Nghẹn ngào: Bé gái 32 tuần tuổi bị mẹ phá thai để chối bỏ được nhóm thiện nguyện khi đi nhặt xác thai nhi cứu sống

Vừa qua trên mạng xã hội xôn xao về trường hợp bé gái 32 tuần tuổi sinh non đang “thoi thóp” được cứu sống bởi nhóm thiện nguyện phát hiện khi đi nhặt thai nhi về đem chôn cất.

Theo thông tin chia sẻ, bé gái khoảng 32 tuần bị mẹ đẻ đặt thuốc cho thai nhi chết để ép sinh non. Tuy nhiên, trong lúc đi nhặt xác thai nhi về chôn cất, một nhóm thiện nguyện đã phát hiện bé vẫn còn sống nên đã đưa đi bệnh viện Nhi Trung Ương để cấp cứu và sau đó đặt tên con là Nguyễn Ngọc Quỳnh Hương.

Thông tin xôn xao về bé gái được cứu sống do mẹ uống thuốc ép sinh non

Người chia sẻ thông tin cũng cho biết, bé gái được sinh vào khoảng 18h30 phút, ngày 25/12/2017 và được phát hiện ngay trong đêm hôm đó.

Trước sự việc trên, ngày 4/1/2018, chúng tôi đã tìm đến Bệnh viện Nhi Trung Ương để ghi nhận, theo xác nhận của một lãnh đạo Bệnh viện này, sự thật có bé Nguyễn Ngọc Quỳnh Hương sinh non thiếu tháng đang nằm điều trị tích cực ở phòng cách ly của khoa Sơ sinh.

Khoa sơ sinh BV Nhi trung ương nơi bé gái đang được cấp cứu

Các bác sĩ cho biết, vào đêm 25/12/2017 có một nhóm người đưa bé gái đến bệnh viện và cho biết người mẹ của bé mới 16 tuổi đã nhẫn tâm “từ chối” con sau đó con được nhóm người này đưa vào viện cấp cứu. Sau khi khám cấp cứu, các bác sĩ cho xét nghiệm và phát hiện máu của bệnh nhân có vi rút kháng thuốc.

Bệnh nhân luôn trong tình trạng thở máy và bác sĩ cho biết tiên lượng xấu

Các bác sĩ cho biết thêm, hiện tại bé Hương đang bị suy hô hấp, nhiễm khuẩn, luôn phải thở máy và tiên lượng xấu.

Gần Tết nạn phá thai gia tăng

Liên quan đến sự việc trên, một cá nhân thuộc nhóm thiện nguyện “nhặt” được bé gái trên cho hay: “Đi nhặt xác thai nhi vốn là công việc âm thầm của một số thanh niên tình nguyện, không chỉ một vài lần chúng tôi nhặt được các em đã thành hình hài như thế này. Thực tế nhiều em đã cận đến ngày được sinh ra đời nhưng không hiểu tại sao bị chết trong số các thai nhi bé tẹo, chúng tôi từng gặp nhiều trường hợp các bé bị mẹ chối bỏ nhưng khi phát hiện vẫn còn thở nên nhanh chóng đưa đi bệnh viện cấp cứu”. D.H. chia sẻ.

Bệnh viện Nhi trung ương nơi tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhi đặc biệt

Cũng chia sẻ về công việc tương tự, anh Trần Ngọc Linh (quê ở Thái Bình, SV năm thứ 3 trường Kinh tế Quốc dân) một trong số thành viên thuộc một nhóm thiện nguyện, chia sẻ: “Nhiều năm nay, tôi tham gia công việc thiện nguyện chuyên đi đến các phòng khám nhặt các em ở thùng rác, góc nhà… đưa đi chôn cất. Đa số các thai nhi có độ tuổi vài tuần, vài tháng, thậm chí có những thai nhi đã thành hình hài gần đến ngày sinh ra đời cũng bị mẹ từ chối. Trước khi đem các thai nhi về chôn cất, chúng tôi đều mở ra kiểm tra theo thói quen vì từng có những thai nhi vẫn còn thoi thóp thở”.

Anh Linh cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Thường thì cuối năm nhóm chúng tôi nhặt được nhiều thai nhi, bởi vì theo kinh nghiệm được biết, nhiều sinh viên hoặc ai đó lỡ mang thai ngoài ý muốn nhưng phải về quê nên sợ lộ. Họ sẵn sàng chối bỏ đứa con của mình một cách vô tư, nhưng ít người trong số họ biết rằng các thai nhi sẽ đi đâu về đâu…

Nạo phá thai ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể gây chết người, dù đã được cảnh báo trên các phương tiện đại chúng. Tuy nhiên, tình trạng này gần như không thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và giảm về độ tuổi.

Mới đây, tại Hội thảo về lợi ích tránh thai, hưởng ứng ngày Tránh thai thế giới, đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em – Bộ Y tế cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức.

Đáng chú ý, tỉ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi 15 – 19.

Ít ai biết thai nhi bị mẹ chối bỏ sau đó đi đâu về đâu

Chia sẻ với báo chí, ông Đinh Anh Tuấn – Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em cho biết, tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở nước ta được duy trì ở mức cao (khoảng 75-79%) trong nhiều năm qua nhưng tỉ lệ phá thai vẫn còn cao là do: còn nhiều trường hợp không áp dụng biện pháp tránh thai (chiếm 55,6%), có nhu cầu nhưng không được đáp ứng và đặc biệt là thất bại trong các biện pháp tránh thai (gần 40%).

Theo Thời Đại