Phật dạy bài học làm người sâu sắc qua câu chuyện của kẻ ăn mày đến Tây Thiên cầu Phật

Một câu chuyện lưu truyền rộng rãi trong dân gian, được cải biên từ chuyện “Phạm Đan hỏi Phật”, mang đến những bài học nhân sinh vô cùng sâu sắc.

Yêu thương người sẽ được người yêu thương, kính trọng người sẽ được người kính trọng

 

Trong mệnh chỉ có tám phân lúa gạo

Trước đây có một người ăn mày, mỗi ngày đều đi xin ăn, anh ta rất muốn có cuộc sống của một người bình thường, thế là anh ta quyết định mỗi ngày xin ăn sẽ cất trữ lại một ít. Thế nhưng, dù anh ta tích cóp nhiều năm, trong kho vẫn chỉ có vài phân lúa gạo. Anh ta không hiểu nguyên nhân vì sao, nên quyết định tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra.

Một hôm, vào ban đêm, anh ta lặng lẽ nấp kín ở một góc trong kho lúa để rình, kết quả phát hiện một con chuột lớn đến ăn vụng lương thực của mình. Anh ta rất tức giận liền quát hỏi con chuột: “Những nhà giàu có, rất nhiều lương thực ngươi không đi ăn, tại sao lại cố tình ăn vụng số lương thực mà ta vất vả tích góp bấy lây nay?”.

Đột nhiên con chuột cất tiếng nói: “Trong mệnh của anh chỉ có tám phân lúa gạo, anh có mang bất mãn đi khắp thiên hạ cũng chỉ vậy mà thôi”.

Người ăn mày lại hỏi con chuột: “Cớ sao lại như vậy”.

Con chuột trả lời: “Tôi cũng không biết, anh đi hỏi Phật tổ thì sẽ rõ”.

Thế là người ăn mày hạ quyết tâm muốn đi Tây Phương gặp Phật tổ để hỏi cho rõ ràng, xem xem rốt cuộc vì nguyên nhân gì mình lại có vận mệnh như vậy? Ngay ngày hôm sau người ăn mày xuất phát, vừa đi vừa xin ăn, anh ta đã đi qua rất nhiều con đường, rất nhiều địa phương.

Ba điều đồng ý của người ăn mày

Có một ngày, người ăn mày vất vả lắm mới tìm thấy một ngôi nhà khi trời đã tối, liền tiến đến gõ cửa. Quản gia hỏi anh ta có việc gì, người ăn mày nói là đến xin chén cơm. Lúc đó, vị viên ngoại đi ra nhìn thấy mới hỏi người ăn mày vì sao trễ như vậy rồi mà còn đi đâu? Người ăn mày liền nói vận số của mình không tốt, muốn thay đổi nên đến Tây Thiên hỏi Phật tổ cho rõ ràng. Viên ngoại nghe vậy vội vã mời người ăn mày vào trong nhà ngồi xuống, mang cho anh ta thật nhiều lương khô và một ít bạc trắng.

Người ăn mày ngạc nhiên hỏi nguyên nhân vì sao? Viên ngoại nói rằng, con gái của ông nay đã 16 tuổi nhưng vẫn không nói chuyện, nên ông thỉnh cầu anh đi Tây Thiên nhân tiện giúp ông hỏi Phật tổ nguyên nhân là tại sao?

Viên ngoại đã từng phát lời thề rằng nếu ai có thể làm cho con gái mình nói được thì ông sẽ gả con gái cho người đó. Người ăn mày nghe nói vậy, cảm thấy dù sao mình cũng đi Tây Thiên, thuận tiện giúp ông ấy hỏi Phật tổ một chút cũng được, thế là người ăn mày đồng ý tới hỏi Phật tổ giúp vị viên ngoại.

Người ăn mày lại đi tiếp, đi qua nhiều đường núi hiểm trở. Khi anh ta đến một ngọn núi thì nhìn thấy một ngôi miếu, liền vào xin nước uống. Có một lão hòa thượng chống một cây tích trượng, nhìn rất già nhưng tinh thần còn minh mẫn. Lão hòa thượng lấy nước cho người ăn mày uống, bảo anh ta nghỉ ngơi một lúc, rồi hỏi anh ta muốn đi đến đâu.

