Thả rắn nước được phong là “rắn thần” trên ngôi mộ “bà ăn mày” ở Quảng Bình về tự nhiên

Xác định con rắn được người dân phong là “rắn thần” thực chất chỉ là rắn nước, không nằm trong danh mục bảo tồn, Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn đã quyết định thả nó về môi trường tự nhiên.

Ngày 4/3, Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) xác nhận, vừa thả con rắn nước mà đơn vị bắt giữ trên ngôi mộ vô danh ở thôn La Hà Tây (xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn) về môi trường tự nhiên.

Theo Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn, con rắn này dài 0,8m, nặng 230g và theo danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đây chỉ là rắn nước thông thường, chỉ có giá trị thương phẩm để làm món ăn nếu được nuôi với số lượng lớn.

Do con rắn không nằm trong danh mục bảo tồn nên Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn quyết định thả về môi trường tự nhiên. Được biết, sau khi được thả về môi trường nước, con rắn bơi đi rất nhanh.

“Rắn thần” xuất hiện trên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình thực chất chỉ là rắn nước.

Trước đó, cơ quan chức năng đến đưa con rắn đi khỏi mộ “Bà ăn mày” ở thôn La Hà Tây (xã Quảng Văn). Chính quyền xã Quảng Văn cũng tháo dỡ rạp thờ và tuyên truyền người dân giải tán tránh tụ tập tuyên truyền mê tín dị đoan.

Như đã thông tin, những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, người dân địa phương vô tình phát hiện một cặp rắn “lạ” xuất hiện và “ngự” trên ngôi mộ vô danh được xếp bằng đá ở cánh đồng thôn La Hà Tây (thị xã Ba Đồn).

Con rắn này được người dân đồn thổi là “rắn thần” nên hàng nghìn lượt người đổ về đây thắp hương, khấn vái. Đến ngày 1/3, một con rắn nhỏ đã chết và được người dân đốt xác rồi bỏ tro vào ly hương. Mặc dù vậy thì lượng người kéo đến khấn bái “ngày càng đông và “dâng” lên “rắn thần” số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng.

Nhiều người tự phong rắn nước là “rắn thần” rồi kéo đến thắp hương, khấn vái.

Liên quan đến vụ việc, Giáo sư Ngô Đắc Chứng ở Đại học Huế (một chuyên gia nghiên cứu về bò sát) cho biết, qua quan sát bằng hình ảnh thì khó có thể nói chính xác về chủng loại của cặp rắn xuất hiện trên ngôi mộ ở Quảng Bình. Tuy nhiên, việc rắn xuất hiện ở các vùng hoang dã, đền miếu và nghĩa địa, mồ mả là điều rất bình thường, không có gì lạ mà người dân phải đổ xô đến thờ cúng.

“Rắn thì ở đâu mà chả có, ở vùng ít người, hoang sơ, hoang dã thì có rắn chứ có chi đâu mà phải thờ cúng. Việc rắn xuất hiện ở các hốc cây, am, miếu và đặc biệt là ở mồ mả, nghĩa địa là bình thường. Cần phải giải thích cho dân hiểu đó là điều bình thường và đừng quá mê tín rồi đâm ra mệt mỏi”, Giáo sư Ngô Đắc Chứng chia sẻ.

Theo Trí thức trẻ