Nghe lời Phật dạy : Cha mẹ nên dạy dỗ con cái những gì ?

Theo lời Phật dạy, cha mẹ có trọng trách nuôi dưỡng và chăm lo cho con trẻ, đảm bảo rằng con trẻ không chỉ được nhận một nền giáo dục tốt đẹp, mà còn có trái tim thiện lành. 

Cha mẹ nên dạy dỗ con cái những gì?

Trọng trách nuôi dưỡng, hướng dẫn và chăm lo cho con trẻ của các bậc làm cha làm mẹ là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ là phật tử còn có một trọng trách đặc biệt hơn nữa, đảm bảo rằng con trẻ không chỉ được nhận một nền giáo dục thế tục tốt đẹp, mà còn cần được giáo dục để trở thành những con người có trái tim thiện lành.

Lama Zopa đã có những lời khuyên hữu ích và nhấn mạnh tới trách nhiệm của các bậc cha mẹ là phật tử phải giáo dục con cái mình những phẩm chất và hành vi thiện lành khi chúng vẫn còn nhỏ. Cha mẹ cũng nên là tấm gương tốt và thực hành các đức hạnh mà Ngài phác họa là cần thiết để đạt được cả hạnh phúc hiện tại và dài lâu.

cha-me-nen-day-con-cai-nhung-gi
Ảnh minh họa

Nuôi dưỡng con cái bằng Bồ đề tâm

Theo quan điểm của Phật giáo, các bậc cha mẹ và tất cả tất cả chúng sinh, vô lượng chúng sinh, từ loài quỷ đói, động vật, loài người, bán thiên, thiên và các chúng sinh đang trong trạng thái trung gian, tất cả đều thuộc một đại gia đình. Điều này là bởi vì mọi loài trong đó đã từng là mẹ của chúng ta không chỉ trong một đời mà vô lượng đời từ vô thủy tới nay.
Tất cả chúng sinh đều đã vô số lần mang lại cho chúng ta một thân, không chỉ là một thân người mà còn rất nhiều thân của nhiều loài khác nhau. Mỗi lần chúng ta được sinh ra từ bào thai hay từ quả trứng, cha mẹ đã mang lại cho chúng ta một thân.

Chỉ cần suy xét vô số lần được sinh ra làm thân người, tất cả mọi chúng sinh đã sinh ra chúng ta vô số lần.

Khi là người mẹ của chúng ta trong hình tướng loài người, họ đã rất từ ái với chúng ta: bảo vệ cuộc đời của chúng ta khỏi những hiểm nguy trong đời sống thường nhật; dạy dỗ chúng ta nghề nghiệp, tri thức của thế giới; phải trải quả những cực nhọc với mong muốn cho chúng ta được hạnh phúc; và tạo ra một số lượng lớn những nghiệp bất thiện chỉ với mong muốn chúng ta được hạnh phúc.

Tất cả chúng sinh, tất cả mọi chúng sinh ở địa ngục, ma đói, tất cả động vật, con người, các loài thiên và bán thiên, đều đã từng làm điều này cho chúng ta. Tương tự, khi mỗi người phải sinh ra trong thân một loài động vật, người mẹ của họ đã rất từ ái, ví như loài chim, ngày qua ngày, chim mẹ đã đi tìm thức ăn, giết hại nhiều côn trùng và các loài sâu để cho con ăn.

Thực sự không thể tin được những người mẹ này đã từng bảo vệ con của mình như thế nào, trải qua nhiều vất vả và phải tạo ra nhiều ác nghiệp vì hạnh phúc của con mình. Chúng ta có thể bắt đầu tưởng tượng ra được lòng tốt của vô lượng chúng sinh trên thế giới này không?

Nhưng thật không may, hầu hết tất cả mỗi hành động của các bậc cha mẹ đều dễ dàng trở thành bất thiện bởi vì được thực hiện bởi tâm bám chấp và luyến ái. Để tránh xảy ra điều này, cách tốt nhất khi nuôi dạy con cái mình là hãy nhớ nghĩ về chúng đơn giản là một chúng sinh hơn là quan niệm: “Đây là đứa con duy nhất của tôi, là đối tượng duy nhất tôi cần chăm sóc, giáo dưỡng.”

