Nhói lòng cậu bé xin ở nhà chờ chết vì thương bố mẹ ngày ngày vất vả chạy vạy từng đồng

Ba năm sau ngày phát hiện mang trong mình căn bệnh ung thư tuyến giáp, gia đình Nam đã bán gần hết số đất trong nhà để chạy chữa cho em. Tuy nhiên, mảnh đất chiêm trũng cũng chỉ đủ chi phí cho một vài đợt phóng xạ nên nhiều lần Nam xin bố mẹ để em ở nhà chờ chết.

Đã gần nửa năm nay Ngô Văn Nam (SN 2002, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) không còn ám ảnh bởi mùi thuốc khử trùng và tiếng khóc thút thít của mẹ mỗi khi ngồi ngoài cửa nhìn em nằm trong phòng cách ly, bởi cuối năm ngoái đã là đợt điều trị phóng xạ cuối cùng của Nam. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc em đã chữa trị thành công căn bệnh, mà đơn giản vì gia đình không còn đủ tiền đưa em quay trở lại căn phòng ấy.

Căn bệnh ung thư tuyến giáp khiến Nam nằm li bì trên giường nhiều ngày nay

Ngồi thất thần nhìn đứa con đang ngày ngày chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, chị Nguyễn Thị Xuyến (SN 1980) cho biết: “Vợ chồng tôi có hai người con, Nam là con đầu, kế là một em trai. Cả gia đình chỉ trông chờ vào 1ha lúa, có năm làm được hai vụ, có năm chỉ được một vụ nên mãi chưa thoát khỏi danh sách gia đình hộ nghèo của xã. Từ ngày Nam phát hiện bệnh, vợ chồng tôi phải bán gần hết số ruộng trên để lo tiền chạy chữa cho con những cũng chẳng thấm vào đâu so với chi phí một lần truyền hóa chất”.

Ruộng bán hết, anh Ngô Văn Sỹ (SN 1981) phải tranh thủ đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ai thuê gì anh làm nấy, bất kể đi làm ở tỉnh khác, miễn sao mình có việc và có tiền để gửi về cho vợ con. Nhiều lần, anh đi biền biệt mấy tháng trời mới có dịp về thăm gia đình, nhớ thương con nhưng đành bất lực mà không dám về nhà.

Mấy hôm nay, nghe tin Nam ốm, anh Sỹ tranh thủ về thăm con. Nhìn con nằm co ro trên chiếc giường mục nát, người đàn ông nói giọng chua xót: “Ngày nhỏ Nam sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng càng lớn, sức khỏe của cháu càng yếu, da nhợt nhạt và thường xuyên sốt cao kéo dài. Đến cuối năm 2013, trong xã có một gánh xiếc về biểu diễn miễn phí, Nam xin bố mẹ đi xem và được mời lên sân khấu tham gia trò chơi. Tuy nhiên, vừa khoác con trăn lên người thì Nam đột nhiên ngất xỉu nên mọi người phải đưa em đi cấp cứu”.

“Ngày ấy bác sĩ bảo cháu bị viêm họng, do suy dinh dưỡng kết hợp với thể trạng không tốt nên mới ngất xỉu. Tuy nhiên, uống thuốc nửa tháng trời mà cháu cứ nằm li bì trên giường, người lúc nào cũng run cầm cập nên hai vợ chồng bàn nhau đưa cháu đi lên bệnh viện tỉnh khám. Một tuần sau thì chúng tôi nhận được tin cháu bị ung thư tuyến giáp”, anh Sỹ nhớ lại.

“Nếu năm ấy mà vợ chồng tôi không đưa cháu đi khám sức khỏe thì cháu nó đã không sống được đến bây giờ rồi ! Cũng may mà phát hiện kịp, ung thư mới ở giai đoạn đầu nên vẫn còn hy vọng cứu chữa cho cháu”, chị Xuyến tiếp lời chồng.

Phát hiện bệnh của con trai, anh chị dồn hết tâm sức để chạy chữa, mong sao con sống lành lặn, khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa. Ngày ấy, bán hết tài sản trong nhà, bán luôn mảnh ruộng là kế sinh nhai của gia đình, anh chị mới gom góp đủ 100 triệu đưa Nam đi phẫu thuật, cắt một phần tuyến giáp để tiêu diệt tế bào ung thư. Sau đó, cứ 3 tháng 1 lần em lại cùng mẹ từ Đắk Nông xuống Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để truyền hóa chất, xạ trị.

Đã nửa năm nay, vợ chồng chị Xuyến bất lực nhìn con trai chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác

Thương con nên anh Sỹ cố vay mượn họ hàng thêm 100 triệu, đồng thời cầm cố giấy tờ nhà đất để mượn thêm 150 triệu với hy vọng sẽ cứu được Nam. Tuy nhiên, số tiền ấy cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với chi phí một lần điều trị lên đến 50-60 triệu đồng. Và đến cuối năm 2016, vợ chồng anh chị đau đớn chấp nhận lời đề nghị của con được ở nhà… chờ chết.

Bệnh tật quái ác còn khiến sức khỏe, trí nhớ của em bị ảnh hưởng nên từ đầu năm 2017 tới nay, Nam phải nghỉ học ở nhà. Cậu bé tâm sự: “Em cũng hy vọng có cơ hội để đi học. Nhưng bao nhiêu tiền đều để em chữa bệnh, bây giờ nếu em và em trai đi học thì bố mẹ phải gánh thêm một khoản tiền học phí nữa. Đến căn nhà dột nát, trống trước hở sau này còn không có tiền để sửa chữa thì em cũng không dám nghĩ đến chuyện được đi học lại”.

Căn nhà xập xệ chưa có tiền sửa nên Nam cũng không dám ước mơ quay trở lai trường học

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh cho biết, gia đình anh Sỹ thuộc diện hộ nghèo của xã, không có đất để trồng cây công nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn, sống chủ yếu nhờ canh tác lúa nước và đi làm thuê. Đặc biệt, từ khi con trai mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị tốn kém khiến gia đình càng khó khăn hơn. Địa phương đã có những chính sách giúp đỡ gia đình nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ nên chúng tôi rất mong các mạnh thường quân sẻ chia, giúp đỡ gia đình, đặc biệt là cháu Nam.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Ngô Văn Sỹ (thôn Ninh Giang, xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).Số ĐT anh Sỹ: 0985382547.

Theo Dân Trí