Vị sư già làm cha của hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi ở Sài Gòn: 1 vị Phật sống trong lòng các em!

‘Mỗi đứa bé đều là những thiên thần, những món quà vô giá mà Đức Phật ban tới cho tôi. Nụ cười của con chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời mình”

Những ngày gần đây khi mà làn sóng dư luận đang rúng động bởi những vụ bạo hành trẻ một cách dã man thì đâu đó vẫn có những câu chuyện về những con người thầm lặng chăm lo và yêu thương con trẻ hơn chính sinh mệnh của mình.

Giữa bộn bề tấp nập của phố thị Sài Gòn, tiếng ru ầu ơ của người cha già đặc biệt ở chùa Kỳ Quang 2 (đường Lê Hoàng Phái, quận Gò Vấp, TP.HCM) khiến ai nghe được đều thấy ấm lòng.

Sài Gòn một ngày mưa rả rích khiến trời trở lạnh, thế nhưng khi đến với ngôi chùa Kỳ Quang 2 bất giác tôi cảm thấy ấm áp đến lạ thường. Ấy là bởi tình thương của người cha già dành cho hơn 200 đứa con bé bỏng của mình – Thầy Thích Thiện Chiếu.

Thầy Thiện Chiếu người cha già của hàng trăm em nhỏ

Hơn 20 năm qua, chùa Kỳ Quang 2 đã trở thành mái nhà chung cho hàng trăm em nhỏ lang thang cơ nhỡ, bị bỏ rơi hay khuyết tật,… Mỗi em nhỏ đến với chùa đều là thiện duyên được vị trụ trì giang tay cưu mang giúp đỡ.

Người cha già của hàng trăm em nhỏ

Đối với mỗi đứa trẻ ở chùa, cha của mình đó chính là thầy Chiếu. Thầy bắt đầu nhận nuôi trẻ từ năm 1994, đến nay thấm thoắt đã gần 24 năm và phải có đến hàng ngàn đứa con đã được thầy chăm bẵm từ thuở sơ sinh đến lúc trưởng thành lập nghiệp để cống hiến cho xã hội. Hiện tại cơ sở của thầy đang nhận nuôi 220 em nhỏ, trong đó có tới 120 em khuyết tật và 100 em là có khả năng phát triển bình thường.

Nhắc đến các con ánh mắt thầy lấp lánh hạnh phúc: ‘Mỗi đứa trẻ đến với tôi đều là thiện duyên. Chắc hẳn là bậc cha mẹ chẳng ai nỡ vứt bỏ khúc ruột của mình. Phải có lý do gì đó họ mới phải làm vậy. Nên tôi lại cưu mang các con, bởi với tôi các con chính là những thiên thần, là món quà vô giá mà Đức Phật gửi tới’.

Những đứa con chính là những thiên thần, là món quà vô giá đối với thầy Chiếu

‘Còn nhớ lần đầu tiên nhận nuôi trẻ sơ sinh, khi cha mẹ bỏ con lại trước cửa chùa. Tôi bế con lên, trên người con không có thứ gì hết, da thịt tím ngắt vì đói và lạnh.

Rồi tôi loay hoay chẳng biết phải như thế nào. Nhưng nhìn đứa trẻ tội nghiệp, có hơi ấm bàn tay của mình nín khóc tôi mới òa lên hạnh phúc.

Đó là một cảm giác rất tuyệt vời, đó chính là thiên chức thiêng liêng nhất của cuộc đời và tôi chỉ biết: À, đây chính là những đứa con của mình’.

Dường như mỗi lần nói về những đứa trẻ, thầy đều không thể ngăn được dòng cảm xúc của mình, thầy tiếp lời: ‘Thế rồi tôi bắt đầu học về mọi thứ, học làm cha, học làm mẹ, học cách chăm sóc em bé từ các Phật tử, từ sách vở và từ chính trái tim của mình.

Và mọi thứ cứ thế bắt đầu, những đứa con đến với tôi ngày càng nhiều hơn, các Phật tử, các tình nguyện viên và cộng đồng cũng chung tay giúp sức mỗi ngày cùng tôi nuôi dưỡng các con nên người.

Dù vận mệnh có bất hạnh thế nào thì duyên phận đưa các con đến bên tôi, tôi sẽ cố gắng hết mình để các con có một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy nhất có thể’.

Có những đứa trẻ bị bỏ rơi tại cổng chùa khi trên người còn nguyên xi đỏ hỏn và được cắt dây rốn ngay tại chùa

Thầy cũng cho biết, tại đây thầy chỉ nhận nuôi những em nhỏ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa chứ những trường hợp mang con đến gửi đều bị thầy từ chối.

Thầy nói còn cha còn mẹ, sức dài vai rộng cớ gì bỏ mặc con. Nếu không thể nuôi được nữa thì bỏ lại thầy mới nhận chứ không nuôi giùm.

‘Mỗi em bé đến với đời đều là duyên nên các bà mẹ đừng nhẫn tâm bỏ con đi, đừng nên phá thai mà tạo nghiệp.

Nếu không nuôi được thì vẫn còn cộng động, còn xã hội lo chứ đừng tước đi quyền sống của chúng’, thầy nhắn nhủ thêm. Chính vì vậy mà nơi đây thầy không chỉ cưu mang các em nhỏ bị bỏ rơi mà còn giúp cả những mẹ bầu gặp hoàn cảnh bất hạnh.

Khoảng trời của bé!

Trò chuyện cùng tôi thấm thoắt đến giữa trưa. Thầy từ tốn xin dừng cuộc nói chuyện để sang thăm xem các con nhỏ ngủ chưa.

