Rơi nước mắt nhìn cụ ông 102 tuổi còn phải nuôi con gái tâm thần

Nhìn cụ trong căn nhà nhỏ ấy ai chững kiến cũng phải rơi nước mắt. Dù đã ở vào cái tuổi có thể ra đi bất cứ lúc nào, nhưng cụ lại không biết rồi đây đứa con gái tâm thần của mình sẽ phải sống sao…

Đôi mắt đục ngầu của cụ Huỳnh Kỳ rơm rớm khi trải lòng về những tháng ngày cơ cực.

Vợ mất sớm, một mình cụ vất vả nuôi 4 người con khôn lớn. Các con đều có gia đình riêng nhưng hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ ăn qua ngày. “Tụi nó làm nông lại đông con, thằng út thì vợ bị tai nạn qua đời… nên cơ cực cứ đeo bám suốt. Con cái tụi nó cũng không có ăn nên ông cũng không muốn tụi nó giúp mình”, cụ Huỳnh Kỳ chia sẻ.

Đôi mắt ưu tư của người cha già 102 tuổi

Cụ Huỳnh Kỳ ở cùng con gái Huỳnh Thị Tỏi ( 69 tuổi) mắc chứng tâm thần trong căn nhà cũ kỹ. Một phần ngôi nhà được nhà nước hỗ trợ xây dựng năm 2006, phần còn lại chỉ là những tấm tôn che chắn tạm bợ. Ngồi bên cạnh cha, bà Huỳnh Thị Tỏi – con gái cụ Kỳ cứ ngơ ngác, sợ sệt như một đứa trẻ. “Đầu óc nó không được bình thường như mọi người nên có lúc không chăm sóc được bản thân, cứ bỏ đi lang thang. Nó cũng già rồi lại bệnh tật, nhiều lúc ông lại phải chăm sóc nó“, cụ Huỳnh Kỳ cho biết.

Bà Huỳnh Thị Tỏi – con gái cụ Kỳ – ngơ ngác, sợ sệt khi thấy người lạ

Căn nhà 2 cha con đang sống tối om, bề bộn. Ngôi nhà xây đã lâu bắt đầu xuống cấp. Tường nhà có nhiều vết nứt, ngói lợp bể nát, xà nhà mục gãy có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Trên tường treo vài bộ quần áo cũ đã nhăn nheo, thủng lỗ chỗ. Hai chiếc giường tre cong vênh, nhiều thanh tre gãy nát vẫn chưa được thay mới. Mỗi tháng tiền trợ cấp người cao tuổi chỉ được 270 ngàn đồng, cụ Kỳ để dành mua đồ ăn, thuốc thang những lúc đau ốm. Tiền đâu để mua sắm đồ dùng trong nhà. “Khi hết tiền con Tỏi lên chùa bán nhang, có lúc nó ra chợ đi xin. Mỗi lần như vậy ông sợ họ bắt nó lắm“, cụ Kỳ chia sẻ.

Ngôi nhà sập sệ của hai cha con
Hai cha con, người ngoài 100 tuổi, người bị tâm thần sống căn nhà tạm được che bằng những tấm tôn cũ. Xà nhà mục nát có thể đổ sập bất cứ lúc nào

Vật dụng “hiện đại” nhất của cha con ông cụ là chiếc nồi cơm điện hoen rỉ. Những lúc tỉnh táo thì bà Tỏi lo nấu nướng cho cả hai cha con. Có lúc, nửa tỉnh nửa mê bà bỏ đi lang thang cụ phải tự lo cho mình. Mỗi bữa hai cha con chỉ nấu một lon gạo. Đồ ăn thì bữa có, bữa không. Nhìn nồi cơm nguội lạnh, kiến bu đầy miệng nồi khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng cho hoàn cảnh cơ cực của hai cha con.

Nồi cơm nguội lạnh đầy kiến

Vào mùa mưa nhà bị dột ướt hết, con Tỏi không có chỗ nằm. Có năm nước lũ về ngập cả giường phải lên chùa để ở. Nhà dột nát cũng ở tạm qua ngày được, chỉ sợ thiếu tiền mua đồ ăn con Tỏi lại đi xin tội cho nó”, người cha già 102 tuổi như bất lực khi nói về con gái bệnh tật của mình.

Ông Phạm Tân – Trưởng thôn Ngọc Thạch, chia sẻ: “Gia cảnh cụ Kỳ khổ nhất thôn này. Các con cụ ai rất khó khăn cũng chẳng giúp được gì. Đời sống của bà con làng xóm cũng không khá giả gì nên “lực bất tòng tâm”. Mong những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho hai cha con họ đỡ khổ”.

Xác nhận với phóng viên, ông Trần Kỷ – PCT UBND xã Tịnh An, cho biết, cụ Kỳ tuổi đã cao, thường xuyên đau ốm. Con gái cụ mắc bệnh tâm thần, có lúc bỏ nhà đi lang thang xin ăn. “Ngôi nhà cụ Kỳ đang ở được hỗ trợ xây dựng hơn 10 năm cũng đã xuống cấp. Chúng tôi muốn giúp cụ dựng lại nhà mới nhưng không có kinh phí. Chỉ mong sao mọi người giúp đỡ cho cụ có nhà mới, có ít tiền an dưỡng tuổi già“, ông Kỷ nói.

Ra về, chúng tôi hỏi cụ Huỳnh Kỳ: “Cụ có mong xây nhà mới không ?”.

“Nhà mới hả, không được đâu vì nhà nước hỗ trợ một lần rồi. Giờ ông chỉ ước sao có tiền mua đồ ăn hàng ngày để con Tỏi khỏi đi xin, rồi mua cho nó vài bộ quần áo chứ đồ nó cũ quá rồi“, cụ Huỳnh Kỳ hướng đôi mắt mờ đục về phía người con gái.

Chia tay cha con cụ nhưng cái nhìn đầy ưu tư trong đôi mắt người cha già dành cho con gái tật nguyền cứ day dứt mãi. Chúng tôi tự hỏi: Bao giờ người cha 102 tuổi ấy mua được cho con gái của mình những bộ quần áo mới ?
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: cụ Huỳnh Kỳ (thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, TP. Quảng Ngãi).