Người ăn mày nói rõ nơi mình muốn đến, lão hòa thượng vội vã giữ chặt tay anh ta rồi nói: “Ta muốn nhờ anh đến Tây Thiên hỏi Phật tổ giúp ta, ta tu hành đã 500 năm rồi, theo lý đã sớm thăng thiên rồi, nhưng vì sao mà đến nay vẫn chưa bay lên được?”. Thế là người ăn mày cũng đồng ý sẽ hỏi giúp lão hòa thượng.

Người ăn mày lại tiếp tục lên đường, lại đi qua rất nhiều vùng đồng bằng, sông nước. Một hôm người ăn mày đi đến một con sông lớn, trên sông không có một con thuyền, người ăn mày lo lắng, làm sao mà qua được sông đây? Anh ta khóc than rằng: “Chẳng lẽ vận mạng của ta thật phải khổ như vậy sao?”.

Đột nhiên giữa sông có một con rùa già, to lớn, trồi lên mặt nước. Lão rùa hỏi: “Vì sao lại ngồi ở đây mà khóc?”

Người ăn mày đem sự tình nói một lần nữa với lão rùa, nghe xong lão rùa nói: “Ta đã tu hành một ngàn năm rồi, theo lý mà nói thì đáng ra ta đã sớm thành rồng bay đi rồi, nhưng vì sao đến nay ta vẫn còn là một con rùa già. Nếu anh đi Tây Thiên có thể giúp ta hỏi Phật Tổ, ta sẽ mang anh qua sông”. Người ăn mày rất vui mừng liền đồng ý sẽ hỏi giúp lão rùa.

Chúng ta bất kể là đối với người hay làm việc đều cần phải nhớ kĩ có trả giá mới có hồi báo, không phải có hồi báo mới đi trả giá

Phật tổ chỉ giải đáp ba vấn đề

Người ăn mày lại lên đường, lại đi qua không biết bao nhiêu ngày, nhưng thế nào cũng không gặp được Phật tổ. Anh ta hoang mang, trong lòng thầm nghĩ rốt cuộc Phật tổ ở nơi đâu vậy? Tây Thiên đáng ra phải sớm đến rồi chứ.

Người ăn mày càng nghĩ càng thương tâm, rồi sau đó mơ mơ màng màng ngủ thiếp đi. Đột nhiên Phật tổ xuất hiện, hỏi: “Ngươi từ nơi rất xa như thế đến đây nhất định là có chuyện gì quan trọng phải không?”.

Người ăn mày nói: “Thưa vâng. Con có mấy vấn đề muốn hỏi ngài, hi vọng Phật tổ có thể giải thích giúp con cho rõ ràng”.

Phật tổ nói: “Được, nhưng ta có điều kiện, ngươi chỉ được hỏi nhiều nhất ba vấn đề mà thôi. Bởi vì cho tới bây giờ chưa có người nào hỏi ta quá ba vấn đề”. Người ăn mày đồng ý, nghĩ thầm mình phải hỏi những vấn đề nào đây?

Người ăn mày cảm thấy vấn đề của mình không quan trọng, ông rùa tu hành đã một ngàn năm thật không dễ dàng gì, vấn đề này cần phải hỏi. Lão hòa thượng tu hành năm trăm năm rồi cũng rất vất vả, vấn đề của lão hòa thượng cũng nên cần phải hỏi. Con gái của viên ngoại thật đáng thương, không nói được thì làm sao mà gả chồng được? Vấn đề này cũng cần phải hỏi.

Thế là người ăn mày không do dự chút nào liền hỏi vấn đề thứ nhất. Phật tổ cho anh ta biết: “Bởi vì lão rùa không nỡ bỏ cái mai rùa trên lưng của nó nên không thể nào biến thành rồng được, bên trong chiếc mai có hai mươi bốn viên dạ minh châu. Nếu bỏ cái mai ấy đi là có thể biến thành rồng”.

