Phật dạy trong 360 loại bệnh, căn bệnh trong tâm là khó chữa nhất

Một vị bác sĩ sau nhiều năm hành nghề đã nhận ra rằng lòng người đã trở nên ngày càng bại hoại. Bác sĩ có thể trị được bệnh tật trên thân thể nhưng lại không cách nào trị được bệnh trong tâm hồn của người ta.

Có câu “Trong 360 loại bệnh, tâm bệnh khó chữa nhất”. Đông y hay Tây y đều chỉ là chữa bệnh trên thân thể, kê đơn đoán bệnh, bắt mạch chẩn đoán, hoàn toàn không đụng đến được nổi cái gọi là “tâm bệnh”. Đã là bệnh trong tâm thì ắt phải có cách chữa độc đáo, đặc biệt.

Hồi còn ở Mỹ, tôi từng nhìn thấy người ta vẽ tranh Tôn Tư Mạc, một đại danh y Trung Hoa. Bức tranh rất đẹp, tôi bèn bỏ tiền mua ngay. Trên bức tranh ấy, người họa sĩ đã khéo thêm vào một đôi câu đối thế này:

Hữu dược năng y long hổ bệnh
Vô phương khả trị chúng sinh si

Có thể tạm dịch là: Có thuốc chữa được bệnh cho rồng, cho hổ. Nhưng chẳng cách nào trị được đầu óc ngu muội của người ta. Làm sao tìm nổi một vị bác sĩ nào có thể “trị” cho đầu óc ngu si, mê muội của một người trở nên thông minh, sáng tỏ hơn đây? Nói ra chỉ là chuyện đùa chơi vậy.

Nhưng các bậc thánh hiền thì có một phương thuốc chữa bệnh si muội như thế thật sự. Lão Tử trước khi đi về phía Tây, dừng ở cửa Hàm Cốc viết nên một thiên “Đạo Đức Kinh” 5.000 chữ, mấy nghìn năm sau người ta vẫn còn phải nhọc công nghiên cứu mà chưa hiểu nổi một phần mười. Trang Tử viết “Nam Hoa Kinh”, dễ hiểu hơn “Đạo Đức Kinh” nhưng lời lẽ phiêu diêu, thoát tục, đọc vào nếu không phải là kẻ sĩ bậc thượng thì khó hiểu hết hàm ý.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni suốt 49 năm hoằng dương Phật Pháp, dạy người hành thiện, tu bỏ dục vọng, tìm đến giải thoát thực sự nơi Niết Bàn. Rồi Khổng Tử dạy môn đồ “Tam cương, ngũ thường”, biết đạo quân tử, nhường dưới kính trên, tu thân tề gia, sửa mình hướng nội… Đó đều là những phương thuốc để trị “tâm bệnh” cả, nào là bệnh về danh, lợi, tình, nào là bệnh về tham, sân, si… Họ, những giác giả, thánh hiền hết thảy đều là “bác sĩ” siêu việt cả vậy.

Hành thiện, tu bỏ dục vọng…. là những phương thuốc để trị tâm bệnh. (Ảnh dẫn theo GUU.vn)

Nhị tổ Huệ Khả của Thiền Tông Trung Quốc có một câu chuyện còn truyền đời hàng nghìn năm:

Chuyện rằng, trước khi xuất gia theo Bồ Đề Đạt Ma, ông tên là Thần Quang, chuyên nghiên cứu các loại Nho, Lão Trang (Lão Tử và Trang Tử) và kinh sách Phật Pháp. Thần Quang học đủ các sách, đạt được khá nhiều thành tựu. Vì để theo đuổi Pháp lý thượng thừa, bản thân ông cũng đã ngồi thiền tu định ở Hương Sơn (Hà Nam) rất nhiều năm.

Khi ấy, ông đã tu tập công phu “Định”, “Tĩnh” rất nhiều năm, cũng đã có được sở đắc nhất định, không phải là dạng tầm thường. Thế mà về sau, ông nghe lời khuyên của Bồ Đề Đạt Ma, đã lên chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn tu luyện. Lên Tung Sơn, ông bèn đến cầu kiến Đạt Ma để cầu Pháp. Đạt Ma vừa nhìn thấy ông thì lập tức quở mắng một chập, khiến ông rất khó xử.

Đạt Ma vẫn quay mặt vào nhìn vách. Thần Quang bèn dầm mình trong tuyết, lấy dao tự chặt đứt cánh tay của mình. Đạt Ma khi ấy mới lên tiếng hỏi: “Con muốn cầu điều gì?“. Thần Quang nói: “Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con“.

