Bật khóc lý do MA MỊ sau những gương mặt tô son, trét phấn của 4 ĐỨA TRẺ đào thài đứng quanh quan tài

Hồi trước khi bà bác mình đập nhà xây lại, có mời thầy phong thủy về xem. Ông thầy này phán:

– Dưới móng nhà này sâu 20m có một cái huyệt mộ của người đàn ông, chôn theo 4 đứa bé gái đồng trinh. Mộ động gia trang sẽ tan nát.

Sau khi nghe vậy, cả nhà bà bác xanh mặt, rồi nhớ lại biết bao chuyện lạ lùng xảy ra kể từ khi chuyển đến căn nhà đó sinh sống. Sau này miếng đất đó bán cũng không ai mua, để không thì phí nên đành phải cải tạo thành quán bida kinh doanh. Phần mộ nằm sâu dưới lòng đất theo như lời thầy phán cũng không ai dám đào huyệt lên.

Chuyện đã qua từ mấy năm rồi, mình cũng dần nguôi đi cái ám ảnh về chuyện tiểu đồng chôn theo người chết. Nhưng nay nhìn lại hình ảnh 4 đứa bé đào thài xuất hiện trong lễ đưa tang của nghệ sĩ hài Khánh Nam chợt thấy rợn rợn.

Ảnh minh họa

Bỏ qua những chi tiết ma mị gắn liền với truyền tích chôn theo 4 đứa trẻ đồng trinh để giữ của cải cho người xưa, nhìn những đứa trẻ ngây ngô mặt tô son trét phấn đứng ở 4 góc quan tài mà chạnh lòng. Đằng sau những câu chuyện mang màu sắc tâm linh đó là những bóng dáng đào thài của đời thật với cuộc mưu sinh thấm đẫm chất buồn của nghề nghiệp trót mang vào thân.

Người trong nghề cho biết, đào thài là nghề truyền nghề. Trong nhà có anh chị em từng làm đào thài thì đứa trẻ kế tiếp trong gia đình cũng nối nghiệp. Cái nghiệp đặng đừng ấy cứ gắn với cuộc mưu sinh “đổi lấy cho cha một bát thuốc, cho mẹ một ngày nghỉ, cho em được bữa no”.

Bà H., một chủ trại hòm cho hay “Những đứa con nhà nghèo chúng mới làm cái nghề này chứ con cái nhà người khác, cha mẹ chúng đâu dễ cho chúng làm việc này”. Mà cũng phải thôi, cái nghề gắn với hơi hám người chết và những tiếng khóc than, kèn ma đưa đám thì thử hỏi có cha mẹ nào nỡ. Phải gia cảnh bần hàn, khó khăn đến mức nào các em mới phải tạm gác qua một bên ước mơ đến trường để dong duổi theo đoàn rước ma ôm bốn góc quan tài như thế chứ.
Mặc dù công việc cũng không quá khó khăn, các bé làm quen cũng tự biết mình sẽ làm gì nhưng chẳng phải đứa trẻ nào cũng có gan nhận làm cái nghề đặc biệt này. Mỗi lần đi làm đào thài như vậy, nghe đâu mỗi em nhận được tiền công khoảng 80 đến 100 nghìn đồng từ chủ trại hòm. Với nhiều người lớn, tiền công cho mấy tiếng đồng hồ làm nghề như vậy kể cũng tạm. Huống hồ với những đứa trẻ chỉ mới biết đến vài ba nghìn mua bánh, mua kẹo nay đã có thể giúp mẹ chạy được bữa cơm cho cả nhà.

Có lần mình tò mò hỏi một chủ trại hòm xem các bé làm nghề đào thài như vậy có nguy hiểm gì không thì bà trầm ngâm trả lời: “Có chứ! Nhiều lúc thấy chúng nó thương lắm. Người lớn còn sợ hơi người chết, đi đám ma về phải tắm bằng rượu, nước sạch sẽ. Còn đằng này nó nhỏ vậy mà cứ hít hơi người âm thì cũng tội. Nhưng tục thì phải chịu vậy thôi”.

