Bỏ Tết hay gộp Tết – Vấn đề nhức nhối, gây tranh cãi mỗi độ Xuân sang

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) vừa tái khẳng định quan điểm muốn “gộp Tết” Âm lịch với Dương lịch, lại một lần nữa khiến dư luận “dậy sóng”.

1. Đề xuất bỏ Tết cổ truyền, gộp Tết âm và dương gây tranh cãi

Ý tưởng bỏ Tết cổ truyền, nói đúng hơn là gộp 2 Tết âm và dương làm 1, được ông Võ Tòng Xuân đề xuất cả chục năm trước đã mở ra một cuộc tranh luận kéo dài cho đến nay.

Thời điểm bấy giờ, số người không đồng tình chiếm khoảng 70 – 80%, nhưng càng về sau số người ủng hộ càng tăng. Những người ủng hộ phần lớn đều thuộc thành phần trí thức, có công ăn việc làm ổn định, sự nghiệp thành đạt. Đa số họ đều thấy việc ăn chơi, nghỉ ngơi cả tháng vào Tết cổ truyền sẽ gây thiệt thòi cho công việc, gián đoạn những mối quan hệ giao tiếp với đối tác…

Theo ông Xuân, nếu coi kinh nghiệm của Nhật Bản, Tết Dương lịch họ cũng làm lớn như các nước khác. Nhưng, Tết Âm lịch, họ nghỉ trong 3 ngày và chỉ thực hiện những tục lệ còn thích hợp, chứ không kéo dài như Việt Nam.

Lời chia sẻ của Giáo sư: “Việt Nam duy trì Tết Âm lịch, thì trước Tết khoảng mấy tuần mọi người cũng đã bận rộn lo Tết, rồi khi xong Tết kéo dài như vậy công việc bị dồn ứ. Thành ra, bây giờ nên gom hai cái Tết lại thành một và nên duy trì 3 ngày Tết Âm lịch để làm những thủ tục cổ truyền một cách gọn gàng, văn minh như cách gìn giữ những giá trị văn hóa“.

Ảnh: Internet

Xét về góc độ kinh tế, Giáo sư cho rằng nếu nhìn qua Hồng Kông hoặc Singapore, họ vừa ăn Tết tây vừa ăn Tết ta, nhưng họ cũng nghỉ có ba ngày thôi, “chứ đâu nghỉ quá nhiều như mình”.

Ông Xuân phân tích: “Bên đó, nghỉ kéo dài họ sẽ bị đuổi việc vì họ làm công việc theo kiểu Tây phương. Còn mình, không ai đuổi, tức không có gì bắt buộc họ làm nhiều, trong khi ở những nơi người ta có công việc ổn định, thì buộc người ta nghỉ người ta cũng không nghỉ“…

Với câu hỏi: “Nếu đón Tết theo lịch Dương, vậy thì truyền thống văn hóa của người Việt có bị phai nhạt?”, Gs Xuân nhận định: “Chúng ta mà sợ thì không thay đổi được gì theo nghĩa tích cực. Nhà thơ Tố Hữu đã viết rồi: “Bốn ngàn năm ta vẫn là ta”.

Câu chuyện gộp Tết rất đơn giản là thay đổi thời điểm, thói quen chứ không thay đổi bản chất sự việc. Những giá trị thuộc về bản sắc dân tộc như lễ nghi, thủ tục thờ cúng tổ tiên, chúc mừng năm mới, mừng tuổi người lớn, lì xì trẻ con… vẫn phải gìn giữ, phát huy. Tết Nguyên đán quy định được nghỉ 9 ngày nhưng chúng ta đều biết kiểu gì cũng kéo dài cả tháng từ nông thôn đến thành thị. Cứ tiếp tục duy trì như vậy, chỉ có thiệt thòi thôi”, Gs cho biết thêm.

2. Thói quen, phong tục có dễ thay đổi?

Có nên bỏ Tết âm lịch, gộp Tết Ta với Tết Tây không? Không thể phủ nhận ưu điểm của việc gộp Tết âm và dương là nhằm tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí, rườm rà… nhất là con người trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, cũng có một câu hỏi được đặt ra rằng, với những tập tục, thói quen, căn tính của người Việt thì đề xuất ấy liệu có được áp dụng một cách hiệu quả?

Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Áp lực xung quanh chuyện ăn Tết, nghỉ Tết là điều ai cũng nhận thấy. Từ xưa đến nay, tất cả đều chịu áp lực khi “phú quý sinh lễ nghĩa”, những phong tục tốt đẹp bị biến tướng theo nghĩa rườm rà, cổ hủ.

Nhưng thử nghĩ lại, với tập tục, căn tính của một cộng đồng nông nghiệp đang gặp gỡ một cách khá bất cập với văn hóa, văn minh phương Tây như chúng ta sẽ tạo nên những hình thái sinh hoạt xã hội rất đặc thù – kiểu Việt Nam.

Thế thì chưa hẳn áp lực của việc gộp Tết, ăn Tết theo lịch Dương đã được giải quyết. Có khi, tưởng thay đổi để giải quyết áp lực này thì lại nảy sinh ra áp lực khác. Điều quan trọng có lẽ nằm ở quan niệm về giá trị mà các thế hệ hay các cộng đồng thương thỏa được với nhau”.

Ảnh: Internet

3. Tranh luận gộp “Tết ta và Tết tây” bỏ quên điều then chốt

Theo TS. Mai Thanh Sơn, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khi bàn về một quyết định hệ trọng như vậy, chúng ta không thể bỏ qua điều then chốt là tham chiếu khung pháp lý hiện hành.

Theo công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO thì tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội là một trong các hình thức thể hiện di sản văn hóa phi vật cần bảo vệ.

Theo Hiến pháp, Luật Di sản văn hóa Việt Nam, cho dù chiếm tới hơn 86% dân số của cả nước, người Kinh cũng vẫn không phải là chủ nhân duy nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Bởi thế, không chỉ Tết của người Kinh mà Tết của các dân tộc khác cũng cần được bảo vệ.

Dù có nhiều ý kiến trái chiều, song giá trị cuối cùng mọi người muốn hướng tới đó là làm thế nào để vừa đảm bảo cho quá trình vừa hội nhập/phát triển bền vững, vừa bảo tồn được truyền thống văn hóa của các tộc người trong khuôn khổ dân tộc/quốc gia.

*Thông tin chỉ mang tính tham khảo!

Theo Lichngaytot