Xót xa cho phận đời bác sĩ tâm huyết tài giỏi, Hoàng Công Lương vướng vòng lao lý chỉ vì…

Đọc tin về vụ 8 bệnh nhân chạy thận và tử vong ở bệnh viện đa khoa Hòa Bình mà em thật sự bàng hoàng. Và đọc tin bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố mà em thật sự xót xa.

Em theo dõi trên báo thì thấy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hoà Bình đã truy tố 3 bị can liên quan vụ này, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương. Tự nhiên thấy đau lòng. Làm bác sĩ cứu người, vậy mà bác sĩ Hoàng Công Lương đã phải dằn vặt, ám ảnh biết bao nhiêu khi bất lực nhìn những bệnh nhân mà mình trực tiếp cứu chữa cứ vậy mà ra đi, có người bác sĩ nào mà không day dứt. Rồi, giờ đây, người bác sĩ này lại phải đối mặt với pháp luật với tội danh “Vô ý làm chết người” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hình ảnh khiến nhiều người xót xa và ngành y hoang mang, ảnh: Internet

Vụ 8 người tử vong vì chạy thận ở bệnh viện ĐK Hòa Bình khiến nhiều người ám ảnh và sợ hãi. Nhưng nhìn hình ảnh bác sĩ Lương bị dẫn giải, có lẽ không ai không khỏi xót xa cho một vị bác sĩ trẻ đầy tâm huyết. Vậy mà…

ảnh: Internet

Nhiều bác sĩ cũng không khỏi đau lòng và hoang mang trước sự việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt và bị truy tố.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Bàng – Nguyên giảng viên trường Đại học Y Hà Nội đã cực lực phản đối việc bắt bác sĩ Hoàng Công Lương.

Theo PGS Bàng, người đứng đầu bệnh viện là Giám đốc bệnh viện (người để công ty Thiên Sơn tự ý thuê công ty Trâm Anh không có chức năng trong lĩnh vực y tế dùng hoá chất cực độc tẩy rửa dân dụng vào việc lọc rửa máy thận nhân tạo), và ông trưởng phòng vật tư bệnh viện (chịu trách nhiệm trực tiếp máy móc vật tư và kiểm tra giám sát việc rửa máy thận nhân tạo).

Ông cho rằng, điều bất thường nhất trong vụ này đó là cá nhân nhân viên của công ty Trâm Anh (trực tiếp rửa máy và vô trách nhiệm để hoá chất độc còn tồn dư với liều chí tử) là ai mà không hề có tên trong danh sách bị can?

“Tuy nhiên, với việc truy tố 3 bị can trong đó vẫn có bác sỹ Lương, người không có bất kỳ một văn bản nào quy định phải kiểm tra và kiểm tra bằng phương tiện kỹ thuật gì đối với các máy đã được “nghiệm thu” từ những người liên quan đến quy trình kỹ thuật rửa máy (đã có biên bản bàn giao), người ta vẫn cứ mặc nhiên bỏ qua tất cả mọi ý kiến” – PGS Bàng nói.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà, BV FV TP.HCM cũng hết sức đau lòng khi người đồng nghiệp trẻ tuổi bị bắt và bị truy tố.

Trong một bài phỏng vấn, bác sĩ Hà trăn trở: “Chúng tôi không cam tâm bởi lỗi của bác sĩ Lương chỉ là lỗi hành chính. Thiếu giấy biên nhận bàn giao vì đó là ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật), mà dẫu có đủ tờ giấy ấy thì sự thật là sự cẩu thả trong khâu sục rửa ống nước vẫn xảy ra cơ mà!

Chúng tôi đơn giản chỉ muốn làm phận sự của người thầy thuốc, được tận tâm với nghề nghiệp mà cả đời mình đã gắn bó tâm huyết”.

Tiến sĩ – bác sĩ Trương Hồng Sơn bức xúc: “Bác sĩ Hoàng Công Lương không phải là người có vai trò trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng nước sau khi bảo dưỡng. Vì vậy không thể quy trách nhiệm thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Việc bắt các bác sĩ phải chịu trách nhiệm cả về máy móc, thiết bị, vật tư là điều bất khả thi vì họ không thể có cách nào mà kiểm tra hay thẩm định được”.

Kết luận giám định là tử vong của các bệnh nhân đến từ tồn dư hóa chất trong máy chứ không phải do sai sót của bác sĩ trong quá trình điều trị, và vì vậy những người có liên quan đến việc để xảy ra tồn dư hóa chất sẽ phải chịu trách nhiệm (người thực hiện bảo dưỡng, công ty tổ chức bảo dưỡng…

Ông cũng cho rằng, việc khởi tố này tạo ra 1 hiệu ứng rất nguy hiểm khi các bác sĩ có thể từ chối cấp cứu, từ chối triển khai dịch vụ khám, điều trị khi chưa có đủ các thủ tục hành chính cho tất cả các trang thiết bị mà họ sử dụng (mà vai trò quản lý và giám sát là của lãnh đạo bệnh viện).

Em rất xúc động khi đọc báo thấy PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, TS.BS Trương Hồng Sơn, Luật sư Trần Hồng Phúc, Luật sư Nguyễn Văn Chiến cùng khẩn thiết yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét lại vụ việc bác sĩ Lương.

Hình ảnh bác sĩ Hoàng Công Lương dù bị truy tố vẫn miệt mài làm việc cứu người làm em thấy xót xa quá các mẹ ạ. Em thấy được những tâm huyết của anh với ngành y, thấy được tấm lòng của anh với người bệnh, tiếc là, chỉ vì những sơ sót khi nghĩ đến mạng sống của các bệnh nhân, anh đã không chờ thủ tục hành chính mà bắt tay vào giành lại sự sống cho các bệnh nhân, để rồi bây giờ có nguy cơ vướng vòng lao lý.