Vừa nghe giọng thầy các em chạy ùa ra ôm vai bá cổ. Thầy lại từ tốn trải khăn làm thuyền cho các em dạo chơi mấy vòng.

Ảnh internet

Thầy Chiếu trải tấm khăn làm chiếc thuyền vải để các con ngồi lên và kéo dạo khắp phòng. Vừa đi thầy vừa hát: ‘Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè, bởi ham phú quý bỏ bè con thơ… Con thơ tay ẵm tay bồng, tay bưng bình sữa, mắt trông bậu về…’

Thế rồi thầy dừng lại để ru con ngủ.

Thầy hát : ‘Ầu ơ…Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi, khó đi cha dắt con đi, con đi trường học, cha tu độ đời. Lên non mới biết non cao, có nuôi con trẻ mới biết công lao sinh thành… Ầu ơ!…’.

Ảnh internet

Với các bé nơi đây, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau thế nhưng khi về dưới mái nhà này tất cả các em đều mang một dòng họ, được sống trong tình yêu thương của cha Chiếu, của các mẹ và của cả cộng đồng.

Như với bé trai này, em tên là Lượn Chỉ bởi 1 bàn tay của em chỉ có 2 ngón mềm như cọng chỉ, em mắc căn bệnh lạ và không thể bú trực tiếp bằng miệng mà phải dùng ống dẫn trực tiếp xuống thực quản.

Bé Lượn chỉ vừa tròn 4 tháng, em bị bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng. Lượn Chỉ mắc bệnh lạ, tay chỉ có 2 ngón và khuôn mặt bị nhăn nheo. Thế nhưng các cô ở đây đều khen bé rất thông minh và ngoan ngoãn.

Còn với bé trai này, em đã 22 tháng tuổi. Em bị bỏ lại ở cổng chùa khi trên người không có mảnh quần áo và rốn vẫn còn nguyên. Thầy nhặt được em khi cơ thể em bị trầy xước khắp người và bắt đầu tím ngắt vì lạnh nên thầy đặt cho em với cái tên Chân Nguyên. Hiện tại cậu bé lớn lên vô cùng kháu khỉnh và thông minh.

Bé Chân Nguyên ngày nào khi được nhặt chỉ là một bọc còn nguyên cuống rốn, thế mà ngày nay bé đã trở thành ‘hotboy’ trong lòng các mẹ ở chùa.

Và còn đó rất nhiều mảnh đời khác nhau, có em bị tật nguyền, có em bị di chứng chất độc màu da cam bị cha mẹ ruồng bỏ và có lẽ nếu không có thầy thì dường như nhiều em đành phải chấm dứt sinh mệnh của mình ở một nơi nào đó.

Tình thương dành cho con hơn cả một người mẹ

Chăm sóc hơn 200 em nhỏ nơi đây không chỉ riêng thầy Chiếu mà còn rất nhiều tình nguyện viên, các chị, các mẹ tạm gác công việc và lo toan cuộc sống để về chăm các em.

Chị Cúc cũng là một trong số đó. Chia sẻ về nhân duyên với các em chị cho biết có lần đi thăm các em, thấy thương cảm vô cùng, bởi chị cũng là người mồ côi mẹ, chị thấu hiểu sự bất hạnh khi không có mẹ hơn ai hết nên chị đã quay lại chùa làm tình nguyện, làm mẹ của các em nhỏ đến nay đã hơn 10 năm.

Hiện nay chị phụ trách chăm sóc các em nhỏ sơ sinh, vừa cho bé Lượn Chỉ ăn chị vừa tâm sự: ‘Các con bất hạnh vô cùng. Cũng là kiếp người nhưng lại chịu hết thiệt thòi này đến thiệt thòi khác. Vì vậy tôi hay bất cứ tình nguyện viên nào ở đây cũng luôn dành cho con tình yêu thương hơn cả một người mẹ. Bởi từ khi các con mở mắt ra người mà chúng gặp chính là cha Chiếu, là các mẹ ở đây’.

Chị Cúc đã gắn bó với các em bé ở đây hơn 10 năm. Chị phụ trách chăm sóc các bé sơ sinh tới khi 2 tuổi.

Khi được hỏi chăm nhiều bé như vậy có khi nào chị mệt mỏi, chị Cúc tiếp lời: ‘Nếu nói không mệt mỏi thì không đúng vì thực chất chăm các bé không bao giờ là điều dễ dàng.

Không phải bé cứ khóc là cho bú mà phải theo giờ, phải theo dõi con từng li từng tí xem con có khó chịu trong người không,…

Nhưng với tôi chỉ cần nhìn thấy con cười là bao nhiêu sự mệt mỏi đều tan biến hết vì nụ cười của các con là niềm hạnh phúc với mình’.

Một vị nữ khách đến thăm và không giấu nổi giọt nước mắt xúc động khi chứng kiến hoàn cảnh bất hạnh của các em nhỏ nơi đây.

Dường như những điều chị Cúc, cha Chiếu hay các mẹ đang làm tình nguyện viên ở đây đều vượt xa cả những ý nghĩa mà ngôn từ có thể miêu tả lại. Bởi nó xuất phát từ con tim, từ những điều tốt đẹp nhất trên đời.

Dư luận những ngày qua không khỏi bàng hoàng sau những sự kiện chấn động về bạo hành trẻ, về tình người. Thế nhưng đến với nơi đây, đằng sau vẻ u tịch, trầm lắng của cảnh Phật cho con người tìm được sự bình an thì ta còn cảm nhận được những giá trị thiêng liêng nhất của lòng người, của tiếng cười con trẻ.

Nguồn sư tầm internet