Nỗi đau xé lòng đến khó tin ở ngôi làng có tới 50 người mất mạng vì “tiếng gọi của trầm”

Ước mong đổi đời nhanh chóng đã khiến cho nhiều người lao vào con đường nguy hiểm, bất chấp cả tính mạng của mình. Thế nhưng, dù biết những vẫn làm để rồi nỗi đau lại chồng nỗi đau…

Trầm hương đã khiến nhiều người trong làng Trúc Ly (xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) đổi đời nhưng cũng lấy đi của làng rất nhiều nước mắt. Theo thống kê, trong khoảng 20 năm qua đã có đến 50 người ở làng thiệt mạng bởi nghiệp “ngậm ngải tìm trầm”.

Cả làng mở hội khi may mắn mỉm cười

Có một điều khá lạ rằng, trước làng là sông, sau làng cũng là sông nhưng thế đất của Trúc Ly chẳng hề thay đổi. Trước mặt hay sau lưng làng không mấy khi được bồi đắp và cũng chẳng bao giờ mất tẹo đất nào.


Một góc làng Trúc Ly khang trang, đổi mới nhờ nghiệp “ngậm ngải tìm trầm”

Ông Lê Văn Duẫn (50 tuổi, ở xóm Chùa) vừa bôi mỡ vào mấy cây xoi trầm để cất giữ cho khỏi bị hoen rỉ, vừa chắc giọng: “Hồi đó cũng vào khoảng đầu năm 80, vài người theo bạn ở Chợ Gộ – Vĩnh Tuy (huyện Quảng Ninh) đi trầm.

Sau chỉ vài tháng, thấy người ta trúng trầm, tất cả thanh niên, trai tráng của làng đều lên rừng. Ban đầu chỉ là thanh niên, sau đó thì người có vợ có con cũng đi và đến cả lúc người già cũng đeo bao lô theo con cháu”.

Đi trầm trở thành phong trào. Cứ tuổi choai choai là tập tánh “nghề” búa, xoi. Lão ngư sém tuổi lục tuần cũng gác tay chèo theo đám con cháu lên rừng. Thậm chí, có những nhóm còn có cả phụ nữ đi theo phục vụ việc cơm nước. Trong thoáng chốc, trai tráng làng Trúc Ly vốn dẻo tay chèo, chài lưới đã biến thành những người thợ rừng chuyên nghiệp.

Người Trúc Ly đi rừng theo đoàn, mỗi đoàn có 15-20 nhóm nhỏ còn được gọi là xâu (mỗi xâu có 4-5 người). Mỗi chuyến đi kéo dài chừng 10-15 ngày.

Những ngày “dân cội” (người đi tìm trầm hương) lên rừng, làng vắng hoe. Con đường chạy qua trước làng thưa người hẳn. Rặt còn đàn bà con nít ngồi bậc cửa ngóng tin. Vắng chừng hơn chục hôm thì làng lại vui như tết. “Dân cội” về.

Những khi đó, thương lái tìm mua trầm chen nhau về Trúc Ly. Nhiều khi bởi biết người Trúc Ly tìm được loại trầm hương cực tốt, cánh thương lái phải nịnh nhũn cả người để gạ gẫm mua lại.

“Lúc đó, khi có hàng về, lái muốn xem, phải đặt cọc tiền hay bia bọt tràn nền nhà đã mới được chúng tôi cho xem hàng. Có khi giá cả đưa ra là được lái vỗ tay “bốp” một phát để lấy luôn. Sau đó còn móc ví tặng cho anh em vài triệu bạc gọi là lấy hên và nhớ tiếng”, ông Duẫn cười khoan khoái nhớ lại.

Theo ông Duẫn, đúng là người làng Trúc Ly có nhiều chuyến trầm trúng đậm. Vì người làng thường đi cùng xâu, cùng đoàn nên khi trúng trầm là gần như trúng cả làng. Xâu nào bán trầm xong cũng ôm cả bọc tiền lớn.

