Nỗi đau xé lòng của người cha khi nghe con nói: “Mắt con không nhìn thấy gì nữa rồi bố ơi!”

Thương bố mẹ vất vả  lại nghèo khó, dù đôi mắt ngày nào cũng như bị xát muối nhưng em vẫn cố chịu. Chứng kiến nỗi đau của con có bố mẹ nào lại không xót xa, bán vội mẻ lúa mới thu về được 6 triệu đồng, anh Niềm vội vã bắt chuyến tàu từ Quảng Bình ra Hà Nộị chữa cho con.

6 năm trôi qua, như một sự tình cờ được ông trời sắp đặt, tôi gặp lại được em, cô gái “xấu xí” Lê Thị Hằng năm nào đã trở ra Hà Nội để phẫu thuật đôi mắt. Vẫn cái hình hài xù xì với làn da bong tróc vảy, mái đầu trọc lóc không có đến 1 cọng tóc và đặc biệt là đôi mắt bị kéo xếch lên, đỏ ngầu không dễ nhìn…Hằng cúi mặt, ngại ngùng và sờ sợ khi có ai đó hiếu kì quay sang nhìn. Giọng thỏ thẻ em nói: “6 năm rồi em mới trở ra Hà Nội. Cái cảm giác vẫn nguyên vẹn như xưa, sợ người ta nhìn thấy mình chị ạ vì em biết em không giống với mọi người”.

Bị nhiễm chất độc màu da cam khiến Hằng không được như các bạn cùng trang lứa
Hằng lẩn tránh khi thấy mọi người nhìn em

Hằng nói trong sự run rẩy khiến chúng tôi cũng chạnh lòng, đắng ngắt. Đã hơn 1 lần được gặp em nhưng phải thú thật đứng trước cô bé lúc này tôi vẫn hơi sợ và hoang mang bởi cái thứ chất độc mang tên dioxin kia đã tàn phá khủng khiếp cả cơ thể lẫn tinh thần của 1 cô gái để cho em luôn mặc cảm và tự ti. Đó cũng là lí do vì sao Hằng luôn mang bên mình 1 chiếc mũ to cùng cặp kính đen để mong nó sẽ giúp em che đi phần nào cơ thể của mình trước ánh mắt người lạ.

Thương em đã vậy nhưng điều ám ảnh với chúng tôi nhiều nhất có lẽ là hình ảnh chú Niềm – bố của em. Người cha ấy trước đây từng là 1 người lính vào sinh ra tử nơi chiến trường Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Tây Ninh những năm bom đạn ác liệt để rồi gánh trong mình thứ chất độc da cam từ lúc nào không hay. Chính thứ chất độc đáng sợ ấy đã cướp đi 2 người con của chú và khiến 2 người con khác phải gánh hậu quả cả cuộc đời trong đó có Hằng.

Nỗi đau của người cha không thể diễn tả được bằng lời

“Nhìn con chỉ thấy đau và hận. Mình hận chiến tranh, hận cái thứ hóa chất mà thằng Mỹ nó rải để biết bao gia đình như chú phải khóc đến cạn nước mắt vì thương con. Chúng là những đứa trẻ vô tội nhưng lại bị ảnh hưởng từ chính bố hay mẹ của mình – Những người đã từng đi lính trong vùng có chất độc”.

Vẫn giữ tinh thần kiên định và mạnh mẽ của người lính, chú Niềm tâm sự nhưng sâu thẳm bên trong là nỗi đau và sự dằn vặt đến khôn cùng. Chiến tranh đã đi qua, mái đầu chú giờ cũng đã lâm râm bạc cùng cái lưng còng và 1 bên tai điếc nhưng chẳng nỡ để con bị mù, chú đã bán sạch số thóc vừa gặt được tất cả 6 triệu đồng mang ra Hà Nội để rồi nhẹ bẫng trả lời chúng tôi: “Con nhìn thấy thì chú lại đi làm, rồi cũng sẽ kiếm được hạt gạo ăn. Còn mắt con mà hỏng thì có dù có hạt gạo bố mẹ cũng không thể nào nuốt nổi”.

Bán hết số thóc ở nhà mới được 6 triệu đồng để phẫu thuật mắt cho con

Nghe chú nói, chúng tôi ai cũng lặng người …Kiệt quệ, bế tắc và nghèo nàn nhưng người cha ấy chẳng hề lo cho dù biết chắc ngày mai cả nhà sẽ đói. Điều chú quan tâm duy nhất lúc này là làm sao con có thể cứu được đôi mắt để không còn những tiếng ú ớ, sợ sệt trong đêm rằng :“Bố cứu con, mắt con không nhìn thấy gì nữa rồi”…. Bởi với chú, mỗi lời con thốt ra như trăm nghìn mũi dao đâm cứa sâu vào trái tim vốn đã chẳng còn lành lặn của chú.

Cùng trong tâm trạng lo lắng và thương xót cho em, bác sĩ Phạm Trọng Văn – Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Mắt TW có những chia sẻ: “Cô bé Hằng bị vảy nến nên da xơ cứng, bong tróc và mi mắt không nhắm được. Với tình trạng như hiện tại em sẽ bị loét giác mạc dẫn đến mù nếu như không được điều trị và phẫu thuật kịp thời. Cảm giác của cô bé lúc này là rất đau đớn như có ai bỏ muối hay bỏ cát vào trong mắt vậy”.

Chân tay em thậm chí bị co rút không cử động được
Cơ thể bong tróc, bật máu khiến em phải chịu đau đớn
Em chỉ mong muốn được phẫu thuật mắt để không phải sống trong cảnh mù lòa

Còn cơ hội để cứu đôi mắt của con nên chú Niềm càng hi vọng cho dù đằng sau đó là bao nước mắt và sự tủi hờn. Cái lưng đã còng và mỏi, đôi chân cũng chậm chạp nhiều… nhưng trên con đường bỏng rát của Hà Nội, chú vẫn vững lòng dẫn con đi với một tình yêu và sự chở che của 1 người bố, 1 người lính kiên cường, không sợ gian khó. Nhưng chú ơi, cuộc đời vốn có nhiều điều thực tế lắm, chú chẳng có tiền, cũng hết cả gạo ăn… Liệu rằng hai bố con sẽ trụ được bao lâu nếu như không có những tấm lòng cùng chia sẻ???