Vụ bé trai bị xích cổ tại Thanh Hóa: Hoàn cảnh đáng thương của bà nội 90 tuổi nuôi cháu hư hỏng

Hình ảnh một bé trai bị người thân lấy xích cuốn trên cổ xuất hiện trên mạng xã hội khiến dư luận vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh phản cảm ấy là cả một câu chuyện đáng buồn về đứa cháu hư hỏng.

Ngày 28/2, người dân phát hiện một bé trai khoảng 13 – 14 tuổi bị xích cổ đi lang thang ở khu vực địa bàn xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Khi được người dân hỏi thì cháu bé cho biết là do bị chú ruột xích lại.

Được biết, bé trai này tên là Lê Bá Nam (2005), hiện đang học lớp 5, trường Tiểu học xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Qua tìm hiểu từ phía gia đình cháu bé nguyên nhân dẫn đến sự việc là do Nam ăn trộm vàng và bỏ nhà đi chơi game.

Do lấy trộm vàng đi chơi game Nam bị người chú dùng xích quấn quanh cổ

Sau khi biết cháu Nam lấy tiền đi chơi điện tử, gia đình có đi tìm khắp nơi. Đến chiều ngày 27/2 họ mới tìm được cháu Nam về nhà. Dù bị mất trộm nhẫn cưới, nhưng chú thím và bà nội cũng không hề đánh đập hay chửi bới cháu Nam.

Đến trưa 28/2, chú thím của cháu Nam đi Hà Nội làm, chỉ còn bà nội là Nguyễn Thị Phúc ở nhà. Vì vậy bà nội đã bảo chú của cháu Nam dùng khóa và xích khoá cháu Nam lại để cho cháu không bỏ đi nữa, vì nếu khi chỉ có hai bà cháu ở nhà, nhỡ cháu Nam tiếp tục bỏ đi thì bà không thể tìm được.

“Lúc đầu chú của cháu Nam không muốn xích nhưng do bị mẹ ép quá nên mới đành phải xích cháu lại rồi đi Hà Nội. Khi chú Chót vừa đi thì Nam đã tìm cách trốn khỏi nhà’’ – thím của Nam cho biết.

Khi phát hiện sự việc công an xã Khuyến Nông đã tiến hành tháo xích trên cổ cháu Nam và yêu cầu người chú về làm việc

Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện bé trai bị người thân dùng xích cuốn quanh cổ, PV tìm về gia đình bà Nguyễn Thị Phúc. Trong căn nhà ngói lụp xụp, cũ kĩ, lọt thỏm trong thôn 8 giờ chỉ còn lại bà Phúc. Gia đình bà Phúc thuộc diện nghèo nhất xóm, trong nhà không có thứ gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế đã cũ.

Rưng rưng giọt nước mắt và giọng hơi run, bà Phúc cho biết: “Mẹ cháu Nam mất từ lúc sinh cháu được 6 tháng tuổi. Sau đó, bố cháu đi bước nữa và cũng đi làm ăn xa, cháu Nam hiện tại đang ở với bà”.

“Ngoài tiền trợ cấp hàng tháng là 270.000 đồng từ phía chính quyền địa phương thì tôi không có thêm nguồn thu nào khác nữa. Bà cháu chúng tôi cực khổ lắm, thân già yếu, lại đông con cháu nhưng các con tôi đứa nào cũng khó khăn, thi thoảng mang tới cho mẹ ít đồng mua thuốc thang, hộp sữa”, bà Phúc nghẹn ngào.

Nói về đứa cháu thơ dại hư hỏng, bà Phúc đau đớn kể: “Bố thằng Nam đi làm tận Bắc Giang, lâu lâu mới về, nghe nói đâu lương thấp lắm. Mẹ kế của Nam thì thường xuyên về thăm nhà hơn, mỗi lẫn về cho cháu ít tiền tiêu vặt và đóng học phí cho cháu. Nhưng khổ nỗi, thằng Nam nó hư hỏng quá, không chịu nghe lời của bà già này, chỉ suốt ngày lêu lổng, chơi game, trộm cắp mà không phụ giúp bà được công việc gì”.

Nói đến bà Phúc, bà con làng xóm đều thương cảm trước hoàn cảnh éo le của gia đình. Cuộc sống của hai bà cháu vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trước khỏe mạnh, bà Phúc còn làm ruộng để có thêm tiền nuôi cháu, nhưng giờ tuổi đã cao, chân tay yếu ớt không làm được nữa. Chi tiêu hàng ngày của gia đình chỉ phụ thuộc vào 270.000 đồng tiền trợ cấp của xã hội.

Bà Nguyễn Thị Phúc bên ngôi nhà lụp xụp kể về đứa cháu hư hỏng

Ngồi bên cạnh, bác của cháu Nam cho biết: “Gia đình bà Phúc và cháu Nam có hoàn cảnh khó khăn nhất xóm. Tuổi già, con cái lại đi làm ăn xa, kinh tế đứa nào cũng khó khăn, giờ cụ già nhưng vẫn phải vất vả nuôi cháu nhỏ. Biết hoàn cảnh bà Phúc đáng thương nhưng ở nông thôn người dân hầu hết là khó khăn nên không giúp đỡ được nhiều”.

Ông Nguyễn Trọng Vân, Chủ tịch UBND xã Khuyến Nông cho biết: “Hoàn cảnh gia đình cháu bé rất khó khăn, mẹ chết sớm, bố đi lấy vợ hai và hiện đang làm ăn xa nhà. Cháu ở với bà nội.

Cháu có lấy vàng, bạc và tiền của chú nên bà nội sai chú ruột xích lại. Số vàng mà cháu lấy là nhẫn cưới bằng vàng tây của chú và dây bạc của con chú ruột. Loại dây xích dùng để xích cháu được làm bằng thép 6. Khi phát hiện, chúng tôi yêu cầu tháo khóa ngay, lập biên bản sự việc và cho cháu về nhà”.

“Dù cháu có hư đến mấy đi nữa thì việc dùng dây xích khóa lại như thế là hành vi vi phạm pháp luật. Xã đã liên lạc và yêu cầu anh Lê Bá Chót, chú của cháu Nam, người dùng xích cuốn quanh cổ cháu phải có mặt tại địa phương để làm việc. Đồng thời chúng tôi làm việc với chủ quán internet nơi cháu Nam đến chơi điện tử để xác minh những người có liên quan đến việc mua bán số vàng, qua đó có hướng xử lý phù hợp”, ông Vân cho biết thêm.

Một lãnh đạo Trường Tiểu học Khuyến Nông cho biết: “Nam là một học sinh cá biệt, cô giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên liên lạc với gia đình nhưng ít khi gặp được bố cháu. Hoàn cảnh cháu khổ lắm, bố đi làm ăn xa, mẹ thì mất sớm, ở với bà nội đã cao tuổi. Qua sự việc lần này, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với gia đình dạy dỗ, quan tâm tới cháu nhiều hơn nữa”.

Theo Gia đình và xã hội