Rơi nước mắt chứng kiến cảnh những đứa trẻ ngày ngày chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh

Mới đây, chia sẻ của một bạn sinh viên y khoa khi chứng kiến những em nhỏ ngày ngày phải chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh đang khiến nhiều người không kìm được nước mắt.

Dưới đây là bài chia sẻ vô cùng xúc động của một bạn sinh viên y khoa khi chứng kiến những em nhỏ mắc bệnh tan máu bẩm sinh:

Vô tình gặp hai em tại hành lang ngoài cantine Viện Huyết học và truyền máu trung ương. Đôi bạn cùng một căn bệnh, cùng một giường bệnh, và cùng đẩy chung một chiếc cọc treo dịch truyền để đi ăn trưa. Sẽ có bạn thắc mắc tại sao các em lại tự đi ăn? Thực ra các em đều quá quen với bệnh viện rồi, cũng thật buồn, vì các em ở viện còn nhiều hơn ở nhà, và rằng bố mẹ các em đang vất vả mưu sinh ngoài kia để kiếm tiền viện phí.

Chúng tôi là những sinh viên y khoa, thường xuyên phải đến viện Huyết học và tiếp xúc với các em, những em nhỏ không may có những bất thường di truyền (gen) và gây ra những bệnh về máu. Hiện nay y khoa vẫn chưa thể chữa khỏi những căn bệnh này. Chúng sẽ theo các em suốt đời, và ngày một nặng lên. Dần dần, các em sẽ không còn chạy nhảy, rồi không đi được nữa, và đa số các em bệnh nặng phải sống chung với chiếc xe lăn ở tuổi thanh niên. Những em nhỏ 5-6 tuổi thì chưa biết về bệnh của mình, chúng đến viện vẫn vui tươi, ánh mắt hồn nhiên lắm. Còn nhiều em lớn hơn, như hai em trong ảnh, có lẽ các em đã biết sợ hãi bệnh tật, đã mệt mỏi vì mỗi tháng đến viện vài lần, đã lo lắng cho bố mẹ mình. Cậu bé ngồi trên lan can, ánh nhìn xa xăm, phải chăng em buồn vì một năm học nữa sắp đến, em vẫn phải đứng ngoài sân nhìn các bạn đá bóng mà chỉ dám ước ao, giá như…?

Đôi bạn cùng một căn bệnh, cùng một giường bệnh và cùng đẩy chung một chiếc cọc treo dịch truyền

Nhưng, hi vọng của các em chưa phải đã tắt, vì y học đang tiến bộ hàng ngày. Có lẽ các bạn không thể biết y học thế giới phát triển nhanh như thế nào. Mình có thể so sánh thế này, hãy nhìn cách chiếc điện thoại di động thay đổi trong 10 năm, y học cũng thay đổi nhanh như vậy. Liệu pháp gen là tương lai của y học.

Và, để nuôi dưỡng hy vọng cho các em, để các em có thể sống phần nào khỏe mạnh chờ tới ngày đó, các em cần máu và các chế phẩm từ máu. Đây, mục đích chính của bài viết này, mình hi vọng các bạn sẽ tích cực hiến máu tình nguyện, để nuôi hi vọng cho các em, để dòng máu của bạn chảy trong những mầm non bé bỏng”.

Bài chia sẻ khiến nhiều người không kìm được nước mắt

Qua tìm hiểu, được biết chủ nhân bài viết trên là một bạn gái có tên facebook H.K. Chia sẻ với chúng tôi, H. cho biết hai bé trong bức ảnh trên mắc bệnh tan máu bẩm sinh. “Một lần tình cờ qua Viện Huyết học truyền máu Trung ương, mình được nghe kể về trường hợp của hai bé trong ảnh. Là một sinh viên y khoa, mình đã từng gặp rất nhiều trường hợp trẻ bị tan máu bẩm sinh.

Có những bé cứ đều đặn 1-2 tháng phải truyền máu một lần. Có những bé mới chỉ 6-9 tuổi da đã đen sạm, bụng chướng, cứng như bà chửa, gan, lách tổn thương do quá trình tan máu. Có những bé gan, lách đã to vượt ngưỡng bình thường nhiều lần nên phải cắt bớt. Nhiều bé thường xuyên phải đến viện truyền máu nên không còn cơ hội đến trường học tập như các bạn cùng trang lứa”.

Với những trường hợp mắc tan máu bẩm sinh nặng gây suy thận, các bé phải chạy thận để bảo tồn sự sống. Tuy nhiên những trường hợp này, sự sống mong manh lắm”, H. xót xa.

H. kể tiếp, “Tỉ lệ mắc bệnh này ở vùng cao nhiều hơn thành phố. Chi phí điều trị cũng khá tốn kém, nhiều bé do không có tiền truyền máu đành chờ chết ở nhà”.

Chia sẻ câu chuyện này, H. hi vọng mọi người sẽ cùng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh như vậy bằng cách hiến máu tình nguyện. Theo H., hiến máu không chỉ cần thiết đối với những bệnh nhân mắc bệnh về máu mà còn rất cần thiết đối với nhiều bệnh khác như đa chấn thương hay mất máu sau mổ…

Theo Phunutoday