Vợ mất tích, con gái tâm thần bị hãm hi.ếp, ông lão mù hóa gà trống nuôi con lẫn cháu

Còn quá nhiều người phải chịu cảnh khổ cực khi tuổi đã xế chiều.Con gái mắc bệnh tâm thần bỏ nhà ra đi rồi về nhà với bụng bầu 5 tháng. Ông lão mù lòa lại gắng gượng chút sức tàn lo cho con và cháu.

Lão mù và cuộc đời bất hạnh

Con đường đất bazan đặc quánh sau trận mưa phùn đêm qua quấn chặt lấy bánh xe chúng tôi trong hành trình tìm về gia đình ông Nguyễn Văn Dương.

Ông Nguyễn Văn Dương bị mù cả 2 mắt khi tuổi vừa tròn 17

Căn nhà mái lợp bờ rô xi măng tạm bợ của gia đình ông Dương nằm heo hút dưới chân quả đồi đã bị những cánh tay cẩu đào bới nham nhở.

Khắp một khoảng đất đồi rộng trước cửa nhà ông Dương chất đầy những viên gạch xỉ nằm ngổn ngang. Choán ngay trước cửa nhà là đống cát đen bị những cơn gió lạnh cào cho chuyển thành bạc trắng.

“Có mấy cái chú dưới Phú Thọ chở lên bảo giúp ông xây lại cái nhà cho đỡ mưa gió”, ông Dương quay mặt ra phía phát ra tiếng tôi cất giọng niềm nở.

Xã Bằng Doãn là một trong những xã xa xôi nhất của huyện Đoan Hùng (Phú Thọ). Đến đây, không hiếm để người ta có thể bắt gặp những mái nhà sàn mọc san sát nhau.

Đất nước đã đổi mới từ lâu rồi nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn cơ cực lắm. Đơn cử như việc từ thôn 3 (nơi nhà ông Dương) đang ở muốn ra được cái chợ mua mớ rau, mớ cá hay tý thịt cũng phải đi mất 7km.

Căn nhà tạm bợ, tồi tàn của gia đình ông Dương nằm trên một quả đồi

Ở thôn 3, người ta gọi ông Dương bằng cái tên thân mật là lão Dương “mù”. Cũng đã từ rất lâu rồi người ta không nhớ được hết họ tên đầy đủ của lão Dương. Người ta chỉ biết ông hỏng 2 con mắt nên gọi gọn lại là lão Dương “mù”.

Gọi thế chẳng phải có ý chê bai, mỉa mai gì ông Dương đơn giản chỉ là để cho dễ gọi. Và cũng từ lâu, ông Dương cũng đã quen với cái tên gọi thân thuộc ấy. Hễ cứ thấy ai gọi, dù chẳng biết là già hay trẻ nhưng ông Dương cũng chỉ cười hề hề rồi cất câu chào cửa miệng đáp lại.

“Ông ấy hiền lành lắm nhưng gặp phải hoàn cảnh éo le lên ai cũng thương cảm cả”, một bà lão đáp lại câu hỏi của tôi về ông Dương.

Ông Dương năm nay vừa tròn 64 tuổi, ở cái tuổi không phải là quá già nhưng nhìn ông tiều tụy lắm. Mái đầu bạc trắng, dáng vẻ khắc khổ. Hàm răng trên của ông cũng đã rụng gần hết cách đây được vài năm.

Ông Dương sinh ra hoàn toàn bình thường như bao đứa trẻ khác, theo lời một vài cụ cao niên trong thôn kể lại thì hồi còn nhỏ, ông lại là một trong những đứa bé phát triển vượt trội so với các bạn đồng trang lứa.

Tuổi vừa tròn 64 nhưng ông Dương trông khắc khổ, tiều tụy

Năm 14 tuổi, chiến tranh loạn lạc, trong một lần giặc đi càn, quả lựu đạn phát nổ găm một mảnh vào bên mắt trái khiến ông chỉ có khả năng nhìn bằng 1 mắt.

“Lúc bấy giờ, bạn bè thấy tôi như vậy còn cứ gọi là Dương “chột”. Ban đầu cũng thấy tức nhưng lâu sau đó thì tôi thấy bình thường”, ông Dương nhớ lại.

Năm 17 tuổi, trong một lần đào giếng, không hiểu vì lý do gì nhưng đêm hôm đó về, mắt ông Dương bỗng dưng xuất huyết trong. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện chạy chữa, lâu dần con mắt bên phải cũng mất khả năng nhìn.

Từ đó đến tận bây giờ, 47 năm ông Dương không còn nhìn thấy được ánh sáng. Ông kể, hình ảnh cuối cùng ông còn nhìn thấy khi chỉ có 1 bên mắt là hình ảnh cụ bà thân sinh ra ông.

Thế rồi qua một đêm tỉnh dậy, ông đã vĩnh viễn không còn được nhìn thấy khuôn mặt của những người thân yêu nữa.
“Lúc đó mẹ tôi đang lấy khăn chấm đuôi mắt cho tôi. Thế rồi tôi ngủ lúc nào không hay, sáng ra thì đã không còn nhìn được gì nữa”, ông Dương hồi tưởng lại.

