Rơi nước mắt với hành trình đi tìm sự sống cho cháu bị chết não do đuối nước của bà nội

Hai năm trước, trong một lần đi tắm biển bé  Thuận  đã bị đuối nước và rơi vào tình trạng chết não. Cứ ngỡ nửa cuộc đời còn lại của em phải sống thực vật nhưng thật may phép màu đã xuất hiện. 

Đang điều trị tại khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), cháu Mai Hưng Thuận (9 tuổi, ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) dù đã đi lại và chạy nhảy được, nhưng trí não của em vẫn chưa hoạt động bình thường. Tuy nhiên, để làm được điều đó đã là một kỳ tích đối với các bác sĩ, cũng như gia đình cháu Thuận.

Bà Đào Thị Vinh (54 tuổi, bà nội cháu Thuận) cho biết, cách đây khoảng 2 năm về trước, trong một lần đi tắm biển cháu nội bà đã bị đuối nước. Khi mọi người phát hiện và vớt lên cháu đã bất tỉnh hoàn toàn.

Không ai nghĩ đây là cậu bé đã từng bị chết não hai năm trước

Nhìn hình ảnh này ít ai có thể biết rằng cách đây 2 năm, Thuận đã từng chết lầm sàng vì đuối nước.

“Khi mọi người đưa lên bờ, cháu như một cây chuối không còn biết gì nữa, tôi tưởng lúc đó cháu đã đi rồi”, bà Vinh nhớ lại.

Sau khi được sơ cứu, cháu Thuận được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị 2 tháng, sau đó lại chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương 2 ngày. “Cả hai bệnh viện đều khẳng định cháu đã chết não và sẽ phải sống cuộc đời thực vật. Lúc đó bác sĩ đã khuyên tôi đưa cháu về quê”, bà Vinh chia sẻ.

Đi khắp từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện trung ương đều không chữa được, nhưng bà Vinh vẫn luôn tin cháu mình sẽ tỉnh lại. Cuối cùng bà đã chọn sang BV Châm cứu Trung ương để chữa theo y học dân tộc với phương châm còn nước, còn tát.

Bà Nội đã kiên trì nỗ lực suốt một thời gian dài để giúp em được như ngày hôm nay

Ths.BS Dương Văn Tâm – Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em (BV Châm cứu Trung ương) cho biết, cách đây khoảng 2 năm, cháu Thuận đến viện trong tình trạng liệt toàn thân, điện não đồ không hoạt động (chết não), ngôn ngữ mất hoàn toàn, giác quan không phản ứng gì…

“Tại bệnh viện chúng tôi dùng mọi phương pháp có thể từ điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyết, chiếu đèn…nhưng suốt hai tháng trời cháu không hề có biểu hiện gì, cứ nằm đâu nằm đấy như một khúc gỗ”, BS Tâm chia sẻ.

Theo các bác sĩ, trong suốt thời gian đó, ông bà nội cháu Thuận thay nhau chăm sóc, dù gia đình khó khăn phải xin ăn từng bữa, nhưng vẫn luôn có hy vọng cháu mình sẽ tỉnh lại.

Bà Vinh không kìm được nước mắt mỗi khi nhớ về những ngày cháu mình còn bất tỉnh

“Hơn 2 tháng điều trị, không thấy cháu có biến chuyển gì, gia đình bắt đầu nản chí thì bổng một hôm thấy mắt cháu mấp máy được. Giây phút đó tôi vui sướng vô cùng, nó đã tiếp thêm hy vọng để tôi theo đuổi đến ngày hôm nay”, bà Vinh nói.

Theo bà Vinh, sau dấu hiệu đầu tiên đó, cháu Thuận bắt đầu phục hồi dần các chức năng khác và đến giờ sau hơn 2 năm điều trị, điều không tưởng đã xảy ra với cậu bé tưởng chừng cả đời phải sống thực vật.

Nói về hành trình để có được thành quả như ngày hôm nay, BS Dương Văn Tâm cho biết: “Sau nhiều tháng kiên trì điều trị cháu Thuận đã có thể đi lại, chạy nhảy và ăn uống được như những đứa trẻ bình thường. Tuy nhiên, việc vệ sinh hàng ngày cháu vẫn chưa tự chủ được, cháu vẫn chưa nhận thức được và vẫn bị liệt ngôn ngữ”.

 

Bé Thuận đã dần hồi phục

Chính vì thế, dù nghèo và tuổi đã cao nhưng ông bà nỗi không nỡ nhìn đứa cháu tội nghiệp phải sống đời thực vậy và cố gắng vay mượn chạy chữa cho cháu.

Bác sĩ đưa ra bài luyện tập nhỏ cho Thuận

“Tôi chẳng biết còn sống được bao lâu nữa nhưng còn ở lại với cháu ngày nào, tôi sẽ tìm mọi cách chữa bệnh cho cháu ngày đó. Chỉ ước ao làm sao, cháu có thể nhận thức được và tự chủ trong vấn đề vệ sinh hàng ngày là tôi mừng lắm rồi”, bà nội Thuận chia sẻ.

Nói về hướng điều trị tiếp theo, BS Tâm cho biết, hiện cả bác sĩ và gia đình chỉ biết kiên trì điều trị với hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Còn để phục hồi được hoàn toàn là điều không hề dễ.

“Từ một đứa trẻ chết não vì đuối nước, nằm thực vật suốt mấy tháng trời và bây giờ đã đi lại được đã là điều vô cùng may mắn rồi. Tất nhiên, chúng ta hãy hy vọng cháu có thể phục hồi được trí tuệ và ngôn ngữ, nhưng cần phải mất rất nhiều thời gian”, BS Tâm nói.