30 tuổi lập cái gì, 40 tuổi mê điều gì – Đây là lời giải hay nhất mà tôi đọc được
Khổng Tử từng nói: “Ta, 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc”.
Khổng Tử từng nói: “Ta, 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc”.
(Khổng viết: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”).
Đây là tổng kết của Khổng Tử về cuộc đời mình, cũng là tấm gương cho những ai muốn theo đuổi một cuộc đời hoàn mỹ, đặc biệt là sau tuổi 30. Vậy thì khi đến ngưỡng 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, 70 tuổi, chúng ta cần sống như thế nào?
Tam thập nhi lập: 30 tuổi có thể tự lập
30 tuổi là ngọn núi chia đôi dòng nước, chia đôi ngã rẽ của đời người. Con người ở độ tuổi này về cơ bản đã có thể xác lập được phương hướng phát triển cuộc đời mình. Họ cũng có thể dựa vào bản lĩnh của tự thân mà gánh vác những trách nhiệm mình cần đảm đương.
“Nhi lập” ở đây là lập thân, lập gia, lập nghiệp.
Lập thân là xác lập nhân cách và sự tu dưỡng của bản thân. Điều này bao gồm việc tu dưỡng trong tư tưởng và hàm dưỡng đạo đức, bồi dưỡng năng lực và có thể tự lực tự cường. Trong đó sự tự cường là cái gốc lập thân, là yêu cầu cơ bản nhất khi mỗi người muốn đứng vững trong xã hội.
Lập nghiệp là xác lập công danh, sự nghiệp mà mình muốn theo đuổi. Người 30 tuổi nên có nghề nghiệp vững chắc. Dẫu theo đuổi bất kỳ công việc nào cũng cần có một năng lực nhất định. Nói theo cách hiện đại chính là có một sở trường về kỹ năng nào đó.
Lập nghiệp là phương thức mưu sinh, là cơ sở để độc lập về kinh tế. Đây cũng là quá trình con người ắt phải trải qua để thực hiện giá trị nhân sinh.
Lập gia là lập gia đình. Xã hội cạnh tranh mạnh mẽ ngày nay đã kéo dài tuổi lập gia đình của những người trẻ. Nhưng đứng từ góc độ sinh sôi nảy nở của nhân loại mà nói thì độ tuổi này lại rất phù hợp. Hơn nữa con người khi đến 30 tuổi sẽ hiểu rõ về hôn nhân và trách nhiệm.
Ý nghĩa của gia đình là tổ ấm. Lập gia đình thì tâm hồn mới tìm được bến đỗ bình yên để ngơi nghỉ.
Còn về trình tự lập nghiệp và lập gia đình, do tình huống của mỗi người mỗi khác, nên chúng ta không phải câu nệ thứ tự trước sau, mà hai điều này đều tương trợ cho nhau.
Tứ thập nhi bất hoặc: 40 tuổi không còn mê hoặc
40 tuổi là độ tuổi dùng điều bất biến để ứng vạn biến, là độ tuổi có thể nhìn thấu vạn vật trên thế gian, cũng là độ tuổi trưởng thành. “Bất hoặc” tức là tỉnh táo, là minh bạch về bản thân, về người khác và về thế giới.
Con người sống trong xã hội thì không thể tách khỏi xã hội. Mối quan hệ giữa con người và xã hội là mối quan hệ giữa cá thể và quần thể. Cá thể là một phần tử trong quần thể. Lý tưởng và nguyện vọng của một cá nhân phải được kiến lập dựa trên cơ sở của một xã hội hiện thực. Trong tâm cần có một sức mạnh điềm nhiên khi ứng phó với thế giới bên ngoài.
Hiểu thấu bản thân mình
Chính là khiến nội tâm mình dần dần trở nên lớn mạnh trong quá trình tôi luyện, biến những thứ bên ngoài trở thành năng lượng bên trong. Người 40 tuổi là người có độ tuổi thực tế nhất, không nên phạm quá nhiều sai lầm và đi đường vòng.
Hiểu rõ trách nhiệm của bản thân
Đặc điểm lớn nhất của người 40 tuổi là hiểu rõ trách nhiệm của bản thân mình. Họ phải gánh vác trách nhiệm xã hội, trách nhiệm gia đình, hiếu thuận với cha mẹ, và chịu trách nhiệm dưỡng dục con cái.
40 tuổi là thời kỳ huy hoàng trong đời người, cũng là thời kỳ có cống hiến lớn nhất cho gia đình và xã hội.
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh: 50 tuổi biết được mệnh Trời
Mệnh trời còn gọi là số mệnh, 50 tuổi biết mệnh Trời. Người 50 tuổi đã tới giai đoạn chín muồi trong cuộc đời. Lúc này có rất nhiều việc trong đời dường như đã thành hình.
Người 50 tuổi hiểu biết hơn về xã hội nên càng thấu hiểu bản thân hơn. Họ học được cách thản nhiên đối mặt với mọi việc. Họ không oán trời, không trách người, không lười nhác.