20 tuổi, trong khi bạn bè đồng trang lứa nhiều người đã lập gia đình hết rồi thì ông Dương vẫn cứ ngày ngày thui thủi trong góc phòng. Mất đi ánh sáng khiến ông Dương không còn đủ tự tin để tiếp xúc với mọi người chứ đừng nói đến chuyện lấy vợ.

Cuộc đời ông Dương là một chuỗi những bất hạnh triền miên

Thế nhưng mong ước tưởng chẳng bao giờ thực hiện được của ông lại trở thành hiện thực. Năm ấy, qua một vài người mai mối, ông Dương kết duyên với bà Cơ (một người phụ nữ hơn ông Dương 10 tuổi và tâm thần không ổn định).

Ở vào hoàn cảnh của ông, lấy được vợ đã là may mắn lắm rồi nên khi nghe nhiều người khuyên bảo, ông Dương gật đầu chấp thuận. Ông bà không có với nhau 1 ngày yêu.

Ngay cả họ tên đầy đủ hay năm sinh chính xác của vợ mình ông cũng không thể nhớ nổi. “Nghĩ bụng bảo cưới xong rồi về tìm hiểu nhưng sau đó lại quên bẵng đi. Hồi đó cũng chả có gì liên quan đến giấy tờ nên tên đầy đủ của bà ấy tôi còn không nhớ”, ông Dương kể.

Ít lâu sau khi kết hôn, bà Cơ lần lượt sinh hạ cho ông Dương 2 người con gái, người con thứ 2 là chị Nguyễn Thị Cúc (38 tuổi) còn người con gái đầu ông Dương cũng chẳng nhớ tên nốt.

Những tưởng cuộc sống như vậy với ông là quá viên mãn rồi nhưng nào ngờ tai bay, vạ gió ở đâu cứ liên tiếp ập đến với gia đình ông.

Vài tháng sau khi sinh hạ chị Nguyễn Thị Cúc, bà Cơ tái phát bệnh tâm thần rồi bỏ nhà đi đâu mất đến nay vẫn không biết sống chết ra sao. Mắt mù, không nhìn thấy gì nên ông Dương cũng không thể đi tìm vợ được.

“Giờ cứ có đoàn nào đến hỏi là tôi cứ trả lời cho qua là bà ấy chết rồi. Cậu là nhà báo, cậu hỏi kĩ thì tôi mới tâm sự thôi”, ông Dương nói.

Gà trống nuôi con…

Kể từ khi vợ bỏ nhà ra đi, tất thảy những việc trong nhà từ chăm con, nấu nướng, giặt giũ đều do một tay ông Dương làm hết. Rồi thì khi đứa con út khát sữa khóc lặng đi, lại chính ông bế con lò dò từng bước sang nhà hàng xóm để xin sữa.

“Hồi đó người ta đói ăn, con cái người ta còn chẳng có sữa mà cho bú nên xin một vài lần nên tôi cũng ngại không dám đi nữa. Những lúc như vậy, con đói tôi lại phải bỏ nắm gạo vào nấu lấy tý nước loãng cho con uống.

Mắt mũi chẳng nhìn thấy gì, nhiều khi đun quá lửa, nước lại cạn hết thế rồi cứ đút cả hột gạo vẫn chưa chín hết cho con”, ông Dương kể.

Khi các con đến tuổi biết đi, không thể trông coi được, ông Dương lại xé nhỏ vải áo, bện lại thành dây một đầu cột vào chân con, một đầu cột vào chân mình. Cứ như thế, 2 bên chân ông là 2 sợi dây nối với 2 cô con gái.

Chị Nguyễn Thị Cúc (con thứ 2 của ông Dương) bị tâm thần từ nhỏ. Trong một lần bỏ đi, chị bị hãm hiếp dẫn đến mang bầu

Khó khăn vất vả vẫn chưa chịu buông tha người đàn ông khốn khổ. Căn bệnh thần kinh đã di truyền từ vợ ông sang cho 2 cô con gái. “Chúng phát bệnh khi nào tôi cũng không hay chỉ thấy thỉnh thoảng chúng lại cứ ú ớ, cười nói thất thường. Nghĩ đến vợ, tôi biết cả 2 đứa con cũng mắc phải căn bệnh tương tự”, ông Dương tiếp.

Những lúc các con lên cơn, ông chỉ biết dùng bàn tay mình ghì thật chặt lấy chúng. “Nhưng cũng chẳng ghì mãi được chú ạ. Đứa con gái cả giằng ra, rồi chạy đi đâu đến giờ vẫn không có tung tích gì.

Đời nó giống y hệt như mẹ nó. Nhưng mẹ nó còn có chồng, còn có người gọi bằng mẹ. Còn nó thì chẳng có gì. Sinh con ra không nuôi được lại để con phải chết đàng, chết đống”, khuôn mặt khắc khổ của ông Dương khẽ nheo lại.

… rồi lại gà trống nuôi cháu

Bệnh tình cũng giống như người chị cả nhưng người con gái thứ 2 là chị Nguyễn Thị Cúc không thường hay bỏ nhà đi. Duy chỉ có 1 lần Cúc bỏ nhà đi nhưng vài tháng sau lại tìm được đường về nhà.

