Nỗi đau của người mẹ già ngày ngày nghe tiếng con trai đã ngoài 50 tuổi la hét trong chiếc cũi gỗ

Trong chiếc cũi là đứa con trai duy nhất của bà. Anh lăn qua lăn lại, quằn quại, ngơ ngác, có khi lại gào thét như muốn xé nát tâm can của người mẹ, của những người chứng kiến…

Trong ngôi nhà nhỏ ở Đại Từ 2, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, có một bà lão tóc đã bạc với khuôn mặt buồn rầu, lo lắng nhìn chăm chăm vào một chiếc cũi gỗ… Trong chiếc cũi ấy là một người đàn ông nằm lặng lẽ, khuôn mặt không có thần thái.

Bà là Phạm Thị Đông (SN 1947), tuổi đã cao nên bà thường hay bị mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp. Cứ ngỡ rằng ở tuổi này bà sẽ được an nhàn vậy mà bà vẫn một mình gánh vác, lo toan cho đứa con tật nguyền.

Trong cũi gỗ được khóa chặt kia là con trai bà, anh Nguyễn Đình Hưng (SN 1975). Ngay từ khi sinh ra, anh đã bị nhiễm chất độc màu da cam, bị bại não, không thể làm chủ được ý thức của bản thân.

Bà Đông bên con trai

Thời trẻ, bà công tác ở Sở Giao thông Công chính Hà Nội. Đến năm 27 tuổi bà lập gia đình. Năm 1973 niềm hạnh phúc vỡ òa với hai vợ chồng trẻ khi họ đón con gái đầu lòng. Cứ nghĩ cuộc đời bà sẽ mãi vui vẻ như vậy nhưng đến năm 1975 khi đứa con trai thứ hai ra đời thì mọi thứ như sụp đổ.Là người quê gốc ở Thái Bình, năm 11 tuổi, bà Phạm Thị Đông đã lên Hà Nội đi làm thuê.

Vừa mới chào đời bác sĩ đã kết luận con bà bị nhiễm chất độc màu da cam loại 1, bị bại não.

“Thông báo của bác sĩ như một tiếng sét ngang tai, tôi hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng cũng may còn có ông nhà và con gái ở bên động viên giúp tôi có thêm động lực để cùng con chống chọi bệnh tật”, bà Đông chia sẻ.

Không chịu từ bỏ, gia đình vẫn cố gắng đưa Hưng đi khắp nơi để điều trị, dùng các loại thuốc… nhưng đều không có kết quả.

Người mẹ lo lắng khi mình không còn trên cõi đời này, ai sẽ chăm con?

Đến khi nghe tin trên Thái Nguyên có một thầy lang giỏi, gia đình vội vàng đưa Hưng lên để xin được chữa trị. Thầy Lang đó đồng ý chữa trị và sau 5 tháng bấm huyệt Hưng đã có thể ngồi dậy.Khi Hưng 2 tuổi, anh vẫn không thể ngồi được. “Cháu chỉ có thể lăn từ góc nhà này sang góc nhà kia”, bà kể.

Gia đình tiếp tục đưa Hưng đi đến các bệnh viện ở Hà Nội nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ. Vậy là Hưng cứ mãi như đứa trẻ ngẩn ngơ, không biết gọi cha gọi mẹ, không biết nói, không thể đi, việc ăn uống, vệ sinh cũng cần người trợ giúp.

Chồng bà là một người lính, luôn phải xa nhà. Bà một mình ở nhà chăm 2 con nhỏ, vất vả nhưng cũng không kêu than để ông yên tâm công tác.

Mãi đến khi bệnh tình của Hưng chuyển biến xấu, ông mới xin ra khỏi ngành, về làm việc ở gần nhà. Nhưng lúc này ông đã là một thương binh, chỉ giúp đỡ bà được phần nào công việc trong gia đình.

Đến năm 2008, ông bị mắc bệnh ung thư phổi, phải vào viện điều trị trị xạ suốt nhiều năm trời. Đến năm 2016 ông mất, bỏ lại mình bà và đứa con trai trong căn nhà vắng vẻ.

