Vụ cô giáo quỳ gối xin lỗi: Nghẹn lòng ‘bức tâm thư’ của người thầy giáo già

Bức xúc trước sự việc nữ giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh, thầy Tôn Sỹ Dũng, giáo viên Trường THCS Võ Xán (Bình Định) đã viết hai bài thơ gửi đến vị phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ cũng như thầy hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chánh khiến người đọc không khỏi chạnh lòng.

Thầy Dũng hy vọng mọi người có thể chia sẻ, thông cảm hơn với những người làm nghề giáo. Bởi những gì họ làm hôm nay đều vì muốn học sinh lớn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Bài thơ ‘Bức tâm thư gửi bố’ được thầy Tôn Sỹ Dũng chia sẻ trên trang cá nhân – Ảnh chụp màn hình

“Bức tâm thư gởi bố

Đêm đã khuya, con viết thư gởi bố

Chắc ngày xưa, bố cặp sách đến trường

Bên bạn bè và cô giáo thân thương

Cũng như con yêu mái trường… bố nhỉ?

Rồi sinh con, bố thầm mong trộm nghĩ:

‘Học giỏi giang mau khôn lớn nên người’

Con đến trường chăm học, bố thấy vui

Và bố hiểu ở nhà con tinh nghịch

Con chỉ muốn làm những điều mình thích

Lúc đến trường bỡ ngỡ lắm bố ơi?

Phạt quỳ con, cô trăn trở bùi ngùi

Con đau ít… cô vạn lần hơn thế?

Cô đã quỳ! Bố con mình quá tệ?

Con hiểu cô, đâu có giận học trò

Phạt con rồi cô cũng rất đắn đo

Sống an phận nên cô đành cam chịu!

Bố dạy con, thế nào là nghĩa hiếu

Mà hôm nay vấy bẩn lớp bụi mờ

Giữ tâm hồn trong sáng của tuổi thơ

Vật vô tri biết tìm về nguồn cội

Con đã hiểu! Bố con mình có lỗi

Bố bảo rằng phải thành thật đó sao?

Con van cô đến lớp như ngày nào?

Đâu phẳng lặng bởi cuộc đời ghềnh thác

Con sai rồi cô ơi? Con chịu phạt

Để ngày mai khôn lớn chẳng phải quỳ

Cô phạt trò là uốn nắn hành vi

Xin lỗi bố! Xin lỗi cô! Con cúi đầu xin lỗi!”

Trước đó, thầy Dũng cũng đã viết một bài thơ với tiêu đề “Thư gởi thầy hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chánh” nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng.

Tác giả cho biết, nguyên nhân khiến ông viết bài thơ này là vì thương cô giáo đã phải một mình quỳ trong văn phòng khi hiệu trưởng bận họp. “Cũng vì nghề, vì cuộc sống mưu sinh” mà cô giáo trẻ đã phải quỳ suốt 40 phút.

Ảnh chụp màn hình

“Thư gởi thầy hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chánh

Thầy Hiệu trưởng vẫn hàng ngày khuyên nhủ:

‘Đoàn kết một lòng…chia sẻ lúc khó khăn

Dù gian nan nhưng trên dưới một lòng’

Lúc hoạn nạn, Thầy thờ ơ lảng tránh

Cô đã quỳ nỗi cô đơn bất hạnh

Chốn học đường đừng quỳ thế nghe cô?

Nghĩ cuộc đời là sóng biển nhấp nhô

Rồi ngẫm lại bẽ bàng ‘Tình đồng nghiệp’

Lúc biển lặng thấy tình người thắm thiết

Bão táp phong ba mới thấm được chữ ‘Tình’

Cũng vì nghề, vì cuộc sống mưu sinh

Quỳ lụy ai mà thân cô dằn vặt?

Bốn mươi phút trái tim đau quặn thắt

Đường còn dài vấp ngã để đứng lên

Nghiệp làm Thầy con đò sóng chông chênh

Không quỳ lụy ngẩng cao đầu kiêu hãnh

Cô đừng tin vào những lời cứu cánh

Mùng 8 tháng 3…Ai lại bắt cô quỳ?

Có xứng đàn ông…đi bắt nạt nữ nhi

Vẫn đến lớp như ngày nào cô nhé?

Hãy cống hiến khi tuổi đời còn trẻ

Gát lại chuyện buồn…vui vẻ sống an nhiên!”

Qua những vần thơ, thầy Dũng muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh hãy thông cảm, sẻ chia hơn cho những người làm nghề giáo. Bởi mỗi ngày, họ phải chăm lo cho rất nhiều học sinh, mỗi em sẽ có một tính cách khác nhau nên không tránh khỏi những lúc nóng giận. Nếu họ có cách giáo dục chưa đúng đắn, phụ huynh hãy trao đổi thẳng thắn hoặc phản ánh với ban giám hiệu nhà trường để giải quyết chứ đừng gây sức ép.

Những bài thơ được thầy Dũng chia sẻ lên trang cá nhân nhận được sự đồng tình từ cư dân mạng. Nhiều người cảm ơn thầy vì đã thay họ nói lên tiếng lòng.

“Sao bài nào cũng hay và sắc lẹm vậy. Tiếp tục chiến đấu anh nhé để con người biết có trách nhiệm không nên Vô trách nhiệm. Công thì nhận miết về mình mà tội thì vội lảng tránh ấy”, B.T bình luận.

“Xã hội ngày nay thật chẳng hiểu ra làm sao hết thầy Dũng ơi! Học trò đi học mà phụ huynh có tư tưởng bắt thầy cô phải đội con mình lên đầu của họ. Vậy tại sao họ không để con mình ở nhà lập ngay một ngôi đền để thờ. Đưa đến trường ai dám dạy. Đụng đến là phạm quy. Càng nghĩ càng thấy buồn. Thương cho thế hệ mai sau sống trong nuông chiều rồi tương lai sẽ đi về đâu”, H.T lo ngại.

“Bài thơ thầy viết rất hay. Cô phạt trò cũng cũng muốn trò tốt hơn nhưng lại là mang vạ vào thân. Khi đồng nghiệp chẳng một lời lên tiếng. Cực chẳng đã phải chịu quỳ mà. Thôi. Nghề của mình đã bạc nay còn nhục thêm nữa”, C.N nói.

Theo Phụ nữ sức khỏe