Phật dạy cách để trút bớt gánh nặng nơi tâm

Có một nam diễn viên thường lên mạng xã hội than vãn rằng anh cảm thấy quá mệt mỏi và chán nản bởi cuộc sống bận rộn và nhiều thị phi, tinh thần anh luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên người ta vẫn thấy anh không ngừng đóng phim truyền hình, hài kịch, quảng cáo, dẫn chương trình, các show diễn của anh không giảm mà ngày càng tăng thêm, anh không từ chối một cơ hội nào, bất cứ hoạt động nào anh cũng tham gia không bỏ lỡ.

Ảnh minh họa

Không phải những điều anh diễn viên kia than vãn là không thật, bởi ai cũng biết đời sống của những người trong thế giới giải trí vội vàng, bận rộn và đa đoan, lắm chuyện thị phi khiến họ dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, stress. Hễ người nào buông bỏ bớt, hạn chế bớt những đam mê, khát vọng, tham muốn, làm cho đời sống của mình bớt phức tạp, giảm áp lực thì người đó có được trạng thái bình an, thanh thản, hạnh phúc.

Nhưng khổ nỗi ít ai ‘nỡ’ buông bỏ bớt, ai cũng tiếc những cơ hội giúp mình có thêm tiền, giàu hơn và nổi tiếng hơn, những cơ hội thể hiện mình và cạnh tranh với bạn bè, đồng nghiệp. Thế là cứ gồng mình lên gánh, mang, vác, dù nặng bao nhiêu cũng cố. Năng nổ, tích cực là tốt nhưng tự tạo áp lực cho mình, gắng sức vì những ‘bả’ lợi danh để rồi đánh mất sự tự do, thanh thản, đánh mất sự bình an, hạnh phúc trong tâm hồn là điều không đáng.

Có khi người ta bỏ quên những ngày tháng hiện tại để tìm hạnh phúc ở tương lai, bỏ hạnh phúc bây giờ để chạy đi tìm hạnh phúc cho mai sau là điều không thực tế lắm. Hạnh phúc là con đường chứ không phải đích đến, người ta có thể tìm thấy hạnh phúc cho mình ngay khi đang sống, đang làm việc, ngay trong những gì mình đang trải nghiệm.

Cuộc sống có thể tạo cho ta áp lực; hoàn cảnh gia đình, xã hội, công việc, bè bạn, những người xung quanh có thể tạo cho ta áp lực, nhưng áp lực nhiều hay ít, ở mức độ nào phần lớn tùy thuộc vào quan niệm sống, tùy thuộc vào suy nghĩ và thói quen của chúng ta. Nếu chúng ta cố chấp, bảo thủ; nếu chúng ta có quá nhiều tham vọng; nếu chúng ta thích tranh đua và có tâm đố kỵ thì chúng ta khó có được sự thanh thản, thoải mái dù chúng ta có được nhiều tiền, có tiếng tăm, danh phận.

Đức Phật dạy chúng ta nên: Thực hành xả ly, có nghĩa là buông bỏ bớt, giải phóng bớt những cái gì làm cho ta nặng nề, làm cho ta vất vả, nhọc nhằn chẳng hạn như sự tham công tiếc việc, tham tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, tâm đố kỵ, ngã mạn… (Xả); Nên hoan hỷ, vui vẻ, thoải mái, dễ chịu đối với mọi người, đối với công việc (Hỷ); Nên trau dồi lòng từ bi, thương yêu, lân mẫn đối với mọi người (Từ); Giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn trong công việc, trong cuộc sống, đem lại niềm vui cho mọi người, giúp nhau cùng tiến bộ (Bi).

