Phá dãy núi thiêng, cả làng chết như ngả rạ ở Hải Dương với lời đồn thánh vật

Tôi đã thực sự choáng váng suốt mấy ngày trời khi phải ghi chép mỏi tay về những cái chết có thể nói như ngả rạ, ở ngôi làng mà người dân gọi là… Tử Tiệt.

Một người đàn ông ở một ngôi làng thuộc tỉnh Hải Dương, đã điện thoại rồi gửi thư cho tôi, khẳng định rằng, ngôi làng ông còn chết chóc nhiều gấp vài lần những “ngôi làng động long mạch” mà báo chí nêu. Ông cũng bảo, những ngôi làng kia mới múc có ít đất đã động long mạch, vậy thì làng ông đã “loạn long mạch” mất rồi, bởi vì hàng chục quả đồi, hàng chục quả núi đã bị bắn mìn tan nát, đào tung, san phẳng như bình địa. Sự chết chóc trong ngôi làng của ông đã kéo dài hàng chục năm nay và không có dấu hiệu dừng lại.

Nhận được lá thư có nội dung ngắn gọn, nhưng con số kinh hoàng của ông, tôi đã tìm về thôn Tử Lạc (Thị trấn Minh Tân, Kim Thành, Hải Dương) để điều tra, tìm hiểu. Và, tôi đã thực sự choáng váng suốt mấy ngày trời khi phải ghi chép mỏi tay về những cái chết có thể nói như ngả rạ, ở ngôi làng mà người dân gọi là… Tử Tiệt.

Kỳ 1: Vùng đất cổ tích bị bắn mình tan nát, cả làng sợ hãi đi giải hạn

Cả làng đi giải hạn

Tôi về thôn Tử Lạc vào lúc giữa buổi sáng. Đường vào thôn Tử Lạc, phải nói là cực kỳ kinh khủng, xuyên qua những khe núi đang bị bắn mìn ùng oàng, liên tục phải tránh những chiếc xe trọng tải lớn ật ưỡng chở đá từ từ lưng chừng quả núi đến các nhà máy. Thôn Tử Lạc thuộc thị trấn Minh Tân, nhưng lại nằm biệt lập, cách thị trấn đến 2km, vòng vèo qua các rông núi bị bắn mìn nham nhở. Đường vào thôn quả thực u ám. Ngoài những chiếc xe tải thi thoảng chạy tóe khói ra vào, thì chẳng có bóng người. Cái cảm giác chết chóc theo tôi từ tận thị trấn xuyên qua làng và đến tận cuối làng.

Giữa buổi sáng, ngôi làng nhà nhà san sát, không ít tòa biệt thự sang trọng, nhưng lại toàn kín cổng cao tường, cửa rả đóng kín mít, chẳng có bóng người đi lại. Lúc đầu, tôi ngỡ cái sự chết chóc nó kinh khủng quá, khiến chẳng ai dám ra đường, đến cửa cũng đóng chặt, nhưng thực tế, người dân đóng cửa để tránh bụi bặm do người ta đánh mìn ở những quả núi, khiến bụi bặm bay vào, rồi những chuyến xe chạy rầm rập như điên trên lưng núi, dù cách xa cả km vẫn “thổi” bụi đến.

Thôn Tử Lạc nằm ngay cánh đồng, cũng với cổng làng, cây đa, quán nước rất Việt. Nhưng cái cổng làng rộng thênh thang và buồn tẻ, với dòng chữ: Khu dân cư văn hóa Tử Lạc. Tôi ghé vào quán nước nằm ngay dưới gốc đa, chẳng có ai ngoài chị chủ quán. Có lẽ từ sáng mới có một vị khách lạ ghé quán, chị chủ quán bắt chuyện liến thắng

Tôi hỏi: “Em nghe đồn, làng Tử Lạc bị động long mạch nên chết chóc nhiều lắm hả?”. Chị ngẫm nghĩ một lát, rồi khuôn mặt chị chợt buồn rười rượi: “Đúng thế đấy chú ạ. Chẳng phải đâu xa, gia đình, họ hàng nhà tôi, cũng chết chóc nhiều lắm. Cả nhà, cả họ cúng bái bao nhiêu năm nay, mà chết trẻ, chết bất đắc kỳ tử vẫn cứ diễn ra, không giảm. Hãi lắm chú ạ. Long mạch thế nào thì tôi chẳng biết, nhưng chú xem, chỗ này trước núi non đầm phá đẹp lắp, giờ phá hết rồi. Phá thế thì động long mạch cũng phải. Cứ thế này, chắc tôi cũng phải bỏ làng mà đi mất, chứ thánh thần cũng có bảo vệ được mình đâu”.

