây mấy hôm, Bích có tâm sự: “9 năm nữa con mới về quê bác ạ”. Tôi không biết tại sao cháu lại hẹn tôi 9 năm. Nhưng tôi hy vọng rằng quãng thời gian không ngắn đó sẽ giúp cháu tôi đủ bản lĩnh để đối diện với những ký ức tuổi thơ quá kinh hoàng”.
Hy vọng với những nghị lực và lòng dũng cảm của mình sẽ giúp Bích xoá bỏ đi phần nào của ký ức và hoà nhập với cuộc sống này tốt hơn. Chúc em luôn được đón nhận những gì may mắn nhất trong cuộc sống.
Theo WTT