Có khi chúng ta tự đánh lừa mình và đánh lừa người khác bằng những lý lẽ ngụy biện. Chúng ta cho rằng tất cả những việc mình làm chỉ vì muốn tốt cho gia đình, cho những người thân, hoặc để không thua kém bạn bè hay họ hàng quyến thuộc, hoặc không để cho người khác coi thường. Có nhiều ông chồng, bà vợ say mê công việc, mải miết kiếm tiền, tạo danh tiếng, địa vị cho mình, họ không có đủ thời gian, tâm trí để lo việc gia đình, chăm sóc và dạy dỗ con cái, không có thời gian để vợ chồng quan tâm lẫn nhau, từ đó gia đình mất hạnh phúc.

Không ít người kêu ca: “Sao tôi vô phước quá! Làm lụng vất vả vì gia đình mà chồng con không biết nghĩ thương”, “Tôi vất vả là vì ai. Vì cái nhà này! Nếu không có tôi thì gia đình này có được như ngày hôm nay không?”, “Tôi lo kiếm tiền về cho gia đình, vậy mà vợ/chồng con không biết nghĩ, lại còn này nọ đủ điều!” (Khi mình đi sớm về khuya bị vợ/chồng than phiền. Khi mình thiếu sự quan tâm gia đình, bỏ bê vợ/chồng, con cái của mình).

Có nhiều phụ nữ khó tính nên người khác rất khó chiều lòng. Họ thường than vãn: “Tôi làm như vậy, như vậy… không đúng sao mà người này bảo tôi khó, người kia bảo tôi khó?”. Do ôm đồm nhiều việc nên đầu bù tóc rối, thân thể héo mòn; do không bằng lòng người này, phiền não, bất mãn người kia mà suốt ngày chẳng có niềm vui.

Họ cứ than thở: “Mệt quá, công việc làm hoài không hết!”, “Có chồng con cũng như không, chẳng ai đỡ đần cho cả!”, nhưng hễ chồng con đụng vào công việc thì họ chẳng cho, chỉ vì không ai làm đúng ý họ cả trong khi họ chỉ muốn người khác theo ý mình. Thế là mấy ông chồng, mấy đứa con làm biếng chẳng mó tay vào, để hết công việc cho mấy bà làm, họ vin lý do là vì làm không đúng ý mấy bà; hoặc lấy lý do vì làm không được, làm không hay, không khéo bằng mấy bà nên để cho mấy bà làm tất cả. Có người không làm biếng nhưng sợ bị chê, sợ bị la rầy nên tránh trước, họ không đụng tay vào để khỏi phải tự ái.

Bởi vì khó tính, kỹ tính, có chút độc đoán, độc tài mà không ít phụ nữ vất vả, khổ sở bởi công việc quá nhiều, không đủ thời gian và công sức để thực hiện, rồi họ than thở, phiền trách người nọ người kia vô tâm, lười biếng, thiếu trách nhiệm, tự cho rằng mình vô phước, số mệnh an bài. Còn những người xung quanh họ (chồng, con, cháu) thì càng rảnh rỗi hơn, càng ngày càng lười biếng hơn, dở hơn, nhút nhát hơn đối với công việc, có khi không biết làm gì hết vì không có cơ hội tham gia vào công việc, không có cơ hội học hỏi, tập sự.

Có nhiều người kỹ tính, hay lo xa, thiếu lòng tin đối với người khác, họ luôn để ý, dòm ngó, nghe ngóng xem người khác có làm được như mình không, họ nhắc nhở, đánh giá, phê bình mọi việc dù có những việc rất nhỏ nhoi, không quan trọng. Họ tự tạo thêm việc cho họ, làm cho tâm trí họ bận rộn hơn, họ tạo áp lực cho mình, tạo căng thẳng, stress cho mình…

Phần lớn đàn ông không cẩn thận, không kỹ tính, khéo tay bằng phụ nữ khi làm những việc nhỏ nhặt, những việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo thì họ làm một cách khó khăn và chậm chạp. Do đó nếu các bà vợ đòi hỏi, mong muốn các ông chồng giống như mình thì chắc chắn sẽ thất vọng. Nhiều phụ nữ thấy chồng con mình vụng về, chậm chạp thì sinh bực mình, khó chịu, rồi giành hết công việc về mình, nghĩ rằng: “Thôi, để mình làm cho xong. Thấy họ làm mà phát mệt!”, “Để họ làm chỉ mất thêm thời gian!” v.v… Gánh lấy quá nhiều công việc, lo lắng, ưu tư quá nhiều điều không đáng sẽ tạo thêm nhiều áp lực, căng thẳng cho mình.

