Cạn nước mắt khi tận mắt chứng kiến nỗi đau trên hồ thủy điện Mù Cang Chải: Bùn, gỗ và xác người
Trận đại hồng thủy ở huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây khi họ chứng kiến cảnh người dân, hàng xóm, nhà cửa bị dòng nước dữ cuốn trôi.
Sáng 4/8, có mặt tại hiện trường sau trận lũ quét tại tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải, chúng tôi bắt gặp những gương mặt bàng hoàng, thẫn thờ của người dân, cũng là những nhân chứng may mắn thoát chết trong giây phút cơn đại hồng thủy tràn về.
Đó là rạng sáng 3/8, dưới cơn mưa kéo dài từ lúc nửa đêm, đại lũ từ núi Kim Nọi gần đó bất ngờ đổ về dọc theo khe suối hướng thẳng vào thị trấn. Những tảng đá cỡ 5-10 tấn sạt xuống từ núi Kim Nọi bị cuốn trôi theo con lũ ống di chuyển với tốc độ lớn trong khoảng cách 4km nhưng chỉ vài phút đã càn qua 19 nóc nhà.
Những ngôi nhà bê tông hai tầng cũng bị san phẳng và biến mất, chỉ còn lại nền nhà toàn đá lớn. Ngoài 2 người chết, số người mất tích bị đá tảng vùi lấp và nước cuốn trôi được cơ quan chức năng xác nhận là 12 người. Lũ cũng cuốn trôi 32 nhà, 6 người bị thương, 14 ngôi nhà bị sập.
Tập thể 4 hộ gia đình giáo viên trường phổ thông trung học ở thị trấn, nơi lũ đi qua đã kịp thời chạy vọt sang đồi cách đó vài mét, thoát chết. Khu nhà học sinh ba tầng bị đá xuyên thủng toàn bộ các căn phòng tầng một. May mắn đang kỳ nghỉ hè nên đã không có học sinh thương vong. Gần đó, trường Mầm non Hoa Lan, trường Tiểu học Thị trấn, Trung tâm chính trị huyện, sân vận động, nhà Văn hóa thông tin huyện Mù Cang Chải bị đá và lũ phá tan hoang.
Trong bộ quần áo ướt nhẹp, lấm lem vì vừa cùng một số người tham gia công tác cứu hộ cứu nạn, chị Nguyễn Thu Trang (tổ 4, thị trấn Mù Căng Chải) kể, cơn lũ xảy ra vào đầu giờ sáng, lúc đó chị tỉnh giấc bởi trời mưa to, rồi nghe tiếng nước ầm ầm trên núi đổ xuống vùng dân cư và suối Nậm Kim. Thấy thế, chị chạy sang nhà bên hét toáng lên để họ dậy.
“Thương nhất là vợ chồng anh Nguyễn Anh Dũng (thị trấn Mù Căng Chải). Mới xây nhà được hơn 1 năm thì nay lại bị nước lũ cuốn không sót thứ gì”, chị Trang kể và cho biết, lũ quét qua nhà anh Dũng cuốn trôi cả gia đình, dòng nước cuốn anh Dũng ra mặt đường quốc lộ nên người dân cứu được còn vợ con anh bị cuốn xuống suối Nậm Kim theo hướng thủy điện Khao Mang, đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Trận lũ quét lịch sử này được người dân thị trấn và lãnh đạo huyện Mù Cang Chải mô tả là chưa từng có cả trăm năm nay. Toàn bộ hệ thống giao thông từ trung tâm huyện về các xã bị chia cắt, cô lập.
Trên tuyến đường mà PV vượt qua đèo Khau Phạ vào thị trấn có tới 35 điểm sạt lở vách cao nguy hiểm, mặc dù đã được lực lượng thanh niên (tỉnh Đoàn Yên Bái huy động 300 đoàn viên thanh niên) và máy móc hỗ trợ san gạt đá, đất, nhưng sạt lở ta luy mới vẫn xảy ra. Hệ thống thủy lợi các xã Lao Chải, Kim Nọi, Chế Tạo và Khao Mang bị phá hỏng hoàn toàn. Ước tính tổng thiệt hại do lũ quét ở đây đến cuối ngày 3/8 khoảng 150 tỷ đồng.
Men theo con đường từ thị trấn Mù Cang Chải qua xã Mổ Dề, xã Khao Măng, ngoài lực lượng chức năng đang tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích sau trận lũ quét, chúng tôi gặp hàng trăm người dân đi vớt củi dọc lòng hồ Mù Cang Chải (còn gọi là hồ Mồ Dề).