Ví như, khi chúng ta phát khởi tâm Bồ đề vì lợi ích của tất cả chúng sinh ở phần đầu của mỗi nghi thức thực hành, như khi tụng đọc một lời cầu nguyện, thực hành một thời khóa nhập thất hay thậm chí chỉ là trì tụng một câu chân ngôn, chúng ta làm với mục đích vì lợi ích của tất cả chúng sinh, vô lượng chúng sinh ở địa ngục, quỷ đói, động vật, loài người, bán thiên và thiên và các chúng sinh đang ở trạng thái trung gian. Bởi vì con trẻ của chúng ta cũng đều là chúng sinh, chúng ta từng nhận tất thảy những hạnh phúc trong suốt vô số đời từ chính con trẻ của mình.

Chúng ta cũng nhận được hạnh phúc hiện thời và những hạnh phúc của các đời tương lai từ chúng. Thêm nữa, chúng ta nhận được sự giải thoát khỏi luân hồi từ chúng và cũng sẽ nhận được sự chứng ngộ trên toàn bộ con đường tiến tới giác ngộ từ chúng. Nhận ra và thấu hiểu được điều này, các bậc cha mẹ sẽ thấy rằng con cái của mình là những người đáng trân quý và thân thương nhất trong cuộc đời của mình.

Khi bắt đầu một pháp thực hành với động cơ Bồ đề tâm, tư tưởng đạt tới giác ngộ vì lợi ích của tất thảy chúng sinh, hãy nhớ nghĩ rằng con trẻ của mình là một trong những chúng sinh và thực hành với sự tỉnh thức về tư tưởng này. Tương tự, khi kết thúc nghi thức thực hành với sự hồi hướng giác ngộ vì lợi ích của tất thảy chúng sinh, hãy nhớ nghĩ rằng con trẻ của mình là một trong số các hữu tình này.

Tất nhiên, tất cả các chúng sinh khác đều hoàn toàn giống như con trẻ của chúng ta, họ rất đáng trân quý và từ ái, nhưng bởi vì chúng ta, với tư cách là cha mẹ, có sự kết nối nghiệp đặc biệt với con cái mình và chịu trách nhiệm cho các chúng sinh cụ thể đó, cho nên các bậc cha mẹ có sự chăm sóc đặc biệt tới chúng.
Với việc nhớ nghĩ theo cách thức này, quý vị sẽ có một thái độ hoàn toàn khác tới con trẻ; sẽ không có một tư tưởng tiêu cực dù là nhỏ bé nhất bị chi phối bởi tám động cơ thế tục, mà thay vào đó quý vị sẽ chăm sóc chúng với động cơ tích cực mong muốn mang lại niềm an vui cho một chúng hữu tình cụ thể.

Mặt khác, nếu các bậc cha mẹ chịu ảnh hưởng của tám động cơ thế tục, khi con trẻ làm điều gì hài lòng họ, một điều gì họ ưa thích, họ sẽ rất hạnh phúc chăm sóc chúng. Tuy nhiên, khi chúng làm điều gì khác với ý thích của họ, một điều gì làm họ thất vọng hay sân giận, họ sẽ hoàn toàn phiền não với chúng. Điều này làm thay đổi thái độ của họ với chúng bởi vì họ bám chấp vào hạnh phúc của bản thân và muốn tránh rắc rối, khổ đau.

Với Bồ đề tâm, các bậc cha mẹ sẽ thấy con trẻ của mình là người đáng trân quý nhất và thân thương nhất trong cuộc đời. Nếu giữ thái độ này, các bậc cha mẹ sẽ chăm sóc chúng với một tâm thức tích cực, lành mạnh hơn là một tâm thức đầy xúc cảm, tiêu cực và một sự đớn đau của bám chấp, luyến ái.
Là bậc cha mẹ, quý vị có thể tự mang lại bình an cho mình với tư tưởng: “Thật là tuyệt vời, cuộc đời của tôi có thể lợi lạc cho một chúng sinh này. Thật là tuyệt vời, tôi có thể chăm sóc cho một chúng sinh này. Thật là tuyệt vời tôi có thể hữu ích khi chăm sóc và mang lại hạnh phúc cho chúng sinh này.”

cha-me-nen-day-con-cai-nhung-gi-1
Ảnh minh họa

Đặc biệt khi cha mẹ gặp phải khó khăn khi con trẻ không chịu lắng nghe, khi cha mẹ không thể kiểm soát được chúng nữa và khi cha mẹ cảm thấy thất vọng đối với chúng, sẽ là tuyệt vời nếu biết hoan hỷ theo cách này. Với một mong muốn chân thành muốn giúp đỡ con trẻ, cha mẹ không phải phiền rầu và mệt mỏi với mong muốn từ bỏ chúng. Được thúc đẩy bởi Bồ đề tâm, cha mẹ sẽ có thể hoan hỷ khi có cơ hội được giúp đỡ chúng.