Làng Tử Lạc

Sau khi kể chuyện không đầu, không cuối về những cái chết bất đắc kỳ tử khắp đầu làng cuối ngõ, chỉ chủ quán như giật mình nhớ ra: “À, hôm nay dân làng đi dâng sao giải hạn ở chùa Hàm Long đấy. Chùa ở ngay cuối làng kia kìa. Chú ra đó mà xem. Dân làng chả biết bấu víu vào đâu, chỉ biết đi cúng bái để mong thoát kiếp thánh vật. Cứ đến ngày rằm, ngày mùng một, cả làng lại vào chùa lễ bái, cầu thánh thần tha mạng cho gia đình mình. Nhưng nói thật với chú, đi chùa cho an tâm thôi, chứ thánh thần cũng không cứu mạng được dân làng đâu”.

Theo lời chỉ dẫn của chị hàng nước, tôi đi lòng vòng qua những hồ nước sâu hoắm, trông như miệng núi lửa, từng là mỏ khai thác cao lanh, rồi xuyên qua những chân quả núi đã bị san phẳng, tìm đến quả núi vẫn còn nguyên vẹn. Ngay cạnh quả núi này là trang trại nuôi đà điểu có lẽ là lớn nhất Việt Nam của một chị phụ nữ trong huyện. Người dân đồn rằng, chỗ nuôi đà điểu từng có mấy quả núi, song sau khi bắn phá núi, người dân sống ở vùng đó chết chóc la liệt, khiến họ bỏ đi sạch sẽ. Chị này đã dễ dàng lấy được mấy chục ha đất ở đó để tha hồ thả hàng ngàn con đà điểu.

Hàm Long là ngôi chùa đặc biệt, nằm trong động. Chỉ có những pho tượng, bệ đá, gian thờ với thế tự nhiên của động, mà có được ngôi chùa rộng cả ngàn mét vuông. Cụ bà Vũ Thị Mùi, người trông nom chùa Hàm Long, dáng gầy còm, tóc trắng xóa và mang khuôn mặt hiền từ, hiểu biết. Chính bà bảo với tôi rằng, từ chục năm trở lại đây, người dân không chỉ trong làng, mà các làng cạch gọi Tử Lạc là “Tử Tiệt”, là bởi vì thanh niên trai tráng cứ tự nhiên lăn đùng ra chết tiệt! Xưa kia, người dân mải làm ăn, chẳng lo hương khói chùa chiền, nhưng từ khi chết chóc xảy ra la liệt, người dân chả biết bấu víu vào đâu, nên năm xung tháng hạn, ngày rằm ngày lễ đều lên đền hương khói, giải hạn, kêu cầu thánh thần phù hộ độ trì. Chẳng biết thánh thần có che chở nổi không, nhưng đi chùa đều đặn, nghe giải kinh phật, thì cũng an lòng. Dù cái chết có xảy đến với mình, thôi thì cũng coi như số phận nó vậy.

Tôi đang ngồi trò chuyện với bà Mùi ở sân chùa, trước động Hàm Long (miệng rồng), thì đột nhiên nghe tiếng nói cười ầm ĩ. Hóa ra, có ngót trăm người trong làng Tử Lạc, người bê thuyền rồng, người xe SH, ô tô, máy bay, đặc biệt là các hình nhân ra phía vườn chùa để hóa vàng mã. Nhìn người dân thôn Tử Lạc hóa vàng mà ngọn lửa như thể cháy nhà mà choáng.
Hóa vàng xong, ngót trăm con người của làng lại vào phủ Mẫu, ở ngay khuôn viên chùa Hàm Long. Người dân trong làng đã thuê cả giá đồng về làng múa với giá vài chục triệu đồng. Người đàn bà hết nhập thánh đến nhập thần, thậm chí nhập cả ông Hoàng Bảy, quê mãi Bảo Hà (Lào Cai) để diễn trò gái gú, uống rượu, hút thuốc phiện. Tiền bạc ném tứ tung. Ai cũng có gắng tranh được nhiều tiền, để mong được lộc, được may mắn, thoát kiếp đại họa đang giáng xuống làng.

