Nỗi lòng người mẹ 2 năm qua không thiết làm ăn, chỉ thèm được nghe con gái gọi 1 tiếng “MẸ ƠI”!

Thương con nằm một chỗ, chị không còn tâm trạng nghĩ đến chuyện buôn bán, kiếm tiền. Mỗi lần ai đó hỏi thăm tình hình sức khỏe của Trầm, đôi mắt người mẹ này lại nhòa lệ.

Đó là hoàn cảnh thương tâm của em Nguyễn Ngọc Trầm (17 tuổi, ngụ ấp Xóm Khách, xã Long Giang, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh).

Sống đời thực vật chỉ sau một cơn sốt

Ngồi bên chiếc giường nhỏ, chị Lê Thị Kim Cúc (37 tuổi, mẹ Trầm) cầm chiếc xi lanh đựng cháo đã được xay nhuyễn bơm vào đường dẫn qua mũi cho con gái ăn.

Trầm nằm bất động trên giường, chân tay teo tóp, co cắp, mái tóc cắt ngắn củn, đôi mắt trợn ngược, mũi, cổ được thông bằng những ống dẫn nhựa để thở, ăn. Nhắc lại nỗi đau của con gái, hai dòng nước mắt người mẹ rưng rưng.

Chỉ sau một cơn sốt, Trầm sống đời thực vật

Tai ương giáng xuống gia đình chị vào một ngày cuối tháng 10/2015. Khi đó, Trầm đang là học sinh lớp 10 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Vừa đi học về, Trầm than đau đầu, chóng mặt. Người mẹ chưa kịp lấy thuốc thì Trầm đã lên cơn sốt cao, co giật, ngã xuống nền nhà, hôn mê bất tỉnh. Ngay sau đó, Trầm được người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Bác sỹ chuẩn đoán Trầm bị bệnh viêm màng não, dù đã qua cơn nguy kịch nhưng việc cứu chữa rất khó khăn. Nếu may mắn sống sót thì em cũng phải sống đời thực vật.

Kiên nhẫn chữa trị cũng chỉ hi vọng được 30% nhưng phải lâu dài, chi phí tốn kém. Bác sỹ khuyên gia đình đưa con về nhà, chấp nhận số phận.

Trước khi bị bệnh Trầm là một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh

Không nguôi hi vọng, vợ chồng thầy Nguyễn Văn Thủy (42 tuổi, bố Trầm) quyết tâm cứu chữa cho con. Suốt gần hai năm cùng con đi khắp các bệnh viện trung ương, đất đai cùng những thứ có giá trị trong nhà đều bán sạch, thế nhưng, tình hình sức khỏe của Trầm vẫn không mấy tiến triển.

Từ một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, lanh lợi, chỉ sau biến chứng của cơn sốt, Trầm sống đời thực vật. Em chỉ nằm một chỗ, tay chân dần teo tóp, co cắp, không thể chủ động ăn uống.

Gần hai năm chữa trị, không còn khả năng vay mượn thêm, vợ chồng thầy Thủy đành ôm con về nhà chấp nhận số phận. Từ đó đến nay, cứ đều đặn hàng tháng, thầy Thủy lại bắt xe lên Sài Gòn lấy 10 triệu tiền thuốc về điều trị tại nhà cho con.

Chỉ thèm được nghe con gọi một tiếng “mẹ ơi”

Thầy Thủy là giáo viên tiểu học. Nhà gần trường học nên chị Cúc mở quán tạp hóa bán cho học sinh, bà con địa phương để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày.

Trầm là đứa con duy nhất của vợ chồng thầy Thủy. Trầm chăm học, năm nào cũng là học sinh giỏi của trường, là niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng, cuộc sống đang bình yên trôi đi thì tai ương giáng xuống.


Hai năm qua tôi chỉ thèm được nghe con gọi một tiếng “mẹ ơi” mà khó quá

“Vợ chồng tôi hiếm hoi, chỉ có mình Trầm là con vậy mà số phận cũng không buông tha cho nó. Suốt hai năm nay nó nằm bất động, đôi mắt vô hồn, vợ chồng tôi đã khóc hết nước mắt vì con, đau lòng lắm. Chỉ mong một ngày được nhìn thấy con cười, gọi mẹ gọi bố để an ủi phần nào mà khó quá”, gạt nước mắt, chị Cúc chia sẻ.

Từ ngày con bị bệnh, thầy Thủy phải xin nghỉ dạy để vào viện chăm con. Ở nhà không yên tâm, chị Cúc cũng đóng quán, khóa nhà vào viện túc trực. Cũng từ đó đến nay, người dân địa phương chẳng bao giờ thấy chị Cúc cười.

Buồn chán chuyện con cái, chị không còn tâm trạng nghĩ đến chuyện buôn bán, kiếm tiền. Hàng ngày chị đi chợ về, lo cơm nước, thuốc thang cho con. Thời gian còn lại chị ngồi bên cạnh xoa bóp, chuyện trò với con. Mỗi lần ai đó hỏi thăm tình hình sức khỏe của Trầm, đôi mắt người mẹ lại nhòa lệ.

“Nhìn những đứa hàng xóm, cùng tuổi với con mình đang vui tươi cười nói, cắp sách đến trường, tương lai rộng mở. Nhìn lại con mình mà xót xa. Nếu không có gì thay đổi thì hết hè này con gái tôi sẽ vào đại học. Vậy mà…

Tôi vẫn hi vọng được một lần nhìn thấy con tự ngồi dậy, cười thật tươi, gọi mẹ như những lúc nó tan học về nhà. Tôi sẽ cố gắng đợi vì tôi tin con sẽ làm được. Cố lên nhé con gái của mẹ”, chị Cúc nghẹn lòng.

Theo Emdep