Đến vấn đề thứ hai Phật tổ trả lời: “Lão hòa thượng suốt ngày đều cầm cây tích trượng xem như bảo bối, trong tâm luôn nhớ mang theo bên mình. Tích trượng là bảo vật, dùng nó gõ trên mặt đất một cái thì trên mặt đất xuất hiện một dòng suối trong mát. Nếu lão hòa thượng bỏ được cây tích trượng và ném nó đi, thì ông ấy sẽ được thăng thiên”.

Người ăn mày rất vui mừng, lại hỏi đến vấn đề thứ ba. Phật tổ nói: “Nếu cô gái câm nhìn thấy người trong lòng của mình đến thì sẽ nói chuyện”. Rồi đột nhiên Phật tổ biến mất.

Người ăn mày cảm thấy chuyện của mình cũng không có gì đáng phải hỏi, vẫn là nên làm ăn xin qua ngày thôi, thế là liền vội vã lên đường trở về.

Người ăn mày đi đến bên bờ sông lớn lúc trước, lão rùa biết được anh ta đã trở về, nhanh chóng đến hỏi Phật tổ trả lời thế nào. Người ăn mày nói: “Trước tiên ông đưa tôi qua sông đã”.

Lão rùa chở người ăn mày qua sông, anh ta nói nguyên do, lão rùa nghe vậy liền hiểu ra, thế là nó đem cái mai trên lưng cởi xuống đưa cho người ăn mày rồi nói: “Ở bên trong có hai mươi bốn viên dạ minh châu, là bảo vật vô giá, bây giờ ta không còn cần dùng đến nữa, ta tặng nó cho anh”. Nói xong lão rùa biến thành rồng bay đi mất.

Người ăn mày cầm hai mươi bốn viên dạ minh châu rồi gấp rút lên đường. Đi lên núi thấy lão hòa thượng, lão hòa thượng vội hỏi Phật tổ nói thế nào. Người ăn mày nói nguyên nhân, lão hòa thượng nghe xong vô cùng vui mừng, ngay sau đó đem bảo bối tích trượng cho người ăn mày. Lão hòa thượng lập tức cưỡi mây bay đi.

Người ăn mày nhận được hồi báo

Người ăn mày đi về tới ngoài cổng của nhà của viên ngoại, đột nhiên có một cô gái từ bên trong chạy ra, cô gái lớn tiếng hô lên: “Cái người đi hỏi Phật tổ đã trở về rồi”. Viên ngoại nghe vậy chạy vội ra, ông giật mình không hiểu vì sao con gái của mình đột nhiên biết nói. Người ăn mày nói lại lời của Phật tổ, viên ngoại vui mừng đem con gái gả cho người ăn mày.

Chuyện xưa đến đây là kết thúc, cuối cùng người ăn mày cũng không thể hướng Phật tổ hỏi rõ vận mạng của mình như thế nào, nhưng toàn bộ đáp án đều nằm ở từng việc diễn ra trong cả quá trình.

Nhân sinh chính là như vậy. Yêu thương người sẽ được người yêu thương, kính trọng người sẽ được người kính trọng. Chúng ta bất kể là đối với người hay làm việc đều cần phải nhớ kỹ, có trả giá mới có hồi báo, không phải có hồi báo mới đi trả giá!

Qua câu chuyện trên rút ra 12 lời khuyên cho cuộc sống như sau:

  1. Vui vẻ trả giá, phúc báo càng ngày càng nhiều
  2. Vui vẻ cảm ơn, thuận lợi càng ngày càng nhiều
  3. Vui vẻ giúp người, được người quý mến càng ngày càng nhiều
  4. Hay oán hận, phiền não càng ngày càng nhiều
  5. Vui vẻ thỏa mãn, khoái lạc càng ngày càng nhiều
  6. Hay trốn tránh, thất bại càng ngày càng nhiều
  7. Vui vẻ chia sẻ, bạn bè càng ngày càng nhiều
  8. Hay tức giận, bệnh tật càng ngày càng nhiều
  9. Hay chiếm tiện nghi, bần cùng càng ngày càng nhiều
  10. Vui vẻ bố thí, tài phú càng ngày càng nhiều
  11. Thích hưởng phúc, thống khổ càng ngày càng nhiều
  12. Vui vẻ học tập, trí tuệ càng ngày càng nhiều.

Đức Hạnh biên dịch