Long mạch tan nát

Theo bà Mùi, truyền thuyết kể rằng, ngôi làng này vốn chỉ có 5 gia đình. Nhưng người dân trong làng chẳng biết làm gì. Một ngày, có nhóm người nơi khác, toàn mặc áo màu tím lạc đến, nên mới gọi là Tử Lạc. Lạc là lạc đến, tử theo nghĩa Hán Việt còn gọi là màu tím. Chẳng biết giải thích thế có phải không, nhưng các cụ trong làng kể vậy thì biết vậy. Hỏi chuyện vì sao làng Tử Lạc lại chết liên tục, chết nhiều và chết dai dẳng nhiều năm như thế, bà Mùi không vào ngay vấn đề, mà bắt đầu câu chuyện về vùng đất được mệnh là Hạ Long trên cạn này.

Theo bà, 20 năm trước, làng Tử Lạc có phong cảnh vô cùng đẹp. Núi non lô nhô giữa cánh đồng, với các thung, các áng. Bà dẫn tôi ra chân núi Hàm Long, chỉ tay về những dải đất trống, bảo đó là Mỏ Phượng, Núi Voi, Núi Gấu, Hang Làng, Năm Cửa, Áng Chuối, Áng Thuyền, Áng Thơ, Áng Rau, Áng Bát, Chợ Giời… Rồi bà dọc những bài thơ nói về những áng, những núi. Nhưng giờ thì bị phá sạch rồi, tan nát hết rồi. Dân làng đấu tranh mãi mới giành lại được quả núi này, bởi nó có phong cảnh quá đẹp, với động Hàm Long, động Tâm Long, Hang Dơi rộng lớn chứa hàng vạn người trong kháng chiến.

Bà Mùi không theo dõi vấn đề chết chóc trong làng, nhưng bà cứ lặng yên theo dõi các thông tin. Cách đây chừng 20 năm, chả hiểu vì sao, mà ngôi làng này lại lắm người chửa hoang đến vậy. Thời đó, ở các làng khác, đàn bà chửa hoang, thì chỉ có nước bị cạo đầu bôi vôi, hoặc thả bè trôi sông, nhưng ở làng này xảy ra chuyện đó nhiều quá, nhiều nhà có, nên chẳng ai ủng hộ phong tục kỳ cục ấy nữa.

Chuyện chửa hoang là chuyện rất bình thường từ nhiều năm trước ở Tử Lạc rồi. Các cụ trong làng cũng đau đầu lắm. Nhưng dạy dỗ đàn bà thì chẳng được, thế là các cụ mời thầy bói đến xem thế đất, thế làng. Ông thầy bói phán: “Nếu không lấp cái giếng đình này đi, thì còn chửa hoang nữa”. Không hiểu cái giếng đình của làng liên quan gì đến việc chửa hoang, nhưng tin lời thầy bói, các cụ cũng thực hiện lấp giếng đình.

Những quả núi bị phá tan hoang ở Tử Lạc

Quả đúng như vậy, khi giếng đình bị lấp, thì liên tục trong làng diễn ra sự vụ chết non. Trẻ nhỏ, thanh niên trai tráng, người lao động chủ chốt trong nhà cứ tự nhiên lăn đùng ra chết. Suốt mấy năm trời, sự chết chóc diễn ra khủng khiếp, triền miên, nhưng xa quá rồi, chẳng ai ghi chép lại, cũng không nhớ được những cái chết ấy nữa. Các cụ trong làng chỉ có thể tổng kết bằng câu: “Trâu chết tươi, người chết đứng”. Theo lời đồn, thì dân làng cũng đã mời thầy phong thủy về trấn yểm chỗ cái giếng đình bị lấp, tình hình chết chóc mới yên.

