Nhờ 3 bữa cơm chan nước mắt, người mẹ già tìm được người thừa hưởng báu vật của tổ tiên!

Chỉ đơn giản là ghé thăm 3 cô con gái, người mẹ già tần tảo đã biết mình sẽ truyền lại báu vật của tổ tiên cho ai.

Hồi còn nhỏ, trong làng tôi ở có một người phụ nữ góa chồng. Số bà thật khổ. Chồng bà mất khi còn rất trẻ vì làm việc quá vất vả. Vài chục năm trôi qua, chẳng mấy ai còn nhớ nổi tên thật của bà, bởi mọi người đều đã quen gọi bà là bà Vương.

Theo suy nghĩ của người Á Đông, nhất là những người ở thời đại trước, “nuôi lợn lấy mỡ, nuôi con đỡ chân tay”, nuôi con là để sau này có thể dựa dẫm lúc về già thế nên, nhiều người làng tôi cứ tiếc mãi cho bà, vì bà chỉ có 3 cô con gái.

Đôi lúc, có người lại chép miệng, giá như có một đứa con trai, có thể đời bà Vương sẽ không phải khổ sở thế.

Vì con, bà cắn răng làm việc bất kể thời gian, chịu đựng mọi khổ đau để nuôi 3 con gái trưởng thành, gả chồng cho họ yên bề gia thất.

3 cô con gái lấy chồng, cứ mỗi một cô đi bà lại già thêm vài phần. Cho đến khi cô út được gả đi, bà Vương bỗng chốc già đi trông thấy, tóc bạc trắng, mặt đầy nếp nhăn.

Mùa đông năm đó, nhận thấy ngay cả việc đi lại cũng đã vô cùng khó khăn, châm lửa nhóm bếp cũng đã khó chứ chưa nói đến việc nấu nướng. Trước cảnh ngộ đó, bà chợt nghĩ, đã đến lúc suy nghĩ về việc hậu sự của mình.

Hình ảnh minh họa

Vốn đã quen với việc, phàm là chuyện của mình, bà tuyệt đối không tìm đến nhà con gái để bị biến thành quả bóng đá qua đá lại. Thế nên, bà mới quyết định ở một mình đến già trong căn nhà 2 gian dột nát.

Nhưng có một việc, bà vẫn chưa thể an tâm. Bà còn có một cây trâm vàng rất quý do tổ tiên để lại. Trước khi đi, bà không muốn đòi hỏi con cái thứ gì, chỉ là muốn để chút tích cóp cuối cùng cho một trong ba cô con gái mà thôi.

Nếu như để lại, sẽ phải để lại cho cô nào hiếu thuận nhất, bà Vương nghĩ vậy, chỉ có như thế bà mới an tâm ra đi. Thế nhưng cô nào mới là người hiếu thuận nhất, bà thực khó nghĩ và khó phán đoán một cách chính xác.

3 cô con gái sau khi xuất giá chẳng khác nào diều đứt dây, rất ít khi về nhà thăm mẹ, tuy nhiên may mắn là cả 3 cô đều lấy chồng không xa nên bà quyết định sẽ cố đi thăm từng đứa.

Sáng hôm đó, bà quyết định đến nhà cô cả tên Quyên. Cô này được gả vào nhà có điều kiện nhất, nhì trong làng. Thấy mẹ đến nhà mình, Quyên chỉ mời mẹ một bữa cơm đạm bạc có đĩa lạc rang và một đĩa rau xào mặn.

Bà Vương ngại ngùng nói với con, rằng răng mình không tốt, cố đưa vài miếng vào miệng rồi đi. Vừa ra khỏi cổng chưa xa, bà gặp cậu cháu ngoại đang chơi ngoài đó.

“Bà ngoại ơi, vào nhà con ăn cơm đi, hôm nay mẹ con hầm đùi heo”, cậu cháu ngoại vô tư nói.

“Ngoại ăn rồi, con về ăn đi”, nói xong, trong lòng bà cụ trào dâng một cảm giác chua xót.

Bà Vương lại tiếp tục đến nhà cô thứ hai tên Anh. Chồng cô là một người chạy xe chở hàng, tiền kiếm được không ít, điều kiện kinh tế cũng khá giả.

Thấy mẹ đến, cô bỗng có thái độ không vui, vào bếp mang ra đĩa giá đỗ ăn dở, vài cái bánh bao và bát nước nóng ra mời mẹ.