Con gái lớn đi lấy chồng, gia đình cũng thiếu thốn nên không thể giúp được mẹ và em nhiều. Vậy là một mình bà lại tiếp tục chăm lo cho người con tật nguyền.

Bệnh của Hưng ngày càng nặng, anh phá phách mọi thứ, cứ ngồi đâu là đập vỡ hết những đồ đạc xung quanh. Việc vệ sinh anh cũng không thể tự chủ nên nhiều lúc bà bận quá chưa kịp dọn thì mùi hôi thối bốc lên khắp nhà.

Bà đã già cũng chẳng đủ sức giữ nổi anh nữa, nên bất đắc dĩ phải đóng một cái cũi gỗ để nhốt anh vào.

“Nhìn con như thế tôi thương lắm. Nhưng tôi già rồi không còn sức nữa nên bắt buộc phải làm như vậy. Hưng cứ gặm vào những thanh gỗ, các dằm gỗ cắm vào miệng, máu chảy khiến tim tôi quặn thắt. Tôi chỉ biết khóc thương con, thương mình”, bà Đông nói trong nước mắt.

Tổ dân phố cũng có đề nghị tặng Hưng xe lăn, nhưng sức bà yếu, Hưng cũng không bao giờ chịu ngồi yên, không sử dụng được nên bà từ chối nhận.

Nhắc đến hoàn cảnh gia đình bà Đông, ông Nguyễn Văn Mức, Bí thư chi bộ Đại Từ 2, chia sẻ: “Đây là gia đình có công với cách mạng. Con trai bà bị chất độc màu da cam không thể làm gì, phải nhốt trong cũi, tiền chi tiêu chăm sóc cho Hưng lại tốn kém.

Hưng cũng được hưởng chính sách nhưng số tiền không đáng kể. Hàng xóm thương tình qua thăm hỏi động viên giúp đỡ nhưng cũng không được bao nhiêu, cuộc sống của họ rất khó khăn”.

Hàng tháng bà được nhận 3.300.000 đồng tiền lương hưu và 1.400.000 đồng tiền trợ cấp của anh Hưng. Tuy nhiên tiền thuốc men chăm sóc cho Hưng lại rất tốn kém, vượt xa số tiền có được của 2 mẹ con. Chính vì thế lúc nào họ cũng rơi vào tình trạng túng thiếu.

Bà chia sẻ: “Những lúc ốm đau, dù rất mệt nhưng tôi vẫn phải cố ra chợ mua đồ về nấu cho con ăn. Mình đói thì không sao chứ để con đói thì thương nó lắm. Tôi chỉ lo nếu tôi đi rồi ai sẽ chăm sóc nó đây? Những lúc như thế tôi lại nghĩ quẩn, chỉ muốn cả 2 cùng chết đi, có vậy con tôi mới bớt khổ”.

Có những lúc có việc phải đi nhưng lại không có ai trông con, bà đành phải thuê người trông hộ. Tiền thuê cũng không phải ít và cũng không phải ai cũng có thể trông được, xót và thương con nhưng bà đành chấp nhận.

“Nhiều đêm nó cứ kêu gào ầm ĩ, quậy phá, tôi đành phải vào trong cũi dỗ nó. Tôi cũng ngủ trong đó cùng nó để không làm ồn ảnh hưởng đến hàng xóm. Trong cũi nhỏ, 2 mẹ con nằm tráo đầu đuôi, cứ như thế không biết bao nhiêu lần rồi”, bà Đông trầm ngâm nói.

Giờ đây bà chỉ mong, sau này bà già yếu sẽ có một trung tâm nhận nuôi dưỡng chăm sóc con trai để bà yên tâm nhắm mắt xuôi tay. Bà lặng đi, ánh mắt nhìn xa xăm, nước mắt lại rơi…

Mọi sự giúp đỡ hảo tâm có thể gửi về: Bà Phạm Thị Đông (SN 1947), tổ 11, khu dân cư Đại Từ 2, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. SĐT 0169 265 6893.

Theo Vietnamnet