Tương tự như vậy, khi phải đảm nhận trọng trách chăm sóc con cái của người khác hay chăm sóc người già, các bậc cha mẹ vẫn có thể giữ dòng tâm này, “đây là người đáng trân quý và tốt đẹp nhất” mà tôi đang chăm sóc. Với động cơ Bồ đề tâm, tất cả mọi khó khăn họ trải qua và tất cả những phụng sự mà họ hướng tới cho người khác sẽ tịnh hóa những nghiệp xấu đã tích lũy thông qua vô số đời trong quá khứ. Bổn phận của họ sẽ trở thành một phương tiện để tích lũy công đức to lớn và một cơ hội để thực hành tất cả sáu Ba-la-mật: Bố thí, trì giới, kiên nhẫn, tinh tiến, thiền định và trí tuệ.

Ví như để thực hành trí tuệ, họ có thể suy nghĩ rằng bản thân mình, người đang chăm sóc, giáo dưỡng kẻ khác và đối tượng mà mình đang chăm sóc thực sự không tồn tại một cách cố hữu và thuần túy chỉ là sự định danh của dòng tâm thức. Được thúc đẩy bởi Bồ đề tâm, tất cả những gì các bậc cha mẹ làm để chăm sóc, giáo dưỡng mọi người đều trở thành nhân tiến tới giải thoát, giác ngộ.

Trong các kinh văn Phật giáo đã được nhắc rằng, thậm chí đức Phật Di Lặc phát tâm từ bi và Bồ đề tâm sớm hơn đức Phật Thích Ca, nhưng đức Phật Thích Ca đã thành tựu giác ngộ trước bởi vì tâm từ bi của Ngài mạnh mẽ hơn. Tâm từ bi của Ngài mạnh mẽ hơn giúp Ngài tích lũy được công đức rộng lớn và tịnh hóa được những nghiệp bất thiện to lớn đã tích lũy trong quá khứ.
Lấy ví dụ như, trong một đời quá khứ, hai anh em hoàng tử là tiền thân của hai Ngài đã gặp một gia đình của năm chú hổ đói, Ngài Di Lặc đã không cúng dường thân mình cho chúng trong khi đức Phật Thích Ca lại cúng dường cả thân mình cho các chú hổ.

Nếu cha mẹ có thể khởi phát tâm từ bi mạnh mẽ với con trẻ của mình, và thay cho việc bị luyến ái vào chúng, họ sử dụng chúng để thực hành Pháp, con trẻ của họ sẽ mang lại cho họ công đức to lớn.
Cũng như vậy, nếu được thúc đẩy bởi động cơ Bồ đề tâm, khi các bậc cha mẹ có thể làm các công việc như chăm sóc con cái của người khác hay chăm sóc người già, họ sẽ nhận được công đức to lớn từ những người đó. Thậm chí nếu họ chỉ cần trông nom một con vẹt với động cơ này, họ cũng sẽ nhận được công đức to lớn từ chúng sinh đó. Khi ấy hãy phụng sư họ với việc nỗ lực giúp họ vượt thoát khổ đau và mang tới cho họ hạnh phúc. Đây là thái độ của một vị Bồ tát hướng tới tất thảy chúng hữu tình.

Thiết lập một mối quan hệ có ý nghĩa

Quý vị, với bổn phận là cha mẹ, cần phải học cách chăm sóc con cái một cách đúng đắn. Bởi vì quý vị đã giành nhiều năm tháng cuộc đời cùng con cái, điều quan trọng là giúp chúng tập trung vào thực hành giáo pháp và thiền định. Nói điều này, tôi không gợi ý rằng tất cả mọi người nên sinh con! Ý của tôi là nếu quý vị có gia đình và quyết định sinh con, quý vị nên thực sự có một kế hoạch chu đáo để bảo đảm mọi thứ trong khả năng của mình, giúp đời sống con trẻ có ý nghĩa nhất.

