Rơi nước mắt nhìn cái Tết không sắc của 134 cụ già trong viện dưỡng lão ‘cô đơn’: Nơi thời gian ngưng đọng và những niềm mong mỏi cuối đời

Ở tuổi gần đất xa trời, thay vì hạnh phúc bên con cháu, 134 cụ già tại viện dưỡng lão Lâm Quang chôn vùi cuộc sống trong những bức tường, nương tựa cửa Phật và chờ đợi vào nhiều đợt khách viếng thăm. Các cụ gọi là hơi ấm gia đình.

Cô Lập đã từng có một căn nhà rộng thênh thang ở phường 17, Gò Vấp 4 năm về trước. Ở nơi đó, trong một đêm, người đàn bà phải ngậm chặt môi nín khóc trước câu nói của chồng:

– Mình không có con, thôi thì để tôi đi tìm vợ sinh con nối dõi tông đường. Từ đó, cô Lập không bước thêm bước nào nữa vì mình không có phúc phận làm mẹ. Cho đến 65 tuổi, bệnh tật và sự cô đơn khi không có một mụn con cơm bưng, chén rót ngày đầu năm mới bủa vây, cô phải ôm tất cả nỗi đau ấy đến tận nửa cuộc đời sau trong căn phòng của viện dưỡng lão.

134 cụ là 134 hoàn cảnh, chẳng ai giống ai

Ngày ngày, Cô Lập tỉ mỉ xé từng tấm lịch. 23 tháng Chạp, chỉ còn chưa đầy 10 hôm nữa là tròn cái Tết thứ 5 của cô tại viện. Bao nhiêu đêm giao thừa, cô chưa từng bước qua khỏi cánh cổng ấy. Vì những cái Tết, với cô, còn buồn và cô quạnh hơn ngày bình thường. “Chỉ thức qua 12h rồi lại giường ai nấy ngủ thôi” – cô cười nhạt nhẽo.

Một buổi chiều, trên đường đi mua mỳ tôm dự trữ cho tối. Có một đứa trẻ tầm 5-6 tuổi, mặc bộ đồ áo trắng quần tây nai nịt, “đẹp trai lắm!”, đứng trước mặt và chìa những ngón tay nhỏ bé. Người đàn bà không con đã nhìn đứa trẻ ấy thật lâu, lục lọi hết tất cả túi tiền của mình. Chỉ còn đúng 14 nghìn. Đó là số tiền cô để dành từ những đợt khách viếng thăm gửi tặng. Cô đã mua hết 2 gói mỳ 10 nghìn, còn 4 nghìn nhường lại thằng bé cùng lời hứa: Ngày mai. À không! Con hãy đến đây mỗi ngày, cô sẽ đứng đây chờ con, cô sẽ cho con nhiều hơn số tiền hôm nay.

Thằng bé: Dạ. Rồi lon ton chạy mất. Những buổi chiều khi nắng vừa dứt qua lưng Phật, cô Lập lại ra đứng trước cổng, đợi chờ. “Chắc thằng bé bận…” – đã bao nhiêu lần cô dặn lòng như vậy. Ngày qua tháng lại cô vẫn chờ. Chẳng vì một lý do gì cả. Còn thằng bé thì mãi không quay lại.

Bà Bình khùng đã không còn nhớ gì về quá khứ. Trên chiếc giường của mình bà không có nỗi một chiếc chăn để đắp, vì tất cả bà đều bỏ trong bao gói lại, giữ gìn cho con cháu…

– Vì cô thích có một đứa con trai, lâu lắm rồi ở trong viện cô mới thèm có đứa con nhiều đến như vậy. Cô kể.

Ở viện dưỡng lão Lâm Quang (Bình Đông, Q.8, TP. HCM) có 134 cụ già neo đơn cư ngụ. 134 con người ở cuối cái dốc bên kia cuộc đời, 134 hoàn cảnh, chẳng ai giống ai. Mỗi ngày họ nhận được sự săn sóc tận tình từ cửa Phật, chờ đợi những món quà hảo tâm của các đoàn từ thiện. Và dù, có nằm lại tại đó thì họ vẫn an tâm ra đi, vì các sư cô sẽ lo chu toàn. Họ chẳng cần màn tới ngày mai, mốt và những ngày sau nữa. “Đã quá đầy đủ cho cuộc sống hiện tại” – cụ Đức kể. Nhưng các cụ vẫn buồn. Bởi lẽ, ở đó, có một thứ mà họ chưa bao giờ cảm nhận được. Cụ Đức gọi là hơi ấm gia đình.