Trận lũ ống lịch sử sáng ngày 3/8 đã biến hồ chứa nước thủy điện biến thành… hồ củi. Những khúc củi đủ các kích cỡ theo dòng nước bị cuốn trôi đã tập kết ở đây.
Mặt hồ rộng mênh mông, có những đoạn có chiều rộng tới nửa cây số tràn ngập củi, rác. Lớp củi rác dày tới mức, có những đoạn chất dày thành một lớp đặc, người già, trẻ con… đứng trên đống củi rác để vớt củi về đun.
Từ trên cao nhìn xuống, con người nhỏ bé như một đầu đũa giữa mênh mông củi rác nổi đầy mặt hồ. Tại khu vực Cung 11 (xã Mồ Dề), rất nhiều người dân mang theo các dụng cụ tự chế để lôi củi vào mép bờ. Họ lội sát xuống mép hồ, sâu ngang người để vớt củi lên.
Mặc dù, dọc đường, lực lượng chức năng vẫn treo những biển cấm vớt củi rác trên mặt hồ, người dân vẫn bất chấp hiểm họa mưa lũ.
Đắng cay hơn, ở giữa mặt hồ dày đặc gỗ là bóng dáng người đàn ông dùng những thành luồng tạo thành bè đi lại. Theo lời bà con quanh đây, người đàn ông này đang đi tìm người thân bị mất tích sau trận lũ quét.
Ở những lối ven hồ khác, nhiều người dân thất thần ngóng trông tin tức người thân. Với khuôn mặt thất thất, bác Nùng Văn Tâm (56 tuổi) và bác Nùng Văn Đôi (51 tuổi) lặn lội hàng chục cây số từ xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu) tìm đứa cháu trai thất lạc. Bác Tâm cho biết, hai an hem Nình Văn Do (33 tuổi) và Nùng Văn Day (31 tuổi) có cửa hàng sửa chữa điện thoại ở thị trấn Mù Cang Chải. Sau trận lũ quét, anh Day bị đá đè nhưng may mắn thoát chết và hiện điều trị tại bệnh viện.
“Còn thằng Do thì đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Sau 2 ngày tìm kiếm trong vô vọng, gia đình tôi chẳng còn hy vọng may mắn sẽ đến với nó, chỉ mong sao sớm tìm được thi thể cháu về lo hương khói cho an lòng”,bác Tâm bật khóc.
8 giờ sáng nay (4/8), đội tìm kiếm cứu nạn đã phát hiện 1 thi thể bị lũ ống cuốn trôi ở Mù Cang Chải (H.Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), nhận định ban đầu đây là 1/4 trẻ em đi chăn trâu bị lũ cuốn trôi mất tích.
Trao đổi với phóng viên khi đang chỉ huy hiện trường lũ ống ở thị trấn Mù Cang Chải, đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết lúc 8 giờ sáng nay đã phát hiện một thi thể tại bản Mua, xã Kim Nọi.
Nạn nhân là cháu bé khoảng 10 tuổi nhưng chưa thể xác định được danh tính. Nhận định ban đầu, nhiều khả năng đây là 1/4 trong cháu bé ở xã Kim Nọi đi chăn trâu trong sáng ngày 3/8 thì gặp dòng lũ từ ống từ thị trấn Mù Cang Chải cuốn trôi mất tích.
Đến khoảng 9h sáng cùng ngày, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái đã hạ thủy 2 xuồng cứu tìm kiếm cứu nạn cỡ nhỏ xuống lòng hồ thủy điện Mù Cang Chải đoạn xã Mồ Dề để tìm kiếm những người còn mất tích. Theo phán đoán của lực lượng chức năng, nước lũ quét dồn xuống hạ lưu là hồ thủy điện Mù Cang Chải, nên rất có thể, những người xác định còn mất tích bị trôi về hạ lưu.
Trao đổi với PV tại hiện trường, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ chiều 3/8 các lực lượng chức năng tỉnh phối hợp cùng với Quân khu 2 đã triển khai công tác cứu hộ cứu nạn, đồng thời khắc phục hậu quả sau trận lũ kinh hoàng.
Tuy nhiên, công tác cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, bởi hiện tại nước lũ từ đầu nguồn dội về rất nhiều, khối lượng đất đá lớn. Chính vì vậy, lực lượng chức năng phải tính toán các biện pháp an toàn như dùng máy móc phá đá, khơi thông dòng nước. “Bây giờ nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân là ưu tiên hàng đầu”, ông Duy cho biết thêm.
Theo Gia đình & xã hội