Tuy nhiên, sau lần đầu tiên bỏ nhà ra đi ấy, Cúc mang về cho ông Dương một chiếc bụng bầu. “Tôi có biết gì đâu, đợt ấy có bà hàng xóm sang chơi rồi bảo sao bụng con Cúc lại to thế kia. Lúc ấy mới tá hỏa nhờ người đưa con đi khám thì cái thai đã được hơn 5 tháng. Không giải quyết thế nào được nên phải đành để cho nó đẻ”, ông Dương kể.

Suốt những ngày sau đó, nghe ngóng thấy tâm lý con gái ổn định, ông lại gọi Cúc lại dò hỏi xem cái thai là của ai nhưng đáp lại Cúc chỉ bảo là không nhớ gì hết.

Con gái tinh thần không ổn định nên dù mù lòa nhưng ông Dương vẫn phải làm những công việc trong nhà

Ngày Cúc trở dạ, không đi tìm người được, ông Dương đứng trước sân nhà lớn tiếng thông báo con sắp đẻ để hàng xóm sang giúp đỡ. 9 tháng mang thai, Cúc sinh hạ được 1 cậu con trai kháu khỉnh. Ông Dương lại lần mò đi dò ý kiến hàng xóm và đặt cho cháu cái tên Nguyễn Thế Anh.

Ông bảo: “Có biết chữ nghĩa gì đâu, tôi hỏi hàng xóm người ta cũng nói nhiều tên cho cháu. Đêm ấy nằm nghĩ, tôi thấy thích cái tên Thế Anh nên đặt luôn cho cháu”.

Sinh con ra nhưng bản năng làm mẹ không có, chị Cúc không biết bế ẵm, lại không có sữa cho con bú nên việc chăm sóc con đều do một mình ông Dương gánh vác. Nhiều người hàng xóm xót xa hoàn cảnh gia đình ông nên thỉnh thoảng cũng sang cho cháu Thế Anh bú mớm nhờ để biết mùi sữa mẹ.

Nhớ vị trí từng đồ vật trong nhà là cách giúp ông Dương có thể làm việc

Tâm sự với tôi, ông Dương kể, có lẽ day dứt nhất trong cuộc đời mình là đã từng có suy nghĩ vứt đứa cháu ngoại của mình đi. “Nghèo, không có gì cho cháu nó ăn, nó cứ quấy khóc suốt nên tôi đã có suy nghĩ vứt nó đi.

Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, lại thấy nó chẳng có tội tình gì nên tôi để lại. Nếu như nó không sống được thì lúc đó tôi cũng đỡ áy náy, cắn rứt lương tâm”.

Như hiểu được sự vất vả của ông, cháu Thế Anh ngoan ngoãn, trắng trẻo và ít khi mắc bệnh tật. Cũng kể từ khi có con, tâm lý chị Cúc cũng đỡ hơn dạo trước. Chị đã có thể thay bố bế con, nấu bột cho con ăn và đỡ đần ông Dương một số việc vặt trong nhà.

Lão nông mù lòa từng có ý nghĩ vứt đứa cháu ngoại đi vì nghèo không thể nuôi được

“Nấu cơm, nấu nước thì tôi có thể tự làm được. Duy chỉ có việc giặt giũ quần áo là tôi chịu. May thay khi được tôi hướng dẫn con Cúc cũng làm được nên cũng đỡ vất vả hơn trước”, ông Dương nở nụ cười hiếm hoi chia sẻ với tôi.

Khi được hỏi về việc ăn uống hàng ngày của gia đình, ông Dương cho biết: “Tất thảy cũng được chính quyền giúp đỡ 1.200.000 đồng/tháng. Nhà hết gạo thì tôi lại phải nhờ người mua về giúp cho.

Xe cộ thì không biết đi nên cứ cắm cơm xong tôi lại lần mò xuống nhà hàng xóm, ai người ta cho gì thì lại mang về nhà nấu nướng ăn chứ không đi mua bán gì được. Nhiều lần đi vấp phải cục gạch, mô đất ngã chúi mặt xuống đường nhưng vẫn phải xoa mặt mà đi chứ biết làm sao được”,

Giờ đây, niềm mong ước duy nhất trước khi về bên kia thế giới của ông Dương chỉ là mong sao cho con gái đỡ bệnh tật và mong cho cháu ngoại không mắc phải căn bệnh như chị Cúc.

“Khổ cả một đời rồi nên tôi cũng chẳng oán thán ai. Chỉ mong cuộc sống của con, của cháu đỡ vất vả hơn là tôi chẳng còn gì phải nuối tiếc nữa rồi”, ông Dương nghẹn ngào.

Bóng chiều bảng lảng từng chút, từng chút đưa màn đêm bao phủ lấy ngôi nhà nhỏ bé của gia đình ông Dương. Một ngày nữa lại trôi qua, một ngày nữa, lão Dương “mù” lại có thêm niềm tin để sống vì con và vì cháu.

*Tiêu đề đã được thay đổi

Theo Đời sống Plus/GĐVN