Dù bị truy tố, bác sĩ Lương vẫn miệt mài làm việc. Ảnh: Internet

Em nghĩ, nếu bác sĩ Hoàng Công Lương nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến sự an toàn cho bản thân mình mà bỏ mặc bệnh nhân để chờ thủ tục hành chính, thì có lẽ anh không làm được, và cũng không có bác sĩ nào làm được.

Có lẽ suốt đời này bác sĩ Hoàng Công Lương sẽ vô cùng day dứt và bị ám ảnh khi chứng kiến 8 bệnh nhân của mình cùng lúc ra đi. Nỗi ám ảnh này đối với một người làm nghề y đã quá khủng khiếp rồi, nếu giờ đây còn vướng vòng lao lý nữa thì không biết mọi việc sẽ đi tới đâu, nỗi ám ảnh sẽ đi tới đâu.

Sự việc của bác sĩ Hoàng Công Lương khiến nhiều bác sĩ, nhân viên y tế hoang mang trong công tác cứu người, còn những em học sinh đang có ý định theo ngành y, có lẽ cũng sợ hãi mà chọn theo ngành khác, đó chẳng phải là mất mát cho lớn cho nền y học nước nhà hay sao?

Mọi người hãy nghe thêm ý kiến của Ths. BS Nguyễn Thu Hà, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện FV TP.HCM – admin fanpage “Chống bạo hành y tế”, xung quanh quan điểm về vấn đề này:

“Sự việc hôm đó khiến chúng tôi bàng hoàng, rất lâu sau này, hình ảnh bác sĩ Lương bị áp giải vẫn còn ám ảnh, như vết cứa vào vết thương tự trọng nghề nghiệp. Tôi cảm thấy sự hoang mang và chán nản bao trùm toàn thể tâm trí nhân viên y tế suốt một thời gian dài.

Về trường hợp của bác sĩ Lương, cá nhân tôi xin phép được hỏi: “Nếu các giấy tờ hành chính kia đầy đủ, có chắc 8 bệnh nhân kia được chạy thận không chết?”.

Nguyên nhân chết người người thực sự đâu phải do thiếu tờ giấy có chữ ký kia, ai cũng hiểu điều đó.

Bác sĩ Lương chỉ làm đúng chức trách phận sự của một bác sĩ cứu người, vì nếu không lọc máu sớm thì 3 trong số 10 bệnh nhân kia sẽ suy thận nhiễm độc không hồi phục. Nếu bạn là bác sĩ, bạn có để bệnh nhân nặng của mình chờ đợi từ thứ Bảy đến thứ Hai hay không?

Theo tôi, vụ việc không phải tại bác sĩ Lương. Nhận biết chỉ số an toàn trong đo đạc nước sạch không thuộc phạm vi trách nhiệm của bác sĩ.

“Do cẩu thả nên sau khi sục rửa đã quên xả 2 đầu vào máy làm tồn dư hóa chất trong các đường ống nước dẫn vào máy lọc thận” – như cáo trạng viết, lỗi này thuộc về ai?

Với tôi, bác sĩ Lương chỉ là nạn nhân của một ê kíp cẩu thả, tắc trách, quan liêu hôm đó. Điều đó bóp nghẹt tim tôi.

Để bệnh nhân rơi vào thảm cảnh bác sĩ Lương chắc chắn quá khổ tâm, đau xót. Có nỗi khổ nào bằng khi bác sĩ phải vô vọng chứng kiến 8 bệnh nhân của mình cùng lúc lịm đi, còn mình thì bất lực không thể làm gì khác? Nỗi ám ảnh đó cả đời chẳng thể nguôi được đâu.

Có điều không nói ra nhưng chúng tôi biết bác sĩ Hoàng Công Lương đã rất cố gắng kiên cường để vượt qua thời gian khủng khiếp ấy. Gần 14 ngày bác sĩ Lương bị giam giữ là thảm cảnh và cũng là bài học xương máu cho tất cả chúng tôi. Ngành y đặc biệt có những bài học đau xót không có lần thứ 2 để áp dụng.

Nhưng các bạn thấy đó, hôm 18/3 bác sĩ Lương vẫn vững vàng đấy thôi, anh vẫn cứu được thêm mạng sống cho 2 con người, điều đó cũng khiến chúng tôi nể trọng”.

Khi được hỏi về chuyện các bác sĩ, y tá sẵn sàng “vượt rào” quy trình để cứu chữa cho các bệnh nhân đang nguy kịch, bác sĩ Hà đã thẳng thắn trả lời như thế này:

“Chính vì tôi cũng là một bác sĩ nên tôi rất giận và sợ hãi. Cái bóng thủ tục hành chính rườm rà cản trở những quyết định quí giá, những thời khắc tính bằng phút, để cướp sự sống từ tay tử thần về cho người bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hà. Ảnh Internet

Nếu tôi là bác sĩ, trước sự sống còn liên quan đến tính mạng và sự an toàn của người bệnh, tôi chắc chắn sẽ có lúc phải “vượt rào thủ tục hành chính” không cần thiết để cứu sự sống cho bệnh nhân.

Bởi lúc ấy trong đầu còn có điều gì quan trọng hơn thế đâu, làm gì có thời gian mà nghĩ bị kỷ luật hay rắc rối pháp lý, lúc ấy tâm trí bác sĩ chỉ có ý nghĩ làm thế nào cho bệnh nhân được sống, được thở, thế thôi.

Cũng giống bác sĩ Lương, nếu chỉ vì đánh đổi tính mạng bệnh nhân lấy sự an toàn cho bản thân thì lương tâm thầy thuốc tôi không làm được”.

Theo Webtretho