Theo các nghiên cứu, phụ nữ dễ bị stress hơn nam giới bởi áp lực công việc, áp lực cuộc sống nhiều hơn nam giới. Ngoài công việc ở cơ quan, công sở, họ còn việc nhà, chồng con, chăm sóc bản thân (đáp ứng các nhu cầu trẻ, khỏe, đẹp, giàu…). Sau giờ làm việc bên ngoài, người phụ nữ vẫn chưa có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, họ còn phải vất vả với những công việc ở nhà như đưa đón con đi học, nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc người già (nếu sống chung với ông bà, cha mẹ) và trẻ con trong gia đình, tính toán các khoản chi tiêu trong nhà, dạy con cái học hành, đi chợ, mua sắm, rửa chén, lau nhà… và nhiều công việc không tên khác.

Nếu là người có sức khỏe tinh thần, thể chất tốt, biết tổ chức, sắp xếp công việc, giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí một cách khoa học, hợp lý thì mới chịu đựng nổi. Điều quan trọng là đừng tạo thêm áp lực cho mình, phải đơn giản hóa cuộc sống và giúp cho chồng con làm đúng vai trò, trách nhiệm của họ để giảm bớt gánh nặng cho mình, đôi khi cần có sự phân công lao động, bởi gia đình cũng là một tổ chức nhỏ.

Người ta thường thấy những áp lực đến từ bên ngoài mà ít khi thấy những áp lực do chính mình tạo ra, trong khi đó áp lực do mình tạo ra có khi nhiều hơn những áp lực bên ngoài. Chúng ta thường tưởng tượng ra những giá trị ảo và tự mình bắt buộc mình phải chạy theo, phải đạt cho bằng được những giá trị ảo đó. Chỉ vì chúng ta lầm tưởng đó là những giá trị hạnh phúc chân thật mà chúng ta nghĩ mình phải nỗ lực để có nó. Đàn ông thì muốn tỏ ra mình sang, có phong độ, bản lĩnh, giàu có, quyền lực, có sự nghiệp lớn và nhiều phụ nữ bên mình. Phụ nữ thì muốn tỏ ra mình giàu, mình trẻ, mình đẹp, giỏi giang, có sức quyến rũ v.v…

Ai cũng muốn mình có sức hấp dẫn, lôi cuốn; ai cũng muốn mình không thua kém bạn bè, ai cũng muốn mình có thật nhiều, thật nhiều những gì mà thế gian săn đuổi. Chính vì thế mà con người phải khổ, như lời Đức Phật dạy: “Nhiều tham muốn thì khổ” hay “Thọ nhận, dung nạp, thu vào nhiều thì khổ”. Muốn bớt khổ, sống có niềm vui, hạnh phúc, có sự thanh thản, thoải mái tâm hồn thì cần phải thiểu dục (ít ham muốn) và tri túc (biết đủ). “Người biết đủ tuy nằm dưới đất cũng thấy an vui; người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý. Người không tri túc tuy giàu mà nghèo; người biết tri túc tuy nghèo mà giàu. Người không tri túc thường bị ngũ dục sai khiến” (kinh Phật di giáo). 

Trong xã hội hiện đại, khi con người phải đối mặt với quá nhiều vấn đề và thời gian trở nên khan hiếm thì việc làm sao giảm bớt áp lực cho mình là điều phải quan tâm, nếu không nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác, trong đó có sự bất ổn trong đời sống cá nhân và gia đình, tự đánh mất niềm vui và hạnh phúc của mình và những người thân xung quanh.
Theo giacngo.vn