Năm 1990, sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến về tiếp quản ngôi chùa Lâm Quang. Cũng thời điểm ấy, trước cổng chùa ngày nào cũng có rất nhiều cụ bà. Ban ngày họ đi xin ăn, đêm về lại vào sân chùa xin tá túc.“Tôi nghẹn lòng khi thấy họ. Và rồi suy nghĩ rất nhiều để có thể tìm cách đưa các cụ vào chùa ở luôn để tiện bề chăm sóc” – sư cô nung nấu ý định.

Thời gian đầu đầy khó khăn, để có đủ kinh phí duy trì việc chăm sóc cho các cụ, các ni sư đã phải làm thêm rất nhiều việc. Từ làm nhang, bán xôi, hủ tiếu chay, đến nhận nấu thức ăn chay cho các gia đình phật tử. Mỗi ngày, tất cả còn cùng nhau lo lắng cho các cụ từng bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang, tắm giặt,… Và cả khi có qua đời cũng chính là nơi góc chùa cưu mang. Ở đó, bên cạnh tượng Phật, những hũ linh cữu được sắp xếp ngăn nắp và luôn đầy nhang đèn khói tỏa nghi ngút.

Cuộc đời họ ở lại đó, “xem như là một quê hương cuối cùng”

Ảnh internet
Ảnh internet

Cứ thế, hơn 20 năm nay, bao nhiêu người già neo đơn, khi ở tuổi “chín cây gió lay mẹ rụng” không còn đủ sức bươn chải khắp Sài thành, mỏi chân, lại tìm nơi cửa Phật. Viện dưỡng lão Lâm Quang chưa bao giờ từ chối bất kỳ hoàn cảnh nào. 134 cụ già neo đơn, người này mất đi, người khác lại tìm đến. 4 căn phòng với những chiếc giường sắt được kê ngăn nắp chưa bao giờ thiếu vắng hình bóng những cụ già. Cuộc đời họ ở lại đó, “xem như là một quê hương cuối cùng” – cô Lập kể lại, ứa cả nước mắt.

Cụ Ánh (82 tuổi) được kê giường ngay bậc tam cấp. Chỉ có 4 bậc lên xuống, nhưng mỗi lần đi cụ đều phải cẩn thận vịn tay thật chắc vào thành cột bằng inox. Chỉ cần té xuống ở đó, cái chân bé như cổ gà của cụ sẽ mãi không thể lành lại được. Nó đã teo riết, còn mỗi lớp da mỏng dánh và vô số những đường chỉ gần màu xanh nổi cộm.

Ảnh internet

Hai năm lui lại viện dưỡng lão, cụ Ánh vẫn giữ thói quen tính nhẩm từng tháng từng ngày. Từ hôm tháng tư năm 2015, cụ đi từ nhà ở Chợ Lớn trên cuốc xe ôm 40 nghìn đồng đến chùa Lâm Quang và nhờ cậy vào các sư cô. Cụ kể: Có thằng con bán cháo huyết nhưng cuộc sống bôn ba, chẳng dư giả gì khi phải gồng gánh gia đình nhỏ của nó: Một vợ và đứa con gái 15 đang tuổi ăn tuổi học. Nó bận bịu bán buôn lại còn phải chăm sóc mình nữa. Cụ tự nhận mình đã trở thành gánh nặng của con.

– Má hổng giúp gì lại ăn ở đau bệnh làm tụi con hổng thể nào tập trung buôn bán. Thôi để má đi. Vô đó có bạn già, có người chăm sóc, mấy con cũng đỡ cực hơn.

Thằng con trai ôm chân khóc lóc, năn nỉ má ở lại với tụi con. Vất vả mấy cũng nuôi, nhưng cụ không muốn nó khổ. Vậy là cụ đi. Cụ Ánh chỉ có ước mơ: Thương má thì hàng tháng vào thăm má. Nhưng đứa con trai lâu rồi vẫn bán nồi cháo huyết từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới tối, lâu lắm vẫn chưa vào thăm. Lắm lúc nhớ, cụ lại đón ngược chuyến xe về Chợ Lớn. Cuốc xe ôm 40 nghìn, 2 năm, giá vẫn không đổi.