Có bận trúng lớn tới mức thương lái vét nhẵn tiền để mua hàng cũng không hết. Khi ấy, cả làng như có hội. Xâu nào cũng mổ vài con lợn để ăn mừng, để thụ hưởng bù lại những ngày nếm mật nằm gai trong rừng thẳm. Tiếng lợn bị chọc tiết váng từ đầu đến cuối làng. Bia, rượu đổ vào làng Trúc Ly như thác chảy.

Con đường trước làng chỉ thấy những người xiêu vẹo bởi men say phấn khích. Những tiếng hô hét “dô dô” và tiếng xoang xoảng của bát đĩa inh tai nhức óc suốt ngày, suốt đêm. Khi ấy, bất cứ ai lai vãng qua làng đều bị chặn lại và bị ép uống dăm bảy ly thì mới được “cấp phép” cho đi.

Phu trầm xuyên biên giới

Khi những cánh rừng miền Trung cạn kiệt trầm hương thì người làng Trúc Ly lại vác ba lô vượt dãy Trường Sơn để tìm vùng đất mới. Hết rừng Lào đến rừng Mianma, Malaysya, Trung Quốc, Thái Lan… Cứ chỗ nào có trầm thì chỗ đó có dấu chân người làng Trúc Ly. Trai làng theo nghiệp “ngậm ngải tìm trầm” cũng lận lưng cuốn hộ chiếu như dân đi Tây về thăm quê.

Chuyện đi trầm như ngấm vào máu, có người định bụng gác búa vào xó bếp, tính chuyển nghề khác nhưng được vài bữa là lại thấy khăn gói quả mướp xách búa lên rừng.

Trúng trầm, người làng Trúc Ly làm nhà, mua xe. Nhiều nhà gác sáng màu mọc lên. Hết nhà nọ đến nhà kia. Những ngôi nhà tầng trị giá bạc tỷ của những người trúng trầm như làm điểm nhấn cho làng.

Tuy nhiên, ở Trúc Lý cũng có ngôi nhà xây được móng và đổ những câu trụ rồi để hàng mấy năm cho rêu và cây dại mọc. Hỏi ra mới biết, đó là công trình của những người không gặp nhiều may mắn.


Một ngôi nhà đang xây dựng dang dở bởi chủ nhân còn chờ… trúng trầm hương

Được chuyến trúng trầm, họ mua mua sắt thép, xi măng làm được móng nhà và hi vọng lần sau gặp may tiếp để xây cất phần còn lại. Thế nhưng, điều mong ước đó mãi không đến khiến công trình bị dở dang không biết đến bao giờ mới có thể hoàn thiện.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau

Về xóm Chùa, làng Trúc Ly, bà con như vẫn chưa hết hoang mang trước cái chết của 2 dân cội. Được biết, xâu trầm này có 4 người rời quê được chừng hơn tháng thì tin dữ bay về.
Nhóm phu trầm này đã bị một đảng cướp ở Thái Lan phục kích. Hai người bị bắn chết là anh Phạm T. và anh Trần Đ. Hai người còn lại ông Lê T. và Phạm D. bị giam giữ gần 1 năm ròng mà vẫn chưa có tin tức gì.

Nhà anh Trần Đ. nằm khuất lấp trong xóm Chùa. Ngôi nhà cấp 4 mới được tu sửa nhưng chưa hoàn thiện. Ngôi nhà vắng lặng. Tôi đến, đứng chờ một lát thì cháu Trần Thị Hoài (11 tuổi, con gái đầu lòng của anh Đ.) đi học về.

Thắp hương cho bố xong, cháu ngồi kể chuyện, tiếng khóc nghẹn: “Sau khi ba cháu mất, nghe mẹ cháu nói phải đi làm thuê để có tiền trả nợ và cho chị em cháu ăn học. Hàng ngày, cháu vào ăn ở với chú thím và bà nội. Mẹ cháu đi làm thuê không biết khi nào về”.