Tất nhiên, chẳng có gì đảm bảo rằng mọi thứ sẽ có kết quả giống như mong muốn của quý vị; con trẻ của quý vị có biệt nghiệp của chúng. Nhưng cha mẹ có một sức ảnh hưởng vô cùng to lớn lên con trẻ. Thật không may mắn, hầu hết mọi người đều không chịu suy nghĩ kỹ càng về điều này và không lên kế hoạch cho việc họ sẽ phải làm gì với cuộc đời mới sau khi sinh con. Thay vào đó, họ có xu hướng nghĩ rằng có con là một niềm vui to lớn, không phải đối mặt với bất cứ vấn đề gì, giống như một giấc mơ tuyệt hảo trở thành hiện thực.

cha-me-nen-day-con-cai-nhung-gi-1
Ảnh minh họa

Giúp con trẻ nuôi dưỡng trái tim thiện lành

Giải quyết các vấn nạn của thế giới như bùng nổ dân số, thay đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính v.v…phụ thuộc chủ yếu vào giáo dục. Không chỉ người lớn phải được giáo dục để bảo vệ và giải quyết các vấn đề này, mà sự chú ý đặc biệt cũng cần hướng tới con trẻ. Trọng tâm trong giáo dục con trẻ là bằng cách nào để trở thành một con người thiện lành. Chúng cần được học phát triển các giá trị như lòng nhân ái, tâm từ và tâm bi. Trẻ em là tương lai của thế giới. Hạnh phúc và hòa bình, sợ hãi và hiểm nguy của thế hệ tương lai ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào việc trẻ em được giáo dục ra sao.

Một thế giới bình an hơn phụ thuộc vào việc trẻ em có biết nuôi dưỡng và thực hành một trái tim thiện lành, biết giúp đỡ và không làm tổn hại mọi người. Đây là điểm giáo dục quan trọng nhất mà cha mẹ có thể mang lại cho con trẻ và là đức tính đầu tiên cha mẹ cần dạy dỗ. Trước hết, mỗi bậc làm cha mẹ phải có một kế hoạch chu đáo để đảm bảo cho đời sống của con trẻ có lợi lạc cho bản thân và cho xã hội. Ví như, muốn bắt đầu kinh doanh, người ta phải lập kế hoạch để có lợi nhuận.

Tương tự, trước khi để con trẻ bước ra thế giới bên ngoài, cha mẹ cần lập kế hoạch cẩn trọng bởi đời sống của một con người quan trọng hơn việc kinh doanh! Thái độ và cách cư xử của cha mẹ có thể tạo nên những ảnh hưởng lâu dài tới tính cách và hành vi của con trẻ. Hàng ngày, các bậc cha mẹ đang thực hành đạo Phật, họ cầu nguyện, trì tụng … vì lời ích của hết thảy hữu tình, các hữu tình trong địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, người, atula.

Con trẻ cũng bao hàm trong đó nên cha mẹ cần phải suy nghĩ kỹ càng làm sao để giúp chúng có một đời sống có ý nghĩa nhất. Giữa vô số hữu tình, cha mẹ có một bổn phận đặc biệt với đời sống con cái của mình. Phải có kế hoạch để đảm bảo đời sống của chúng có ý nghĩa và không chịu khổ đau, ít nhất là cho bản thân chúng và rộng hơn là cho toàn bộ gia đình, xã hội, đất nước và toàn thế giới.

Tất nhiên không có gì đảm bảo con trẻ sẽ làm tất cả mọi thứ cha mẹ đã dạy bảo; chúng có nghiệp riêng của mình. Do sự chi phối của dòng nghiệp trong các đời quá khứ, đời sống của con trẻ có thể hoàn toàn khác với cách mà cha mẹ nuôi dưỡng chúng. Nhưng bởi những điều xảy ra với chúng cũng còn phụ thuộc vào các nhân và duyên khác nữa, cho nên cha mẹ có trách nhiệm giáo dưỡng con cái một cách tối đa.

Cha mẹ cần phải có một kế hoạch rõ ràng để giáo dưỡng con trẻ. Nếu không thể hướng cuộc đời chúng theo hướng tích cực, tương lai của chúng sẽ bất định và cơ hội giúp đỡ chúng sẽ bị lỡ. Mặc dù có thể nhiều điều tốt đẹp vẫn đến với chúng nhưng đời sống của chúng có thể tràn đầy những khổ đau và rắc rối. Một kế hoạch chu đáo xuất phát từ một động cơ tích cực, lành mạnh, nuôi dưỡng con cái cần phải dựa vào một trái tim thiện lành hơn là sự bám chấp và luyến ái.

