Ly kỳ chuyện người đàn ông canh miếu Cô Trôi vớt được 600 xác chết trên sông

Hơn 30 năm qua, người chủ vườn đào vớt được hơn 600 thi thể đem chôn cẩn thận mà không nhận bất cứ một đồng tiền công nào, người dân gọi anh với cái tên trìu mến “nghĩa hiệp sông Hồng”.

Nằm lọt thỏm giữa vườn đào xanh mướt, những nấm mồ không tên ở Miếu Cô Trôi (Tây Hồ, Hà Nội) là nơi an nghỉ của những người chết trôi trên sông Hồng được anh Nguyễn Văn Dũng, SN 1970, đưa về an táng.

Người đàn ông 47 tuổi, cao to, nước da đen, đầu cắt trọc sống tại vườn đào Nhật Tân đã có cả cuộc đời gắn bó với nghiệp vớt xác. Dẫn tôi vào khu miếu Cô Trôi, anh Dũng thắp những nén hương trên những nấm mồ xanh rồi nói: “Họ chết rồi trôi về đây, tôi vớt lên rồi báo công an đến xác minh, nhưng không ai đến nhận. Tôi chôn cất họ ở đây, ngày ngày hương khói, nhưng không biết họ là ai, chết như thế nào”.

Miếu Cô Trôi cạnh bãi sông Hồng – nơi chôn cất gần 70 người bạc phận.

Anh Dũng kể, nghĩa địa này hình thành từ những năm 1980, bắt đầu từ nấm mồ của một cô gái. Vào một ngày trời mưa rất to, nước sông Hồng dâng cao, nhiều người sống ven sông Hồng phát hiện ra xác một cô gái khoảng 18 tuổi nổi trên sông. Bố tôi cùng nhiều người ở phường Nhật Tân đã vớt xác cô gái lên bờ, và quyết định chôn cất ngay bên bờ sông Hồng.

Những phận người bạc mệnh, chết không có giấy tờ, người thân đến nhận được anh Dũng mang về miếu Cô Trôi chôn cất cẩn thận.

“Ngôi mộ cô gái được chôn cất sau một đêm đã được mối xông thành một ngôi mộ to hơn. Ngay bên mộ cô gái xấu số mọc lên một cây sung. Do không ai biết cô gái là ai, nên người dân địa phương đặt tên là Cô Trôi. Bến đò gần chỗ tìm thấy xác cô sau này cũng được người dân lấy tên là Cô Trôi với mong muốn được Cô Trôi giúp đỡ, phù hộ”, anh Dũng tâm sự.

Anh Nguyễn Văn Dũng (47 tuổi) sinh ra và lớn lên ở làng trồng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội). Anh gắn bó với nghiệp vớt xác hơn 30 năm nay, người dân ở đây gọi anh với cái tên trìu mến “nghĩa hiệp sông Hồng”.

Kể về công việc vớt xác, anh Dũng trầm ngâm: “Sinh ra và lớn lên ở làng đào Nhật Tân, nổi tiếng bơi lội giỏi nhất vùng. Năm tôi 13 tuổi, trong một lần chăn trâu ngoài bãi sông, tôi phát hiện hai xác chết lập lờ trên mặt nước. Tôi lao xuống sông kéo hai cái xác ấy lên bờ”.

Chờ mãi không ai đến nhận, anh Dũng đưa hai người chết về gần mộ Cô Trôi, tự đào huyệt chôn cất. Từ đó nghiệp vớt xác gắn với cuộc đời người đàn ông sống ven bãi sông Hồng này.

Anh Dũng cho hay, do không biết chữ, nên cứ mỗi lần đưa được xác người lên bờ, anh lại lấy cục gạch vạch một đường kẻ ngang lên cột nhà. Hơn 30 năm qua, anh vớt được khoảng 600 xác chết.

“Cột nhà kín chỗ, tôi mới bắt đầu đánh dấu và sổ, ngày trước bãi sông Hồng trồng ngô chứ chưa trồng đào, xác chết dạt vào đây rất nhiều. Họ chết vì tai nạn, đắm thuyền, tự tử, và cũng có rất nhiều hài nhi bé bỏng xấu số cũng theo con nước về đây…”, anh Dũng chia sẻ.

Sau này, mỗi khi trên sông có xác chết, người dân địa phương lại về nhà báo anh Dũng ra vớt lên. Có ai nhảy cầu tự tử ở đâu người ta lại nhờ đến anh Dũng đi tìm kiếm. Có khi tìm được xác người nhà nạn nhân cho cả chục triệu đồng nhưng anh không nhận.

Thời còn nghèo khó, anh Dũng chỉ quấn cho họ một manh chiếu an ủi rồi mang đi chôn. Bây giờ anh bỏ tiền túi ra mua quan tài, hương vàng để thắp cho hậu sự được chu đáo.

Những người xung quanh thấy vậy nên góp bao xi măng, xe cát, có người góp công xây tường bao quanh miếu Cô Trôi để cùng anh Dũng làm việc thiện.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Đội khám nghiệm hiện trường Công an quận Tây Hồ cho biết: “Thời gian qua nhờ anh Dũng mà rất nhiều thi thể trôi sông được tìm thấy. Anh ấy luôn sát cánh cùng chúng tôi để giúp cơ quan công an tìm được thi thể nạn nhân và khám nghiệm xác định danh tính người xấu số, nhờ anh ấy mà nhiều gia đình đã tìm thấy người thân của mình”.

Theo WTT