5 mẫu người được cổ nhân yêu mến, từ xưa đến nay không hề sai lạc

Làm người muốn được bền lâu, thì nhất định phải có đạo đức tốt. Người có nhân cách ắt tự mang theo hào quang, dù đi tới đâu cũng sẽ tỏa sáng lấp lánh.

Dưới đây là 5 mẫu người luôn được người khác yêu mến và tôn trọng.

Ấn tượng đầu tiên là diện mạo

Người xưa rất coi trọng diện mạo, chỉ là diện mạo trong quan niệm của họ không dùng xấu đẹp bề ngoài mà bàn luận anh hùng. Họ quan tâm tới thần thái, khí sắc. Vào thời Tam Quốc, một lần Tào Tháo tiếp kiến sứ giả Hung Nô, vì cảm thấy mình dáng dấp thấp bé, diện mạo không xuất chúng, bèn cho Thôi Diễm giả mạo mình ra tiếp khách, còn bản thân lại cầm một thanh đao đứng ngay bên cạnh.

Khi sứ giả của Hung Nô sắp trở về, Tào Tháo cho người hỏi sứ giả rằng: “Ông thấy Ngụy Vương (Tào Tháo) thế nào?”. Sứ giả đáp: “Đại vương dung mạo oai phong, cử chỉ nho nhã, nhưng người đứng bên cạnh cầm kiếm hầu mới thực là bậc anh hùng”. Sử sách ghi chép Táo Tháo “có ngoại hình thấp nhỏ, nhưng thần sắc toát ra vẻ khí khái anh hùng” quả thực không sai.

Ảnh internet

Tăng Quốc Phiên cũng từng nói rằng: “Muốn biết công danh của một người thì xem khí khái, muốn biết phú quý thì xem tinh thần”. Một người có công danh thì khí khái chắc chắn không bình thường. Một người là giàu hay nghèo thì tinh thần là yếu tốt quyết định, tinh thần tốt thì giàu, tinh thần không tốt thì nghèo.

Vậy nên muốn được người khác yêu mến thì đầu tiên phải nuôi dưỡng tốt tinh thần, khí sắc của mình.

Kính trọng vì tài hoa

Trong lần đầu tới Hàng Châu nhậm chức tri châu, đại danh hào Tô Đông Pha từng viếng thăm một ngôi chùa. Trụ trì trong chùa không biết sự tình, cũng đối đãi với ông như một người khách bình thường. Trụ trì vừa bảo khách: “Ngồi”, vừa quay sang dặn dò tiểu hòa tượng: “Trà”.

Tiểu hòa thượng bưng lên một bát trà bình dân theo lời dặn dò. Sau một hồi hàn huyên, trụ trì cảm thấy vị khách này nói năng siêu phàm, ắt không phải người thường, bèn đổi “ngồi” thành “mời ngồi”, đồng thời gọi lại “kính trà”. Lần thứ hai tiểu hòa thượng bê lên một bát trà khá ngon.

Tiếp chuyện một hồi lâu nữa, trụ trì mới biết vị khách này chính là Tô Đông Pha tiếng tăm lừng lẫy. Khuôn mặt ông lộ rõ vẻ mừng rỡ, đột nhiên không kiềm được hoan hỷ, đã đứng phắt dậy gọi lớn: “Mời ngồi trên”, và dặn lại tiểu hòa thượng: “Kính trà thơm”.

Khi sắp rời đi, vì ngưỡng mộ danh tiếng của ông, trụ trì muốn xin Tô Đông Pha vài chữ lưu niệm. Tô Đông Pha thoáng nghĩ, bèn viết đôi câu đối theo trải nghiệm vừa rồi của mình:

“Ngồi, mời ngồi, mời ngồi trên
Trà, kính trà, kính trà thơm”.

Lúc này vị trụ trì thật sự xấu hổ không nói nên lời.

Vậy nên có người nói, tài hoa cũng chính là dung mạo của người ta vậy.

Hòa hợp bởi tính cách

Ảnh internet

“Kinh Dịch” viết rằng: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Thủy lưu thấp, hỏa tựu táo”, ý rằng: Cùng một tiếng thì dễ cộng hưởng, cùng chí nguyện sẽ dễ hòa hợp. Nước chảy thì ẩm, lửa cháy lại khô. Những sự vật cùng loại thì dễ cảm ứng lẫn nhau. Con người cũng vậy, thường là cùng tính cách, sở thích thì dễ hòa hợp với nhau.

Nhưng nếu muốn hòa hợp với tất cả mọi người thì phải có sự tu dưỡng, ôn hòa, trầm tĩnh. Chính là như lời người xưa nói: “Nhìn từ xa thấy trang nghiêm, nhìn gần lại thấy ôn hòa”. Có người tướng mạo chẳng hề đặc biệt, tài năng cũng không đến mức xuất chúng, nhưng lại rất lôi cuốn, khiến người khác cảm thấy gần gũi, dễ chịu.

Ở với những người này cũng giống như nghe một khúc nhạc dễ chịu, thưởng thức một tách trà ngon đậm đà, hay ngắm một bông hoa đang âm thầm xòe cánh. Tự nhiên, người ta sẽ có một niềm hân hoan nhẹ nhàng, bình lặng dâng lên trong hồn. Cảm giác chính là dễ chịu, khoan khoái, vô cùng dễ chịu.

Bền lâu nhờ lương thiện

Mạnh Tử nói: “Mỹ đức lớn nhất của người quân tử là thiện đãi người khác”. Lương thiện không phải là lòng tốt mù quáng, bất kể bản thân mình bị hại. Và lương thiện cũng không phải là tín nhiệm người khác một cách ngốc nghếch, vô điều kiện như câu: “Bạn bắn sau lưng tôi, tôi vẫn tin rằng súng tự cướp cò”.

Lương thiện chính là thiện đãi người khác, tâm giữ thiện niệm, nghĩ đến người trước, nghĩ cho mình sau, khoan dung, độ lượng, không làm chuyện xấu, chỉ làm việc tốt. Điều này sẽ mang lại hạnh phúc cho người khác và chính bản thân mình. Cho nên người xưa nói rằng: “Cái thiện là bảo bối tốt nhất, cả đời cũng không dùng hết. Tâm là mảnh ruộng tốt nhất, trăm đời dùng cũng không hết”.

Thủy chung do nhân phẩm

Nhân cách cũng giống như vàng, càng thuần tịnh thì phẩm vị càng cao. Trọn một kiếp người nhân phẩm luôn là gốc, muốn làm việc trước tiên cần làm người, đây là đạo lý bất biến từ nghìn xưa.

Ảnh internet

Đạo làm người không chỉ thể hiện trí huệ, mà còn thể hiện sự tu dưỡng của người ta. Nhân phẩm và năng lực cũng giống như cánh tay trái và cánh tay phải, chỉ có năng lực mà không có nhân phẩm sẽ như người bị cụt mất một cánh tay.

Không ai sinh ra đã là những người lãnh đạo giỏi giang, mà đều cần thông qua tôi luyện, cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm theo thời gian mà thành.

Và nếu đức hạnh là nội hàm của một người, thì danh tiếng là diện mạo của người ấy. Nếu nhân phẩm của một người không tốt, thì dẫu họ tài hoa ngời ngời, vào những lúc then chốt nhất cũng lại thất bại, tổn thất lại càng nhiều.

Cuối cùng, để được người khác yêu quý và tôn trọng, giờ đây có lẽ bạn đã biết nên dung dưỡng cho mình những phẩm chất tốt đẹp như thế nào rồi!

Theo tinhtuy