Nếu cha mẹ có một trái tim thiện lành và một thái độ tích cực với đời sống, và nỗ lực làm những điều tốt đẹp để giúp đỡ mọi người trong đời sống, nó sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới con trẻ. Đó sẽ là một lợi ích to lớn cho chúng, con trẻ sẽ lớn lên với một tinh thần lành mạnh, một tâm thức tích cực và thanh tịnh.

Với dòng tâm đó, chúng sẽ không làm những việc tổn hại bản thân, không làm tổn hại các chúng sinh khác: gia đình, hàng xóm và nhiều người khác. Không chỉ có vậy, tinh thần lành mạnh cũng giúp con trẻ có thể mang lại bình an và hạnh phúc đến cho mọi người.
Con trẻ học hỏi từ cha mẹ, khi thấy cha mẹ mình đang nỗ lực làm lợi ích mọi người, chúng sẽ nhận được một thông điệp tích cực từ tấm gương của cha mẹ. Khi lũ trẻ lớn lên, rồi trở thành cha mẹ, chúng lại truyền trao những nền tảng giáo dục tương tự với việc sống một đời sống thiện lành và lợi lạc tha nhân.

Chúng cũng sẽ là tấm gương cho con cái của mình. Cứ như vậy, cha mẹ có thể giúp truyền trao từ thế hệ này sang thế hệ khác tầm quan trọng của một trái tim thiện lành, một tâm thức thiện lành, biết không được làm tổn hại người và làm càng nhiều việc thiện càng tốt.
Nếu cha mẹ có thể làm được như vậy thì kết quả sẽ không chỉ mang lại an lạc cho gia đình mình, mà còn mang lại hạnh phúc và bình an tới cho chúng sinh trên thế giới này, đời này qua đời khác. Bởi vậy, trọng trách làm cha làm mẹ vô cùng quan trọng và to lớn.

Bảy nền tảng mang lại hạnh phúc và bình an cho con trẻ

Bên cạnh một trái tim thiện lành, có bảy phẩm chất căn bản cần dạy dỗ con trẻ mà tôi thường gọi là “bảy nền tảng mang lại hạnh phúc và bình an”. Mục đích của những chỉ dẫn này giúp đảm bảo đời sống con người trở nên có ý nghĩa và trở thành nguồn cội mang lại bình an và hạnh phúc cho tha nhân.

Lòng từ: Nền tảng đầu tiên mang lại hanh phúc và sự an lạc là lòng từ. Cha mẹ cần khuyến khích con cái thực hành lòng từ trong đời sống thường nhật, không chỉ với mọi người xung quanh mà rộng hơn cả đối với động vật, côn trùng và môi trường. Dạy cho chúng biết suy nghĩ về hạnh phúc của người khác và thực hành lòng từ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm, con trẻ sẽ có thể mang lại bình an đến cho mọi người. Cũng như thế, trong tim chúng sẽ luôn có sự bình an dù phải đối mặt với bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí trong những lúc khó khăn. Bất kỳ khi nào, trong mọi lúc, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, chúng sẽ mang lại ai vui cho mọi người.

Khi chúng thấy những hành động tích cực, lợi ích của mình mang lại hạnh phúc cho người khác, chúng sẽ cảm thấy hạnh phúc ngay lúc này trong đời sống. Những hành động tốt lành chúng làm trong đời này còn ảnh hưởng lâu dài tới những đời sống tương lai. Với tất cả những hành động tích cực, chúng đang tạo ra nhân để những ước muốn hạnh phúc và bình an được viên mãn.

Thậm chí chỉ một hành động nhân ái thôi cũng mang lại kết quả hạnh phúc và bình an. Bởi vì hành động tốt hay xấu chắc chắn sẽ mang lại trải nghiệm hạnh phúc và khổ đau tương ứng. Một đặc tính của nghiệp là luôn rộng mở trong mọi lúc. Thậm chí chỉ một hành động nhỏ với một trái tim thiện thành, một sự quan tâm chân thành tới hạnh phúc của tha nhân, của chúng sinh khác cũng dẫn tới trải nghiệm hạnh phúc trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm ở các đời tương lai.

Ngược lại, nếu làm tổn hại người khác thậm chí chỉ một chút thôi, sẽ phải chịu những kết quả bất hạnh và khổ đau trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đời kế tiếp. Bởi vậy phẩm chất trước hết các bậc cha mẹ nên dạy dỗ con cái là lòng từ, lòng nhân ái. Lòng từ sẽ giúp con trẻ hạnh phúc, và cũng làm cho cha mẹ hạnh phúc, khi ấy, con trẻ sẽ mang lại hạnh phúc cho người khác.