– Ở đây vui mà cậu. Có chỗ nằm rộng rãi, quần áo, thuốc men,… già rồi người còn nhiêu đâu đòi hỏi làm gì. Còn mấy bà già khổ hơn tui nữa ấy. Cụ Ánh cười mãn nguyện. Hai mắt nheo nheo đọng đầy ghèn và cả những vết chân chim dài chằng chịt, khó tả.

Cụ Đức dù đã 83 nhưng vẫn còn khỏe khoắn, hằng ngày cụ vẫn thức dậy tập thể dục, đi lên đi xuống giữa những bậc tam cấp tầng 2. Cụ bảo: Chỉ mong được chết vì sống ở viện dưỡng lão còn gì đâu để vui vẻ mà mong đợi và ước mơ

Cụ Đức năm nay đã 83 tuổi. 10 năm ở viện, cụ vẫn còn đi đôi dép tổ ong màu ngả vàng đất đã rách mất quai. “Vì cái chân này yếu lắm, không thể mang dép của đàn bà được. Người ta làm dép đàn bà kì quá, cái nào cũng cao với trơn lắm đi dễ ngã hơn dép đàn ông”.

Ký ức của cụ Đức dường như chỉ dừng lại ở hai cột mốc thời gian: Một là năm cụ 18 tuổi vào ngày 5 tháng 5 tây năm 1952 cụ được nhận làm cho chế độ cũ. Và 10 năm trước khi cụ bất ngờ bị đột quỵ, méo miệng và liệt nửa người nên phải nương nhờ cửa Phật. Ký ức của cụ ngưng đọng tại đó. Vì sau cánh cửa của viện dưỡng lão, chưa một lần nào cụ bước ra khỏi đó để quay lại cuộc sống thường ngày.

Bàn tay teo riết, chỉ còn da bọc xương, bé xíu như cái cổ gà

Cụ Đức không gia đình. “Còn mỗi đứa em dưới quê ở Long An, nhưng nhà nó cũng hổng giàu có gì, mình ở lại thì khổ cho nó. Thôi thì, lâu lâu lên thăm vậy là đủ vui rồi” – cụ bảo. Quanh quẩn bên chiếc giường nhỏ vừa đủ để chất đồ từ thiện, vừa trải một miếng cattong ngả lưng, “không nằm nệm được, vì mỗi lần thay mình dở lên hổng nổi…”.

Bao nhiêu năm, cụ vẫn sống vậy. Ăn uống, xem phim, và ngủ, tất cả diễn ra trên một chiếc giường. À, cụ còn có hai chiếc hộp trắng đựng những quả chanh muối đã bám đầy bụi từ rất lâu rồi. Cụ bảo là để phòng lúc nào đau ốm thì làm một trái, hoặc những bà trong phòng có ai bệnh cứ việc lấy uống. Nhưng hỏi lại, cụ mới thật sự thú nhận: Buồn quá hổng biết làm gì thì lấy ra làm đại thôi.

Ảnh internet

Cụ Đức chẳng bao giờ lo nghĩ đến ngày mai, mốt và những ngày sau nữa. Vì mỗi sáng, tỉnh dậy trên chiếc giường sắt ấy, cụ lại thở phào nhẹ nhõm vì được sống thêm một ngày.

– Sắp chết, lo lắng gì nữa cho mệt. Ăn ở có sư lo, đi rồi thì cũng mấy sư lo, cứ vậy mà sống thôi. Ở đây rồi thì còn vui vẻ gì nữa mà hy vọng với ước mơ.

Các cụ ngồi dán mắt trên chiếc tivi bé, hột mè hột é, phát ra những âm thanh không rõ ràng từ chiếc loa the thé xem một bộ phim truyền hình. Có thằng con trai về quê miền Tây hỏi thăm cưới vợ mùa Tết bị gia đình hành dữ lắm. Mấy cụ bàn tán xì xào, vì bộ phim kết thúc “tức rực”. Và vì thằng con trai diễn viên chánh đẹp trai rõ phếch. Có cụ tự nhận là do mình đẻ ra, cả phòng cười ồ lên. “Tám mấy rồi mới được mụn con làm diễn viên đẹp trai quá hen…” – một giọng nói đùa vang lên.

Ở đó, trong những bức tường màu bạc phếch, ánh nắng chỉ kịp lọt qua những ô cửa sổ đã tắt, nhiều cụ già cả đời còn lại không muốn quay trở lại cuộc sống thường ngày. Dường như chiếc tivi đã trở thành thứ kết nối quan trọng của các cụ với thế giới bên ngoài. Và thay cho những ngày vắng vẻ những đoàn từ thiện viếng thăm.

