Ứa nước mắt với ước mơ cuối đời của ông Đông mù ngày ngày nhặt đồng nát kiếm sống

Tới xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, hỏi ông Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1946) bị mù lòa, đi nhặt đồng nát kiếm sống thì cả xã ai cũng biết. Thăm nhà rách nát của vợ chồng ông Đông, ai cũng phải chạnh lòng.

“Cháu đi đằng trước, ông mù bám đằng sau”

Những cơn gió mùa đông rít lên từng hồi phần phật bên mái bếp gia cố bằng mảnh vải bạt. Bước thấp bước cao trên nền đất lạnh, bà Đào Thị Hương, 71 tuổi ra cửa ngóng chồng về nhà.

Chúng tôi đến thăm nhà được một lúc thì ông Đông, chồng bà Hương đi nhặt đồng nát về. Dựng chiếc xe đạp cà tàng bên vách nhà, ông Đông hồ hởi bảo “hôm nay nhặt được chừng này”. Thấy chủ về, mấy con chó con thi nhau sủa lên ăng ẳng. Không có con, hai ông bà nuôi con chó, con mèo bầu bạn cho bớt hiu quạnh tuổi già.

Ông Đông, bà Hương với chiếc xe đạp cà tàng – thứ phương tiện duy nhất để ông Đông đi kiếm sống qua ngày. Ảnh: Thu Hà

“Chừng này” ông Đông nhặt được hôm nay là một cái bếp đã hoen gỉ, ít dây diện và mấy thứ chai lọ lỉnh kỉnh. “Biết ông đi nhặt đồng nát, bà con có chai lọ bỏ đi gọi cho là ông đến lấy. Bán được 5 – 10.000 đồng, được đồng nào hay đồng đó”, bà Hương tâm sự.

Mắt trái của ông Đông đã hỏng hoàn toàn. Mắt phải chỉ còn 3/10, gần như không nhìn thấy đường. Vậy mà ngày nào ông cũng đi nhặt đồng nát. Bởi không nhặt thì ông bà biết lấy gì sinh sống? Ảnh: Thu Hà

Điều đáng lo ngại là ông Đông đi nhặt đồng nát trong tình trạng mắt trái đã hỏng hoàn toàn, mắt phải chỉ còn 3/10. Đứa cháu nội hôm nào rảnh sẽ đưa ông đi, cháu đi đằng trước, ông bám theo ở yên xe đằng sau.

Những thứ người ta bỏ đi lại trở thành nguồn sống của vợ chồng ông bà Đông mù. Ảnh: Thu Hà

Ông Đông đi theo cảm tưởng, chứ ông gần như không nhìn thấy gì nữa. Cũng chính vì mù lòa mà gần đây khi đang trên đường đi nhặt phế liệu, ông Đông bị vấp ngã, phải khâu mất 8 mũi.

“Tuổi già côi cút, chỉ mong có mấy đồng trợ cấp”

Trong nhà ông bà, thứ tài sản đáng giá nhất có lẽ là những tấm bằng khen mà ông bà đã đánh đổi cả tuổi trẻ để được ghi nhận. Bà Hương từng đi thanh niên xung phong năm 1972 – 1975. Do ảnh hưởng chất độc màu da cam, bà bị vô sinh.

Còn ông Đông có 13 năm làm văn thư xã , tham gia du kích trong những năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt ở Thái Bình. Hai ông bà thui thủi sống với nhau qua ngày trong căn nhà dột nát.

Kỷ niệm chương cựu chiến binh Việt Nam do BCH TW Hội cựu chiến binh Việt Nam trao tặng bà Hương. Ảnh: Thu Hà
Bằng khen thành tích tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trao tặng ông Đông năm 2012. Ảnh: Thu Hà

Không con cái, không có thu nhập, có lúc buồn bà Hương khóc bảo ông Đông: “Tôi mất trước thì ông khổ mà ông mất trước thì tôi khổ vì không có ai nương tựa”.

Trong suốt cuộc trò chuyện, nhiều lần bà Hương ứa nước mắt vì tủi thân cảnh vợ chồng già yếu không biết bấu víu vào đâu ngoài số tiền bà Hương đã được hưởng trợ cấp thường xuyên 540.000 đồng/ tháng.

Bà Hương cho chúng tôi xem bộ hồ sơ ông bà đã chuẩn bị sẵn để xin xã xét duyệt chế độ người khuyết tật nặng. Giấy đề nghị giám định y khoa tại Trung tâm giám định y khoa tỉnh Thái Bình ghi rõ ông Đông hai mắt bị hỏng nặng, viêm đa khớp nặng, hai tai ù điếc nặng, hen phế quản mãn tính.

Mặc dầy vậy, ông bà đưa hồ sơ lên xã xin xét duyệt nhiều lần nhưng hiện trường hợp của ông Đông vẫn chưa xã ký duyệt chế độ hỗ trợ.

Dù đau chân nhưng bà Hương vẫn tiến chúng tôi ra tận cổng. Đi trên con đê gió lồng lộng thổi, chúng tôi không khỏi day dứt trước ước nguyện của vợ chồng bà. Nguyện ước chỉ đơn giản là ông Đông được duyệt hưởng vài trăm ngàn trợ cấp người khuyết tật mỗi tháng để ông không phải đi nhặt đồng nát kiếm sống.

Gần đây, ông Đông bị ngã, phải khâu mất 8 mũi ở chân. Nhưng vì nghèo khó nên ông vẫn phải đi nhặt đồng nát kiếm sống với hai mắt đã hỏng và đôi chân đau nhức nhối. Ảnh: Thu Hà

Với người có của ăn của để, số tiền đó có khi chỉ bằng một bữa ăn ngon. Thế nhưng với vợ chồng bà Hương, vài trăm ngàn đồng là một gia tài, chi tiêu tằn tiện là sống được cả tháng, cuộc sống vơi bớt nhọc nhằn, chứ họ không dám mong gì hơn.

Trong khi những người thực sự bệnh tật, tâm thần chưa được hưởng chế độ hỗ trợ thì người dân xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình phản ánh có nhiều người khỏe mạnh, lao động bình thường lại có chế độ…tâm thần. Mời bạn đọc đón đọc kỳ tiếp theo.

Theo Emdep