Biết hoan hỷ: Nền tảng thứ hai cho hạnh phúc và an bình là dạy dỗ con cái biết hoan hỷ. Khi những điều tốt đẹp tới với người khác, ví như họ có một thân hình hấp dẫn, có những người bạn tốt, có nhà cao rộng, có ô tô sang trọng và nghề nghiệp thuận lợi hay công việc kinh doanh, nghề nghiệp tiến triển, điều quan trọng là dạy dỗ con trẻ đức tính biết vui trước sự thành công của họ.

Thay vì cảm thấy ghanh tỵ, tức tối và mong muốn bằng mọi giá phải có được những thứ người khác đang sở hữu – một trạng thái tâm bất an tạo ra những chướng ngại cho chính con trẻ- cha mẹ nên dạy cho con cái biết vui khi chứng kiến người khác đang hạnh phúc. Vui trước sự thành công và hạnh phúc của người khác, giống như một người mẹ vui khi chứng kiến đứa con thân yêu của mình đang trải qua những điều tuyệt vời, sẽ giúp tâm con trẻ an lạc và bình an thực sự.

Đó là một trạng thái tinh thần lành mạnh và đời sống của chúng sẽ tràn đầy thăng tiến hơn là thất bại, và sự sầu khổ, chán nản, thất vọng sẽ không bao giờ có thể xâm lấn dòng tâm của con trẻ. Thực hành hạnh hoan hỷ, biết vui khi những điều tốt lành đến với mọi người, con cái của quý vị sẽ tạo ra những nghiệp tốt lành trong mọi lúc.

Cho dù chúng có chấp nhận sự vận hành của nghiệp hay không thì với việc hoan hỷ trước những điều tốt lành, chúng sẽ có được những tư tưởng thiện trong tâm. Khi ấy hạnh phúc và thành công sẽ tới trong đời này và những đời kế tiếp. Trong hàng trăm và hàng ngàn đời, chúng sẽ trải nghiệm những kết quả tích cực của việc biết vui. Biết vui trước những điều thiện lành của mình và người là cách dễ dàng nhất để tích lũy công đức vô lượng.

Niềm hoan hỷ cũng có thể tới khi đang đi, đang ăn, thậm chí đang nằm. Cha mẹ có thể dạy con trẻ biết hoan hỷ trong mọi nơi, mọi lúc. Với tâm an vui, chúng sẽ biết giao tiếp và có quan hệ tốt đẹp với mọi người. Khi ấy chúng sẽ có thể trợ giúp mọi người và mang lại lợi lạc cho họ. Hoan hỷ là một pháp thực hành toàn diện, giúp cho đời sống có ý nghĩa. Đó cũng là một trong những phẩm chất tinh thần cao đẹp nhất và là liệu pháp giúp tâm hạnh phúc.
Với những lý do trên, điều rất quan trọng là dạy dỗ con trẻ biết vui trước những phẩm chất thiện lành, trước vận may và sự thành đạt của người khác.

Đức tính kiên nhẫn: Nền tảng thứ ba mang lại hạnh phúc và bình mà cha mẹ cần dạy dỗ cho con trẻ là tính kiên nhẫn. Nếu con cái không còn bị bực tức, hờn giận chi phối, chúng sẽ không làm những việc tổn hại bản thân, tổn hại người khác, chúng sinh khác, bao gồm cả những loài động vật và môi trường xung quanh, bởi vậy chúng không làm những việc xấu ác. Còn nếu như con trẻ có khuynh hướng dễ sân giận, tâm chúng sẽ bất an, phiền muộn và tất nhiên sẽ làm mọi người xung quanh bị ảnh hưởng.

Học kiên nhẫn ngay lúc này cũng giúp con trẻ tránh sân giận với mọi người trong các đời tương lai. Nó sẽ để lại những dấu ấn nghiệp tích cực trong dòng tâm và sẽ giúp chúng có nhiều kiên nhẫn hơn, kết quả là chúng sẽ biết không được phép làm tổn hại người khác. Theo cách này, con trẻ sẽ biết mang lại bình an và hạnh phúc tới thế giới hiện đời và cho các chúng sinh đời kế tiếp.

