Nghẹn ngào rơi nước mắt : Nếu mất ba, chúng con biết đi về đâu!?

Tai ương bất ngờ đổ ập xuống mái ấm ấy. Người cha – trụ cột của gia đình lâm trọng bệnh, tình trạng nguy nan không ai đoán trước được điều gì. Ba đứa trẻ không chỉ phải đối mặt với nguy cơ mất cha mà còn sắp mất cả căn nhà che nắng, che mưa.

Đột nhiên thập tử nhất sinh

Chiếc máy thở níu giữ sự sống đều nhịp tút tút, bên giường bệnh chị vợ giàn giụa nước mắt lay gọi nhưng người chồng không có phản ứng, ánh mắt anh vô hồn nhìn lên trần phòng bệnh. Hơn 20 ngày kể từ khi có dấu hiệu khởi phát bệnh, đến nay sự sống của anh Trần Thanh Tùng (37 tuổi, ngụ ấp 6, Trà Cổ, Tân Phú, Đồng Nai) vẫn bế tắc.

Hơn 3 tuần kể từ khi phát bệnh, anh Thanh Tùng đang đối mặt với tử thần

Nghẹn ngào gạt nước mắt, chị Lê Thị Thùy Linh (36 tuổi, vợ bệnh nhân) nhớ lại: “Sau gần 1 tuần đi làm rẫy mướn, chồng tôi trở về trong tình trạng rất mệt mỏi. Đưa tiền cho tôi đi mua gạo, anh dặn mua thêm vài liều thuốc trị cảm cúm. Nhưng sau 2 ngày uống thuốc, bệnh của anh không giảm mà có biểu hiện nặng thêm. Tôi đưa chồng đến phòng khám tư thì được bác sĩ cho biết bị viêm xoang rồi kê toa mua thuốc về uống”.

Những tưởng chỉ bị bệnh nhẹ, điều trị thời gian ngắn sẽ hết nhưng khoảng 1 tuần sau, anh Thanh Tùng rơi vào tình trạng lơ mơ, co gồng người vợ con gọi hỏi không thấy trả lời. Tá hỏa, chị Linh vội vay mượn được gần 2 triệu đồng đưa chồng đến bệnh viện địa phương thăm khám, sau khi chuyển qua 2 bệnh viện tại Đồng Nai, anh được đưa đến Bệnh viện Nhân Dân 115, TPHCM điều trị. Sau khi tiếp nhận ca bệnh trên, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM và quyết định chuyển bệnh nhân sang Nhiệt Đới điều trị.

3 đứa trẻ ngây thơ đang mong ngóng tin cha, các cháu chưa ý thức được nỗi đau của mình

BS Nguyễn Hồ Hồng Hạnh, khoa Nhiễm Việt – Anh trực tiếp điều trị người bệnh cho hay: Bệnh nhân được chuyển đến ngày 9/6, trong tình trạng nặng, hôn mê, không tiếp xúc. Các kết quả xét nghiệm chỉ ra, bệnh nhân bị viêm não tủy cấp lan tỏa. Nguyên nhân của bệnh nghi ngờ khởi phát sau nhiễm siêu vi, kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể (còn gọi hội chứng ADEM).

Bệnh nhân được điều trị bằng corticoid liều cao nhưng không đáp ứng, chúng tôi dự tính sẽ chuyển sang điều trị bằng Immunoglobulin hoặc thay huyết tương. Tuy nhiên, mỗi phương pháp trên tốn khoảng 100 triệu đồng, trong khi bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, gia đình lại quá khó khăn. Để duy trì sự sống cho người bệnh chúng tôi đang tiếp tục điều trị bằng corticoid nhưng phương pháp này đã không đáp ứng nên tiên lượng rất dè dặt.

3 đứa trẻ đối mặt với nguy cơ mất cha

Sau 10 năm về chung một mái nhà, vợ chồng anh Tùng chủ yếu sống nhờ vào 1 sào rẫy trồng tiêu và điều được bố mẹ chồng chia cho. Khi 3 đứa con Lê Ngọc Thùy Trang (8 tuổi); Trần Lê Cẩm Ly (4 tuổi); Trần Thanh Phúc (6 tháng tuổi) lần lượt chào đời, mảnh đất nhỏ không đủ để trang trải cho cả gia đình, anh Tùng phải lao lực kiếm sống bằng đủ công việc làm thuê làm mướn.

Chồng chị vẫn chưa tỉnh lại kể từ khi nhập viên

Từ ngày sinh cậu con trai út, chị Linh chỉ ở nhà đưa đón các con đi học, lo công việc nội trợ cho gia đình. Để có tiền cho các con ăn học, thêm tiền mua sữa cho đứa con mới 6 tháng tuổi, anh Tùng phải làm việc bất kể ngày đêm nếu có người thuê. Từ khi anh đổ bệnh đến nay gia đình nhỏ đã lâm vào cảnh đường cùng.

Hai bên nội ngoại đều khó khăn nên không ai giúp được gì, hiện chị Linh đã phải cầm cố căn nhà tình thương do địa phương xây tặng và 1 sào đất rẫy để vay nóng 80 triệu đồng, mỗi tháng trả tiền lời 4 triệu đồng với hy vọng cứu chồng. Sau khi chuyển đến 4 bệnh viện, số tiền trên đã cạn nhưng sinh mạng của chồng vẫn rất mong manh.

3 đứa trẻ còn có nguy cơ không còn chỗ che mưa tránh nắng

Cha bệnh nặng, mẹ phải theo chăm sóc, 2 đứa con gái và đứa con trai út còn chưa dứt bầu sữa mẹ đang phải sống cảnh khốn khó cùng bà ngoại. Tất cả mọi khoản tiền có được đều dồn vào điều trị bệnh cho cha nên lũ trẻ phải bữa rau bữa cháo qua ngày. Không được bú sữa mẹ, cũng không có sữa ngoài cho cháu uống, bà Lê Thị Hạnh đành phải “nuôi bộ” đứa cháu ngoại bằng nước cơm, nước cháo.

Không chỉ mang nỗi sợ mất chồng, chị Thùy Linh còn mang nỗi sợ sẽ mất cả nhà lẫn rẫy vì đã mang đi cầm cố. “Tôi chỉ mong chồng bình phục, còn anh các con tôi còn có cha, nếu anh không đi làm để trả nợ được thì tôi sẽ cố gắng đi làm kiếm tiền may ra còn giữ được căn nhà che mưa tránh nắng. Nhưng tiền thuốc điều trị cho chồng tôi không thể lo nổi, nợ viện phí đã lên tới cả chục triệu đồng, trong khi liệu trình điều trị mới tốn tới cả trăm triệu…”

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Lê Thị Thùy Linh, khoa Nhiễm Việt Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM.