Bị bóng đè: Nỗi ám ảnh kinh hoàng khi toàn thân bất lực

Bóng đè là một hiện tượng rối loạn giấc ngủ, thường xuất hiện ở những người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, những người “yếu bóng vía”, hay ám ảnh vì những điều vu vơ mà thiếu suy xét khoa học, hoặc người khoẻ nhưng một lúc nào đó có điểm yếu trong tinh thần.

Bị bóng đè có tên khoa học là tình trạng liệt thân khi ngủ – sleep paralysis, chỉ xuất hiện ở những người thường có trạng thái ngủ chập chờn, hay mộng mị, khó thở… Tình trạng này khiến cơ thể rơi vào trạng thái nửa ngủ nửa tỉnh, xuất hiện đủ loại ảo giác khác nhau, thậm chí có thể nghe thấy âm thanh xung quanh, nhưng cho dù bản thân cố gắng dùng sức thế nào đều không được, muốn mở mắt ra hoặc lật mình trở dậy nhưng cũng không thể động đậy được. Sau một lúc gắng sức giãy giụa, cuối cùng mới tỉnh lại được.

Ảnh minh họa

Khi bị bóng đè, vỏ não hoạt động nhanh, các cơ bắp toàn thân không căng do luồng thần kinh vận động bị chặn, các trung khu thần kinh chỉ huy lời nói và hành động bị ức chế, kìm hãm, khiến ngoài đôi mắt có thể cử động, những bộ phận khác phần lớn đều trong trạng thái đơ cứng.

Vậy nếu không may rơi vào tình trạng này, chúng ta phải làm gì để lấy lại giấc ngủ ngon? Cùng đọc kỹ 8 lời khuyên dưới đây nhé.

1. Không phản kháng hay cố vùng vẫy

Khi bạn cảm thấy bản thân bị đè nặng, không thể động đậy được thì điều đầu tiên cần làm là không nên phản kháng. Bạn càng cố chống cự, cố sức để gồng người lên vùng vẫy hay cố mở miệng để cầu cứu chỉ khiến cơ thể bạn trở nên nguy kịch hơn, nếu cơn bóng đè kéo dài thì sẽ khiến bạn ngạt thở và rơi vào trạng thái nguy hiểm đến tính mạng.

2. Tự nhắc nhở chính mình

Khi nhận thức được rõ rệt mình đang bị bóng đè, có thể thả lỏng người trước, sau đó lặp lại trong đầu mình nhiều lần “tất cả chỉ là bóng đè thôi, sẽ không sao cả”. Như vậy khả năng “chiến thắng” bóng đè sẽ cao hơn.

Ảnh minh họa

Tự nhắc nhở bản thân để xua đuổi bóng đè.

3. Co duỗi ngón chân

Hiện tượng bóng đè tập trung đè nặng vào toàn thân chúng ta nhưng chủ yếu là đè nặng vào bộ phận ngực, bụng, cổ họng và đầu. Vậy nên nếu như bạn tập trung sức chú ý ở ngón chân và thử co duỗi nó, rất có thể nó sẽ đánh thức bạn. Hãy nhớ là co duỗi từ từ và nhẹ nhàng chứ không cố sức vùng vẫy nhé. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử nắm chặt bàn tay.

4. Cử động cơ mặt

Khi cơ thể rơi vào trạng thái liệt khi ngủ, hãy thử cố cử động cơ mặt để đánh thức mình.

5. Cố gắng thở đều

Khi bị bóng đè thì chúng ta sẽ có cảm giác như bị ngạt thở, nhưng nếu bạn muốn nhanh thoát khỏi cơn bóng đè ám ảnh ấy thì hãy cố tập trung hít thở thật đều nhé.

Những người bị bóng đè rất dễ rơi vào trạng thái khó thở.

6. Giữ ý thức tỉnh táo

Lúc này, dù cơ thể rơi vào trạng thái tê liệt không thể cử động được nhưng rõ ràng bộ não vẫn có đầy đủ ý thức. Do đó thay vì cố sức vùng vẫy thì chúng ta nên tập trung suy nghĩ, giữ đầu óc được tỉnh táo nhất có thể. Chúng ta hãy trấn an tinh thần bằng cách nghĩ đến những điều tốt đẹp, tránh nghĩ đến những hình ảnh xấu, tiêu cực, gây ám ảnh. Nếu được, hãy niệm chú hay gửi gắm tinh thần vào trong tín ngưỡng của bạn, bạn sẽ dần lấy lại bình tĩnh và thấy tinh thần trở nên mạnh mẽ, sáng suốt hơn bao giờ hết.

Giữ ý thức tỉnh táo là yếu tố then chốt để vượt qua bóng đè.

7. Tìm sự giúp đỡ từ người ngủ bên cạnh

Nếu bạn thường xuyên ngủ chung với người thân hay bạn bè, hãy kể với họ tình trạng bóng đè mà bạn hay gặp. Sau đó dặn họ, nếu thấy bạn trong tình trạng khó thở, miệng ú ớ không ra tiếng, quơ tay quơ chân vào không trung thì nhờ họ đánh thức mình dậy.

8. Phòng bệnh hay chữa bệnh?

Nhận ra bản thân hay rơi vào tình trạng bóng đè này, bạn nên xem lại lối sinh hoạt của minh và lên kế hoạch thay đổi, vì suy cho cùng, phòng bệnh hơn chữa bệnh phải không nào? Hãy tham khảo các giải pháp ngăn chặn bóng đè dưới đây:

– Đi ngủ đúng giờ và không sử dụng chất kích thích trước khi ngủ

– Nằm ngủ đúng tư thế

– Hạn chế đọc truyện ma, xem phim kinh dị trước giờ ngủ

– Mặc quần áo thoải mái, giường ngủ nên sạch sẽ và thoáng mát

– Ăn uống điều độ, tập luyện thể dục thường xuyên

– Tránh xa stress, làm việc có chừng mực, tránh thức khuya gây thiếu ngủ thường xuyên

– Nếu có chuyện gì gây phiền não lo âu mà không giải quyết được, hãy tìm người giúp đỡ để tránh rơi vào trầm cảm, tinh thần không ổn định dễ dẫn đến tổn hại thần kinh và giấc ngủ

Hạn chế dùng các chất kích thích trước khi ngủ

Hãy nhớ rằng, khi cơ thể không lo âu, luôn khỏe mạnh và thư thái, bóng đè sẽ không có cơ hội tìm đến bạn nữa!

Theo Thethaovanhoa