Đạt Ma bảo: “Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho“. Thần Quang nghe xong, ngẩn người hồi lâu, đáp: “Con không thấy tâm đâu cả“. Đạt Ma liền nói: “Ta đã an tâm cho con rồi!“. Thần Quang bởi vậy mà đại ngộ, lại bỏ ra 6 năm tu tập, sau cùng được nhận y bát của Bồ Đề Đạt Ma, trở thành tổ sư đời thứ hai của Thiền tông.

Bí quyết của trị tâm bệnh chính là như vậy. Chỉ khi người ta cảm thấy trong lòng trống rỗng, rũ sạch tâm phiền, biến tất cả thành “vô”, “không” thì khi ấy mới dứt được tâm bệnh, tìm được nghĩa lý sống chân chính.

Khi mọi tâm đã không còn, mọi thói đã biến thành không, chẳng phải là người ta đã đạt đến một trình độ “định” được tâm rất cao rồi đó sao? Điều ấy vốn không thể có được nhờ phương thuốc và đơn kê của mấy vị bác sĩ thông thường.

Xưa nay, xem ra lời dạy của bậc thánh hiền đều là phương thuốc điều trị thói xấu của con người, là thứ thuốc đặc trị kê ra trị “tâm bệnh” cho người ta.

 

Huệ Khả cầu Pháp – câu chuyện lưu truyền hàng ngàn năm. (Ảnh dẫn theo chuaadida.com)

Người ta càng sống càng có khuynh hướng bộc lộ sự tiêu cực, những tâm tính xấu như: bất nhân, bất nghĩa, bất trung, bất hiếu, không giữ chữ tín, không biết liêm sỉ. Thế thì Khổng Tử mới sáng tạo nên học thuyết của Nho gia, kê ra những đơn thuốc như: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mà trị cho người đời.

Điều mà Lão Tử nhiều lần nhắc tới trong “Đạo Đức Kinh” rốt cuộc cũng chính là 3 vị thuốc cổ truyền có tên: “Từ bi, cần kiệm, không tranh với đời”, cũng là một phương thuốc có thể trị được trăm thứ bệnh. Người Ấn Độ trước đây phân biệt giai cấp rất sâu sắc, vậy nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã kê ra hai phương thuốc lớn tên là “Từ bi” và “Bình đẳng”.

Hơn 2.000 năm trước, lối sống của phương Tây quá ích kỷ, hẹp hòi, lại có phần thô bạo, vậy nên Đức Chúa Jesus đã mang đến một phương thuốc “Bác ái” màu nhiệm, dạy người ta biết yêu thương ngay cả chính kẻ thù của mình.

Khi xã hội ngày càng phát triển, nền văn minh công nghiệp, khoa học kỹ thuật của con người ngày càng lớn mạnh, những phương thuốc trị tâm bệnh cổ xưa ấy đã không còn được coi trọng nữa. Chủ nghĩa kim tiền, ích kỷ, lợi ích vật chất đã cải biến tất cả. Nhiều người sống chỉ vì tiền, coi tiền giống như sức mạnh siêu nhiên tối cao, thậm chí dám gọi tiền là Tiên, là Phật không chút kiêng dè.

Khi lâm bệnh, người ta lại bỏ thứ kim tiền “siêu nhiên” ấy để mua những loại thuốc hóa học, thuốc bổ những mong trị dứt. Nhưng nào có được đâu, thuốc chỉ chữa được bệnh ngoài da, thuốc mua bằng tiền thì cũng có giá trị như tiền, vốn không thể cải biến tâm hồn, số phận của người ta.

Bản tính con người là bao gồm cả mặt thiện và ác đồng thời tồn tại. Khi phần ác chiếm ưu thế thì ma tính nổi lên, bệnh tật xuất hiện. Khi phần thiện nổi lên thì Phật tính xuất lai, tâm hồn thăng hoa, trong ngoài đều đẹp.

Muốn hết bệnh, sống khỏe chắc chắn phải bỏ ác, hành thiện, “phản bổn quy chân”, trở về với bản tính thiện lương. Bác sĩ cũng chỉ là “chữa cháy”, mang nước xa mà cứu lửa gần. Tâm bệnh vốn là thứ không rõ ràng, muốn chữa ắt phải dùng phương pháp độc đáo, phi thường vậy.

Bác sĩ Kha Văn Triết, nổi tiếng Đài Loan, đồng thời là thị trưởng Đài Bắc, từng có hàng chục năm hành nghề cứu người, đến phút cuối mới thở dài một câu: “Vinh hoa phú quý đời người rốt cuộc cũng chỉ là một đống rác mà thôi“. Ông nói: “Còn cá nhân tôi thì luôn nghĩ về cái gọi là “trải nghiệm cận tử”. Chỉ khi đối diện với cái chết, khi đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết, người ta mới lại nhìn thấu được đời người là gì, ý nghĩa nhân sinh đích thực là chi?“.

Theo Daikynguyenvn