Tưởng rằng chết là hết, không ngờ xuống địa ngục còn thống khổ gấp vạn phần

Có nhiều người khi cảm thấy không thiết sống nữa đã quyết định lựa chọn tự sát vì nghĩ rằng chết sẽ hết khổ, chết là hết tội, sẽ được tự tại rời khỏi thế gian con người. Nhưng chết có phải là hết không? Câu trả lời là ‘Không!’. Chết không phải là hết mà chỉ là sự bắt đầu.

Nếu muốn tái sinh, xin đừng tự sát

Theo giáo lý của nhà Phật, tự sát để kết liễu cuộc đời mình là một tội rất lớn mà con người phạm phải, bởi như thế họ sẽ khó mà tái sinh ở kiếp sau.

Dưới đây là giải thích trong cuốn sách “Chết và Tái sinh” dưới dạng hỏi đáp. “Chết và tái sinh” là cuốn sách có phần chính là ghi lại cuộc tham vấn giữa Thượng Tọa Pende Hawter và các Lạt Ma Tây Tạng. Thượng Tọa Pende Hawter là một Tăng sĩ người Úc, sáng lập viên Dưỡng Đường Tiếp Dẫn Kasura để chăm sóc người sắp lâm chung ở thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc.

Trong phần hỏi đáp dưới đây, Kirti Tsenshab Rinpoche, Garje Khamtul Rinpoche, Geshe Lamrimpa, Dilgo Khyentse Rinpoche là bốn vị Lạt Ma Tây Tạng được Thượng Tọa Pende Hawter tham vấn.

Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Phật giáo như thế nào về vấn đề tự sát?

– Kirti Tsenshab Rinpoche: Đối với người Phật tử, tự giết mình là một tội rất lớn. Vì sao? Bởi vì có được thân người là một trong những điều khó và làm bị thương hoặc hủy diệt thân ấy là một điều sai lầm rất lớn. Tự tử thường bắt nguồn từ kết quả của những cơn nóng giận. Chỉ có giận dữ người khác mà không làm gì được nên trở lại giết chết mình.

Đối với một người không theo đạo Phật cũng thế, tự tử là một hành vi đáng trách và tội lỗi. Sau khi chết, thần thức của họ không có một nơi nào khác là phải lao theo nghiệp ác của mình. Vì thế chúng ta phải nghĩ cách làm thế nào để giúp họ vượt qua những cơn khủng hoảng tinh thần và nỗi khổ đau của họ. Ở trong tình trạng rối loạn, bế tắc và tuyệt vọng, cơn khủng hoảng trầm trọng này có thể đẩy con người đến chỗ tự sát.

– Garje Khamtul Rinpoche: Nhà Phật cho rằng tự tử là một điều tồi tệ nhất mà con người có thể làm. Đây là một hành động tiêu cực khiến cho thần thức của kẻ ấy gặp khó khăn trong việc tái sinh. Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng thì có hàng trăm vị nam và nữ thần ở trong thân của chúng ta, nếu phạm vào tội tự sát, đồng thời ta cũng giết cả họ. Còn theo Phật giáo Đại Thừa thì dưới chân của mỗi sợi tóc thì có hàng ngàn tế bào sống khác… khi ta giết ta thì đồng thời ta cũng hủy diệt chúng.

– Geshe Lamrimpa: Theo Phật giáo thì tự tử là một hành vi tiêu cực và là nguyên nhân khiến cho thần thức của người ấy rơi rớt vào cõi xấu.

– Dilgo Khyentse Rinpoche: Khi một người tự tử, thần thức của họ thường phải đi theo nghiệp xấu của mình, rất có thể họ sẽ bị một ác ma bắt lấy và chiếm đoạt sinh lực. Để giúp cho những người này, các vị thầy có năng lực phải làm nhiều lễ cầu siêu đặc biệt như năm cuộc lễ và những nghi thức khác để siêu độ thần thức cho người chết.

Tự tử là một hành vi tiêu cực và là nguyên nhân khiến cho thần thức của người ấy rơi rớt vào cõi xấu. Ảnh dẫn theo (tushikurrahman.com)

Hỏi: Quan điểm của Phật giáo như thế nào về việc chấm dứt mạng sống trước khi người ấy chết? Bệnh nhân yêu cầu để cho họ chết tự nhiên bằng cách không dùng thuốc hay những phương pháp y học nào đó vì họ quá đau đớn về thể xác và tinh thần trong khi việc điều trị không mang lại kết quả.

– Garje Khamtul Rinpoche: Trong trường hợp này rõ ràng bạn muốn đem lại lợi ích cho người khác, chấm dứt sự đau đớn của họ. Tuy nhiên, cần phải xem xét cẩn thận chứ đừng nên hành động thiếu suy nghĩ, bởi vì giết một mạng người là một tội ác, vì vậy, dù đau đớn dữ dội, thay vì để cho họ chết thì cố gắng dùng hết khả năng để điều trị cho họ, có thể cho họ uống thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần chẳng hạn. Mặt khác, nên nhớ rằng thân người rất khó khăn mới có được. Do vậy, các nhà chữa bệnh phải suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định việc này.