Cháu Hoài buồn thảm thắp hương cho bố, một phu trầm thiệt mạng ở Thái Lan

Thấy nhà có khách, chị Nguyễn Thị Hường, thím của cháu Hoài đã vội thăm. Chị Hường kể, trước đó, gia đình anh Đ. có mượn tiền để đi lao động nước ngoài nhưng bị lừa mất mấy chục triệu. Anh Đ. lại phải vay tiền theo bạn đi trầm với hy vọng kiếm được tiền trả nợ.

Không ngờ chuyến đi gặp vận nạn, nợ đã không trả được mà chị Liên (vợ anh Đ.) còn phải vay thêm gần 30 triệu để lo chi phí đưa xác chồng từ Thái Lan về, thêm phần lo mai táng thành ra các khoản nợ gần trăm triệu đồng.

“Bây giờ chị ấy phải đi Lào làm thuê để mong có tiền để trả nợ. Các cháu gửi lại cho vợ chồng tui lo lắng. Thiệt là không biết bao giờ mới hết khổ!”, chị Hường than.

Trước đó, một nhóm đi trầm của làng Trúc Ly cũng có 2 người bị bắn chết khi đang tìm trầm ở Thái Lan. Đó là anh Bùi Q. và anh Nguyễn Văn T. Họ bị lượng lượng bảo vệ rừng bắn chết khi đang khai thác trầm hương trái phép.

Chị Lê (vợ anh Bùi Q. và cũng là em gái của anh Nguyễn Văn T.) đã chết ngất nhiều lần bởi không thể chịu đựng được nỗi đau quá lớn. Bây giờ, người vợ trẻ ấy như hóa đá trước tình cảnh một tay nuôi 2 con nhỏ dại và mẹ chồng già yếu.

Người làng Trúc Ly có thể nhẩm tính chính xác từng người đi trầm đã sớm bỏ cuộc sống nơi dương thế. Mỗi người chết một kiểu.

Anh Nguyễn L. gây lộn, đánh nhau trong rừng chết, người nhà phải nhờ người anh em vào đưa xác về. Anh Lê S. thì bị một cành cây lớn rơi trúng đầu, chết không kịp một lời trăn trối. Anh Phạm H. sau chuyến trúng trầm, tậu được con xe máy, chạy thử xe thì tông thẳng vào cột điện chết.

Ở làng Trúc Ly cũng có nhiều người bởi nghiệp tìm trầm mà bị mất tích trong rừng thẳm. Đến giờ cũng chẳng ai biết tin tức những người này. Chẳng biết họ còn sống hay đã chết.

Anh Phạm C. là một ví dụ điển hình. Trong chuyến đạp cội tìm trầm, anh bị sốt rừng. Trong cơn sốt, anh vùng chạy lung tung. Cả xâu hốt hoảng chạy theo nhưng không kịp. Tìm suốt mấy hôm, hết gạo, xâu trầm đành về và gọi thêm người nhà vào lại vùng rừng nơi anh C. mất tích nhưng vẫn vô hiệu.

Còn rất nhiều những nỗi đau liên quan đến nghiệp tìm trầm ở Trúc Ly. Những nỗi đau ấy đã phủ kín, đã che mờ niềm vui sướng do trúng trầm mang lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh thừa nhận, ở Trúc Ly tính tới thời điểm này đã có rất nhiều người thiệt mạng vì trầm. Còn theo sự thống kê của người dân địa phương, trong hơn 20 năm qua, cũng đã có khoảng 50 người dân làng bỏ mạng ở nơi rừng thiêng nước độc.

Ấy vậy mà, những cái chết tuy bất ngờ nhưng đã được dự báo trước ấy vẫn không ngăn cản được người làng Trúc Ly đạp cội kiếm tìm với hy vọng đổi đời bởi theo lời người dân ở đây thì nghiệp “ngậm ngải tìm trầm” đã ngấm sâu vào máu, không dễ gì bỏ được. Thêm nữa, không vào rừng thì họ cũng chẳng biết mưu sinh bằng nghề gì nữa.