Bà cụ cảm thấy mình thật không khác gì một người ăn xin, lặng lẽ ăn vài miếng, nước mắt chỉ trực trào ra.

Thế nhưng cô con gái làm như không thấy, còn nói: “Mẹ, đã quá trưa rồi, mẹ tranh thủ trời còn sáng mà về đi cho sớm, bố bọn trẻ một lát nữa sẽ về, con cũng còn bận việc.”

Bà Vương gật gật đầu, ngước nhìn lên trời rồi lập cập rời đi. Hai cô con gái này khiến bà lo lắng, tốn bao tâm sức, thật không ngờ chẳng cô nào nghĩ cho mẹ dù chỉ một chút.

Ảnh minh họa.

Đi mãi, đi mãi, cho đến khi trời tối, bà mới chợt nhận ra mình đã đi thẳng đến nhà cô con gái thứ ba tên Tú. Không được may mắn như hai cô chị, Tú vừa lấy chồng xa nhất, điều kiện gia đình cũng khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc. Thấy mẹ đến nhà, cô rót cho mẹ bát nước rồi vội vã ra ngoài.

Trong lòng bà Vương bỗng trào lên cảm giác lạnh lẽo, không ngờ cô út lại đối xử với mình như thế. Nếu đã vậy, bảo bối gia truyền bà chỉ còn cách mang theo vào quan tài thôi.

Nghĩ đến đó, bà đứng dậy ra khỏi cửa.

Đúng lúc đó, cô út tay xách một túi thịt lợn và một bó rau đi vào, cất tiếng vui vẻ: “Mẹ, tối nay mẹ đừng về, chúng ta làm bánh há cảo ăn nhé!”

Vào thời đó, với điều kiện kinh tế của cô út, có lẽ chỉ Tết mới có thịt ăn chứ thông thường, có mắm, muối ăn đã là tốt lắm rồi. Tiền mua thịt không biết ở đâu mà có.

Đến lúc ăn cơm, bà Vương vô tình nhìn lên tóc con gái và phát hiện chiếc trâm cài đầu vẫn dùng trước giờ không thấy đâu. Bất giác, bà cảm thấy ấm lòng, nước mắt lưng tròng.

Cho rằng mẹ lo lắng cho mình, cô Tú liền đỡ tay mẹ, nói: “Mẹ, nhà con đối xử với con rất tốt, mặc dù cuộc sống có khó khăn nhưng mẹ đừng lo, con rể mẹ còn nói đợi sang năm điều kiện khá lên một chút sẽ đón mẹ về ở cùng”.

Bà Vương cười, mắt vẫn rưng rưng. Bà rút từ trong túi ra chiếc trâm vàng, bảo con ngồi vào lòng như ngày thơ bé, nhẹ nhàng cài chiếc trâm lên tóc con…

“Con à, đây là món quà cuối cùng mẹ cho con, lúc khổ sở nhất mẹ cũng không nỡ bán, bởi nó là niềm tin, hi vọng, chỉ cần có niềm tin và hi vọng, cuộc sống có khổ đến thế nào đi nữa chúng ta vẫn có thể vượt qua”, bà Vương nghẹn ngào nói với con.

Cô út gật đầu, nghĩ lại những ngày 4 mẹ con dựa vào nhau để sống mà nước mắt trào dâng.

Ảnh minh họa.

Không lâu sau đó, bà Vương từ dã cõi đời, nhẹ nhàng như đi vào một giấc ngủ bình yên…

Về sau, hai cô lớn vì muốn tranh căn nhà dột của mẹ mà nảy sinh cãi vã, kiên quyết không nhìn mặt nhau. Cô út tuyệt nhiên không tham gia, hai vợ chồng cứ thế thanh thản sống qua ngày cho đến khi sinh con, rồi con họ lớn lên, lập nghiệp.

Chiếc trâm cài đầu vẫn luôn được cài trên tóc cô, cho dù tháng năm đã khiến mái tóc ngả sang màu trắng, con gái cô cũng đã có gia đình, có con…

Từ đời này qua đời khác, chiếc trâm vàng được cô tâm niệm sẽ truyền từ đời này sang đời khác, bởi có nó là có niềm tin và hy vọng, có nó, đời người sẽ không còn gập ghềnh, khó khăn…

Theo soha