Cụ Ánh cũng ngồi bó giò trên chiếc giường sắt, ráng ngóng mắt lên xem phim. Dù đã bị lãng, không thể nghe và ghi nhớ được. Nhưng chỉ cần thấy những hình ảnh chuyển động không ngừng trên chiếc tivi bé, cụ lại cười tủm tỉm.

Ảnh internet

Dưới chân giường, cụ Ánh có một cái hộc sắt. Ở đó, cụ giữ tất cả tài sản của mình. Có những chiếc ly cấp tốc bằng nhựa đã sử dụng nhiều lần đến chuyển màu vàng héo. Cụ bảo: Để mua cơm, một ly như thế sẽ có giá 3 nghìn đồng. Đó là những bữa phụ nếu cụ cảm thấy đói. Cụ cũng sẽ ăn bằng cái muỗng nhựa, chai nước tương,… được đựng trong ngăn sắt ấy. Cụ Ánh phải tằn tiện số tiền lì xì người ta cho mùa Tết. Vì cụ đang mong mỏi, đứa con dâu gần Tết vào thăm, cụ sẽ có rủng rỉnh tiền gửi về cho vợ chồng nó lo mâm cúng ông bà. “Giờ sức cụ đã yếu, không thể đi xe ôm 40 nghìn để lại về nhà thường xuyên, lo lắng cho những cái Tết của con được”.

Ảnh internet

Đa số những cụ già trong viện dưỡng lão đều như cụ Ánh. Mỗi lần hỏi về cái Tết đón thế nào, tất cả tránh né. Vì ở đó, dù mỗi năm chùa Lâm Quang vẫn tổ chức nấu bánh chưng, treo bông giả khắp căn phòng,… nhưng các cụ thì không thể quên được thứ cảm giác buồn man mát. Đó là cảm giác của những người không có gia đình, hoặc có nhưng không thể trở về đoàn tụ.

Những ngày bình thường, 9h tối, họ sẽ lên giường đi ngủ khi vừa kết thúc một bộ phim truyền hình dài tập nào đó. Chỉ duy nhất đêm giao thừa, trước mâm quả được các sư cô bày sẵn, họ lại đứng đó chắp tay niệm Phật và chờ đợi thời khắc của một năm cũ qua đi. Ngước cổ lên, khi chiếc kim đồng hồ đã nhích dần về số không, họ hướng mắt nhìn về phía trước lan can của căn phòng viện dưỡng lão. Ngoài đó, pháo hoa nổ rợp trời trước bến Bình Đông. Rồi ai lại quay về giường người đó, chìm dần vào giấc ngủ. Cô Lập bảo: Hết giao thừa cũng đồng nghĩa là hết Tết.

Ảnh internet

Anh Lữ (30 tuổi) đã làm tình nguyện viên cho rất nhiều chương trình thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ở mỗi nơi anh cảm nhận được những nỗi đau khác nhau. Có người nghèo vì thiếu vật chất, có người bệnh tật không đủ tiền thuốc thang. Song, lần đầu anh đến thăm các cụ già ở đây, anh lại có nỗi buồn khó tả. Vào dịp Tết, những chiếc áo mới, mền dày chống lạnh, thức ăn, và cả những bao lỳ xì đỏ chót được trao tận tay mỗi cụ. Rất nhiều. “Họ không thiếu vật chất em à. Nhưng rõ ràng họ buồn, buồn dữ lắm. Vì nơi đây còn thiếu một thứ mà cho hoài cũng không nhận được. Đó là hơi ấm gia đình…” – anh Lữ khẳng định.

Ảnh internet

Cụ Sâm vẫn luôn quấn một chiếc khăn thô màu xanh thẫm ngay đầu, và đi đôi dép có phủ tất để giữ ấm cho cái cổ chân bé xíu. Cụ có 6 cái chân. Hai chân bằng xương bằng thịt và bốn chân nữa từ chiếc chống sắt cụ phải thêm vào lúc bị gảy xương. Mỗi ngày cụ đi từ chiếc giường tới nhà vệ sinh chừng 10 mét, nhưng đó là một cuộc hành trình dài dằng dặt. Cụ Sâm đã rời khỏi quê hương Gia Lâm (Hà Nội) của mình để sống nốt quãng đời còn lại của mình ở viện dưỡng lão Lâm Quang. Nói về việc có trở về để nằm lại những ngày cuối đời trên đất ông bà hay không?.Cụ chỉ cười cười, nét mặt khô khốc với vô số những vết nhăn đầy mùi lãng quên.

