Phật dạy: Không có địa vị chẳng phải nghèo, không biết liêm sỉ mới thật sự nghèo

Làm người thì phải thường tự xét mình, mới có thể tiến đức tu nghiệp. Tai có thể lắng nghe những lời trái ý, tâm luôn tiếp nhận những việc phật lòng, đây là nền tảng để tiến đức. Ngoài ra, xây dựng nhân sinh quan và giá trị quan một cách vững chắc cũng là đường lối để tiến đức. Tuy nhiên, người ta cần phải xây dựng giá trị quan như thế nào?

Có bốn điều sau:

Thứ nhất: Không có tài sản chẳng phải nghèo, không có học thức mới nghèo.

Có người thấy mình không có tiền của, liền tự cho là mình rất nghèo khó.

Thật ra, không có tiền của chưa phải là nghèo, mà không có học thức và nghề nghiệp mới thực sự nghèo.

Một người không có hiểu biết, không có học vấn, cũng chẳng có kĩ năng thì đời sống tương lai sẽ ra sao?

Dù cho tài sản của tổ tiên để lại rất nhiều, nhưng chỉ biết ăn không ngồi rồi thì núi cũng lở.

Lại nữa, bản thân mình không có chút học vấn và sự tu dưỡng, sự nghèo nàn túng thiếu về mặt tinh thần như thế mới thật sự là nghèo. Thế nên người xưa có câu: “Ruộng đất bề bề không bằng một nghề trong tay”. Tự mình có trí tuệ, có học vấn mới là quan trọng.

Ảnh minh họa

Thứ hai: Không có địa vị chẳng phải nghèo, không biết liêm sỉ mới thật sự nghèo

Người có quyền cao chức trọng thì có thể hô mưa gọi gió, được nhiều người ngưỡng mộ.

Nhiều người vì thế mà hằng ngày không ngừng mưu cầu công danh lợi lộc. Thật ra, không làm quan và không có địa vị đều chẳng phải là người nghèo hèn, mà không biết liêm sỉ mới thật sự là người nghèo hèn.

Có người tuy ở địa vị cao sang, nhưng cũng chỉ là nhờ dùng thủ đoạn bất chính như đút lót hoặc mua chuộc mà có được, vậy thì dù có làm quan đi nữa cũng bị mọi người coi khinh.

Thế nên, nhân cách sang hèn không thể đánh giá qua địa vị cao thấp bên ngoài, mà phải nhìn xem người ấy có biết liêm sỉ hay không.

Trong lòng biết hổ thẹn, biết ngưỡng mộ sự liêm chính, tôn trọng lẽ phải mới là nhân cách cao quí nhất.

Thứ ba: Không sống lâu chẳng gọi là chết yểu, không có chí mới là chết yểu

Người già không phải ở tuổi tác, mà chính là ở nơi tâm.

Tuổi thọ một người dài ngắn không phải tùy thuộc vào năm tháng, mà ở chỗ có chí hay không có chí.

Có người qua đời khi tuổi còn rất trẻ, mọi người vội kết luận đó là chết yểu, là ma đoản mệnh.

Thật ra, người chết sớm chẳng nên lo buồn, bởi trong lịch sử có rất nhiều người nổi tiếng mà tuổi thọ của họ không dài, nhưng họ đã để lại cho người đời sau niềm tưởng nhớ vô hạn.

Sự nghiệp của một người hoàn toàn không nhờ vào tuổi tác cao mà được thành tựu, mà chính là nhờ vào ý chí.

Thọ mạng lâu dài trên thế gian thật ra không quan trọng, thọ mạng tinh thần mới là quan trọng. Vì thế, làm người cẩn phải lập chí.

Thứ tư: Người không có con chẳng phải là người cô độc; không có đức mới là người cô độc

“Nuôi con để phòng khi già yếu” là quan niệm sâu dày từ quá khứ của người xưa.

Thật ra, nuôi con không thể phòng khi tuổi già, mà tích đức mới có thể phòng khi tuổi già.

Chúng ta thử nhìn lại nơi xã hội, có người tuy con cái đông đúc, nhưng vì con cháu bất hiếu nên khi tuổi già đến thì vẫn cô độc khổ sở không nơi nương tựa; lại có người tuy không con cái, nhưng họ biết làm nhiều việc thiện, quan tâm đến những người cô độc khốn khổ, xem mọi người trong thiên hạ như là con cái của mình, họ lấy người trong thiên hạ làm con mình.

Vì thế, việc không có con chẳng hề quan trọng, chỉ sợ mình không có đạo đức mà thôi.

Vì thế có câu: “Người có đức sẽ có láng giềng”, người có đức thì tự nhiên sẽ không bị cô độc.

Làm người cần phải xây dựng giá trị quan thì đời sống mới được dồi dào sung túc.

Tóm lại, xây dựng giá trị quan như thế nào là đúng đắn? Có bốn điểm sau:

Không có tiền của chẳng phải là nghèo, không có học thức mới nghèo.

Không có địa vị chẳng phải nghèo, không biết liêm sỉ mới thật sự nghèo.

Không sống lâu chẳng phải là chết yểu, người không có ý chí mới là chết yểu.

Không có con chẳng phải là người cô độc, không có đức mới là người cô độc.