Trong lịch sử thế giới, có rất nhiều minh chứng về những người có địa vị cao, uy quyền đầy mình, nhưng họ không thực hành nhẫn nhục, họ tàn sát và giết hại, lấy đi mạng sống của hàng triệu người vô tội. Dạy dỗ con cái đức tính kiên nhẫn, đối với những người xung quanh mà trước hết là các thành viên trong gia đình của chính quý vị, sẽ không phải nhận sự tổn hại từ chính chúng và thay vào đó sẽ nhận được sự bình an.

Nếu như trong gia đình cứ sân giận nhau, bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng tiêu cực, con trẻ sẽ dễ làm tổn thương người khác, có thể bằng lời nói, chúng nói những lời khó nghe, hay có những hành động ngỗ nghịch…và như vậy mọi người xung quanh đương nhiên cũng sẽ có những phản ứng không vui vẻ trước những hành động của chúng.

Với việc dạy dỗ cho con trẻ biết thực hành đức tính kiên nhẫn, tránh làm hại người khác và trên hết biết giúp đỡ người, chúng sẽ có được niềm an vui, có được những mối quan hệ hòa hợp và lâu bền. Vì tất cả những lý do trên, trước hết bản thân cha mẹ cũng cần phải nuôi dưỡng tính nhẫn nại và khi ấy mới có thể dạy dỗ con trẻ nuôi dưỡng đức tính cao đẹp này.

Biết tha thứ: Cha mẹ cũng cần dạy con trẻ rằng, khi một ai làm tổn thương, không tôn trọng hay thậm chí lạm dụng mình, thì cách phản ứng tốt nhất là tha thứ. Tha thứ là một đức tính quan trọng, nó giúp rộng mở trái tim và tâm hồn cả người tha thứ và kẻ được tha thứ. Thay cho việc cứ khư khư ôm giữ lấy hận thù, nếu con trẻ có thể biết tha thứ cho người, chúng sẽ có bình an trong tâm và sẽ mang lại bình an trong tâm cho cả những người làm tổn thương chúng.

Nếu không biết học tha thứ, ý nghĩa đời sống của chúng và mục đích sinh ra làm người, là để mang lại an vui cho bản thân, gia đình và mọi người trên thế giới, sẽ thể không thể đạt được.
Cũng như vậy, nếu như không biết tha thứ, lũ trẻ sẽ tấn công trở lại những người vừa gây tổn thương, như thế không chỉ người làm tổn thương chúng cũng muốn tấn công trở lại, mà gia đình và chúng bạn của họ nữa. Và như thế các nghiệp tiêu cực sẽ nhân lên nhiều lần, khổ đau sẽ tiếp tục mãi và không có điểm dừng.
Nhưng với sự tha thứ cho người làm tổn hại mình, lũ trẻ biết không làm tổn hại người khác, chúng cũng không làm tổn hại bạn, những thành viên trong gia đình và bạn bè bạn nữa. Đức tính này giúp nhiều người được cứu thoát khỏi việc tiếp tục tạo ra những nghiệp bất thiện.

Biết nhận lỗi: Một nền tảng cha mẹ cần dạy dỗ con trẻ là tầm quan trọng của việc biết nhận lỗi khi làm điều gì tổn hại người khác, ví như nói xấu hay cãi cọ với mọi người. Nếu con cái biết thành thật nhận lỗi ngay lập tức trước những điều sai của bản thân, thì sẽ mang lại sự bình an trong tâm chúng và trong tâm của những người vừa bị làm tổn thương.

Những người đó sẽ không giữ thái độ ác cảm với con cái của quý vị, cảm giác bực tức và khó chịu giữa đôi bên sẽ không còn. Khi biết chân thành nhận lỗi, con cái quý vị sẽ tiếp tục có được mối quan hệ tốt đẹp với những người mà chúng đã làm tổn thương. Và như vậy sự bình an sẽ lan tỏa từ người này tới người khác, và chính là con cái quý vị đang có đóng góp to lớn cho sự bình an của cộng đồng.

Biết đủ: Một nền tảng khác vô cùng cần thiết với con trẻ là phát triển đức tính biết đủ. Nhiều vấn nạn xảy ra trong xã hội, trên thế giới là do bởi con người luôn bất mãn, không biết tự vừa lòng với chính mình và luôn bị lòng tham chi phối. Thậm chí rất nhiều người giàu có, triệu phú, tỷ phú, họ có rất nhiều tiền bạc nhưng rồi lại kết thúc cuộc đời mình trong nhà tù sau khi biển thủ nhiều ngân quỹ hay lừa đảo tiền bạc của người khác.

