Tại sao người ta thường nói “Nam Mô A Di Đà Phật” ? Ý nghĩa niệm Nam Mô A Di Đà Phật là gì?

Khi niệm Phật hay chào nhau người ta thường nói “Nam Mô A Di Đà Phật.” Vậy câu này có nghĩa là gì? A Di Đà là tên một vị Phật, nhưng Nam Mô có nghĩa là gì?

Nam Mô A Di Đà Phật nghĩa là gì

A-di-đà là phiên âm chữ Amita, tiếng Sanskrit, dạng viết tắt của hai chữ Amitàbha có nghĩa là Vô Lượng Quang, ánh sáng vô lượng và Amitàyus có nghĩa là Vô Lượng Thọ, thọ mệnh vô lượng. Ðây là tên một vị Phật quan trọng được tôn thờ nhiều nhất trong Ðại thừa, giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc, tiếng Sanskrit là Sukhàvati, và được nhân gian tin thờ sớm nhất trong lịch sử Phật giáo, vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau công nguyên.

Nam Mô: ở đây có 6 nghĩa: kính lễ, quy y, phụng thờ, cứu ngã, độ ngã, quy mạng. Phiên âm tiếng Sanskrit Namah, có nghĩa như quy y quyết tâm vâng theo, cung kính và nương theo gửi đời mình cho Phật. Ðây là giai đoạn Thủy Giác có nội dung bao gồm năng niệm, trì giới, diệu quan sát thế gian giới, là bắt đầu đi trên con đường Giác Ngộ.

A: Có nghĩa là vô, không

Di Đà: Nghĩa là lượng

Phật: Phiên âm tiếng Sanskrit Buddha, tức Phật-đà nói tắt, có nghĩa là giác ngộ, dứt khỏi luân hồi, giải thoát. Ðây là giai đoạn Bản Giác, có nội dung bao gồm thành tựu sở niệm, trí huệ, là đại viên cảnh trí, vô tận sở hữu trí, viên thành Phật quả.

Vậy Nam Mô A Di Đà Phật là: Kính lễ đấng Giác ngộ vô lượng hoặc cũng có nghĩa là: Con quay về nương tựa vào đấng Giác ngộ vô lượng.

Niệm Phật là pháp hữu vi tác nghiệp gieo nhân lành gồm cả ba nghiệp thân, khẩu và ý. Khi niệm Phật, hành giả thường đứng hay ngồi ngay ngắn, thái độ trang nghiêm, mắt nhìn thẳng vào hình tượng Phật: Ðó là thân nghiệp. Hành giả nói ở miệng thành lời: Ðó là khẩu nghiệp, từ ngữ xưng niệm diễn tả rõ nghĩa này. Hành giả nghĩ tưởng đến Phật: Ðó là ý nghiệp, từ ngữ tâm niệm diễn tả rõ nghĩa này.

Niệm Phật A Di Đà là một cách tu, nhanh chóng, dễ dàng, dựa vào tha lực và đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, bằng cách nhất tâm niệm danh hiệu của Ngài: “Nam mô A di đà Phật”. Để trau dồi đức hạnh và xoa dịu những khổ đau cho mình và những người chung quanh trong cuộc sống mỗi ngày.

Đây là câu niệm Phật của những người tu theo pháp môn Tịnh Độ. Trong Thập Lục Quán Kinh Phật dạy: nếu chúng sinh nào niệm một lần danh hiệu của Phật A Di Đà sẽ tiêu được 8 muôn ức kiếp tội nặng.

Người tu theo Pháp môn Tịnh Độ thường niệm câu này nhưng hiện nay người con Phật thường dùng câu niệm Phật này để chào nhau. Tuy là một câu có 6 chữ ngắn gọn nhưng nó hàm chứa một tính lễ độ và một sự nhắc nhở cho nhau để thánh hóa tâm hồn mình, qua Hồng danh của Đức Phật A Di Đà.

Ảnh internet

Chư Phật ra đời chỉ vì một Đại Sự Nhân Duyên như Kinh Pháp Hoa đã có dạy là “Khai Thị” chúng sanh “Ngộ Nhập” Phật Tri Kiến. Mà Phật Tri Kiến ấy không đâu xa lạ, nó từ ở trong cái tự tánh Vô Lượng Giác của chúng ta mà có.

Mặt khác, nó còn tự đưa mình hướng vào trong việc chuyển hóa những ý nghĩ, hành động và lời nói của chính mình. Theo chiều hướng thiện lành qua bốn mươi tám lời nguyện này, để đạt được tự tánh thanh tịnh của bản thân.

Phương pháp tu đơn giản này cũng là phương tiện hữu hiệu giúp cho sự tự lực của chính mình thoát khỏi những hố sâu của tội lỗi, bằng việc tự chánh niệm. Bởi vì chánh niệm là ánh sáng tỉnh thức để giúp cho tâm: thấy, biết, nhận định được ý nghĩa tốt đẹp của sự sống. Bằng cách biết sống đạo đức, qua bốn đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả sẵn có trong lòng mỗi người.

