Nghi án vụ xe PCCC va chạm xe khách: Lái xe khách nói dối chuyện bị bất ngờ khi đâm xe cứu hỏa?

Không thể có chuyện chỉ còn cách 10 m mới thấy xe cứu hỏa lao tới…

Đọc bình luận của nhiều bạn trên diễn đàn từ nhiều ngày nay về vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách, số đông đều cho rằng tài xế xe khách không có lỗi vì bất ngờ.

Cá nhân tôi cho rằng những người này chắc này chưa chạy ôtô trên cao tốc hoặc quốc lộ bao giờ. Mới đây, trả lời phỏng vấn, tài xế xe khách còn cho biết không thể xử lý phanh trong khoảng cách 10 m vì sợ lật.

Ảnh internet

Là người thường xuyên chạy xe đường trường (cao tốc, quốc lộ) ở tốc độ 90-110 km/h, mình cho rằng lý do của tài xế là ngụy biện và của các bạn cho rằng tài xế không sai là chưa thực tế, chỉ cảm nhận qua hình ảnh trên camera nên đã bị đánh lừa cảm giác. Mình sẽ phân tích tình huống như sau để các bạn hiểu.

Thứ nhất: đã chạy xe đường trường thì tầm quan sát của tài xế ít nhất phải từ 100-150 m thì mới xử lý được tình huống, mà chạy tốc độ càng cao thì bắt buộc càng phải quan sát xa hơn nữa.

Ngoài ra, khi gần đến các điểm có giao cắt với đường nhánh thì tài xế đều phải quan sát xe ra vào để còn xử lý. Do đó, nếu tài xế xe khách nói rằng chỉ quan sát thấy ở vị trí cách 10 m là ngụy biện, như thế chẳng khác nào bịt mắt lái xe.

Thứ hai: nếu đúng như tốc độ đo được lúc va chạm là 87 km/h thì tương đương 21,15 m/s. Mà theo như camera ghi lại, tính từ khi xe cứu hỏa từ đường nhánh bắt đầu chuẩn bị vào đường cao tốc (đã giảm tốc độ và hụ còi) cho đến khi xảy ra tai nạn là trong khoảng từ 7-8 giây, thì lúc đó xe khách ở vị trí cách xa khoảng 150-180 m, là trong tầm quan sát của tài xế (trong khi chúng ta chỉ nhìn trên camera ghi lại thì thấy khoảng cách rất gần như từ đâu đâm ra).

Với khoảng cách này, nếu quan sát tốt, tuân thủ đúng quy định (lúc này không cần biết xe đi ngược chiều hay không, kể cả nếu xe cứu hỏa rẽ phải) thì xe khách đã phải giảm tốc độ xuống nhường đường cho xe cứu hỏa.

Chỉ cần xử lý phanh nhẹ trước va chạm ba giây thôi (tương đương với khoảng cách từ 60-65 m, chứ không cần đến 7-8 giây như phân tích ở trên) thì tốc độ xe khách đã giảm xuống cao lắm chỉ còn 40-50 km/h.

Như vậy, thời gian đến điểm va chạm với xe cứu hỏa sẽ kéo dài thêm được ít nhất được hai giây nữa và đủ thời gian để xe khách xử lý né hướng di chuyển của xe cứu hỏa, cũng như xe cứu hỏa đã nhập vào làn đường. Ngoài ra, chỉ cần yêu cầu các xe chạy sau hoặc gần xe khách cung cấp hình ảnh của camera hành trình là biết được xe khách chạy kiểu gì.

Thứ ba: Mọi người lưu ý, sau khi hai xe va chạm thì hai giây sau có một ôtô màu đen lọt vào camera và đã giảm tốc độ, chứng tỏ xe này đã quan sát thấy từ xa và đã thực hiện giảm tốc độ xuống, chứ nếu chạy tương đương với vận tốc xe khách thì có khi xe đen là xe bị va chạm (nếu trường hợp xe đen lọt vào camera mà phanh gấp hay lết bánh thì mới chứng tỏ bị khuất tầm nhìn hoặc bị bất ngờ và không kịp xử lý tình huống như xe khách).

Thứ tư: Hiện, các tài xế xe khách chạy rất ẩu, không bao giờ có ý định nhường đường cho ai, thậm chí những tình huống tranh chấp thì xe khách càng tăng tốc để chiếm lĩnh không gian (kiểu như gần đến giao lộ mà gặp đèn vàng thì càng đạp ga để qua nhanh) và các xe khác phải né.

Nên việc xe khách vẫn duy trì tốc độ này là một sự liều lĩnh, coi thường hành khách, coi thường quy tắc an toàn và quy định về nhường đường cho xe ưu tiên.

Thực tế, nếu ai đã chạy đường trường thì nếu đang ở tốc độ 90-100 km/h (đương nhiên là chạy ẩu) thì chỉ cần nhìn thấy bảng hạn chế tốc độ ở khoảng cách 80-100 m (mà cái bảng này nó nhỏ chứ không phải to như chiếc xe cứu hỏa) thì chỉ cần tối thiểu 50-60 m và phanh nhẹ là có thể đã giảm tốc độ xuống còn 50-60 km/h một cách nhẹ nhàng, chứ không cần phải phanh gấp.

Do đó, việc tài xế không xử lý được tình huống này chứng tỏ tài xe rất ẩu và không có lý do gì để biện minh cả.

Theo Tokhoe/VnExpress