Sát sinh để cúng tế vong linh là làm hại người chết

Về cách sắp đặt cúng tế rất kỵ việc sát sanh, vì việc sát sanh càng làm liên lụy khổ quả cho người chết.

Về việc sắp đặt cúng tế rất kị sát sinh

Cho nên thân Trung ấm (*) nếu một phen thấy được việc ấy tức thì bảo thôi; nhưng ngặt nỗi âm, dương cách trở, nên không thể nào nghe được. Vì thế kẻ sống còn, vẫn trở lại làm sát sanh như thường. Đối với kẻ chết không thể ngăn nổi sân niệm khởi lên.

Đã thế, nếu một phen sân tâm khởi lên, liền phải đọa vào địa ngục; cho nên người sắp đặt cúng tế cần phải chú ý. Nếu muốn cúng tế, thì nên dùng đồ chay, hương, hoa, sữa, bánh và đồ trái, chớ dùng những đồ uế tạp và sát hại sanh vật. Như trong Kinh Địa Tạng đã nói: “Làm những việc sát hại, cho đến bái tế quỉ thần; đã không có một mảy may phúc đức, không có lợi gì cho kẻ chết mà còn kết thêm tội lỗi càng sâu nặng.

Dù cho kẻ chết về đời sau của họ, hoặc trong đời này có thể chứng được Thánh quả, hoặc sanh lên Trời; nhưng khi lâm chung bị bà con làm ác nhân ấy (tức là nhân sát hại) cũng làm cho họ phải liên lụy nhiều bề, chậm sanh về chỗ lành. Huống chi kẻ chết đó khi sống còn chưa từng làm một chút việc lành, chỉ một bề nương theo gốc nghiệp mà tạo tác, lẽ phải chịu ác thú, nỡ nào bà con lại gây thêm nghiệp cho họ?

Nên dùng đồ chay hương hoa cúng tế sữa bánh và đồ trái

Trong luật Thuận Chánh Lý, quyển thứ ba nói: “Có con quỷ tên là Hy Tự, nó hành động được tự do, có thể đi hết các phương dễ dàng cũng như chim bay giữa trời, qua lại không ngăn ngại. Sở dĩ nó phải đọa làm thân quỷ, duyên cớ có hai:

1- Là lúc bình sanh của nó, mê say theo lối bàn luận của thế tục, chắc rằng: chết rồi quyết phải thành quỷ. Cho nên luôn luôn mong mỏi sau khi chết rồi, sẽ được con cháu đem đồ ăn đến cúng tế. Vì chấp chặt tà kiến ấy, và nhờ có căn lành đời trước, nên mới đọa vào loài quỷ này, luôn luôn mong mỏi thờ cúng, bởi thế nên gọi là quỷ Hy tự.

2- Là lúc bình sanh hay ưa gần gũi giao thiệp và vì muốn được giàu có, cho nên chỉ biết tích trữ của cải cho mình, ôm lòng bẩn chật, dù cho dư dật cũng không chịu bố thí. Vì ác nghiệp ấy, nên phải đọa vào loài quỷ này.

Luôn luôn vì lòng ưa mến của cải ở đời, cho nên thường hay nương náu chung quanh nhà cửa hoặc những nơi nhơ nhớp. Bởi thế, nếu bà con, bạn bè cúng tế, thì sanh lòng cảm khái và hối hận sự bẩn chật của mình ngày trước. Do cái niệm lành ấy, nên được cái phúc hưởng thọ cúng tế”.

Trong Kinh Quán Đảnh, quyển thứ sáu cũng có nói: “Những kẻ trong lúc bình sanh không làm lành, cũng không làm dữ; thì sau khi chết rồi không có quả báo gì xuất hiện, cho nên sẽ làm loài quỷ và được tự do. Nhưng loài quỷ này thường hay nương náu nơi mồ mả của mình hoặc mồ mả của kẻ khác; dựa theo cái dư khí của cốt tủy mà được hiển linh.

Cho nên nếu ai có cúng tế, thì cũng được hưởng thụ. Đến khi xương tủy đã mục nát, thì mất chỗ nương tựa, tức liền tìm đến chỗ nào xương tủy chưa mục nát và vô chủ để nương tựa”.

Trong Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, quyển thứ 16 cũng nói: “Có một loài quỷ tên là Hy vọng, vì trong lúc sống còn, hay ưa buôn bán tính toán, chẳng kể gì đến phải chăng, gạt người lấy của, làm như thế mà tự cho là vừa ý. Còn những việc bố thí, thành tín, phúc đức, giới cấm v.v… thì không bao giờ nói đến.

Luôn luôn đem lòng bỏn xẻn ganh tỵ, không ưa gần gũi bạn lành. Cho nên, đến khi lâm chung phải đọa vào làm quỷ này. Loài quỷ này mặt mày đen xám, luôn luôn rơi lụy, tay chân lở loét, tóc tai bù xù, kêu gào thảm thiết. Nếu như con cháu có lòng nghĩ đến tiên linh mà cúng tế, thì quỷ này mới được uống ăn. Ngoài ra, không bao giờ được hưởng thọ.

(*) Trung ấm cũng gọi là Trung-hữu. Ví như chúng ta đến khi thân này đã chết, gọi là Tử-ấm cũng gọi là Tử-hữu. Đến khi tái sinh thân sau gọi là Sinh-ấm, cũng gọi là Sinh-hữu. Giữa khoảng đã chết và chưa sinh, trải qua 49 ngày đêm, trong thời gian ấy ta có một cái thân rất tinh tế gọi là Trung-ấm-thân

Trích Liểu-sinh Thoát Tử
Dịch Giả: Thích Quang Phú (nguyên giáo sư trường Phật Học Báo Quốc Huế)

Nguồn: duongvecoitinh.com