Bà Mùi kể rằng, từ thuở xa xưa, một ông thầy địa lý người Tàu đi qua vùng này, đã bảo rằng, quả núi hình mỏ con phượng rất linh thiêng, nên nếu dân làng chôn người chết trên đó, sẽ hưởng quả phúc. Nhưng vì quả núi dốc ngược, lại toàn đá, đặt mồ mả sao được, nên ông thầy địa lý người Tàu lại bảo: “Không cần chôn, chỉ cần đặt mộ hướng núi Mỏ Phượng, thì nhất định dân làng sẽ giàu, làm ăn phát đạt, thịnh vượng”. Chẳng biết thời ông thầy địa lý người Tàu kia nói có đúng không, nhưng truyền thống người dân Tử Lạc là đặt mộ hướng về phía quả núi đó.

Sau sự việc trấn yểm giếng đình, cuộc sống người dân Tử Lạc được yên ổn, thì xảy ra chuyện các doanh nghiệp khai thác đá ở núi Mỏ Phượng. Chỉ hơn năm trời, quả núi này đã bị mấy doanh nghiệp “thổi bay”. Chẳng biết có phải do quả núi bị phá, làm vỡ long mạch, hay là trùng khớp ngẫu nhiên, mà bắt đầu từ năm đó, Tử Lạc lại rơi vào thảm cảnh “trâu chết tươi, người chết đứng”, nhà nhà có người chết non, chết thảm, chết bệnh.

Sau cả chục năm chết chóc triền miên, dân làng bệnh tật điêu đứng, thì cũng tạm lắng lại. Không hiểu “thánh” không vật người nữa hay do “vật” hết rồi. Nhưng cách đây độ chục năm, các doanh nghiệp lại bắt đầu chuyển hướng phá núi Voi. Bà Mùi chỉ tôi quả núi đang bị bắn phá nham nhở. Quả núi này vốn hình con voi, có cả đầu, lưng, đuôi, vòi. Tuy nhiên, giờ con voi ấy chỉ còn lại cái vòi.

Từ khi quả núi voi này bị bắn mìn, khai thác đá làm đường, làm ximăng, thì tình hình chết chóc ở thôn Tử Lạc lại khủng khiếp, bi thảm hơn nữa. Theo bà Mùi, không phải năm nào cũng có người chết non, chết trẻ, chết đột tử, chết bệnh trọng, mà mỗi năm có cả chục cái chết kỳ lạ, tang thương như thế. Bà Mùi bảo tôi muốn biết cái sự chết chóc ở ngôi làng này như thế nào, thì cứ gặp anh trưởng thôn mà hỏi.

Tôi đi vòng vèo mãi qua những khu đất hoang, những hố nước thăm thẳm xanh ngắt, những chân quả núi trơ đá, thì thấy một mảnh ao lớn, một mảnh vườn phủ bụi và một mái nhà cấp bốn buồn tẻ của trưởng thôn Đào Văn Mạnh. Tôi hỏi chuyện động long mạch, anh Mạnh bảo: “Long mạch long miếc thì tớ không hiểu gì cả, nhưng đúng là hàng loạt quả núi đá tuyệt đẹp của làng đã bị bắn (bắn mìn, khai thác đá) hết. Ngày trước, ông Tăng Bá Hoành (giám đốc Bảo tàng Hải Dương) về đây liên tục, tranh cãi gay gắt với chính quyền tỉnh, lãnh đạo trung ương, với các nhà máy ghê lắm, mới giữ lại được quả núi Hàm Long kia đấy, không thì cũng bị phá nốt rồi”. Nói rồi, anh Mạnh lấy chiếc xe Win 100 chở tôi vòng vèo khắp các công trường, chỉ tôi những hố, đầm, những bãi, nơi mà theo anh, độ chục năm trước, toàn là những quả núi lớn, đẹp. Anh bảo: “Tớ chỉ nghe các cụ nói thôi, là núi non ở đây dáng thế đẹp, long mạch tốt. Nhưng phá hết núi thế này, thì đúng là phá hết long mạch rồi còn gì”.