Thực sự, tin tức trên truyền thông đầy rẫy những câu chuyện về những người bị thúc đẩy bởi lòng tham, họ đã lao vào những hoạt động phi pháp, tạo ra rất nhiều bất hạnh, khổ đau cho mọi người, cho xã hội và tất nhiên cho cả chính họ nữa.
Khi người trẻ thiếu đi trạng thái tâm biết đủ, họ sẽ rất dễ dàng tìm đến rượu, các chất kích thích, gây nghiện.

Ngay khi chúng bị xiềng xích của chất nghiện trói buộc, chúng không thể sống một đời sống bình thường và thậm chí bị đuổi việc, bị xã hội xa lánh. Thực sự thì các chất kích thích và gây nghiện có thể hoàn toàn phá hủy toàn bộ đời sống của người trẻ.
Biết đủ và biết tự vừa lòng sẽ giúp chúng tránh những thói quen xấu, phá hủy và làm lãng phí đời sống, ngăn cản chúng sống một đời sống lợi lạc cho người và tạo nên vô số khổ đau cho gia đình. Học cách biết buông xả những bám chấp và tham lam là điều quan trọng, cha mẹ cần dạy dỗ con cái biết đủ và biết tự hài lòng.

Đức tính tự tin: Cha mẹ nên dạy cho con đức tính tự tin. Thường thì mọi người có khuynh hướng tự hạ thấp mình, luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ: “Mình thật vô vọng. Mình thiếu năng lực, không làm được việc gì cả.” Với việc cứ luôn coi bản thân là thiếu năng lực, con trẻ trở nên dễ thất vọng và không làm được việc lợi ích cho mọi người. Với sự dũng cảm, tự tin “mình có thể làm được việc đó”, con trẻ có thể được khích lệ và thành công cả ở phương diện đời sống và thực hành Pháp.

Tự tin mang lại cho chúng sức mạnh tinh thần cần thiết để phát triển các phẩm chất, đức tính thiện lành và sự tự tin rằng chúng có thể lợi ích người và đóng góp cho sự thành công chung. Nó cũng cho phép họ vượt qua được thử thách, từ bỏ được dòng tâm ích kỷ. Tính tự tin đặc biệt quan trọng tại phương Tây, nơi có rất nhiều người trẻ luôn suy nghĩ rằng đời sống của mình là vô nghĩa, họ trở nên sầu khổ và thậm chí kết thúc cuộc đời bằng tự vẫn.

Là cha mẹ, quý vị nên xem xét nền tảng mang lại hạnh phúc và bình an là một chỉ dẫn cần thiết để giáo dưỡng con trẻ, cũng như là pháp thực hành cho chính bản thân mình. Bảy đức tính này mang lại ý tưởng rất rõ ràng về việc nuôi dưỡng con trẻ như thế nào và các bậc cha mẹ cần giúp đỡ con cái như thế nào. Khi đã phát triển các đức tính này, con trẻ sẽ không làm tổn hại tới bản thân và người khác, trong đời này tới đời kế tiếp, con trẻ sẽ biết mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình, hàng xóm và các chúng sinh khác của thế giới này.

Với các nền tảng này, con trẻ sẽ hạnh phúc và có thể làm nhiều lợi lạc cho người, tạo ra nhân an lạc trong tương lai. Thậm chí nếu chúng chỉ phát triển một trong bảy đức tính trên, ví như lòng nhân ái, và đối xử với tất cả mọi người mà chúng gặp với lòng nhân ái, thì sức ảnh hưởng chắc chắn cũng rất đáng kinh ngạc.
Tôi muốn nhấn mạnh ý của mình một lần nữa: nếu quý vị lựa chọn sinh con, quý vị cần có một kế hoạch tốt, để khi đảm nhận bổn phận là cha mẹ sẽ mang lại lợi ích. Thậm chí nếu quý vị không thể dạy con trẻ cả bảy đức tính trên, thì hãy nỗ lực dạy dỗ chúng càng nhiều càng tốt.

Là cha mẹ, quý vị cần thực hành các đức tính này để làm tấm gương cho con trẻ. Theo cách đó, con trẻ sẽ học hỏi được từ cha mẹ và sẽ phát triển các đức tính này một cách đúng đắn hơn.
Nói tóm lại, trách nhiệm của cha mẹ là giáo dục con cái trở thành người tốt, không được làm bất kỳ việc tổn hại nào tới người khác và biết mang lại lợi lạc, hạnh phúc cho bản thân, cho mọi người và thế giới.