Qủy thần hưởng thụ thức ăn dâng cúng như thế nào?

Trước hết giải thích sơ lược về bốn loại ăn uống. Tất cả chúng sanh đều nhờ ăn để sống.

Ăn có bốn loại: Thứ nhất là phần đoạn thực. Chúng sanh hữu tình, phàm có khí huyết hình tướng, đều là phần đoạn thực.

“Phần” là anh có phần của anh, tôi có phần của tôi. “Ðoạn” là từng khúc từng khúc, hoặc là từng bữa từng bữa. Giống như ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Khoảng giữa hai bữa ăn gọi là đoạn.

Người và súc sanh đều là phần đoạn thực.

Còn ba loại khác là xúc thực, tư thực, thức thực. Xúc thực là đụng chạm tiếp xúc là ăn được rồi. Quỷ thuộc loại xúc thực. Tư thực, chỉ cần nghĩ tới bèn no. Người cảnh trời thuộc tư thực. Thức thực là cả ý nghĩ cũng không cần dùng, vì chuyện ăn uống này xảy ra ở thức thứ tám. Chư thiên ở Tứ Không Thiên thuộc thức thực.
Qủy thần thuộc loại xúc thực

Chúng sanh đều nương vào ăn để sống. Ví như ăn trái cây, mới trên cây hái xuống, nó vốn là hai trái. Ví như một trái táo, nó đơn thuần không phải một trái. Trên mặt trái táo còn có một trái táo khác. Có người nói: “Làm sao tôi không thấy được trái đó?” Nếu quý vị thấy được thời lén ăn mất làm sao! Hai trái táo nầy, trong đó một trái là hình bóng, còn gọi là “TÁNH” của trái táo. Giống như vậy, mỗi cá nhân không phải đơn thuần một con người, mà còn có một linh tánh tùy thân. Nhưng linh tánh của con người ẩn náu bên trong thân thể, không lộ diện. Nếu linh tánh nầy đi ra ngoài, sẽ bị yêu tinh ma quái ăn mất.

Trái cây là một sanh vật cũng có tánh

Vô luận giống chi biến thành người, phía sau lưng nó vẫn còn lưu cái bóng, gọi cái đó là “quỷ hồn”. Con người có ba hồn bảy vía. Ví như kiếp trước làm ngựa, phía sau lưng có bóng ngựa. Lúc trước sanh làm con lừa, cho đến trâu, dê, gà, heo, chó, dĩ nhiên phía sau lưng đều có bóng của những con nầy. Người đã mở Ngũ Nhãn, nhìn qua là biết ngay: “A! Nguyên lai người nầy kiếp trước là con chó!” Nhưng không phải ai ai cũng đều có thể mở Ngũ Nhãn. Bởi e người ta biết được kiếp trước rồi đem ra xoi bói, cho nên”thiên cơ bất khả lậu”là vậy đó.

Trái cây không phải là động vật, nó không có khí huyết, nhưng nó là một sanh vật. Có sanh mạng là có “tánh”, Ðem trái cây cúng quỷ thần, quỷ thần ăn tánh của hoa quả, quỷ không cầm trái cây cắn vào miệng, nó chỉ cần đụng đến hoa quả là ăn tánh của hoa quả rồi. Do đó trái cây đem cúng quỷ thần, nếu quý vị lấy xuống ăn mùi vị không như trái cây mới hái.

Quê tôi thuộc miền núi ở Ðông Bắc (tức Mãn Châu), có một giống gấu lớn. Nó ăn món gì không cần cắn xé, nó chỉ nuốt trửng thứ đó. Trên núi có giống lê rất cao, gọi là thiết đàn lê, nó cứng lắm. Gấu không cần nhai, chỉ ngoạm một miếng nuốt ngay xuống bụng. Rất là kỳ diệu, khi đại tiện nó cho ra nguyên trái y như hình dáng lúc chưa nuốt, không một chút gì sứt mẻ. Nhưng trái cây nầy không còn mùi vị. Bởi khi trái cây chạy qua xưởng hóa chất (cái bụng con gấu), hệ thống tiêu hóa nầy đã hút hết tinh hoa rồi, cho nên tuy hình tượng vẫn y nguyên, mà tánh đã mất. Từ câu chuyện nầy có thể hiểu được tình hình Phật, Quỷ, Thần ăn trái cây như thế nào. Trái cây đem cúng không nên để lâu vì nó mau hư thối. Cũng giống như con người, lúc sanh thời linh hồn còn trong đó, một mai chết đi, hồn lìa khỏi xác, thi thể rất mau hôi thúi. Trái cây lúc còn sanh tánh không thể chóng hư thối như thế, nhưng khi bị mất đi sanh tánh mới mau hư như vậy.

Trong bốn cách ăn trên, quỷ chỉ cần ngửi một cái, chạm một cái, là đã ăn xong. Không giống như con người chúng ta, phải nhai một miếng rồi chờ chúng xuống bụng, rất là phiền phức. Có người hỏi: “Vì sao thầy biết rõ chuyện như thế?’ Ðiều đó là do kiếp trước tôi từng làm quỷ, nên ngày nay còn nhớ! Quỷ thuộc loại xúc thực, trời người thuộc tư thực, chư thiên ở bốn cõi trời Tứ Không thuộc loại thức thực.

Nghiệp báo của mọi loại quỷ thần đều do nhân duyên sở cảm. Nhân nào, quả nấy. Nên nói: “Khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo”. Vì vậy phải biết, làm lành phước đi theo, làm ác họa theo đuổi, giống như tiếng vang của âm thanh, chịu khổ cảm lạc, tự mình tạo duyên, chớ có ai khác đâu! Quý vị không muốn làm quỷ, thời không nên tạo nghiệp làm quỷ.

Nam mô A Di Đà Phật..

 Hòa thượng Tuyên Hóa giảng