– Geshe Lamrimpa: Người ta nên tiếp tục chữa trị để giữ mạng sống cho họ. Nếu người ấy chết với trạng thái tâm giận dữ, bất an, tiêu cực hay hôn mê thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu thai và sẽ gặp bất lợi cho đời sống tương lai của họ. Tuy nhiên, nếu cho họ uống thuốc để rút ngắn mạng sống thì cũng không thích hợp.

Hỏi: Đôi khi họ muốn được chết thì sao?

– Geshe Lamrimpa: Họ muốn chết trước thời hạn, bởi vì họ không chịu đựng nổi sự đau đớn ngay trong đời này. Nhưng họ đâu biết rằng nỗi khổ đau ấy họ vẫn phải đối mặt trong đời sau, vì thế, tốt hơn hết nên giúp họ điều trị.

(Trích theo “Chết và Tái sinh”)

Cảnh tượng rùng rợn nhìn thấy dưới địa ngục

Chết không phải là hết mà chỉ là sự bắt đầu. Ảnh minh họa (en.wikipedia.org)

Người xưa cho rằng tự sát là một tội nghiệp vô cùng nặng, người tự sát thậm chí còn bị đày xuống địa ngục chịu cực hình. Câu chuyện được lưu truyền dưới đây đã minh chứng cho câu nói ‘Chết không phải là hết mà chỉ là sự bắt đầu’.

Trong cuốn “Quả báo” quyển hạ có ghi chép lại một câu chuyện, kể rằng:

Tháng 5 năm Khang Hy thứ 7, Trương Đại ở Trấn Giang bị bệnh nặng qua đời. Sau khi xuống gặp Diêm Vương, Diêm Vương nói: “Bắt nhầm người rồi. Ngươi đã đến đây rồi thì hãy mang hộ ta một lá thư về dương gian”.

Nói xong, Diêm Vương lệnh cho một quỷ tốt dẫn Trương Đại đi tham quan một tòa thành. Trên cửa thành có viết hai chữ “chết oan”. Trương Đại nhìn thấy rất nhiều quỷ hồn, đầu lưỡi kéo dài hơn một tấc và tự xưng mình là “quỷ thắt cổ”. Mỗi ngày khi đến giờ này lại phải trải nghiệm sự đau đớn của thắt cổ một lần nữa.

Sau đó, Trương Đại lại nhìn thấy rất nhiều quỷ hồn khác, thân thể sưng phù, áo quần ướt sũng, tự xưng là quỷ nhảy sông tự vẫn. Một lát sau anh ta lại gặp một số quỷ hồn, kẻ thì không đầu, kẻ thì đứt họng, kẻ thì thất khiếu chảy máu, tự nhận mình là những người đời trước tự sát, uống thuốc độc mà chết. Mỗi ngày vào giờ quy định, họ phải dựa theo cách chết của đời trước mà làm lại một lần, thật là thống khổ vạn phần.

Những quỷ hồn đó trăm miệng một lời, nói rằng: “Chúng tôi lúc còn sống đều cho rằng chết là hết, nhưng không ngờ rằng sau khi chết lại thống khổ đến thế này, thật sự có hối hận cũng không kịp nữa rồi!

Trương Đại hỏi: “Những quỷ hồn đó đến khi nào mới có thể được đầu thai làm người đây?”

Quỷ tốt nói:

Không thể nữa rồi. Nói chung quỷ hồn của người tự sát được chuyển sinh làm người trước điện Diêm La Vương là vô cùng ít ỏi. Thân người khó được, vậy mà họ đã không biết trân quý lại còn tìm đến cái chết.

Những người này, ở âm gian là đã cô phụ tấm lòng của Diêm Vương vì Diêm Vương lúc nào cũng khích lệ họ làm người tốt tại nhân gian. Còn ở trên thế gian là đã cô phụ công dưỡng dục to lớn của cha mẹ. Huống hồ ở trên dương gian, một người tự sát thường sẽ khiến người nhà phải gặp cảnh tố tụng tư pháp, thật sự là hại người rất nặng.

Vì vậy, Diêm Vương giận nhất là loại người này, phán họ vào đường súc sinh, không được dễ dàng chuyển sinh làm người nữa…

Sau khi xem xong những cảnh này, Trương Đại trở về báo lại với Diêm Vương, Diêm Vương nói: “Khi ngươi về đến nhân gian, hãy đem những lời này mà nói rõ với người đời”.

Sau đó Diêm Vương lớn tiếng vỗ mạnh lên mặt bàn, Trương Đại mới giật mình tỉnh lại!

Quả thật làchết đâu phải là hết, chết chỉ là sự bắt đầu của hành trình mới trong chu kì luân hồi không ngừng nghỉ. Có tội phải trả, làm việc tốt sẽ được phúc báo,… vạn sự trong vũ trụ thảy đều có quy luật.

Thân người khó được, sinh mệnh vốn trân quý vô cùng, vậy nên chớ hồ đồ dại dột tìm đến cái chết, mà hãy sống thiện lương để có được phúc báo về sau này.

Vân Hà tổng hợp/Theo daikynguyenvn