Ảnh internet

“Muốn thành tựu bất cứ pháp môn nào, người tu tập trước nhất phải có: Tín, Nguyện, Hành. Nghĩa là chúng ta dứt trừ các mối nghi. Tin rằng: Pháp môn niệm Phật thù thắng do chính kim ngôn của đức Thế Tôn. Muốn thành tựu chúng ta phải hành rốt ráo và luôn luôn có chí nguyện bền vững cầu vãng sinh về cõi Cực Lạc” – theo lời Phật dạy.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai, do vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Vọng Tưởng, Phân Biệt, Chấp Trước Ba thứ che phủ cái viên ngọc vô giá, cái tự tánh Vô Lượng Giác của chúng ta.

Cho nên chúng ta phải tu làm sao mà trừ ba thứ: vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cho thật sạch không còn một mảy may thì chúng ta mới viên mãn thành Chánh Giác.

Việc này không hề dễ dàng vì là thói quen đã tích tụ nhiều đời nhiều kiếp, nên khó mà đoạn trừ được nhất thời. Bởi thế chúng ta niệm A-Di-Đà Phật là cầu “đới nghiệp vãng sanh”! Danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật sẽ lọc sạch phiền não trong thân tâm Người Niệm Phật. Nhờ xưng niệm sáu chữ Hồng Danh, hành giả nhìn thấy cảnh vật bên ngoài đúng như bản thể thực chất của chúng, không còn bị chúng chi phối, do đó điều phục thân tâm và không còn móng khởi tâm phân biệt.

Trong số tám vạn bốn ngàn pháp tu chỉ có pháp môn Niệm Phật là thù thắng đệ nhất, cứu cánh đệ nhất, hữu hiệu và siêu việt nhất. Ðó là lời dạy của Ðức Thích Ca. Sự Nhất Tâm Niệm Phật bao gồm cả hai phần Sự và Lý:

– Nhất tâm về Sự là không trụ vào một niệm nào khác,

– Nhất tâm về Lý là thể nhập vào thực tướng của Phật, hành giả dần dần thành tựu Chánh Ðịnh Như Lai và tự nhiên phát sanh Tuệ Giác Không Tánh.

Chúng ta đời nay khó có cách nào trong một đời dứt cho sạch vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta chỉ có thể đè nén chúng bằng cách niệm Nam Mô A-Di-Đà Phật. Hằng ngày, từ sát na, phút giây chúng ta đều khởi vọng tưởng, nghĩ ngợi đủ thứ, vọng tưởng vô lượng khởi lên, nếu chúng ta chuyên cái tâm vào một câu A-Di-Đà Phật thì ngay khi ấy chúng ta chỉ có một vọng tưởng, vọng niệm đó là A-Di-Đà Phật mà thôi.

Ảnh internet

Thay vì ngày ngày chúng ta khởi vô lượng vọng tưởng, rồi phân biệt, rồi chấp trước vào những vọng tưởng đó, thì chúng ta chuyên chú ở một vọng tưởng thôi, phân biệt và chấp trước chỉ ở một câu A-Di-Đà Phật. Bạn có thể tham khảo: Những bài kinh Phật hay cho Phật tử tu tại gia.

Khởi vọng tưởng là tạo nghiệp. Kinh Địa Tạng (phẩm 7) nói chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Đề tức là chổ chúng ta đang ở, hễ khởi vọng tưởng không gì là không tội cả. Bởi thế vọng tưởng hằng ngày mà ta khởi toàn là ác, và bất chánh.

Nay pháp Tịnh Độ giúp chúng ta bỏ tất cả vọng tưởng ác và bất chánh khác để chuyên chú vào một câu A-Di-Đà Phật. Cho nên khi vọng tưởng khởi lên lập tức niệm vài tiếng “Nam-mô A-Di-Đà Phật” để trừ khử những vọng tưởng ác khác. Đấy gọi là dùng Vọng Tưởng để dẹp Vọng Tưởng!

Lại niệm cho chuyên thì chúng ta tâm được dần dần thanh tịnh. Mà tâm thanh tịnh thì chắc rằng đến phúc lâm chung chúng ta được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Bởi vì Tâm Tịnh Thì Cõi Tịnh (Kinh Duy Ma).

Tuy biết rằng chúng ta niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật thì mới đầu là khởi cái vọng niệm A-Di-Đà Phật, và phân biệt cho đó là danh hiệu của đức Di Đà, và chấp trước, chấp lấy vào cái danh hiệu đó. Nhưng nếu niệm cho thuần thì chắt chắn từ niệm mà đến vô niệm, từ phân biệt mà hết phân biệt, từ chấp trước mà đến không còn gì để chấp trước nữa!

Theo kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Niệm Phật xưng danh A-di-đà với sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật là hành giả nhất tâm chí thành, chuyên cần bất thối, không gián đoạn luôn luôn nghĩ tưởng trong thâm tâm: Pháp thân, Hóa thân và Báo thân của Ðức Phật A-di-đà đang hiện ra trong thân và tâm của mình, và danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật đang tuôn chảy thành một dòng tâm, lâu ngày sẽ thành một khối lưu ly sáng rực… Danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật sẽ lọc sạch phiền não trong thân tâm Người Niệm Phật.

Nhưng phải nhớ rằng, phải có đầy đủ Tín, Nguyện và Hạnh thì mới nắm chắt được sự vãng sanh đó, cũng như được thanh tịnh. Nếu không có đầy đủ tín, nguyện, hạnh, thì chưa thể nói là được thanh tịnh.

Theo lichngaytot