Ảnh minh họa

Phải, tất cả đều quy cho tục nhưng tục đem những đứa trẻ ra để tìm lợi nhuận thì phải chăng đã đến lúc đừng??? Nhìn các bé gái tô son trét phấn đứng phơi nắng trong suốt thời gian quan tài được đưa đi thế kia thử hỏi có ai không xót sao? Cũng vì nhìn các bé thương cầm lòng chẳng đặng mà nhiều lần mình cứ phải tìm tòi thêm về cái nghề này. Sau này được biết theo tục đưa ma ở nhiều nơi, đào thài chính là người hầu linh hồn người chết về cõi bên kia. Khi đi qua các cửa địa ngục, linh hồn không biết “nguyên tắc” sẽ bị ma quỷ ám hại. Nhưng khi có bốn vị đào thài đi cùng thì linh hồn sẽ được an nghỉ nơi suối vàng. Bé sắm vai đào thài chẳng đơn giản như chiếc áo mang vào cởi ra mà còn gắn với những ý niệm tâm linh hết sức ma mị và những hệ lụy sức khỏe khôn lường.

Thứ nhất: Theo quan niệm tâm linh, khi ma quỷ không bắt nạt được linh hồn sẽ quay lại tìm cách hãm hại các đào thài. Chính vì vậy, khi đưa ma, các bé phải được hóa trang kỹ lưỡng bằng lớp son phấn bên ngoài để ma quỷ không tìm đến hãm hại khi các bé thoát vai đào thài. Lớp son phấn đó phần nhiều chẳng đủ an toàn cho da trẻ con. Đã thế còn phải mang trong người cảm giác sợ hãi quỷ ma quay lại cũng đủ át hết hồn vía của những đứa trẻ ngây thơ.

Thứ hai: Khi phải canh quan tài cũng đồng nghĩa các bé đang đổi lấy sức khỏe của mình để chỉ lấy vài chục nghìn đồng hay nhiều lắm cũng chỉ tối đa 100 nghìn đồng. Mùi tử khí rất độc, có khi người yếu còn lấy luôn cả mạng. Cái giá này quả thật quá xót xa cho một đứa trẻ còn tuổi ăn tuổi học.

Chưa kể, ở một số trại, các bé còn được cho ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi, khiến các em trở thành tâm điểm của nhiều lời dị nghị, dèm pha như các bé xuất hiện trong đám tang của nghệ sĩ Khánh Nam. Thực ra, đào thài phải là trẻ con khoảng từ 6 tuổi để nhẹ gánh cho người khiêng. Trang phục các bé mặc cũng phải theo truyền thống hát bội hoặc trang phục thiên thần theo như yêu cầu của gia chủ. Chính vì vậy việc để các bé gái ăn mặc ngắn cũn cỡn và có phần lòe loẹt xuất hiện ở 4 góc quan tài chẳng những làm biến tướng một lễ tục tâm linh mà còn ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của các bé.

Nhân sinh mỗi người mỗi cảnh nhưng nếu vì nghèo khổ mà chọn lấy cái nghề này cho các con thì xót quá! Luật lao động cũng chẳng cho phép các con ở tuổi này phải mưu sinh bằng cái nghề hít hơi hám người âm và nghe tiếng khóc ai oán của bao người như vậy.

Kinh doanh trên sức khỏe và hình ảnh tuổi thơ của con theo cách này cũng chẳng có tình người. Chỉ nhìn những tấm hình chụp lại thôi cũng đủ thấy lạnh hết cả người rồi sao lại có thể để chuyện này cứ mãi diễn ra như vậy?

Đời người cũng như bụi về đất. Những đám ma chay còn theo vòng đời mà đưa tiễn. Những đứa trẻ đào thài này rồi sẽ đi về đâu khi trường học mãi còn là ước mơ của tuổi thơ rong ruổi với đói nghèo???

Theo WTT