“Còn ai nữa đâu mà về. Chết hết rồi, chồng chết, con chết. Giờ cụ cũng 90 rồi chỉ mong được về bển (thế giới bên kia) sống với ông bà. Như thế là đã đủ. Còn gì vui nữa đâu khi phải ở đây mà nuối tiếc hả cháu?”.

Ảnh internet

Cụ Sâm có 6 cái chân. Hai chân bằng xương bằng thịt và bốn chân nữa từ chiếc chống sắt cụ phải thêm vào lúc bị gãy xương.

Cạnh đó, trên những ô cửa kiếng được dán những bông hoa xốp màu vàng óng ánh, và cây mai giả gắn đèn led nhấp nháy vào mỗi đêm Tết. Cô Vân (65 tuổi) sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy tất cả những thứ đẹp đẽ đó. Cô bị mù từ năm 13 tuổi, Tết trong cô năm nào cũng ngập toàn màu đen tuyền, phủ như đêm.

Ảnh internet

Cô Vân (65 tuổi) quê Nghệ An, đã ở viện được 4 năm. Từ năm 13 tuổi bị mù, Tết trong cô năm nào cũng ngập toàn màu đen tuyền, phủ như đêm.

Đoàn từ thiện của anh Lữ đã ở lại rất lâu bên tổ ấm. Một cô tình nguyện viên sẵn lòng hát cho các cụ nghe. Vừa nghe, nhiều cụ vỗ tay theo đôm đốp, bỏ quên cả thằng con đẹp trai trên chiếc tivi để ngồi say xưa nghe cô gái hát. Bài hát Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao vang vọng khắp căn phòng:

Ảnh internet

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về …”

Đoàn ra về, cô Lập không quên dặn: Qua Tết lại vào nghen. Lúc đó, ít người lui tới rồi, ở lại đây lạnh lẽo lắm…. Vừa nói, vừa níu tay.

Ảnh internet
Ảnh internet

Cô Lập đã trông mong được gặp gỡ và trò chuyện với những đoàn từ thiện như vậy. Cô thích nói chuyện. Nhưng ở trong phòng của viện dưỡng lão, cô chỉ biết chơi đùa với hai con chó, một con tên Hữu Duyên, một con tên Xí Muội (cô đặt). Những cụ già đã sống quá lâu giữa những bức tường bạc phếch và họ chẳng còn gì để có thể kể cho nhau nghe thêm nữa.

Tôi hứa ngày quay lại sẽ mua một thứ gì đó từ bên ngoài. Cô Lập lắc đầu hùi hụi. Một lúc lâu, e thẹn rồi cô nói nhỏ:

– Viết một cuốn sách. Con hãy viết một cuốn sách về tất cả những người ở đây đi. Mỗi người sẽ là một trang viết. Để sau này dù có mất đi rồi những người khác đọc được cũng sẽ biết về những con người đã từng sống ở nơi đây.

Ảnh internet

Ở trong phòng của viện dưỡng lão, cô Lập chỉ biết chơi đùa với hai con chó, một con tên Hữu Duyên, một con tên Xí Muội (do cô đặt).

Ảnh internet
Ảnh internet

Như một phần cuộc đời của cô Lập, của cụ Ánh, của cụ Đức, bà Sẫm, hay cô Vân,… – Tôi gọi là những người mẹ mồ côi.

Nước mắt cô ươn ướt. Con chó nép dưới chân người đàn bà bất hạnh bắt đầu sủa inh ỏi. Vì nó nhầm tưởng tôi đã làm cô khóc. À, mà tôi đúng đã làm cô khóc thật trước những lời tâm sự ấy. Cô chưa từng kể lại cho ai, sau ngày mất chồng.

Ảnh internet

Nguyện ước của cô Lập, tôi không biết sẽ có thực hiện được không?. Nhưng bài viết này là tấm lòng tôi muốn dành tặng cho tất cả. Như một phần cuộc đời của cô Lập, của cụ Ánh, của cụ Đức, bà Sẫm, hay cô Vân,… – Tôi gọi là những người mẹ mồ côi.

Ảnh internet

Tôi chân thành cảm ơn, cảm ơn tất cả.