Cuốn sổ tử kinh hoàng

Xem xét chán chê cả buổi quanh vùng, tôi và anh Mạnh trở về nhà anh. Hỏi chuyện chết chóc kỳ bí trong làng, anh Mạnh ngồi nhẩm tính, ngẫm nghĩ, rồi lấy chiếc bút và cuốn sổ ghi chép. Anh viết một lúc thì kín mấy trang giấy tên người chết trẻ, chết bệnh, chết đột tử, chết kỳ lạ, kỳ dị. Tôi hỏi chuyện từng người, từng hoàn cảnh, từng cái chết, thì anh lắc đầu bảo: “Nhà báo xem, chết hàng trăm người thế này thì tớ nhớ sao được. Chép tên người chết một lúc thì tớ loạn cả đầu óc, choáng cả người, không nghĩ thêm được gì nữa, rối tinh rối mù lên rồi”.

Quả thực, tôi hỏi anh Mạnh một lúc thì anh bị rơi vào mớ bòng bong, như lạc vào bè rau muống, cứ con ông nọ cắm vào con bà kia. Quá nhiều người chết và quá nhiều cái chết kinh khủng như thế thì làm sao mà anh có thể nhớ được. Như phát hiện ra điều gì đặc biệt lắm, anh bảo tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Nguyện, từng làm mặt trận thôn, từng viết điếu văn cho cả làng, có thể ông ấy sẽ nắm rõ về cái chết của những người trong thôn này.

Làng Tử Lạc phủ bụi trắng xóa

Thực ra, trước khi về ngôi làng này, tôi đã biết đến ông Nguyễn Văn Nguyện, là người nắm rõ sự chết chóc của ngôi làng này nhất, bởi chính ông là người thay mặt các cụ già trong làng từng đi kiện cáo các doanh nghiệp, vì ông tin rằng, việc phá núi, khai thác đá của họ đã gây nên thảm trạng chết chóc của dân làng.

Tuy nhiên, tôi chưa muốn gặp ông ngay, mà đi loanh quanh tìm hiểu, nắm rõ từng chi tiết về địa hình, đồi núi, sông suối nơi đây. Quả thực, đúng như người dân mô tả, Tử Lạc từng là một vùng đất tuyệt đẹp, với sông suối bao quanh (sông Bạch Đằng và sông Đá Bạc bao quanh Tử Lạc), núi non lô nhô giữa vùng đồng bằng, tạo ra những áng nước, thung sâu như cổ tích. Đây cũng là vùng đất giáp với Hải Phòng và Quảng Ninh.

Sau khi dạo mấy vòng quanh làng Tử Lạc, tôi tìm vào nhà ông Nguyễn Văn Nguyện. Ông Nguyện pha nước, rồi trịnh trọng lôi từ trong chiếc hòm tôn cũ kỹ, phủ bụi một cuốn sổ mà ông cất giữ suốt 10 năm nay. Đó là cuốn sổ tử kinh hoàng mà tôi được chứng kiến. Ông Nguyện bảo: “Tôi đã đọc các bài báo về làng ung thư Thạch Sơn (Phú Thọ) và tôi thấy rằng, cả xã Thạch Sơn chết ung thư không bằng một nửa thôn Tử Lạc. Tôi đã đọc về làng “thánh vật” ở Sơn Tây (làng Vân Gia) và làng Mỹ Cụ (Thủy Nguyên Hải Phòng) trên các báo giấy, báo mạng và tôi thấy rằng, làng tôi chết trẻ, chết tai nạn, chết đột tử gấp vài lần những ngôi làng này”.

Thế rồi, ông Nguyện lật từng trang cuốn sổ tử, từng tờ nháp thông tin điếu văn mà ông chép. Một sự chết chóc kinh hoàng, không thể tưởng tượng nổi ở ngôi làng này đã hiện lên trên từng trang giấy, trong cuốn sổ dày cộp và nhàu nát này.

(Còn nữa)